Đặc điểm văn hóa Ấn Độ: nghe để hiểu rõ và chấp nhận để phục vụ tốt hơn

Thói quen ăn bốc, thích ăn siêu cay, rất hay mặc cả… là những “điểm trừ” trong mắt nhân sự ngành về du khách Ấn Độ, từ đó mà có lối suy nghĩ châm biếm hay thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Ấy thế mà, nhiều hoteliers hẳn sẽ ngộ ra nhiều điều về văn hóa Ấn và bắt đầu chấp nhận những hành vi khó chịu thay vì đăng đàn than thở hay chê bai như trước…

Được đánh giá là 1 trong những đất nước có người dân đi du lịch nước ngoài cao nhất những năm qua; Ấn Độ cũng là thị trường chiến lược, tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 – nên vì thế, các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong ngành du lịch đang tập trung tìm giải pháp thu hút thị trường khách “béo bở” này.

Tuy nhiên, khá nhiều rào cản đang diễn ra khiến kỳ vọng hút khách Ấn cao nhưng thực tế mang lại không mấy tương xứng. Trong khi Việt Nam được xếp vào Top những điểm đến quốc tế hấp dẫn với du khách Ấn Độ nhưng con số tổng kết 6 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Việt chỉ đón tiếp và phục vụ khoảng 141.000 lượt khách (theo Cục Du lịch Quốc gia) trong khi các thị trường lân cận trong khu vực ĐNÁ như Thái Lan, Malaysia hay Singapore lại đạt mức >1 triệu lượt. Vấn đề nằm ở đâu? Rào cản ở đây là gì? Làm gì để vượt qua rào cản đó?... Tất cả sẽ được chuyên gia là diễn giả Tiến sĩ Tôn Sinh Thành, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, Giảng viên Học viện Ngoại giao, giải đáp chi tiết trong buổi Tập huấn Đặc điểm và Tiềm năng thị trường khách du lịch Ấn Độ vừa diễn ra sáng 16/10 tại Hội An, được tổ chức bởi Hoteljob (nền tảng trực tuyến việc làm khách sạn - nhà hàng & du lịch số 1 Việt Nam) cùng Phòng VH-TT TP phối hợp thực hiện. Tham dự buổi tập huấn có gần 200 người, là đại diện của hơn 50 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn, cùng hàng nghìn nhân sự nghề theo dõi online qua fanpage Nghề Khách Sạn khiến không khí trở nên sôi nỗi và trực quan hơn bao giờ hết.

Xem lại buổi Tập huấn Đặc điểm và Tiềm năng thị trường khách Ấn Độ

đặc điểm và tiềm năng thị trường khách ấn độ - emagazinehtj

Qua đây, nhiều thắc mắc về đặc trưng văn hóa khách Ấn được giải đáp; những khó chịu trước nay phần nào được hiểu rõ, hiểu cặn kẽ để chấp nhận và vui vẻ phục vụ chuẩn tác phong dân ngành. Cùng Ms. Smile điểm lại những nội dung quan trọng và hữu ích nhất về đặc điểm và tiềm năng thị trường khách Ấn Độ - rào cản văn hóa hiện tại và gợi ý để vượt qua rào cản văn hóa đó…

đặc điểm và tiềm năng thị trường khách ấn độ - emagazinehtj

Tháng 4/2023, Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, với 1,4 tỷ người, gấp 14 lần dân số Việt Nam. Một đất nước đa dân tộc, đa ngôn ngữ (có đến 600 dân tộc là chừng đó ngôn ngữ khác nhau) vì thế mà vô cùng đa dạng các nền văn hóa khác nhau; việc hiểu hay hiểu hết về người Ấn và văn hóa Ấn thật sự rất khó. “Người Ấn chưa chắc đã hiểu được người Ấn. Dân tại các khu vực khác nhau trên đất Ấn có nền văn hóa khác nhau, bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác nữa để hình thành nên nhiều đặc điểm văn hóa đặc trưng, khác biệt. Đất nước rộng lớn này thậm chí có thể chia làm 3 "nước" nhỏ, đại diện cho 3 nền văn hóa khác nhau. Một nước rất nghèo – Một nước rất giàu – và một nước đang lên, chỉ tầng lớp trung lưu…” - TS. Tôn Sinh Thành nhận định.

đặc điểm và tiềm năng thị trường khách ấn độ - emagazinehtj

Lại nói về đất nước Ấn Độ rộng lớn với nền văn hóa đa dạng, khó hiểu. Văn hóa Ấn Độ là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Nổi bật nhất là:

+ Văn hóa giàu ngữ cảnh: đề cao tập thể; thụ động; coi trọng thứ bậc, mối quan hệ; quyết định theo cảm xúc, trọng thể diện

+ Văn hóa nghèo ngữ cảnh (ảnh hưởng của Tây Âu): coi trọng cá nhân độc lập; đề cao kết quả công việc; hành động bằng lý trí…

+ Văn hóa trọng danh dự: nói rất nhiều; mang cảm xúc ngờ vực; rất linh hoạt về thời gian; phản ứng mạnh khi bị xúc phạm; làm nhiều việc cùng một lúc…

Ngoài ra, người Ấn đề cao giá trị và niềm tin cộng đồng, thể hiện qua:

+ Tin vào luật nhân quả, luân hồi, chấp nhận sự đa dạng giữa các nền văn hóa khác biệt, với mọi tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau (chẳng hạn: trong một bàn tiệc đa văn hóa, khách Ấn không ăn thịt bò nhưng vẫn chấp nhận người bên cạnh ăn thịt bò. Hay thậm chí ở Ấn, các tín ngưỡng, tôn giáo tồn tại bên cạnh nhau mà không hề xảy ra xung đột…)

+ Tính tập thể, coi trọng cộng đồng và gia đình (giống người Việt)

+ Tuân thủ thứ bậc, đẳng cấp, tuổi tác; coi trọng và tuân thủ nghiêm các quy tắc tôn giáo, pháp luật

+ Ăn chay, không sát sinh (động vật lẫn một số thực vật mọc tự nhiên), thờ động vật (bò, lợn)

Trong phong tục, tập quán, người Ấn đa phần thường:

+ Thích vui vẻ, luôn muốn làm hài lòng mọi người nên thường không bao giờ từ chối ai điều gì

+ Nói rất nhiều, có thể bàn tới bàn lui 1 chuyện có khi chả đi tới kết luận gì nhưng vẫn rôm rả hàng tiếng liền

+ Mặc cả rất kỹ, coi mặc cả là niềm vui, là lẽ tất yếu trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày; thậm chí quán xá dán giá lên rồi vẫn mặc cả được

+ Sống theo kiểu có qua có lại, rất sòng phẳng, không muốn nợ ai điều gì. Hôm nay bạn cho họ thứ gì, mai họ sẽ tìm cách trả lại thứ tương tự như thế

+ Khái niệm về thời gian rất tệ: đi rất muộn, dậy muộn, ăn uống cũng muộn. Với người Ấn, chuyện gì cũng cứ từ từ mà suy xét và xử lý, không việc gì phải vội cả

+ Bảo thủ trong suy nghĩ lẫn hành động, đặc biệt là về vấn đề tình dục; luôn cho mình là đúng, là nhất

+ Trong giao tiếp, nam - nữ không nên đứng quá gần hay tiếp xúc, đụng chạm gần gũi. Hay dùng cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp. Ngoài ra, cũng cần lưu ý những hành vi cấm kị như không dùng tay trái để bắt hay chạm tay chào/phục vụ người khác. Người Ấn quan niệm, tay trái là tay bẩn, chỉ dùng để đi vệ sinh nên khi đưa tay trái ra là hành động bất lịch sự, coi thường người khác. Rồi không sờ đỉnh đầu và sờ tai người khác, kể cả trẻ nhỏ. Hay không hướng lòng bàn chân về những nơi linh thiêng, hoặc thậm chí là hướng vào người khác vì nó được cho là bẩn nhất trên cơ thể con người…

+ Ngôn ngữ: người Ấn đa văn hóa nên 1 người thường nói được từ 2 ngôn ngữ trở lên. Những ai chỉ nói được “tiếng mẹ đẻ” thường ít có điều kiện và nhu cầu đi du lịch. Vì thế dân ngành không cần quá lo lắng chuyện phục vụ khách Ấn mà không nói được tiếng Hindi

+ Trang phục: người Ấn mặc đa dạng theo vùng miền. Nhìn chung, phụ nữ mặc Saree tránh hở hang, nam giới mặc Kurta

+ Ẩm thực Ấn cũng đa dạng theo vùng miền (miền Bắc ẩm thực Hồi giáo, miền Nam ăn chay, phía Đông Bắc ăn gạo như người Việt). Người Ấn đa số ăn rất cay và nhiều gia vị. Với họ, món ăn được luộc thì nghĩa là chưa làm gì cả, cũng không có gia vị gì trong đó nên họ không ăn, ít nhất phải được xào… Họ cũng thích ăn thức ăn dạng nhão và sệt hơn... Chuyện ăn cay theo họ là để cân bằng nhiệt (bên ngoài nóng thì bên trong cũng phải nóng). Tất cả nguyên liệu, kể cả rau củ quả đều phải được nghiền rát và trộn lại (như rau sống của Việt Nam họ không ăn được). Còn ăn chay là một biểu tượng của tâm linh, như một hình thức bảo vệ và tôn kính sự sống.

Mùi đồ ăn Ấn nồng, đặc trưng, dễ nhận biết và cũng dễ gây khó chịu cho người ăn kiểu thanh đạm hay đến từ các quốc gia có nền ẩm thực khác. Thế nhưng, lại nói đặc điểm này thuộc về văn hóa nên cần được tôn trọng. Chưa kể, cũng nên đặt lên bàn cân xem mùi Ấn có đáng sợ bằng mùi mắm tôm/ nước mắm của Việt Nam trong cảm nhận của khách châu Âu không, trong khi người Việt luôn tự hào về nước mắm như là 1 "di sản"?

Thói quen ăn bốc đặc trưng, cũng là văn hóa mặc dù có thể ăn bằng thìa, dĩa được. Họ không coi đó là hành động kém văn minh. Kể cả giới siêu giàu người Ấn cũng thích ăn bốc. Với họ, dùng tay để bốc thức ăn sẽ cảm nhận được độ ngon của món ăn, nhiệt độ món ăn; ăn bốc cũng sẽ giúp người ăn ăn từ từ, từ đó việc tiêu hóa tốt hơn, cảm nhận món ăn cũng ngon hơn. Có thể bạn không biết hoặc không nhìn thấy nhưng người Ấn rửa tay rất sạch trước và sau khi ăn.

đặc điểm và tiềm năng thị trường khách ấn độ - emagazinehtj

Một số món ăn nổi bật của ẩm thực Ấn:

Món ăn nhẹ

Món chính

Món tráng miệng

+ Chai - Trà sữa nóng Ấn Độ, dùng bất cứ lúc nào (sáng-trưa-chiều-tối), cho mọi đối tượng, tầng lớp

+ Các loại bánh có hình tam giác/tròn có nhân khoai tây/ đậu

 

+ Bánh mì kiểu Ấn: trắng (Naan); đen (Chapati) + món Đan (nước sốt làm bằng đậu)

+ Gà rán Tandorri: không tẩm bột, chỉ ướp gia vị rồi nướng trong lò bằng đất

+ Cari: thịt, cá hay bất cứ thứ gì tẩm gia vị vào rồi nấu nhuyễn sệt

+ Kebab, biryani

+ Bánh ngọt: đậu và sữa

+ Gulab jamun: bột chiên ngâm xiro

+ Rasgulla: viên phô mai xốp ngâm xiro

+ Kulfi: kem từ sữa đặc và đỗ xanh

 

Khách Ấn Độ trước nay có xu hướng du lịch sang các nước thuộc khu vực châu Âu thay vì châu Á. Những năm gần đây, khu vực ĐNÁ đang dần trở thành điểm đến mới ưa thích của du khách Ấn (thu hút khoảng 4-5 triệu lượt mỗi năm). Tuy nhiên, họ chọn Thái Lan, Malaysia, Singapore chứ chưa mấy mặn mà đến Việt Nam. Chính vì mới chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ, thêm nữa nước ta được đánh giá là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn khách Ấn từ năm 2023 nên cơ hội mở rộng thị trường siêu tiềm năng này còn rất lớn. Câu chuyện quan trọng nhất lúc này là phải xử lý tốt các vấn đề khác biệt về văn hóa, thấu hiểu để chấp nhận và bước qua rào cản văn hóa, tìm cách đồng bộ hóa văn hóa để tìm “tiếng nói chung”.

đặc điểm và tiềm năng thị trường khách ấn độ - emagazinehtj

Từ những thông tin về đặc điểm văn hóa Ấn Độ trên đây, rõ ràng, văn hóa Ấn - Việt không giống nhau nhưng không phải không có nét tương đồng. Nổi bật là văn hóa giàu ngữ cảnh hay như trong phong tục, tập quán; rồi giá trị và niềm tin, tôn giáo, tín ngưỡng… Chưa nói đến vị trí địa lý gần gũi khi cùng thuộc trong khu vực châu Á, đã có đường bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam tần suất >60 chuyến/tuần. Rồi sở thích nghỉ dưỡng biển hay thăm thú các danh thắng, di tích lịch sử…. cũng là những thế mạnh cộng dồn giúp Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng để thu hút khách Ấn đến nhiều hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Rằng thực tế đón khách Ấn hiện chưa đạt được kỳ vọng. Lý do phần nhiều xuất phát từ những rào cản văn hóa hiện hữu cùng lối suy nghĩ cực đoan, bảo thủ của đại bộ phận nhân viên phục vụ khi tỏ ra khó chịu trước những đặc điểm văn hóa, thói quen, hành vi được cho là “không lịch sự”, “không đẹp”, “không sạch sẽ”, “không văn minh” của khách Ấn.

Giải quyết vấn đề này thế nào? Làm sao để vượt rào cản văn hóa?

