Cách ứng xử thông minh cho những câu hỏi khó của nhà tuyển dụng

Trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ đưa ra những câu hỏi khó để thử khả năng ứng biến của ứng viên. Hoteljob.vn xia chia sẻ một số gợi ý cách ứng xử thông minh cho những câu hỏi “làm khó” của nhà tuyển dụng.

Bạn nghĩ mình sẽ làm vị trí nào trong 5 năm nữa?

Bạn không thể biết được tương lai sẽ xảy ra như thế nào, công việc đó bạn có thể duy trì được trong bao lâu… nhưng chắc chắn là bạn phải tự đề ra một mục phấn đấu cho bản thân. Nhà tuyển dụng hỏi câu hỏi này để biết được ứng viên có phải là người cầu tiến, có mục tiêu phấn đấu hay không. Bạn có thể trả lời rằng: “Tôi đang cố gắng học hỏi và rèn luyện nhiều kỹ năng để trở thành quản lý nhà hàng trong vòng 5 năm tới. Đó là mục tiêu của tôi nhưng tất nhiên mọi việc vẫn có thể thay đổi.”

cách ứng xử thông minh cho những câu hỏi khó của nhà tuyển dụng

Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?

Thật khó để tìm ra một người hoàn hảo, vì thế mà ai cũng có điểm yếu lớn nhất. Bạn xem lại bản thân mình có những điểm yếu gì, đâu là điểm yếu lớn nhất của bạn. Bạn phải chắc rằng điểm yếu lớn nhất đấy không phải là kỹ năng cần thiết nhất của vị trí công việc đó và nên nói thêm về những nỗ lực để cải thiện điểm yếu đấy của bạn.

Tại sao bạn lại thất nghiệp lâu như vậy?

Có rất nhiều lý do khiến bạn thất nghiệp lâu như vậy: giải quyết việc gia đình, thực hiện một kế hoạch của bản thân, chưa tìm được một công việc phù hợp, tham gia một khóa huấn luyện nào đấy, muốn nghỉ ngơi một thời gian… Bạn hãy cứ nói thật nguyên nhân khiến bạn thất nghiệp nhưng hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn có sự chuẩn bị như thế nào và bạn là một sự lựa chọn phù hợp cho vị trí công việc đó.

Tại sao bạn lại muốn làm công việc này?

Câu hỏi tưởng chừng như vớ vẩn này nhưng lại là cớ để nhà tuyển dụng biết bạn suy nghĩ như thế nào về công việc này. Bạn có thể trả lời rằng: “Có cầu ắt hẳn sẽ phải có cung. Tôi nộp đơn vào vị trí này vì cảm thấy hứng thú với các hoạt động dịch vụ và tôi cũng mong muốn được học hỏi thêm nhiều điều từ môi trường làm việc năng động như thế này.”

cách ứng xử thông minh cho những câu hỏi khó của nhà tuyển dụng

Bạn có đang liên hệ với nhà tuyển dụng nào nữa không?

Đây là một câu hỏi khó cho ứng viên. Bởi vì trong môi trường tìm việc cạnh tranh như thế này, ứng viên sẽ nộp đơn ở nhiều nơi để có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Dù sự thật là bạn đang có liên hệ với một nhà tuyển dụng khác thì bạn cũng không nên nói điều này với nhà tuyển dụng đó vì sẽ khiến họ cảm thấy bạn là một ứng viên chưa thật sự quyết tâm chinh phục vị trí công việc của công ty họ. Bạn có thể lái câu trả lời sang một hướng khác: “Từ khi biết được công ty đang cần tuyển vị trí công việc này, tôi đã chuyên tâm chuẩn bị rất nhiều thứ cho buổi phỏng vấn hôm nay và tôi hy vọng được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp như thế này.” Câu trả lời của bạn không phải không trung thực mà chỉ là bạn không nói hết sự thật mà thôi.

Tại sao chúng tôi phải chọn bạn trong nhiều ứng viên ưu tú khác?

Làm sao bạn có thể biết được những ứng viên khác ưu tú hơn bạn hay không? Điều này chỉ có nhà tuyển dụng biết mà thôi. Vì thế, bạn có thể trả lời rằng: “Tôi không thể biết được những ứng viên khác có ưu tú hơn tôi hay không nhưng với tư cách là một ứng viên yêu thích vị trí công việc này tôi thấy bản thân mình có những điều kiện hoàn toàn phù hợp với yêu cầu công việc của vị trí đó.”

Sếp cũ nói gì về bạn?

Bạn có thể là một nhân viên giỏi được sếp khen nhưng cũng có thể bạn chưa hoàn thành tốt công việc nên bị sếp khiển trách. Dù như thế nào thì cách trả lời tốt nhất là: “Sếp cũ nhận xét tôi là người luôn hết mình trong công việc, dù đôi khi tôi chưa đáp ứng hết được yêu cầu công việc thì sếp luôn là người hỗ trợ, đưa ra những góp ý để tôi hoàn thành tốt công việc.”

cách ứng xử thông minh cho những câu hỏi khó của nhà tuyển dụng

Bạn sẽ công hiến được điều gì cho công ty chúng tôi?

Câu trả lời thông minh cho câu hỏi khó này là: “Thật khó để bây giờ tôi có thể trả lời rằng tôi có thể công hiến được những gì cho quý công ty. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng với những kỹ năng, kinh nghiệm mà mình có, tôi sẽ gặt hái được nhiều thành công trong công việc. Và quan trọng hơn hết là tôi mong nhận được sự hỗ trợ, hợp tác nhiệt tình từ đồng nghiệp và quản lý để tôi có thể phát huy hết được khả năng của mình.”

Ms. Smile

Cách ứng xử thông minh cho những câu hỏi khó của nhà tuyển dụng
4.9 (039 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN