Cô Thư ký bếp trở thành Director of Sales & Marketing khách sạn 5 sao và chuyện “phái đoàn Triều Tiên” - giờ mới kể [Câu chuyện cảm hứng - 06]

“Ok, em yêu!” - không dưới 10 lần người viết nhận được lời đáp này trong suốt quá trình trò chuyện với một người Chị thú vị. Nó không mang nghĩa “yêu” như ta thường nghĩ. Mà là cách thức giao tiếp thể hiện tính thông minh xã hội và sự khéo léo của người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm sales khách sạn, khiến mọi vấn đề trao đổi đều trở nên vô-cùng-dễ-chịu. Chị ấy chính là Nguyễn Thị Châu Dung - Director of Sales & Marketing, Khách sạn Melia Hanoi.

-*-*-*-*-*-

Cô Thư ký bếp trở thành Director of Sales & Marketing khách sạn 5 sao và chuyện “phái đoàn Triều Tiên” - giờ mới kể

Người ta thường bảo: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Phương châm này được chị Châu Dung vận dụng thường xuyên trong hành trình “chân ướt chân ráo” vào nghề khách sạn…

Chị Dung vốn là sinh viên K26 - Khoa Tiếng Anh trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội). Ấp ủ mơ ước trở thành cô giáo nên vừa đi học chị vừa nhiệt tình tham gia dạy ở các trung tâm ngoại ngữ buổi tối, kèm thêm tiếng Anh tại nhà cho học sinh cấp 1, cấp 2. Sau khi ra trường, chị may mắn được nhận vào giảng dạy bộ môn tiếng Anh trường Đại học Quản trị kinh doanh. Ước mơ bao ngày đã hiện thực hóa. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn - cơ duyên đến bất ngờ khiến chị “quay ngoắt sang nghề khách sạn dù không theo học chuyên ngành”.

Nghề khách sạn gọi tên và chị Dung trả lời. Vị trí đầu tiên chị đảm nhận là Thư ký kiêm phiên dịch cho Bếp trưởng của khách sạn Horison (nay là Pullman Hà Nội). Nói về giai đoạn mới vào nghề, chị tóm gọn trong 4 chữ: “vô cùng khó khăn”.

Chỉ có ngoại ngữ làm vốn trong khi chưa biết gì về nghề nên mọi thứ với chị đều mới mẻ, phải xây từ “nền móng”. “Hồi học đại học ở nhà không phải làm nhiều việc nên khi đi làm phiên dịch chả biết dịch như thế nào. Đến tiếng Việt hỏi phần này của con lợn hoặc con bò gọi là gì mình cũng không biết chứ nói gì dịch sang tiếng Anh.”

“Sau khi được nhận vào, hàng ngày đi làm về mình với mẹ đi chợ, mẹ hướng dẫn đâu là thịt ba chỉ, đâu là thịt thăn, đâu là thịt vai - rồi các loại rau củ quả, gia vị… Nói thật sau 2 tháng làm Thư ký bếp mình sút đi 5 cân, còn vất vả hơn cả thi đại học í.”

Cô Thư ký bếp trở thành Director of Sales & Marketing khách sạn 5 sao và chuyện “phái đoàn Triều Tiên” - giờ mới kể

Ở nhà có mẹ trợ giúp, đến khách sạn có đồng nghiệp trong bếp giúp đỡ, cho nên dần dần chị cũng quen việc. Thêm vào đó, “Sếp đầu tiên của mình tên là Mario Machetto - người Ý. Ông ấy rất tốt tính, luôn giúp đỡ nhân viên và tạo điều kiện cho mình học thêm vi tính, tiếng anh để có thể làm tốt công việc thư ký văn phòng.”

Mức lương khởi điểm của chị Dung ở Horison là 120 USD. “Hồi đó mình không quá quan trọng về lương, luôn nghĩ Horison chính là trường đào tạo mà không phải trả học phí nên mức lương như thế nào thì mình cũng rất vui khi đi làm.”

