“TẾT này về không Con?” và 1.0.0.1 lý do khó nói của dân ngành

Từng phát cáu vì lễ Tết phải “vắt chân lên cổ” mà chạy cho kịp phục vụ khách - rồi nghèn nghẹn ước một cái Tết muộn nhưng bất thành - và hiện tại, nhiều Hotelier chần chừ trước câu hỏi: “Tết năm nay có về không con?”

emagazine hoteljob

Ai cũng thừa biết, những người dấn thân vào nghề “làm dâu trăm họ” đều bận rộn mỗi dịp cuối tuần hay mùa cao điểm, lễ Tết. Bởi, khi ấy nhiều việc. Mỗi ngày vừa vào ca là tất bật set-up, chuẩn bị tinh thần lẫn kỹ năng chuyên môn đón khách, cuối ca thì mướt mồ hôi nán lại làm cho xong công việc mới đi chấm công. Có hôm cơm ca không rảnh để ăn, lại phải làm thêm giờ vì sắp về thì khách “ập” vào. “Chửi thề đó chứ, nhưng là chửi thầm trong tâm”.

Còn nhớ đợt Covid-19 book lịch lưu trú dài hạn, du lịch Việt từ nổi tiếng hưng thịnh bỗng “chết yểu” và “đóng băng” suốt 2 năm. Nhân sự nghề từ chỗ vỗ ngực tự tin rằng làm nghề này chẳng bao giờ lo thất nghiệp cũng chưng hửng nhận quyết định nghỉ việc vì khách sạn buộc đóng cửa để phòng, chống dịch.

Và rồi, lần đầu tiên Hotelier được ăn Tết đúng ngày thay vì uể oải thức dậy rồi lê thê vào ca, bắt đầu một ngày làm việc chẳng mấy vui.

Tết này có về không con - emagazine hoteljob

Nhưng… không phải ai cũng chấp nhận “số phận” Tết nghèo. Nhiều người vẫn chọn dịp đặc biệt này để “cày”, bằng cách này hay cách khác, làm công việc này hay công việc khác.

“Tôi từng làm xuyên Tết. Năm nào cũng vậy. Trước dịch thì khách nhiều khỏi phải nói rồi. Đông lắm luôn. Dịch đến, hàng không ngưng bay, du lịch cũng đứng im đợi, lao động làm nghề hầu như mất việc hết. Nhiều đồng nghiệp coi đó là đợt nghỉ phép dài ngày để thoải mái tận hưởng cuộc sống, được gần người thân, tám chuyện với bạn bè mà không lo mai đi làm trễ, mốt quên bấm công. Số khác lại tranh thủ thực hiện những kế hoạch riêng như sinh con, học nghề, học tiếng… Còn ai chật vật với nỗi lo cơm áo gạo tiền (như tôi) thì tất bật đi tìm công việc khác để làm tạm. Vẫn đồng ý làm luôn Tết để kiếm thêm, đồng thời tự khiến mình bận để thôi nhớ nghề. Và giờ… dịch ổn dần, khách sạn cũ hoạt động trở lại nên gọi về làm tiếp. Tôi đồng ý ngay nên Tết này lại cày tiếp nhé!” - anh Tuấn, Bellman khách sạn K. ở Đà Nẵng vừa nói vừa cười, ánh mắt hiện lên niềm lạc quan về một cái Tết “bội thu”.

emagazine hoteljob

Tết trong nhận thức của mỗi người không giống nhau. Dân Hotelier đi làm dịp Tết đấy nhưng cứ nhắc đến Tết, người vui ra mặt, kẻ lại có phần đăm chiêu. Và dù mang cảm xúc gì thì chung quy cũng cứ gọi là nghèn nghẹn trong tim, rưng rưng nơi khóe mắt.

Chị Thy, Housekeeping khách sạn T. ở Nha Trang tâm sự: “Tôi làm nghề tính đến nay đã được 7 năm. Và sắp tới sẽ là cái Tết thứ 5 được đi làm. Không như nhiều nhân viên khách sạn khác, tôi dùng từ “được” chứ không dùng từ “phải”. Bởi, đó là lựa chọn, là quyết định của tôi. Bao nhiêu năm nay vẫn vậy. Vì nhà tôi ngay trung tâm, rất gần chỗ làm, ngày đi làm, tối về vẫn có thể du xuân, tụ tập bạn bè được chứ không phải không có Tết. Do đó, tôi đăng ký đi làm mấy ngày Tết để đổi cho một vài đồng nghiệp xa quê khác, có thêm thời gian để về nhà sum vầy.”

