Du lịch Việt Nam 2020 - Nhìn lại cú trượt dài…

Dịp Halloween vừa rồi, có bạn đăng status nửa đùa nửa thật rằng, năm nay mọi người đừng hóa trang gì cho rùng rợn, cứ đội chữ Covid-19 hay con số 2020 trên đầu là ai thấy cũng sợ liền. Ngẫm lại đúng thật, bởi thử hỏi có ai không muốn tránh xa và mong những khó khăn của năm này nhanh nhanh đi qua?

Người dân toàn thế giới và Việt Nam chào đón 2020 - năm khởi đầu cho thập kỷ mới với biết bao kỳ vọng, háo hức. Thế nhưng, hiện thực lại diễn ra theo một kịch bản mà có lẽ người giàu trí tưởng tượng và hay suy nghĩ tiêu cực nhất cũng không mường tượng nổi. Trong những lĩnh vực - ngành nghề gặp khó vì đại dịch, du lịch là ngành “chịu nhiều đau thương nhất”…

Du lịch Việt Nam 2020 - Nhìn lại cú trượt dài

Khoảng 10 năm trở lại đây, khi ngành du lịch tổng kết số liệu, dường như năm nào chúng ta cũng nghe truyền thông đưa tin “lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục mới”. Và rồi tháng 03/2020, lần đầu tiên kể từ khi mở cửa hội nhập, nước ta phải đóng cửa biên giới, nói không với khách du lịch quốc tế để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Không đón khách quốc tế, người dân trong nước ít đi du lịch hơn, đồng nghĩa so với các năm trước đó - 2020 là năm lao dốc không phanh về lượng khách.

Năm

Lượng khách quốc tế

(triệu lượt)

Lượng khách nội địa

(triệu lượt)

2010

5,03

28

2011

5,92

30

2012

6,74

32,5

2013

7,58

35

2014

7,88

38,5

2015

7,89

57

2016

10,01

62

2017

12,92

73,2

2018

15,49

80

2019

18,00

85

Đến 11/2020

3,82

49

 

Du lịch Việt Nam 2020 - Nhìn lại cú trượt dài

 

So với năm 2019, khi ngành du dịch đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa - đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước - tạo ra 2,9 triệu việc làm - xếp thứ 7/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới thì số liệu ghi nhận trong năm 2020 là một bước lùi xa.

Đại dịch đã tác động trực tiếp đến ngành công nghiệp không khói và hệ lụy kéo theo ngành du lịch nước ta không tránh khỏi những tổn thất nặng nề.

Theo số liệu do đại diện Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch công bố, dịch Covid-19 đã khiến 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động, nhiều khách sạn đóng cửa - công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt 10 - 15%, khoảng 40 - 60% lao động mất việc làm hoặc bị cắt giảm ngày công. Tổng thu ngành du lịch cả nước thiệt hại lên đến 23 tỷ USD - tương đương 530.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó là nhiều tổn thất hữu hình - vô hình khác chưa thể đong đếm bằng số liệu cụ thể. Cả chủ đầu tư, Quản lý lẫn nhân sự ngành du lịch, khách sạn đã và đang nếm trải không ít “trái đắng”…


Du lịch Việt Nam 2020 - Nhìn lại cú trượt dài

Trong cơn bĩ cực của ngành du lịch Việt Nam 2020, khối doanh nghiệp lữ hành và khách sạn là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đợt dịch lần thứ nhất, khi lệnh giãn cách xã hội thi hành trên diện rộng, thị trường ngành du lịch - dịch vụ cả nước gần như đóng băng. Khi tình hình cơ bản được kiểm soát, trong tâm thế háo hức, chuẩn bị nhiều kế hoạch kích cầu du lịch hè thì thêm đợt dịch lần 2, rồi bão lũ ở khu vực miền Trung hệt như “cú đánh bồi” dễ dàng hạ gục bất kỳ doanh nghiệp nào nếu như không có tiềm lực tài chính đủ mạnh để duy trì.

Không thể đón khách du lịch quốc tế cũng như đưa khách Việt ra nước ngoài du lịch, rất nhiều đơn vị kinh doanh chuyên thị trường khách outbound - inbound đã buộc phải đóng cửa, cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc hoặc chuyển ngành nghề khác. Trong khi không ít doanh nghiệp lữ hành nội địa thì thi thoảng mới có khách, doanh số thu về cao lắm cũng chỉ bằng 1/3 năm trước.

Có một thực trạng là nhiều công ty lữ hành thường cầm cố tài sản, vay mượn đặt cọc mua trước số lượng lớn vé máy bay. Tuy nhiên vấp phải dịch bệnh, không có khách mà hãng hàng không lại chỉ cho bảo lưu - không được rút đặt cọc dưới mọi hình thức khiến doanh nghiệp lâm vào tình cảnh “cám treo mà heo nhịn đói”, đã khó lại càng khó thêm.

Bên cạnh đó, làm sao kể hết tên các công ty lữ hành vì không thể trả tiền mặt bằng và chi phí vận hành cố định đành dời trụ sở về nhà riêng. Hay nhiều chủ doanh nghiệp tới tháng lại đau đầu với khoản tiền lãi ngân hàng đã vay khi đầu tư. Đó là chưa kể những nhà hàng, khách sạn rơi vào vòng xoáy nợ nần, buộc phải vay nặng lãi. Dẫn đến kết cục chẳng ai mong muốn là bán đi cơ sở kinh doanh mà mình dành biết bao tâm huyết gầy dựng.

Chỉ cần gõ từ khóa “rao bán khách sạn”, “rao bán khách sạn Đà Nẵng”, “rao bán khách sạn Nha Trang”, “rao bán khách sạn ở Tp.HCM” hay “bán gấp khách sạn”… trên công cụ tìm kiếm Google, chưa đầy 1 giây đã có ngay hàng triệu kết quả.

 

Du lịch Việt Nam 2020 - Nhìn lại cú trượt dài

 

Trên các trang bất động sản, môi giới nhà đất - hàng loạt khách sạn 2, 3 sao tại Quận 1, 5, Tân Bình (Tp.HCM) được rao bán với mức giá từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Hay vào nhiều hội nhóm mua bán nhà đất Đà Nẵng, không khó để bắt gặp tin rao “siêu phẩm khách sạn giá nghe là hot”, bán khách sạn 5 tầng - 22 phòng - mặt biển - giá 29 tỷ, bán khách sạn 12 tầng - 53 phòng - mặt biển Võ Nguyên Giáp - 90 tỷ, bán khách sạn 2 mặt tiền - 10 tầng - 38 phòng - 37 tỷ 800 triệu… và còn rất nhiều, rất nhiều, gọi là có ngay. Đây là thực trạng vô cùng đau xót bởi không phải chủ đầu tư nào cũng muốn bán khách sạn - trừ khi họ đi vào bước đường cùng.

Đã 9 tháng trôi qua kể từ đợt dịch thứ nhất, thế nhưng thực tế giới doanh nghiệp lữ hành - khách sạn vẫn chưa nhận được chính sách hỗ trợ thiết thực và cụ thể nào từ Chính phủ. Trong khi những ảnh hưởng dường như đã vắt kiệt sức đề kháng của rất nhiều doanh nghiệp. Các tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội cũng trình đề xuất giải cứu du lịch và rồi vẫn chưa thấy tính hiệu quả. Có chăng chỉ là hội thảo, hội nghị kêu gọi chung chung chưa thể tạo thành hiệu ứng đồng bộ. Vì cảm thấy hy vọng cứ tắt dần nên có nhà quản lý buồn lòng đã ví du lịch như “đứa con rơi của gia đình”…

“Dù một cánh én nhỏ khó làm nên mùa xuân nhưng tự thân các doanh nghiệp vẫn có thể cùng nhau “tự kích cầu” thêm lần nữa. Biết là gian nan nhưng không hành động làm sao có kết quả? Chỉ có điều, kết quả sẽ nhanh đến và quý giá hơn nếu chúng tôi biết người làm chính sách nghĩ tới mình trong tầm nhìn bền vững của ngành công nghiệp không khói giá trị nhiều tỷ đô mà Việt Nam chưa bao giờ khai thác hết…”.


Du lịch Việt Nam 2020 - Nhìn lại cú trượt dài

Trước đây, không ít bạn cho rằng không gì đau khổ bằng chuyện thất tình. Thế rồi, dịch bệnh ập đến như gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt để họ ngộ ra rằng: thất tình chỉ là chuyện nhỏ, qua vài ngày hay vài tuần nỗi buồn sẽ nguôi ngoai - còn thất nghiệp là chuyện đau đầu hơn nhiều. Đặc biệt khi nhân sự nghề là trụ cột kinh tế chính của gia đình hay nuôi con nhỏ… thì nỗi lo chồng chất nỗi lo.