Sau một năm rưỡi làm Thư ký bếp, chị được cất nhắc lên vị trí Thư ký phòng kinh doanh tiệc - “đây là bước chuyển quan trọng trong nghề nghiệp sau này của mình”.

Cô Thư ký bếp trở thành Director of Sales & Marketing khách sạn 5 sao và chuyện “phái đoàn Triều Tiên” - giờ mới kể


Cô Thư ký bếp trở thành Director of Sales & Marketing khách sạn 5 sao và chuyện “phái đoàn Triều Tiên” - giờ mới kể

Sau khoảng thời gian trải nghiệm công việc Thư ký bộ phận kinh doanh tiệc, từ số vốn liếng “lận lưng”, chị Dung muốn thử thách mình ở vị trí sales. Thời điểm đó, thấy khách sạn Melia Hà Nội đang tuyển vị trí sales phụ trách bộ phận tiệc, chị nộp đơn sang và may mắn được tuyển vào làm việc.

Với Melia những năm đầu mở cửa, banquet là bộ phận lớn nhất khách sạn, doanh thu tiệc còn nhiều hơn cả doanh thu phòng. “Thực sự mình rất yêu, nói đúng hơn là đam mê công việc sales này, làm từ sáng sớm đến tối khuya.” Sau 1 năm làm Banquet Sales Executive - chị Dung thăng cấp lên Banquet Sales Manager. Và sau ba năm thì giữ vị trí Director of Banquet Sales.

Cô Thư ký bếp trở thành Director of Sales & Marketing khách sạn 5 sao và chuyện “phái đoàn Triều Tiên” - giờ mới kể

Bắt đầu năm 2007, chị được giao phụ trách thêm mảng phòng ở và đảm nhận vị trí Assistant Director of Sales. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ cùng tinh thần cầu tiến, từ năm 2010 - chị trở thành Director of Sales. Từ năm 2017 cho tới hiện giờ, chị Nguyễn Thị Châu Dung là Director of Sales & Marketing (Giám đốc kinh doanh & Tiếp thị) - khách sạn Melia Hanoi.

Như vậy, tính đến năm 2020, người chị sinh năm 1974 này đã có hơn 20 năm theo nghề sales khách sạn. Và điều đặc biệt là chị chỉ gắn bó duy nhất “mái nhà” Melia - từ ngày chập chững làm sales cho tới khi trở thành người đứng đầu bộ phận mang trọng trách quyết định doanh thu khách sạn 5 sao. 

Nhìn về hành trình thăng tiến đó, có lẽ nên cải biên câu thành ngữ quen thuộc thành: Một “nơi” cho chín, còn hơn 9 “nơi”. Chính nhờ cơ may từ đầu đã làm việc trong môi trường chuyên nghiệp cộng với tính thủy chung vốn có của con gái Hà Nam nên “quả ngọt” cứ tự nhiên mà đến…

“Vì rất thích slogan tập đoàn Melia là Passion for service (Đam mê dịch vụ)” nên chị Dung luôn quan niệm “làm gì cũng tốt, quan trọng phải đam mê thì chắc chắn sẽ có được những thành công nhất định.”

Cô Thư ký bếp trở thành Director of Sales & Marketing khách sạn 5 sao và chuyện “phái đoàn Triều Tiên” - giờ mới kể


Cô Thư ký bếp trở thành Director of Sales & Marketing khách sạn 5 sao và chuyện “phái đoàn Triều Tiên” - giờ mới kể

Thời điểm cuối tháng 2/2019, Khách sạn Melia Hà Nội chính là nơi phái đoàn Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Un chọn làm nơi lưu trú trong những ngày đến Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Đó vừa là niềm tự hào - đồng thời là trọng trách lớn lao của “người được chọn”. 