Nhạy cảm hơn chị Thy là chị Hạnh, lễ tân khách sạn M. ở Lâm Đồng cho hay: “Mấy hôm nay Đà Lạt khách đông lắm. Mọi người hay chọn đến đây để du xuân đón tết sau một năm làm việc vất vả. Dân Hotelier vui ra mặt vì không còn cảnh nằm nhà như trước nhưng nghĩ cảnh lủi thủi một mình đi sớm về khuya, lỡ tiếp một năm không có được cảm giác đoàn viên, sum vầy lại buồn, lại tủi.”

Tết này có về không con - emagazine hoteljob

emagazine hoteljob

Làm nghề khách sạn - du lịch là hiển nhiên phải đi làm những ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, với mỗi Hotelier, mục đích hay ý định đi làm lại không phải ai cũng như ai. Điển hình nhất chính là:

emagazine hoteljob

Tại sao? - Vì đi làm ngày lễ, Tết được nhân ngày công lên gấp 3,4 lần. Không có tiền thì tính ngày phép cũng được, sau bận gì hay muốn xả stress, đi đâu chơi, đau ốm thì dùng nó để nghỉ mà vẫn được trả lương tháng đầy đủ. Chưa kể, khách hàng dường như có xu hướng tip nhiều hơn dịp này. Rồi ban lãnh đạo khách sạn, Trưởng bộ phân, Giám sát, Tổ trưởng… Ai vui và hào phóng sẽ lì xì nhân viên đầu năm.

emagazine hoteljob

Tôi vừa tốt nghiệp ngành Quản trị khách sạn sau 4 năm học đằng đẳng trên ghế nhà trường. Đây là năm đầu tiên tôi được làm nghề, cũng là Tết đầu tiên không được đi chơi hay ở nhà vui xuân như trước. Thay vì buồn, tôi cảm thấy háo hức hơn. Không biết cảm xúc đêm 30 trực quầy lễ tân và thi thoảng nghe tiếng pháo hoa nở rộ hay tiếp đón vài cặp tình nhân vào book phòng lúc nửa đêm, ngay khi năm cũ vừa hết, năm mới sang sẽ như thế nào đây?

emagazine hoteljob

Nghề khách sạn là môi trường tôi luyện nhiều đức tính tốt cho nhân sự ngành. Đạo đức nghề và tính trách nhiệm là một trong những điểm ưu. Đây cũng là lý do được nhiều dân ngành chia sẻ nhất khi vui vẻ đi làm Tết. Bởi họ hiểu được rằng, thời gian và công sức, tâm tư mình dành ra để phục vụ khách dịp đặc biệt nhất năm, khiến khách vui và hài lòng về chất lượng dịch vụ chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thành công trong công việc của họ nói riêng và của toàn ngành dịch vụ khách sạn - du lịch nói chung.

Tết này có về không con - emagazine hoteljob

emagazine hoteljob

Đi làm xa nhà, người yêu chưa có, bạn bè thân thiết không nhiều hoặc có cũng đều là dân ngành cả thì Tết lấy nơi đâu mà về, ai đâu mà đi chơi? Thế nên, lý tưởng nhất vẫn là chọn đi làm những ngày này, vừa được làm bạn với đồng nghiệp và khách, lại có thêm tiền hay ngày nghỉ dùng vào việc khác.

emagazine hoteljob

Tết với nhiều người là niềm vui, sự háo hức nhưng nhiều người khác lại là nỗi ám ảnh và áp lực chi tiêu. Nào là tiền lì xì cho em, cháu, con bạn; tiền mừng tuổi ông bà, ba mẹ, chú bác, cô dì..; rồi họp lớp, cà phê… đâu đâu cũng thấy chi tiền. Có người, chỉ trong 3 ngày Tết mà ngót nghét tiêu tận 2 tháng lương. Vì vậy, đi làm Tết chính là cái cớ chính đáng nhất để né mấy khoản chi khủng mà mới nghĩ đến thôi đã tiền đình.

emagazine hoteljob

Nói đùa nói thật về suy nghĩ về Tết thế nào thì rõ ràng, Tết là để trở về. Chỉ là thời điểm về nhà của dân ngành có khác với “người bình thường” chút ít. Có người tranh thủ về trước để ăn Tết sớm trước khi tất bật trở lại thành phố làm việc xuyên Tết do kế hoạch phân chia lịch nghỉ Tết cho nhân viên. Người cố cày xong mấy bữa Tết rồi đặt vé về sau cũng kịp du xuân. Cũng có người khác, xem Tết vô cùng thiêng liêng nên nhất quyết phải về ăn Tết cho đúng nghĩa.

