“Thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ Nghề Khách sạn” : Người thật - việc thật và trích ngang sự nghiệp đầy hấp dẫn

Câu chuyện thành công

Sinh ra trong một gia đình thuần nông không hề khá giả, khát khao làm giàu để đổi đời mạnh mẽ hơn ai hết. Anh Mai Tân cùng gia đình từ chỗ “ăn không dám ăn ngon, mặc không dám mặc đẹp” nay sung túc, đủ đầy với mái ấm hạnh phúc, cuộc sống nhẹ nhàng, bớt hẳn áp lực cơm áo gạo tiền. Đáng nói là, để có thể “hưởng quả ngọt” như hiện tại, anh Tân bảo một phần phải cảm ơn Nghề Khách sạn và những công việc trong ngành đã từng làm qua.

--- * - * ---

[Làm nghề - thăng tiến - có thu nhập cao ngất ngưỡng nhờ giữ các chức vụ quan trọng đến cao cấp trong nghề khách sạn không lạ. Thế nhưng, câu chuyện thành công từ anh Mai Tân (nhân vật truyền cảm hứng số này của Hoteljob.vn) có nhiều điều hay ho để dân ngành, nhất là các bạn trẻ mới vào nghề, khát khao khẳng định giá trị bản thân và vươn tới đỉnh cao phát triển trong ngành, học hỏi và lấy làm động lực]

--- * - * ---

01. #eMagazineHtj

Nhà nghèo và ước mơ làm giàu từ mẩu tin tuyển việc lương cao

“Mình là Tân, Mai Anh Tân, sinh năm 1992 tại Hà Trung, Thanh Hóa. Nơi đây vốn là vùng quê chiêm trũng, một nắng hai sương, làm lụng suốt năm không đủ ăn, nói gì đến dư dả hay làm giàu. Kỳ vọng tương lai con trẻ tươi sáng hơn nên ba mẹ mình khuyến khích chuyện học hành lắm. Để nuôi con học Đại học, hai ông bà đã phải làm 10 sào ruộng nhưng tiền thu về chỉ đủ trả tiền học. Thế nên, từ năm nhất Đại học, mình đã đi làm thêm để có tiền trang trải học phí cũng như sinh hoạt phí, giảm bớt gánh nặng trên vai cha mẹ.” - anh Tân đã giới thiệu qua về giai đoạn “cõng chữ” của mình như thế, nghe có vẻ cực nhọc và lắm áp lực trước nỗi lo kinh tế.

Rồi anh kể thêm: Nguyện vọng 1 khi thi vào ĐH của anh là ngành CNTT, ĐH Công nghệ thuộc ĐHQG Hà Nội. Nhưng rất tiếc, anh đã trượt. Không từ bỏ, anh tìm kiếm NV2 và rất tình cờ vào cuối tháng 08/2010, anh đọc được trên báo nọ một mẩu tin tuyển dụng Quản lý khách sạn phố cổ lương 20 triệu/tháng. Thời điểm đó, 20 triệu là một số tiền rất lớn. Thế nên, anh đã quyết định nộp hồ sơ vào Khoa Du lịch, Viện ĐH Mở Hà Nội (nay là Trường ĐH Mở Hà Nội).

Sau khi vào trường, học hết HK1, cũng đi làm thêm nhiều việc như: gia sư, bán vé máy bay, nhặt bóng tennis hay bán hàng đa cấp… (ngày đấy mấy món này rất phổ biến). Tuy nhiên, thấy không hiệu quả. Sau đó, được người quen giới thiệu làm Bellman (lúc đó anh cũng chưa biết là công việc gì) ở khách sạn, lương thấp nhưng có tip, thậm chí tip cao nếu may mắn. Ăn Tết xong, anh nộp hồ sơ vào khách sạn Hanoi A1 Hotel (nay đã đổi tên), rồi khách sạn Gia Bảo, hay các khách sạn khác ở khu vực phố cổ như chuỗi khách sạn Church Boutique Hà Nội etc… cũng đều may mắn được nhận vào làm và học hỏi được nhiều điều hay hay, thú vị, hữu ích.