“Dù gặp đoàn tiền trạm Triều Tiên 3 lần nhưng khi gặp vẫn chưa biết họ chọn khách sạn nào. 3 ngày trước khi họ vào, khách sạn mới nhận tin chính thức và có chừng đó thời gian để chuẩn bị đón tiếp.” Trong rất nhiều khách sạn 5 sao khác ở Hà Nội, lý do quan trọng nhất khiến Melia là cái tên duy nhất không bị phía Triều Tiên gạch đi vì an ninh đảm bảo tuyệt đối và có kinh nghiệm phục vụ nhiều đoàn cấp cao.

Quá trình phục vụ sự kiện đặc biệt này có khá nhiều tình huống bất ngờ xảy ra. Sáng 26/02/2019 - chỉ vài phút sau khi đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Kim Jong Un đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và vài tiếng trước khi Trung tâm báo chí Nhà trắng chính thức hoạt động - hàng trăm phóng viên Mỹ buộc phải thu dọn toàn bộ hành lý - trang thiết bị tác nghiệp rời khách sạn Melia.

“Khi phía Mỹ thông báo họ sẽ chuyển toàn bộ trang thiết bị đi, bên mình hoàn toàn bất ngờ, tuy nhiên Giám đốc đã yêu cầu nhân viên phụ giúp phóng viên Mỹ chuyển các thùng to ra ô tô đỗ bên ngoài để di chuyển sang khu vực mới. Khách sạn cũng chịu tổn thất về việc này, nhưng phía Melia hoàn toàn hiểu yêu cầu đoàn Mỹ và chỉ tập trung hỗ trợ khách.”

Một tình huống khác, 23h30 tối ngày 28/02/2019, phía Triều Tiên bất ngờ tổ chức họp báo. “Thực ra khách sạn chỉ nhận thông tin 30 phút trước khi cuộc họp báo diễn ra. Về phía khách sạn, ban lãnh đạo cũng như toàn bộ nhân viên đều hiểu được tính chất bảo mật và mức độ gấp gáp của đoàn Triều Tiên nên luôn có đường dây nóng 24/24 phục vụ các yêu cầu.”

Cô Thư ký bếp trở thành Director of Sales & Marketing khách sạn 5 sao và chuyện “phái đoàn Triều Tiên” - giờ mới kể

Phần đông sẽ nghĩ rằng đây là những phát sinh bất ngờ dễ khiến “đơn vị đăng cai” lúng túng. Thế nhưng mỗi thông tin chị Châu Dung chia sẻ, ta đều nhận thấy phong thái bình tĩnh khi ứng phó với từng diễn biến của đội ngũ nhân sự khách sạn Melia Hà Nội.

Sự chuyên nghiệp đó còn thể hiện ở chuyện - “mỗi khi đoàn VIP đi ra hoặc đi vào, an ninh Triều Tiên yêu cầu không một khách lưu trú hoặc nhân viên khách sạn nào được sử dụng thang máy. Phía khách sạn đã thông báo cho khách, nếu khách đó dự định check-out trong ngày thì cần phải xuống sảnh trước ít nhất 30 phút so với thời gian dự tính. Tuy nhiên, có một số khách không xuống theo hướng dẫn và nhân viên bộ phận lễ tân phải bê vali xuống bằng đường thang bộ. Bạn cứ tưởng tượng cảnh bê 1 vali khoảng 23 cân từ tầng 15 xuống dưới tầng trệt. Phục vụ khách kịp thời là trên hết nên các bạn nhân viên mệt cũng không hề kêu ca phàn nàn”.

Mặc dù khách sạn đã đón tiếp rất nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cao cấp khi đến thăm - làm việc tại Hà Nội, thế nhưng cảm nhận của Director of Sales & Marketing khách sạn Melia về phái đoàn Triều Tiên là rất đặc biệt. Vì họ yêu cầu an ninh rất cao, rất gấp và thay đổi liên tục. Do vậy, “ban lãnh đạo cùng toàn thể nhân viên luôn thay phiên túc trực để đáp ứng tất cả những yêu cầu. Trước khi về nước, chủ tịch Kim Jong-Un nói với ông Pantoja, Tổng giám đốc khách sạn rằng: Tôi và đoàn rất hài lòng về phong cách đón tiếp, dịch vụ khách sạn Melia, chúng tôi sẽ tiếp tục ở tại khách sạn các ông nếu có dịp quay lại thăm Hà Nội.” Một phản hồi như thế chẳng khác nào chứng nhận “điểm 10” cho chất lượng dịch vụ.