Thông thường, có 2 cách giải quyết từ suy nghĩ của mỗi người:

+ Một là giải thích, hiểu văn hóa của nước khác từ hiểu biết, góc độ, quan điểm, tiêu chuẩn của mình – gọi là Chủ nghĩa vi chủng văn hóa. Cách này dễ dẫn đến coi văn hóa của nước mình là nhất và cho rằng văn hóa của nước khác là không chấp nhận được, hành vi của người dân nước khác là không phù hợp, từ đó tìm cách thay đổi nó. [Đa phần nhân sự ngành du lịch Việt đang theo hướng này]

+ Hai là giải thích, hiểu văn hóa của nước khác bằng chính tiêu chuẩn, giá trị của họ - gọi là Chủ nghĩa tương đối văn hóa. Khi đó, người đối diện sẽ đứng trên suy nghĩ và văn hóa của nước khác để hiểu và chịu đựng, chấp nhận sự khác biệt và chọn thích ứng chứ không tìm cách thay đổi; họ cũng cố gắng tìm ra điểm chung để đồng bộ hóa văn hóa, thu hẹp khoảng cách, tạo sự thân quen và thái độ thiện cảm.

Nghĩa là, cách để “vượt rào cản văn hóa” chính là tìm ra sự tương đồng trong văn hóa để đồng bộ hóa văn hóa.

Vậy, thế nào là “đồng bộ hóa văn hóa”? – Là nếu như bạn hiểu văn hóa của họ và đồng bộ hóa được bằng cách hành động giống họ, nói được ngôn ngữ của họ, mặc trang phục như họ, nấu và ăn được món ăn của họ… sẽ mang lại hiệu quả rất cao về việc gây thiện cảm. Vì khi thấy ai giống mình thì đa số đều cảm thấy gần gũi và sẽ rất thân thiện.

đặc điểm và tiềm năng thị trường khách ấn độ - emagazinehtj

Áp vào khách du lịch Ấn Độ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có thể tham khảo một số gợi ý (tips) hữu ích sau:

- Câu đầu tiên khi gặp khách Ấn là lời chào bằng tiếng Hindi chuẩn: “Namaste” hoặc “Namaskar”… Nhân viên nói được ngôn ngữ Hindi càng tốt

- Người Ấn nhìn chung dễ gần, dễ chịu, giỏi đàm phán và ngoại giao. Đặc biệt, vì không muốn làm phật lòng người khác nên họ gần như không nói không trong bất cứ trường hợp nào. Do đó, phục vụ khách Ấn nhân viên đôi khi phải tự hiểu, tự đoán

- Nếu họ nói “có thể” / “để tôi xem” / “tôi sẽ cố gắng”… thì đừng nghĩ vậy là vậy. Nó mang nghĩa “không” hoặc từ chối khéo điều gì thì đúng hơn; im lặng cũng là “không” còn đồng ý thì sẽ đồng ý ngay lập tức

- Đầu tư cho nhân viên phục vụ trực tiếp khách Ấn, điển hình như lễ tân hay phục vụ nhà hàng mặc trang phục nam - nữ giống người Ấn

- Khách Ấn coi trọng tập thể, cộng đồng, đề cao gia đình nên thường đi du lịch cũng đi theo đoàn, gia đình cùng nhau đi nghỉ dưỡng. Vì thế, họ thường sẽ đợi con cái nghỉ hè hay đàn ông nghỉ phép rồi sẽ cùng đi. Hãy tìm hiểu xem các kì nghỉ liên quan của nhóm khách này vào khoảng nào để lên kế hoạch thu hút và phục vụ

- Với những khách Ấn theo kiểu văn hóa trọng danh dự, khi phục vụ mà gặp khách lằn nhằn thì cứ đưa quy định ra, họ sẽ không cãi được. Hay tư tưởng khinh thường người phục vụ, coi đối tượng này thuộc cấp thấp, phải nghe lời, không được cãi cọ thì cứ lấy cớ làm theo chỉ đạo của cấp trên là êm ngay

- Người Ấn nhạy cảm với chuyện giữ thể diện, trọng danh dự, địa vị; vì thế tránh nói chuyện thất bại khi giao tiếp, chỉ nói chuyện vui, thành công; khen nhiều vào ai mà không thích

- Sức chi trả của khách Ấn rất cao, họ thoải mái chi nếu cảm thấy ấn tượng và kỳ vọng vào chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp. Điển hình, giới siêu giàu nước Ấn dành cả gia sản để tỏ chức đám cưới cho con (có đám cưới tổ chức tại Việt Nam đã tiêu tốn hết 60 triệu đô), bao toàn bộ chuyến bay, khách sạn cho khách mời - hay tổ chức các chuyến nghỉ dưỡng, tiệc chiêu đãi, du lịch kết hợp công việc cho nhân viên doanh nghiệp... Khách sạn nên tập trung và tìm cách thu hút và phục vụ tốt những đối tượng khách như thế này. Nếu may mắn "trúng" được 1 đám thì coi như "ăn đủ"