“Nói chung, lý do anh đến với nghề có lẽ từ mẩu tin tuyển quản lý mà anh đã đọc được, rồi do cái duyên, do mong muốn thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ công việc mình làm em ạ!” - anh Tân hào hứng kể lại bước đầu vào nghề của mình khi được hỏi “Lý do gì khiến anh chọn làm nghề khách sạn?”

thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ nghề khách sạn - emagazinehtj

02. #eMagazineHtj

Chẳng cần khoe - Thành công khẳng định qua con đường sự nghiệp

Đề nghị nói tóm tắt con đường sự nghiệp của mình trong nghề khách sạn, anh Tân ngay lập tức liệt kê một tràng những chỗ làm “ngon”, vị trí “hot” từng đảm nhận:

thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ nghề khách sạn - emagazinehtj

Chia sẻ về vị trí cao nhất từng làm qua, anh bảo: Đó là Giám đốc Tiền sảnh tại Vinpearl Phú Quốc. Xếp Top1 có lẽ vì có chữ “Giám đốc” chăng? (anh cười). Lương cao nha. Hồi đó anh mới 24 tuổi mà lương gross là 41 triệu đồng/tháng. Không quá tệ đấy chứ?

Vinpearl là một môi trường “khó nhằn”, mặc dù trước đó anh đã từng làm rất nhiều khách sạn tầm cỡ. Áp lực lớn nhất chắc là đến từ chính bản thân mình. Ngày ấy, Vinpearl thay đổi, tái cơ cấu rất nhiều, hệ thống lỗi, nhân viên nghỉ 23/45 người, khách phàn nàn; cộng thêm đúng lúc vợ anh chuẩn bị sinh em bé đầu lòng (giờ bé này hơn 6 tuổi rồi). Đi làm xa nhà, áp lực từ Sếp, từ khách, từ nhân viên… thế là, sau 4 tháng, anh quyết định rời bỏ “chỗ làm ngon” trong khi nếu cố gắng thêm chút nữa, gạt bỏ cái tôi, có khi qua 2018 đã được vào danh sách đào tạo GM rồi.

“Khi đó, anh không trách mình, chưa bao giờ tự trách. Nhưng giờ nghĩ lại thì thấy rằng quyết định đấy cũng không đến nỗi, vì nếu ngày ấy không bỏ thì lại không có ngày hôm nay.”

Hay khi làm ở InterContinental Phú Quốc, vị trí này cũng thuộc hàng “đáng mơ ước” của nhiều dân ngành. Bởi, ICPQ lúc đó trang bị cho nhân viên đủ thứ, từ đồng phục đến xe cộ đi lại, từ bữa sáng đến căn hộ, từ giặt ủi đến vé về quê, đúng kiểu thiếu cái gì có cái đó… Nên sẽ có nhiều người vào làm rồi thì không đủ sức mạnh hoặc động lực để nghỉ việc, điều này cũng là chuyện dễ hiểu. Riêng anh, công việc khi ấy lương cao, vật chất đến tinh thần không thiếu thứ gì, cũng không đòi hỏi được gì thêm. Nói thật, phải rất nhiều Hoteliers mong muốn có được công việc và cuộc sống của anh thời điểm 2018.

03. #eMagazineHtj

Vui thì nhiều chứ buồn được bấy nhiêu

Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ và khó quên trong khoảng thời gian làm nghề, anh Tân cười thích thú: Ôi nhiều kỷ niệm lắm. Những 10 năm trời mà, cũng không biết chọn kỷ niệm nào để kể. Vì mỗi giai đoạn lại có những kỷ niệm riêng, nhưng nếu để mà nói “đáng nhớ nhất” thì gần đây, khi anh làm Assistant Chief Concierge tại ICPQ, là có một vị khách người Trung đi du lịch Phú Quốc, khi về thì chị khách này đi về TP. Hồ Chí Minh để trở lại Trung Quốc. Do khách dùng hộ chiếu Trung Quốc mới (loại dán visa rời, có in bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò phi pháp nên Việt Nam chúng ta không công nhận), mà chị bị quên tờ visa tại khách sạn, nên khi đến TP. HCM chị ấy không xuất cảnh được. Chỉ còn khoảng 3 tiếng nữa đến giờ bay, anh nhanh chóng báo bộ phận buồng phòng (DOHKS) tìm kiếm, sau khoảng 15 phút đã thấy tờ visa mà vị khách để lẫn trong chăn. Cái khó là chỉ còn 2h45 phút, làm sao để gửi vào TP. HCM, sân bay quốc tế cho chị ấy nhanh nhất?