“Tết là để trở về mà. Bằng cách này hay cách khác, lúc này hay lúc khác. Nhất định phải về nhà.

Khách sạn tôi làm năm nào cũng chia lịch nghỉ rất chi tiết rồi cho mọi người tự đăng ký. Nếu không trùng quá nhiều thì thông qua hết. Còn trùng thì lấy tinh thần tự nguyện, nhường nhau, không nhường thì bốc thăm.

Năm nay tôi về đúng dịp Tết nhờ khách sạn tuyển casual. Hầu hết nhân viên thâm niên trên 5 năm đều được giải quyết về sum họp gia đình. Đây cũng là đãi ngộ cảm động mà những ai gắn bó lâu năm như tôi bất ngờ đến bật khóc. Bởi không chỉ tạo điều kiện được nghỉ Tết đúng nghĩa, công đoàn còn lo cả vé máy bay, tặng quà Tết cho mọi người. Thật sự trân trọng!” - Anh Cường, Food Runner của nhà hàng X. phấn khởi chia sẻ.

Tết này có về không con - emagazine hoteljob

emagazine hoteljob

Luôn đau đáu mối lo kinh tế, anh Thanh năm nào cũng đăng ký làm Tết để trốn được khoản chi nào hay khoản đó; thời gian ngoài ca thì chạy shipper để kiếm thêm. Chưa năm nào anh ở nhà. Hỏi có buồn không - anh bảo buồn lắm chứ nhưng áp lực cơm áo gạo tiền còn đáng sợ hơn. “Tôi quê Nghệ An vào Đà Nẵng làm du lịch đến nay đã hơn 7 năm. Tết tôi vẫn đi làm thay vì về nhà. Bởi cứ nghĩ đến các khoản lì xì là phát hoảng. Thêm nữa, vé xe Tết cao lắm, thôi thì để tiền mua vé làm tiền mừng tuổi cha mẹ. Sang tháng 2,3 du lịch ít khách, khách sạn ít việc, giá vé cũng rẻ hơn về cũng được.”

Có về quê đón Tết nhưng chị Huyền vẫn buồn do về là theo chồng về quê nội vui xuân. Chị bảo lấy chồng được 6 năm là chừng đó cái Tết chị không được gần ba mẹ. Biết là lấy chồng thì phải theo chồng nhưng nghĩ tủi thân. Cha mẹ nuôi mình khôn lớn, nay tuổi về già vẫn không có cơ hội chăm sóc, phụng dưỡng. May này mất đi về thì đã muộn.

Khác với anh Thanh, chị Huyền, Bảo cùng nhóm bạn làm du lịch chọn Tết năm nay để đi du lịch, xả stress. “Khách sạn tuyển casual nên cho nhân viên đăng ký nghỉ Tết nếu có nhu cầu. Thế là tụi mình dơ tay ngay. Tuổi trẻ mà. Năm nay coi như nghỉ ngơi, năm sau làm bù. Cứ tận hưởng thanh xuân vì nó qua mau lắm”.

Tết này có về không con - emagazine hoteljob

emagazine hoteljob

Đọc qua tâm sự của từng người một trên đây, ad thấy dù cách mỗi người trải qua Tết có khác nhau nhưng ai cũng mong Tết đến. Vì họ được thỏa mãn mong ước của bản thân. Người trẻ thích không khí tươi mới, nhộn nhịp ngày Tết. Người trung niên dâng lên cảm xúc thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền. Người mang nặng nỗi lo kinh tế lại cần giá trị thực tế mà Tết mang lại (tiền nhiều)…

Bất kể lý do mong Tết, thích Tết là gì, nếu được, nên về nhà, ở bên người thân, vui đùa và trò chuyện thật nhiều, dù sáng sớm hay tối trễ. Bởi, còn ở bên nhau thêm một ngày là còn thấy nhau thêm một chút. Đừng để đến lúc chia xa rồi mới giật mình hối tiếc, rằng tại sao những năm rồi mãi bận tâm những mối lo hiển hiện khác mà quên đi nơi có cha mẹ và người thân dang rộng tay đón mình về.

Tết là để về nhà. 30 vẫn chưa phải là Tết. Về đi khi có thể nhé!​

--- Hội An, chiều 27 Tết ---

Tết này có về không con - emagazine hoteljob

 

--- Viết bài & Thiết kế: Hồng Thy ---

Hoteljob
18.01.2023

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI ĐỌC

BÌNH LUẬN BÀI ĐỌC