​ Cô Thư ký bếp trở thành Director of Sales & Marketing khách sạn 5 sao và chuyện “phái đoàn Triều Tiên” - giờ mới kể


Cô Thư ký bếp trở thành Director of Sales & Marketing khách sạn 5 sao và chuyện “phái đoàn Triều Tiên” - giờ mới kể

Giới nghề khách sạn tương truyền lời đùa: nếu phụ nữ nắm vị trí Giám Đốc kinh doanh của các khách sạn 5 sao thì luôn kèm hai khả năng - Single hoặc là Single Mom. Có nghĩa công việc này rất vất vả và áp lực. Chị Dung lại nằm trong số ít trường hợp ngoại lệ khi có một gia đình hạnh phúc cùng chồng và các con. “May là ông xã thông cảm và ủng hộ nên mình mới có thể toàn tâm toàn ý cho công việc.”

Nhiều năm kinh nghiệm làm Nhà quản lý, với chị Dung “làm ra làm - chơi ra chơi. Công việc thì mình khắt khe, còn khi chơi sẽ hết mình với team. Và thái độ rất quan trọng. Mình luôn nghĩ sếp phải là tấm gương cho nhân viên - work as a sample. Luôn đặt mình vào vị trí cấp dưới, để có thể hiểu các em hơn.”

Vì biết “Nghề khách sạn là nghề vất vả, mọi người đến khách sạn thì luôn nói công việc ở đây thích thế - ăn ngon mặc đẹp - đi đây đi đó nhưng tất cả chỉ là bề nổi, thực ra phía sau còn rất nhiều áp lực.” Nên xác định để thăng tiến, chị Dung luôn nghĩ rằng chính thái độ “làm việc chăm chỉ, trách nhiệm với những việc mình làm cộng thêm chút khéo léo (sales mà) - không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ thành công.”

Cô Thư ký bếp trở thành Director of Sales & Marketing khách sạn 5 sao và chuyện “phái đoàn Triều Tiên” - giờ mới kể

Ở độ tuổi U20x2, giờ chị Châu Dung đã giữ một chức vụ cao trong nghề, có gia đình nhỏ yên ấm để yêu thương và hội bạn thân tâm đầu ý hợp khi rảnh thì cùng tụ họp ăn uống, rủ nhau đi du lịch chung. “Gia tài” mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng ao ước...

-*-*-*-*-*-

Dịp 8/3 năm nay, Hoteljob.vn chia sẻ cùng cộng đồng câu chuyện thành công của một nữ nhân sự ngành là dân ngoại đạo. Chị ấy dùng ngành học chuyên môn làm công cụ đắc lực để tiến thân với nghề đã chọn mình. Câu chuyện này đồng thời như thông điệp truyền cảm hứng gửi đến các nhân sự nữ nghề khách sạn: dù học chuyên ngành hay không thì vẫn có cơ hội rộng mở cho sự nghiệp thành công - biết là nhiều thử thách nhưng quan trọng bạn sẽ đầu tư bao nhiêu tâm sức vào đó...

Chúc nhân sự nghề nói chung và chị em nói riêng sẽ có được sự nghiệp như ý, gia đình hạnh phúc và luôn trẻ trung - xinh đẹp như chị Châu Dung nhé!

Happy Women’s Day!

Viết bài: Xanh Berin

Thiết kế: Đức Cường

Hoteljob
07.03.2020

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI ĐỌC

BÌNH LUẬN BÀI ĐỌC