Sau khi bàn bạc các giải pháp về gửi bưu điện hay chuyển phát nhanh Nasco (nhanh nhất lúc bấy giờ) đều không hiệu quả, anh lập tức gọi taxi chạy ra sân bay, tìm chuyến Vietjet đi TP. HCM mà khách đang check in, dò hỏi và xin từng khách một. Nhưng vì lý do an ninh, gần như ai cũng từ chối giúp đỡ. Đến vị khách Việt Nam trẻ tuổi xếp hàng đầu tiên thì may mắn anh ấy hiểu vấn đề và đồng ý giúp đỡ, ôi thở phào nhẹ nhõm PART 1.

Ngay khi anh khách nhận lời, anh vội vàng ríu rít cám ơn và bắt đầu kết nối liên lạc giữa 3 bên là anh, vị khách kia và anh khách đi chuyến bay của VJ. Máy bay đáp xuống TP. HCM trong thời tiết mưa nhẹ, xe bus chở hành khách vào nhà ga T1 mà không đi bằng ống lồng như thường lệ, anh trai tốt bụng chạy một mạch qua nhà ga T2 và sau khi giao tiếp khá khó khăn, chị khách thì không dùng WhatsApp, chỉ có WeChat, anh khách kia thì chỉ dùng Zalo, hai bên chỉ nhắn tin trao đổi bằng SMS, cuối cùng họ cũng gặp được nhau, thở phào nhẹ nhõm PART 2.

Về phía mình, anh liên hệ với hãng China Southern để xin delay chuyến bay lại 15 phút đợi chị xuất cảnh, đồng thời liên hệ hải quan TSN thông cảm và hỗ trợ xuất cảnh nhanh cho khách kịp chuyến bay. Khi về đến Trung Quốc chị ấy mới hoàn hồn và nhắn tin cám ơn rối rít.

“Ôi nếu kể chắc anh phải dành cả vài tuần để kể mất. Nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm.”

Ngược lại, may mắn, anh Tân bảo mình chưa gặp phải sự cố nào “to bự” đến mức có thể gây mất hình ảnh, làm xấu thương hiệu khách sạn trong lòng khách hàng và trên các nền tảng xã hội đánh giá. Anh bảo: “Ngày đấy thì mạng xã hội, nhất là Tik Tok chưa phát triển như bây giờ, Khoa Pug hồi đó còn chưa nổi tiếng mà, đến T4/2019 thì mới có vụ việc với resort Aroma ở Phan Thiết, giờ thì cả nước chắc ai cũng ít nhất nghe qua về Khoa Pug hoặc xem YouTube của bạn ấy.

Tuy nhiên, sự cố nho nhỏ thì nhiều lắm. Từ khách bị rách chân khi bơi hồ bơi, bị trượt ngã rách tai, ngủ dậy gạt tay vào ly rượu đầu giường chảy máu phải đi cấp cứu, hay là khách đi ăn ở Hội An về Đà Nẵng bị ngộ độc và nôn mửa, rồi khách “bị nhốt” ngoài ban công v.v… nhưng do các bên anh làm đều là tập đoàn lớn, họ quy định rất chặt chẽ khi xảy ra sự cố (incident) thì quy trình báo cáo và theo dõi như thế nào nên khó bị ảnh hưởng ra bên ngoài. Anh vẫn thỉnh thoảng đọc lại các báo cáo incident report như là các case study cho nhân viên.”

thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ nghề khách sạn - emagazinehtj

04. #eMagazineHtj

Quyết tâm đầu tư mạnh để có CV đẹp - dễ thăng tiến

Không hài lòng với vị trí đang có trong nghề, anh Tân từng chọn hướng đi du học, làm thực tập sinh ngành quản lý khách sạn để tìm kiếm thêm cơ hội hoàn thiện kỹ năng và phát triển sự nghiệp. Đây cũng chính là điểm khác biệt, không giống với nhiều “anh cả”, “chị lớn” từng được Hoteljob lên bài chia sẻ câu chuyện thành công. Thế nên, tư duy và định hướng nghề nghiệp của anh ít nhiều ảnh hưởng từ môi trường làm việc phương Tây: năng động, nhiệt huyết, dám thử thách, sẵn sàng nhận trách nhiệm…