Nhiều tháng qua, lướt mạng xã hội, không khó cho chúng ta bắt gặp những status than rằng “7 năm làm nghề du lịch khách sạn, thất nghiệp đã 3 tháng. Mọi người có ai hiện tại vẫn đang thất nghiệp không ạ? Giơ tay phát để em biết mình không cô đơn?” hay “lâu rồi chưa biết đồng lương nó như thế nào…”. Thực trạng này phản ánh thực tế - 9 tháng đầu năm 2020, có đến 31.8 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, giảm ngày công, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập. Trong 3 trụ cột nền kinh tế, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi có 68.9% lao động không còn được đảm bảo thu nhập. Nên nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” cứ vây quanh nhiều nhân sự nghề.

 

Du lịch Việt Nam 2020 - Nhìn lại cú trượt dài

 

Thời điểm phải nghỉ việc vì dịch bệnh, với nhiều lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, gói hỗ trợ 62.000 tỷ từ Chính phủ giống như một chiếc phao cứu sinh. Tuy nhiên, hãy thử làm phép tính, nếu chia đều 62.000 tỷ cho 705 đơn vị hành chính cấp Thành phố/ Quận/ Huyện trên cả nước thì mỗi địa phương được phân bổ gần 88 tỷ đồng. Trong số những đối tượng nhận hỗ trợ, số lượng người hưởng trợ cấp xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo của mỗi thành phố hay quận, huyện là rất lớn, thêm phần chính sách triển khai thực hiện chưa thực sự đồng bộ, minh bạch từ tuyến trên xuống tuyến dưới, đâu đó báo chí vẫn đưa tin nhiều địa phương chi sai mục đích làm thất thoát ngân sách nên số lượng lao động ngành du lịch nhận gói hỗ trợ này là rất ít.

Kể chuyện nước mình - biết chuyện nước bạn, không ít nhân sự ngành chắc sẽ chạnh lòng. Tại Úc, kể từ tháng 6 mỗi nhân viên ngành lữ hành được hỗ trợ ít nhất 200 USD mỗi tháng hướng tới nỗ lực không để bất kỳ doanh nghiệp lữ hành nào phải phá sản vì Covid-19. Hay từ ngày 1/5 - 31/12/2020, chính phủ Hàn Quốc đã chi trả đến 90% lương cơ bản cho lao động ngành du lịch. Một hướng dẫn viên tại Seoul cho biết, sau 4 ngày đăng ký trợ cấp thất nghiệp - số tiền hỗ trợ trong 8 tháng đã chuyển thẳng vào tài khoản, tính ra là 60.000 Won/ ngày (tương đương 1,2 triệu đồng) - “vậy là có thêm 240 ngày thong dong, yên tâm chờ qua dịch”.

Với Thái Lan, từ tháng 7, nước này đã triển khai áp dụng 2 gói kích cầu nội địa tổng trị giá 723 triệu USD. Theo đó, mỗi người dân được hỗ trợ khoảng 1,5 triệu đồng dùng cho việc thanh toán vé máy bay và chi phí khách sạn khi đi du lịch trong nước. Vì thế mà đến hết tháng 9/2020, Tổng cục Du lịch Thái Lan ước tính đã có khoảng 70 triệu lượt khách nội địa - đóng góp 13,3 tỷ USD vào nền kinh tế xứ sở Chùa Vàng - đồng thời gián tiếp tạo công ăn việc làm cho phần đông lao động khối lữ hành, khách sạn, nhà hàng.

Nhưng “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, ý thức rằng không thể mãi ngồi chờ sung rụng nên nhân sự ngành du lịch nước ta phải “tự thân vận động”. Theo kết quả khảo sát tình hình nhân sự nghề khách sạn 2020 do Hoteljob.vn tiến hành mới đây, trong thời gian nghỉ dịch, rất nhiều bạn đã chủ động làm các công việc tạm thời khác nhau: bán hàng online, shipper, nhân viên pha chế cà phê, phiên dịch tiếng Hàn, làm Youtuber, phụ việc gia đình, chạy xe ôm công nghệ, công nhân, phụ hồ… Những công việc dẫu thuộc chuyên môn hay trái ngành này không chỉ giúp họ có thu nhập mà còn là cơ hội trải nghiệm một nghề mới, rèn luyện kỹ năng liên quan để sau này quay lại bổ trợ thêm cho nghề nghiệp mình đã chọn theo đuổi bấy lâu.