- Chuyện hay trễ giờ theo kế hoạch, hãy linh hoạt tính toán để đưa ra khoảng thời gian trừ hao phù hợp. Giả dụ bữa tiệc diễn ra vào lúc 9h thì cứ mời/báo thời gian thành 8h hay 8h30 để đến 9h họ có mặc là vừa

- Trong 1 đoàn khách Ấn, khi phục vụ cần lưu ý thứ tự phải là: trưởng đoàn - đàn ông… phụ nữ và trẻ em sẽ là cuối cùng

- Về vấn đề mặc cả, vì họ thích thế nên cứ khéo léo nâng giá lên một chút nhưng không đến mức “chém” sẽ bị phản tác dụng. Như thế họ trả giá xuống thấp tí là vui vẻ bán được “hàng” rồi. Nếu không giảm được giá thì chuyển qua tặng quà… cứ cân đối chi phí bán với tiền lời để khiến khách cảm thấy họ có vẻ hời, từ đó hài lòng là được

- Nếu có ý tặng quà cho khách Ấn, không tặng đồ dùng bằng da. Gói quà thì nên chọn 1 loại giấy màu, không gói bằng giấy trắng hoặc đen

- …

Từ A đến Z Cẩm nang phục vụ khách Ấn: Biến tiềm năng thành "mỏ vàng" siêu khủng!

Tóm lại, cần hiểu đúng và hiểu rõ đặc điểm văn hóa của Ấn Độ để tìm ra điểm tương đồng rồi đồng bộ hóa văn hóa, thấu hiểu và thông cảm, chấp nhận các hành vi khó chịu của họ; để họ thấy được ở trong tập thể cùng cộng đồng, rằng mình đang cố gắng hòa nhập với văn hóa của họ thì ngay lập tức họ sẽ thoải mái và có thiện cảm lớn, chuyện giao tiếp hay sử dụng dịch vụ, mua sắm, tiêu sài từ đó mà cũng hào phóng và mạnh tay hơn.

đặc điểm và tiềm năng thị trường khách ấn độ - emagazinehtj

Phải thừa nhận rằng, người Việt phần đa bảo thủ, cả trong suy nghĩ lẫn hành vi. Trong nhiều việc, họ luôn cho mình là đúng, mình là nhất còn hành động hay lời nói của người khác là không phù hợp, cần thay đổi theo mong muốn của họ. Phục vụ khách Ấn Độ cũng vậy.

Một nhân viên thuộc cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP đã hỏi “Khi bọn em tiếp xúc với khách Ấn Độ thì thấy họ xử sự khá là bất nhã, thiếu lịch sự. Giả dụ vào hỏi một điều gì đó nhưng không đầu, không đuôi rồi bỏ đi mà không có một lời cảm ơn hay như thế nào, trong khi văn hóa người Việt vốn quen được “xin lỗi/cảm ơn” ngay đầu câu chuyện. Điều đó tạo nên một cú sốc văn hóa đối với người đối diện. Vậy làm thế nào để tránh được cảm xúc tiêu cực khi tiếp xúc và phục vụ họ để mình có thiện cảm hơn?”

Trả lời câu hỏi này, TS. Tôn Sinh Thành nói: “Văn hóa phân biệt đẳng cấp của người Ấn rất rõ ràng. Với họ, nhân viên phục vụ là cấp thấp, chỉ nghe và tuân lệnh, không cãi cọ, không phản ứng, không đòi hỏi. Giờ mình giận họ, mình muốn thay đổi họ thì thứ nhất là không đủ thời gian, mà cũng không thể thay đổi được, vì đó thuộc về đặc điểm và tiêu chuẩn văn hóa rồi. Vì thế, nếu không ảnh hưởng gì đến mình thì kệ thôi.

Tuy nhiên, tôi tin rằng, đấy không phải là truyền thống và phổ biến, người Ấn cũng có người này người kia. Nên chấp nhận, chứ tìm cách thay đổi dễ gây ra xung đột…”

Lấy ví dụ cụ thể như thế để thấy rằng, muốn thu hút và giữ chân khách Ấn đến với Việt Nam nhiều hơn trong tương lai, trước hết và cơ bản nhất cần cải thiện trí tuệ văn hóa trong nhận thức của cộng đồng nhân sự nghề. Bởi đây là “trụ cột” của ngành du lịch, những cá nhân tiếp xúc trực tiếp với khách Ấn, cho thấy thái độ và tác phong khi phục vụ họ. Hãy giải thích văn hóa Ấn bằng tiêu chuẩn Ấn, thông cảm và chấp nhận hành vi có thể gây khó chịu của họ, thích ứng, lắng nghe, tôn trọng, coi văn hóa các nước là bình đẳng…