Anh kể, thời điểm anh làm ở JW Marriott Hanoi là tháng 9/2013. Lúc đó, sau 3 phòng phỏng vấn, anh được nhận làm Bellman. Con đường thăng tiến cho vị trí này thông thường là: Bellman => Bell Captain / Concierge => Chief Concierge. Tuy nhiên, thú thực là anh làm ở đó được gần 1 năm nhưng cơ hội chưa tới, anh apply cho vị trí Management Trainee ngành khách sạn qua một công ty môi giới tại Hà Lan.

“Thời điểm đó có nhiều đơn vị môi giới bảo trợ tại Việt Nam nhưng giá dịch vụ cao hơn nhiều nên anh nộp qua công ty này vừa tiết kiệm được tiền, lại còn được trả góp phí chương trình theo tháng. Với hy vọng sẽ tiến nhanh hơn, mạnh hơn nhờ CV từ Mỹ về, anh quyết tâm đầu tư tiền bạc và thời gian vào con đường này.”

Đầu tiên là đi học IELTS. Thời điểm đó, không có quá nhiều người học IELTS trong lớp hay ở trường, anh đi thi vào tháng 6/2013 và đạt 6.0 Academic, tổng học phí 30 triệu đồng. Sau đó là kinh nghiệm làm việc và cách trả lời phỏng vấn, anh cũng may mắn nhận được nhiều sự trợ giúp từ các anh chị có background ở Mỹ tại JW Marriott nên quá trình phỏng vấn cũng nhẹ nhàng đi phần nào.

Về tài chính, anh đã thông báo cho gia đình hay về khả năng đi thực tập có lương (chứ không dám nói đi làm) tại Mỹ từ năm 2011, chi phí ước tính lúc đó khoảng 150 triệu đồng. Và dù có báo trước 2-3 năm gia đình anh cũng rất khó xoay xở được ngần ấy tiền một lúc. Nhưng vì anh nộp hồ sơ qua bên Hà Lan nên chi phí trước chuyến đi chỉ khoảng 65 triệu đồng, số tiền còn lại được trả góp trong suốt thời gian đi thực tập. Vậy là sau khoảng 2 tháng tìm kiếm công việc phù hợp, vượt qua các vòng phỏng vấn của Cty bảo trợ và của khách sạn tại Mỹ, anh lên đường qua Mỹ vào tháng 9/2014…

Tuy nhiên, khi được hỏi, phải chăng quyết định du học - làm thực tập sinh ở nước ngoài là để làm đẹp CV, kỳ vọng tiềm năng xin việc dễ - chức vụ cao - lương hấp dẫn và dĩ nhiên là dễ thăng tiến sau khi về nước - anh cười bảo ngày trước thì chắc là đúng, bản thân anh cũng từng nghĩ và đặt kỳ vọng như thế, nhưng ở hiện tại thì đã không còn quá chính xác nữa. Thực tế đã chứng minh.

Thời cách đây chục năm, đi du học hoặc đi làm ở nước ngoài về thì hồ sơ sẽ rất được ưu tiên. Như bản thân anh, lúc ở Việt Nam chỉ làm Bellman, khi về nước anh được lên Supervisor ngay lập tức. Quá trình đó nếu ở trong nước chắc phải mất 1-2 năm tại khách sạn nhỏ và lâu hơn ở các khách sạn lớn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thời đại của mạng xã hội và công nghệ, học tập và làm việc ở đâu không quá quan trọng, đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy rằng rất nhiều công việc trên thế giới đều có thể làm online, và chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh thì một bạn nhỏ ở bản trên Tây Bắc, Hà Giang hay Kiên Giang, Cà Mau có thể tiếp cận những kiến thức ở Havard. Bản thân anh hiện tại, trong công ty cũng có bạn học ở Mỹ, Phần Lan, Anh, Úc về, tuy nhiên, lý do anh tuyển các bạn ấy không phải vì nơi các bạn ấy học, mà vì năng lực làm việc và cách ứng xử của các bạn ấy trong môi trường công sở. Anh biết nhiều bạn ở New York hoặc San Francisco hay Los Angeles từ 6-8 năm, nhưng tiếng Anh rất tệ và kỹ năng thì không bằng một bạn học ở Việt Nam. Điều đó hoàn toàn bình thường. Có điều, nếu em đã học ở Việt Nam, mà còn không chịu khó rèn luyện, va chạm, trau dồi kỹ năng thì chắc chắn em sẽ không thể cạnh tranh nổi với các bạn được học tập ở môi trường nước ngoài. Kiến thức nhân loại là chung, cái họ khác mình là môi trường học tập và thái độ làm việc...

thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ nghề khách sạn - emagazinehtj

05. #eMagazineHtj

Tài sản lớn nhất không chỉ là Tiền…

Dù không tiện chia sẻ nhưng anh Tân có bật mí về mức thu nhập hiện tại của mình vào khoảng 9 con số. Wow, đáng mơ ước của nhiều bạn trẻ có ý định dấn thân và đặt mục tiêu thăng tiến trong nghề đúng không?

Anh bảo: đến thời điểm này, thành đã có, bại cũng không ít. Nhưng cái được lớn nhất của cá nhân anh chính là dám vượt qua vùng an toàn, dám làm chủ bản thân và là chủ bản thân. Chưa kể, tiền bạc nói cho cùng cũng chỉ là vật ngoài thân, nó không phải là tài sản lớn nhất. Thú thật, động lực to khủng khiếp phải kể đến là vợ anh. Nếu như chị ấy không tạo áp lực và động viên anh kịp thời, thường xuyên, đủ mạnh… thì có lẽ, anh cũng đã không dám vượt qua vòng an toàn mà tiếp tục làm những công việc cũ để rồi bỏ lỡ ước mơ thật sự của mình.

“Nhiều người không biết rằng vợ anh có ảnh hưởng lớn đến cách làm việc của anh, mặc dù cô ấy không trực tiếp tham gia quản lý nhưng lại có cái nhìn rất sắc sảo về nhân sự cũng như chiến lược. Nhờ vậy, các quyết định anh đưa ra trở nên đúng đắn và hiệu quả hơn, vì lúc nào cũng có thêm một “quân sư” tư vấn, hỗ trợ. Thế mới nói các cụ dạy “của chồng, công vợ” muôn đời không sai…”

thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ nghề khách sạn - emagazinehtj

06. #eMagazineHtj

Thẳng thắn đánh giá và nhìn nhận để thấy sai mà sửa, thấy chưa phù hợp mà cải thiện

Từng có cơ hội thực tập và làm việc tại môi trường quốc tế lẫn trong nước, khi được hỏi: đánh giá của anh thế nào về môi trường làm việc trong nghề khách sạn ở nước ngoài và tại Việt Nam? Trong nước, mạnh - yếu của kinh doanh và thu hút khách là gì (theo ý kiến của anh)? - anh Mai Tân thẳng thắn chia sẻ:

Ở đâu cũng có ưu điểm, nhược điểm riêng em ạ. Ở Việt Nam, do tính cộng đồng cao, nên ưu điểm của môi trường làm việc là mọi người rất đoàn kết, coi nhau như gia đình, hết giờ làm là có thể tụ tập ở quán nhậu hoặc cafe hay thậm chí thỉnh thoảng tự tổ chức outing mà không cần sự tập hợp của công ty. Nhưng đó cũng chính là nhược điểm, bên mình hay có tính nói xấu, gièm pha, chơi theo nhóm, làm việc nhóm thì lại rất khó. Rất tị nạnh nhưng khi khó khăn hoặc có kẻ thù chung thì lại đoàn kết hết sức. Đặc biệt là rất dễ trễ hạn deadline. Ở Mỹ thì khó mà có chuyện đó, họ làm việc cá nhân, và rất chuyên nghiệp. Tuy làm việc độc lập nhưng công việc nhóm và ý kiến riêng sẽ rất được tôn trọng. Sẽ rất ít khi thấy họ tám chuyện trong giờ. Hoặc khó mà mời họ đi chơi, nhất là sau khi em đã kết thúc công việc ở một chỗ nào đó. Hơn nữa, ở Mỹ thì như mọi người đã biết, có sự phân biệt nhất định với người da màu và châu Á, nếu bạn không nổi bật thì chắc chắn sẽ bị thụt lùi. Cá nhân anh thì thích môi trường làm việc ở nước ngoài hơn do họ tập trung vào hiệu quả công việc, còn sau giờ làm việc thì tùy, ai muốn đi chơi riêng thì đi, không thì thôi.