 

Du lịch Việt Nam 2020 - Nhìn lại cú trượt dài


Du lịch Việt Nam 2020 - Nhìn lại cú trượt dài

Dân gian từ xa xưa lưu truyền câu chuyện “Tái ông thất mã”, như một lời khuyên nhủ con người về cách nhìn cuộc sống. Mất ngựa chưa chắc đã xấu, được ngựa chưa chắc đã tốt - xảy ra bất cứ việc gì cũng nên bình tâm mà nhìn nhận. Nhân loại đang phải đối mặt với đại dịch Covid - quả là thảm họa, thế nhưng nên nhìn điều đó theo góc nhìn “mất ngựa chưa chắc đã xấu” để ít nhất chúng ta có thể truyền cho nhau năng lượng sống tích cực hơn.

Dịch bệnh, thiên tai… là những nguyên do bất khả kháng. Ti tỉ con virus quái ác kia không thể chết vì lời than vãn. Thay vì lo lắng, chán nản không muốn làm gì thì chúng ta nên tập nhìn ra điều tích cực trong câu chuyện tiêu cực. Như “bí mật Luật Hấp dẫn” - bất cứ điều gì cũng khởi nguồn từ suy nghĩ và khi suy nghĩ tích cực sẽ sinh ra hành động tích cực.

 - Không đón khách du lịch, nhiều điểm đến có quãng nghỉ xả hơi, giảm rác thải sau nhiều năm gồng mình quá tải lượt khách.

 - Ít khách đi du lịch, tần suất đánh bắt thủy hải sản giảm dần khiến hệ sinh thái biển có thời gian tái tạo và phục hồi.

 - Không thể phục vụ khách du lịch quốc tế, nhiều hãng lữ hành - khách sạn không còn lơ là thị trường nội địa như trước, chú trọng hơn trong việc tạo ra nhiều chương trình kích cầu hấp dẫn.

 - Phải nghỉ dịch, không có thu nhập - nhân sự ngành sẽ nhận ra được tầm quan trọng của quỹ dự phòng hàng tháng, không hùa theo phong cách sống làm ra là tiêu pha, mua sắm thoải mái rồi mới làm tiếp. Đây là thời gian chúng ta xem lại cách sống của mình và hoạch định cho tương lai.

 - Tạm ngưng chuyện tất bật với công việc mưu sinh, rảnh rỗi hơn - nhân sự ngành có nhiều thời gian nghỉ ngơi sau nhiều năm làm không nghỉ lễ, Tết - tranh thủ học thêm ngoại ngữ, kỹ năng bổ trợ cho nghề nghiệp.

 - Và trong khó khăn chung của cả nước, chúng ta học cách chia sẻ - động viên nhau để không ai cảm thấy mình bị bỏ lại phía sau…

 

Du lịch Việt Nam 2020 - Nhìn lại cú trượt dài

 

2020 thực sự là một năm kỳ lạ. Lạ ở chỗ chẳng ai có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra. Điều tích cực nhìn thấy là chúng ta đã có cơ hội sống chậm lại - nghĩ sâu hơn nhiều vấn đề về cuộc sống và cuộc đời. Dường như đa số vạn vật trên đời vận hành theo đồ thị hình Sin, có cực đại thì cũng có cực tiểu, có lên sẽ có xuống, cũng như trước cơn bão to bầu trời thường bình yên và sau cơn mưa trời sẽ lại sáng. Người tích cực là người biết quy luật cuộc đời - luôn làm mới mình để quay lại với tâm thế “lợi hại hơn xưa”.

Đại dịch rồi sẽ qua, có người ra đi vì tình yêu không đủ lớn nhưng chắc chắn nhiều người chọn ở lại bởi lòng yêu nghề còn tràn đầy. Bởi không ít Hotelier luôn mong chờ trở lại “giai đoạn khách sạn full phòng, khách đứng chờ nhận phòng rộn ràng cả sảnh, tiếng kéo vali, tiếng trẻ con chạy long nhong, tiếng chén dĩa dưới nhà hàng rổn rảng, cả văn phòng điện thoại thi nhau reo… khoảnh khắc đó cực mà vui.”

Biết là mất một thời gian nữa mọi thứ mới phục hồi dần và quay lại thời kỳ hoàng kim, nhưng ai ai cũng mong chờ, gửi vào vũ trụ tần số đó thì ngày ấy sẽ tới nhanh thôi…

 

Viết bài & Thiết kế: Xanh Berin

(Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo

từ báo Thanh niên, VnExpress

- Group Nghề khách sạn - Tâm sự)

Hoteljob
17.12.2020

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI ĐỌC

BÌNH LUẬN BÀI ĐỌC