đặc điểm và tiềm năng thị trường khách ấn độ - emagazinehtj

Xin nhấn mạnh thêm một lần nữa, rằng đặc điểm của mọi nền văn hóa là bền vững và "bảo thủ" nên nếu cứ cố gắng thay đổi nó theo mong muốn, mong đợi của mình là điều không thể, ngược lại chỉ làm cho khoảng cách ngày càng rộng ra. Những khó chịu và không thể chấp nhận của khách Ấn trong suy nghĩ và tư tưởng của nhân sự ngành cho đến hiện tại cơ bản đều thuộc về tiêu chuẩn văn hóa của họ. Nên nếu muốn thu hút khách Ấn, khiến họ hài lòng mà vui vẻ nghỉ dưỡng và "mua" sản phẩm, dịch vụ du lịch - rồi vì được thỏa mãn nhu cầu mà quay trở lại và giới thiệu thêm bạn bè, người thân của họ đến thì chỉ có cách thấu hiểu để thông cảm, chấp nhận để khai thác hiệu quả hơn.

Nếu cứ khư khư giữ cái nhìn hà khắc và cho rằng văn hóa Ấn dị biệt thì du lịch Việt sẽ không bao giờ hút được lượng khách Ấn như kỳ vọng, với tiềm năng và cơ hội rất lớn như hiện tại.

đặc điểm và tiềm năng thị trường khách ấn độ - emagazinehtj

Điều đáng mừng là, sau buổi Tập huấn Đặc điểm và Tiềm năng thị trường khách Ấn Độ, đã có nhiều doanh nghiệp, cá nhân nhắn tin cám ơn BTC và mong muốn tiếp tục có được những buổi nói chuyện sâu về Ấn độ cũng như một số thị trường tiềm năng khác trong tương lai gần. Về thực tế nhận thức, một bộ phận dân ngành (tham dự trực tiếp và xem online) “ngộ” ra nhiều điều về văn hóa Ấn, về những đặc điểm, tiêu chuẩn văn hóa đặc trưng đã “ăn vào máu” của họ, là thói quen, sở thích của họ nên rất khó, thậm chí không thể thay đổi. Vì thế, muốn có khách và giữ khách, chỉ còn một cách là thay đổi nhận thức và ý thức, thấu hiểu và chấp nhận những điểm khác biệt để tận tâm phục vụ. Cũng nên hy vọng rằng, điều gì đến từ trái tim sẽ chạm được đến trái tim. Rằng khách Ấn ngày càng dễ thương và chịu chơi, chịu chi như bao thị trường khách tiềm năng, “béo bở” của du lịch Việt từ trước đến nay.

Mượn một bình luận phía dưới bài đăng về sự thành công của buổi Tập huấn từ một người tham gia, cũng là một nhân sự ngành nêu lên cảm nhận cá nhân sau gần 4 tiếng đồng hồ nghe để hiểu về đặc điểm văn hóa và tiềm năng thị trường khách du lịch Ấn Độ để kết lại bài chia sẻ hôm nay: "Làm việc với khách Ấn cứ hay mặc cả em cũng khó chịu lắm nhưng giờ nghe được buổi nói chuyện đã hiểu vì sao. Thực sự buổi nói chuyện đã cho em biết thêm nhiều điều về khách Ấn và văn hóa Ấn Độ mà từ trước đến giờ chưa biết tìm hiểu ở đâu." - theo anh Đ.V.Tuấn ./.


Trong buổi tập huấn, tiến sỹ Tôn Sỹ Thành cùng đại diện phòng Văn hóa thông tin Hội An cũng đã dành thời gian trả lời nhiều câu hỏi được đặt ra cho mình:

1. Hiện nay đối với du khách Ấn Độ, điểm đến Việt Nam có sức hấp dẫn như thế nào? Liệu có làn sóng khách DL Ấn Độ đến Việt Nam trong tương lai gần?

=> Nhu cầu đi du lịch nước ngoài của khách Ấn Độ ngày càng tăng bởi kinh tế Ấn Độ đang phát triển tốt, số người giàu - trung lưu tăng lên trong khi đó những địa điểm nghỉ dưỡng nội địa hiện không nhiều. Vì thế họ tìm kiếm những điểm đến bên ngoài để thỏa mãn. 

 Việt Nam và Ấn Độ được đánh giá có sự gần gũi về văn hóa. Hơn nữa, vì đã từng đi nhiều những điểm đến tại Thái Lan, Singapore, Malaysia thì rõ ràng họ sẽ thích tìm kiếm điểm mới lạ. Và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đáp ứng được điều đó. Chưa kể, việc bắt đầu mở cửa với khách Ấn khi liên tục hợp tác khai trương các đường bay thẳng Ấn Độ - Việt Nam như thế, thì nếu như không phải “làn sóng” thì cũng sẽ tăng lượng đón gấp 2-3 lần là đơn giản.