Còn về ý kiến thu hút khách du lịch, cái yếu đi, chứ cái mạnh chắc ai cũng nhìn thấy như là cảnh quan, giá cả, con người thân thiện v.v…, thì cái yếu của mình có mấy vấn đề cá nhân anh nhận thấy, và dưới đây là quan điểm cá nhân của anh, không đại diện cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác:

Thứ nhất, về chương trình du lịch, các tour của mình khá sơ sài, không khai thác được thế mạnh địa phương, đang còn tập trung vào các tour mua sắm nhằm lấy hoa hồng cho tài xế, lái xe hoặc công ty du lịch. Các chương trình du lịch mạo hiểm hay thuần khám phá thì giá lại cao hoặc chưa khai thác được đúng thị trường. Hiện nay chỉ có tour đi hang Sơn Đoòng là đắt tiền mà đông khách đăng ký. 

Thứ hai, về sự liên kết điểm đến, ai đến du lịch miền Bắc thì khó mà vào miền Trung, hoặc đã đi Huế, Đà Nẵng, Hội An thì chắc sẽ không lên Tây Nguyên. Liên kết điểm đến phải theo nhu cầu hoặc thị hiếu của khách, chứ không phải tiện đường hoặc tiện chuyến. 

Thứ ba, về cơ sở vật chất, để tìm được một nơi tổ chức sự kiện tầm cỡ như ITB Berlin hoặc MBS Singapore thì quả thật rất khó. Anh đã từng mời một tổ chức du lịch rất lớn đến Việt Nam để tổ chức hội nghị thường niên, nhưng giá vé máy bay khứ hồi, giá phòng khách sạn ở Việt Nam ngang ngửa thế giới, 150-250$/đêm, trong khi dịch vụ kém hơn, quy mô sự kiện nhỏ hơn, dẫn đến nhóm này vẫn lựa chọn Bangkok, Singapore, hay Bali làm điểm đến của họ.

Thứ tư, về chính sách visa, mặc dù gần đây chúng ta đã giảm được phí visa và tăng số quốc gia miễn thị thực, so với các quốc gia láng giềng, du lịch inbound của Việt Nam vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn do khách có nhiều lựa chọn tốt hơn và rẻ hơn. 

Thứ năm, về phương tiện vận chuyển, tuy chúng ta có các đường bay thẳng đi Úc, Châu Âu và Mỹ, nhưng lượng khách chưa đạt như kỳ vọng. Đường bay đến và đi Trung Quốc chưa tăng trưởng lại như trước Covid, khách Trung Quốc đang không đến Việt Nam nhiều như trước dịch. Số lượng đường bay từ Mỹ, châu Âu rất hạn chế, chỉ có 1 tuyến SFO-SGN và CDG, LHR, FRA đến Việt Nam dẫn đến giá vé rất cao. Cũng chặng từ LHR - SGN nếu bay thẳng thì giá tầm 48 triệu đồng khứ hồi, trong khi nối chuyến 1 điểm tại DXB hoặc Thẩm Quyến hay Hong Kong thì giá vé khứ hồi chỉ từ 23-38 triệu đồng. Khách còn phải nối chuyến nhiều và chi phí cũng như thời gian di chuyển là một trong nhiều yếu tố quyết định đến việc lựa chọn điểm đến…

Hỏi thêm về nhận định “Tiếng Anh có quan trọng khi làm nghề và thăng tiến trong nghề?”- quan điểm của anh có phần khác biệt, thực tế và định hướng đúng đắn hơn, mang đến kỳ vọng phát triển sự nghiệp cho cả những bạn trẻ dù quyết tâm nhưng chưa mấy giỏi:

“Tiếng Anh rất quan trọng, nó là ngoại ngữ hoặc ngôn ngữ mẹ đẻ của hàng tỷ người trên thế giới. Nó giúp em giao tiếp dễ dàng hơn, trên cả giao tiếp, nó giúp em và khách hàng thấu hiểu nhau về văn hoá vì ngôn ngữ là một thành tố ko thể thiếu được của văn hoá.

Tuy nhiên, tiếng Anh, rất tiếc, chưa bao giờ là yếu tố quyết định. 3/4 cán bộ quản lý của cty anh đều có trình độ tiếng Anh trung bình đến khá. Mục đích của ngôn ngữ là để giao tiếp và truyền thông điệp giữa hai hay nhiều bên. Nếu ngoại ngữ của em ở mức 10/10 thì quá tốt, nhưng nếu chỉ ở mức độ giao tiếp thì cũng không sao, vì còn các yếu tố khác quan trọng ngang, hoặc hơn nó như sự chân thành, thái độ khi giao tiếp, các hình thức thể hiện thông điệp khác như hình, video, chữ…

Ngoại ngữ giống như cái cần câu, cần càng dài thì khả năng câu cá xa bờ càng tốt. Nhưng vung xa cần mà không có kỹ thuật câu thì cũng ko thể có cá to. Một bạn không có tiếng Anh thì vẫn có thể phục vụ khách Việt Nam tốt mà. Còn nếu có tiếng Anh tốt thì khả năng em được thăng tiến hoặc làm các vị trí quan trọng sẽ cao hơn. Hãy nhớ rằng tiếng Anh chỉ là yếu tố quan trọng, không phải yếu tố quyết định. Thái độ lao động và kỹ năng lao động mới là yếu tố quyết định.”

07. #eMagazineHtj

Dạy 1 đứa trẻ đã khó, đằng này lại là dạy người lớn, 1 nhóm người lớn thì khó càng thêm khó

Cái áp lực của người quản lý có tâm không chỉ là đem quyền hạn ra để chỉ-tay-5-ngón sau khi giao việc cho nhân viên mà phải làm sao truyền được “lửa” cho cấp dưới, để họ vì tình yêu và trách nhiệm với nghề mà làm việc hết mình, tận tâm và chân thành phục vụ khách.

Vậy đào tạo và truyền lửa cho nhân viên có khó không?

“Khó chứ. Cực kỳ khó. Ngay như trẻ con ở nhà mình cũng vậy. Dạy 1 đứa trẻ đã khó rồi, đằng này lại là dạ người lớn, một nhóm người lớn trong khi ai cũng có kiến thức, trình độ và nhân cách nhất định.

Như ông Galieo đã nói: “You cannot teach a man anything, you can only help him find it within himself”, nghĩa là bạn không thể dạy người khác, bạn chỉ giúp họ tự khám phá ra mà thôi. Trong nhóm người này, có người thích học bằng hình ảnh, có người lại thích học bằng video hoặc âm thanh, cũng có bạn lại thích nghe kể chuyện, làm thế nào để dạy được cho người lớn là cả một vấn đề.

Nhưng phương pháp giảng dạy chỉ là thứ yếu, cái quan trọng là truyền lửa, bản thân người nhân viên phải hiểu được vì sao cần phải học. Nếu không hiểu được, tức là không được truyền lửa đúng cách, thì họ đi học cho hết giờ, hoặc học để lấy cái chứng chỉ về đăng Facebook, thế cũng xong. 

Trong cuốn START WITH WHY, tác giả Simon Sinek viết, “Great companies don't hire skilled people and motivate them, they hire already motivated people and inspire them. People are either motivated or they are not. Unless you give motivated people something to believe in, something bigger than their job to work toward, they will motivate themselves to find a new job and you’ll be stuck with whoever’s left.” Như vậy, việc truyền cảm hứng là việc của người sếp, nhưng động lực lại là cái gì đó sẵn có trong mỗi nhân viên được nghe “giảng dạy”.. Là người sếp, người lãnh đạo, anh phải hiểu được điều này để chọn lựa và truyền lửa, truyền cảm hứng đúng cách. Giống như công việc của một bạn lễ tân không phải chỉ là check in, check-out hay thu tiền khách, công việc của lễ tân là tạo nên kỳ nghỉ đáng nhớ nhất cho khách hàng. 