 Ngoài ra, cũng cần tính đến chuyện khả năng tiếp nhận và phục vụ của chúng ta có đáp ứng được hay không nếu trở thành “làn sóng” thật.

2. Khách Ấn Độ có xu hướng thích du lịch ở những thành phố nào tại Việt Nam? Họ thích loại hình DL nào? Khám phá thiên nhiên/ Văn hóa/ Nghỉ dưỡng/ Ẩm thực/ Mua sắm….?

=> Trả lời câu hỏi này khá khó vì Ấn Độ đông dân trong khi mỗi người thích mỗi kiểu. Nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa - lịch sử, mua sắm… đều là những loại hình du lịch được yêu thích. Tuy nhiên, xét từ đặc điểm văn hóa vừa trình bày thì du lịch nghỉ dưỡng, cụ thể là du lịch nghỉ dưỡng biển cực kỳ được ưa chuộng.

 Miền Trung Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng để hút khách Ấn.

3.  Làm sao để làm hài lòng nhất khách Ấn Độ?

=> Là đồng bộ hóa văn hóa, làm thế nào để mình trở thành người cùng cộng đồng với họ. Còn không thì ít ra cũng phải hiểu rõ nguồn gốc văn hóa, thông cảm để chấp nhận và bỏ qua các hành vi khó chịu.

4. Đặc tính, sở thích của du khách hạng sang (cao cấp) Ấn Độ? (trong bối cảnh phân hóa giầu nghèo rất cao của XH Ấn Độ)

=> Khách hạng sang Ấn Độ thường là những gia đình giàu bị ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Một khi đã làm họ hài lòng thì họ sẽ chi rất nhiều tiền (như ví dụ tổ chức đám cưới cho con).

5. Du khách Ấn Độ có tiềm năng khai thác loại hình Du lịch chơi Golf không?

=> Quá tốt. Khách Ấn thích loại hình du lịch golf. Hầu như thành phố nào tại Ấn cũng có sân golf. Vì vậy, khai thác loại hình này sẽ khá tiềm năng.

 Tuy nhiên, điểm trừ là giá vào sân golf tại VN quá đắt, trong khi giá bán phòng khách sạn lại khá rẻ. Vậy sao không giảm giá sân, tăng giá phòng lên thì doanh thu tổng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí có thể tăng cao.

6. Hội An có phải là điểm đến hấp dẫn với khách Du lịch Ấn Độ không khi mà văn hóa Ấn Độ cũng có bề dầy rất lớn?

=> Hội An hay miền Trung của Việt Nam nhìn chung có rất nhiều điểm tương đồng với văn hóa Ấn Độ. Riêng ẩm thực và nghỉ dưỡng có thể chiều lòng nhu cầu của khách Ấn hơn so với miền Bắc. Ngoài ra còn có các di sản, di tích, công trình kiến trúc cổ cũng hấp dẫn khách Ấn nhất định.

7. Giữa Hội An và Đà Nẵng, thành phố nào sẽ hấp dẫn du khách Ấn Độ hơn?

=> Cá nhân tôi nghĩ Hội An hơn. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì Đà Nẵng nhiều tiềm năng hấp dẫn hơn. Do đó, Hội An cần xây dựng thêm các sản phẩm, dịch vụ liên quan phù hợp với sở thích, nhu cầu của khách Ấn, đặc biệt là mua sắm.

8. Tình hình Ấn Độ hiện nay an toàn cho khách Việt Nam hay không?

=> Với tư cách là người có thời gian sống tại Ấn Độ tương đối lâu, tôi đánh giá là an toàn để đi du lịch.

 Nhiều người Việt tìm kiếm thông tin Ấn Độ qua các kênh thông tin truyền thông. Tuy nhiên, những sự việc nghe trên báo, do báo Ấn đưa lên chưa hẳn đúng hoàn toàn của sự thật. Bởi Ấn Độ theo kiểu báo chí tự do, họ ưu tiên những tin giật gân, tiêu cực, càng tio với mục đích vạch ra cái xấu, gây sức ép để chính phủ phải hành động. Do đó, vô tình làm xấu đi hình ảnh du lịch của Ấn Độ trong mắt du khách quốc tế. 

 Ngoài ra, nếu chia Ấn Độ ra làm nhiều "nước" nhỏ thì có thể 1 nước lúc nào cũng có chuyện, còn 8-9 nước kia rất ít khi xảy ra vấn đề tiêu cực. Bởi bản tính người Ấn ngại va chạm, không thích xô xát, sợ làm phật lòng người khác...

Câu hỏi cho phía thành phố Hội An

(được trả lời bởi bà Phạm Thị Ngọc Dung - Phó Trưởng phòng VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN Tp Hội An)

1. Xúc tiến thương mại du lịch Ấn Độ bền chắc chúng ta có những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn thì TP.Hội An cần làm gì?

=> - Thứ nhất: tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Quảng Nam, miền Trung đến với Ấn Độ

 - Thứ hai: làm tốt chính mình, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội của thành phố; tiếp tục đề án “nhân tình thuần hậu” để khi mà khách Ấn đến họ cảm thấy tình người của đất Hội An, từ đó mang lại hiệu quả quảng bá truyền miệng vô cùng tốt.

 - Thứ ba: tổ chức các hoạt động, sự kiện để tiếp tục quảng bá đến du khách khi họ đến VN song song với việc đi đến Ấn Độ để quảng bá các sự kiện của VN.

 Ngoài ra, sau buổi Tập huấn này, các tổ chức hay cá nhân phần nào cũng hiểu được đặc điểm văn hóa, tâm lý, nhu cầu của khách Ấn – vì vậy, sẽ biết cách làm thế nào để phục vụ họ tốt hơn.  

2. Đón tiếp lượng lớn du khách Ấn Độ liệu có dẫn đến ảnh hưởng tới nguồn khách Âu, Mỹ truyền thống của Hội An như đã từng với khách châu Á khác không?

=> Bài học lớn cho Du lịch Hội An sau dịch là không lệ thuộc vào bất kỳ một thị trường khách quốc tế nào cả. Tuy nhiên, thị trường Âu-Mỹ vẫn luôn là 2 thị trường mong muốn thu hút của mọi khu vực, bao gồm Hội An. Thế nhưng không vì thế mà Hội An sợ xung đột văn hóa mà e ngại chuyện thu hút thêm các thị trường tiềm năng khác, như Ấn Độ, 1 thị trường du lịch cực lớn.

3. Hạ tầng hiện có của Hội An như khách sạn, nhà hàng, quán ăn, cửa hàng mua sắm… có phù hợp với du khách Ấn Độ không? Hội An làm gì để chủ động đón nguồn khách này?

=> Xin khẳng định rằng hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật (CSVCKT) chuyên ngành của Hội An chưa đảm bảo để đón được khách Ấn Độ. Tuy nhiên, không phải chưa đón được thì không thể phục vụ được khách. Bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội An đã đón và phục vụ khoảng 20.000 lượt khách lưu trú Ấn Độ, đứng vị thứ 10 trong cơ cấu khách quốc tế đến Hội An. Như vậy, thị trường mới xuất hiện nhưng đã lọt top 10 rồi nên tiềm năng thu hút và khả năng phục vụ là hoàn toàn có.

 Hạ tầng chưa đảm bảo thì ngay từ bây giờ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch nếu định hướng thu hút và phục vụ khách Ấn Độ thì tự hoàn thiện CSVCKT, bồi dưỡng, đào tạo thêm chất lượng đội ngũ nhân viên để phục vụ khách Ấn tốt hơn.

Một số hình ảnh từ buổi tập huấn:

TS. Tôn Sinh Thành, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ - diễn giả buổi tập huấn
 
Giữa Hội An và Đà Nẵng, thành phố nào sẽ hấp dẫn du khách Ấn Độ hơn?  =>Cá nhân tôi nghĩ Hội An hơn. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì Đà Nẵng nhiều tiềm năng hấp dẫn hơn. Do đó, Hội An cần xây dựng thêm các sản phẩm, dịch vụ liên quan phù hợp với sở thích, nhu cầu của khách Ấn, đặc biệt là mua sắm.
Gần 200 người tham dự trực tiếp đến từ các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn Hội An
 
Giữa Hội An và Đà Nẵng, thành phố nào sẽ hấp dẫn du khách Ấn Độ hơn?  =>Cá nhân tôi nghĩ Hội An hơn. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì Đà Nẵng nhiều tiềm năng hấp dẫn hơn. Do đó, Hội An cần xây dựng thêm các sản phẩm, dịch vụ liên quan phù hợp với sở thích, nhu cầu của khách Ấn, đặc biệt là mua sắm.
Mọi người vui vẻ và hào hứng nhận quà từ Hoteljob sau khi kết thúc buổi tập huấn

Bạn đọc có mong muốn nhận clip toàn bộ buổi nói chuyện của diễn giả trong buổi tập huấn này, vui lòng để lại email ở phần bình luận bài viết nhé!

----- * -* -----

Viết bài & Thiết kế:​_Thy.

Hoteljob
17.10.2023

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI ĐỌC

BÌNH LUẬN BÀI ĐỌC