Đối với anh thì việc anh làm hàng ngày là giữ lửa bằng những câu chuyện sinh động của cá nhân mình. Mình phải làm gương, nêu gương, và phải luôn nêu gương. Mình đi muộn được thì nhân viên đi muộn được, mình hút thuốc được thì họ cũng hút thuốc và mình hư hỏng thì cũng đừng trông chờ nhân viên ngoan ngoãn, bản thân mình không học tập thì chắc chắn nhân viên chỉ có chơi. Lấy mình làm gương rồi, lúc đó thì truyền gì thì truyền, nói họ mới nghe, và phải nói dễ nghe, dễ hiểu, từ vựng phải phổ thông nhất và đơn giản nhất, tránh dùng từ khó, từ cao siêu, cấu trúc câu phức tạp. Và nghe rồi thì mới làm, họ hiểu họ học vì cái gì, vì sao họ phải học, họ sẽ tự giác mà không cần ai phải nhắc nhở, từ đây các chương trình đào tạo trở nên vô cùng ý nghĩa, vì khó khăn lắm mới truyền và giữ lửa được, nhưng nếu chương trình đào tạo mà chán thì học viên sẽ nghỉ ngay. Trước khi đào tạo, thì người đào tạo phải vô cùng thấu hiểu học viên của mình, có thể bằng survey ngắn hoặc thông qua phần warm up giới thiệu để xem bạn thuộc nhóm nào, từ đó người đào tạo mới có định hướng đúng đắn rằng sẽ truyền tải nội dung bằng phương pháp phù hợp. 

Một thắc mắc mà nhiều nhà quản lý hỏi là: Có nên thuê giảng viên ngoài hay không? Có nhé, tùy kỹ năng giảng dạy. Bên anh đã thuê giảng viên ngoài về, họ phỏng vấn công ty và tìm hiểu rất kỹ, trải nghiệm dịch vụ xong, làm đủ các bước rồi mới vào đào tạo, rất chuyên nghiệp và hiệu quả. Nếu công ty có sẵn bộ phận đào tạo thì các bước trên xin mời TP đào tạo phụ trách, còn không có thì thuê ngoài cũng là giải pháp tuyệt vời.”

thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ nghề khách sạn - emagazinehtj

Mượn lời truyền cảm hứng, cũng là cách tạo động lực phát triển trong sự nghiệp của anh Tân cho dân ngành để kết bài:

“Anh  không biết các bạn đang khó gì, vì sao cần phải tạo động lực. Nhưng lấy cá nhân anh làm ví dụ: từ một cậu bellman, đến giờ nhiều người vẫn nghĩ anh đang làm bellman, có lẽ do thời gian làm bell quá lâu chăng - trải qua một thập kỷ gắn bó với nghề, anh từng bước đi lên và nắm giữ các chức vụ quan trọng trong khách sạn, với những vị trí thật sự đáng mơ ước; còn bây giờ anh đã trở thành ông chủ của thương hiệu xe đưa đón sân bay và thuê chuyến hàng đầu khu vực, MyTravelThru, có mặt trên 500 thành phố lớn nhỏ.

Làm việc ở vị trí nào không quan trọng, quan trọng là mình đã làm việc với bao nhiêu % sức lực và trí tuệ, đã nỗ lực như thế nào tại vị trí ấy.

Ở tuổi 30, anh nghĩ đơn giản thế này, ai cũng có cho mình một ước mơ, hãy bước ra khỏi vùng an toàn của mình và thực hiện bằng được ước mơ đó. Nếu ai đó có ước mơ mà chưa dám thực hiện, đến gặp anh, anh ở Đà Nẵng, anh có đủ mối quan hệ để giúp em đạt được điều đó, với điều kiện ý tưởng phải đủ thuyết phục nhé. Nếu chưa được thì anh sẽ đầu tư 20$ mua sản phẩm đầu tiên của em. Một câu mà anh rất thích trong cuốn START WITH WHY, các em nên tìm đọc cuốn này, “Innovation is not born from the dream, innovation is born from the struggle.” ./.

--- * - * ---

Viết bài & Thiết kế: ​_Thy.

Hoteljob
04.01.2024

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI ĐỌC

BÌNH LUẬN BÀI ĐỌC