Mường Thanh Hospitality - Cánh chim đại bàng thần tốc vươn mình bay khắp muôn nơi [Câu chuyện thương hiệu - 02]

Có thể không nhiều người biết rằng, cội nguồn Mường Thanh thời sơ khai là dạng phòng ở mini khép kín, hình thành từ phát hiện hay hay của ông chủ nhỏ một xí nghiệp xây dựng tư nhân vì “kiếm lời được”. Để rồi, từ cái nền nho nhỏ đó, sau hơn 2 thập kỷ, gia sản tập đoàn có được là gần 60 đôi cánh đại bàng dang rộng - vươn mình bay khắp muôn nơi dưới bầu trời hình chữ S…

--------- o0 0o ---------

câu chuyện thương hiệu Mường Thanh

Thế hệ lớp lớp người Mường thì hiện tại không ai không được truyền tai cội nguồn hình thành đế chế Mường Thanh. Bắt nguồn từ đâu? Do ai tạo dựng? Có đặc điểm nào nổi bật ngay từ thời sơ khai?... 

Còn nhớ cách đây hơn 40 năm, người con trai miền đất Diễn Châu Lê Thanh Thản khi ấy trở về sau chiến tranh rồi được cử lên Lai Châu làm Phó chánh văn phòng Huyện ủy, kiêm nhiệm thêm đội phụ trách xây dựng của huyện, nỗ lực cùng dân thoát đói, có việc để làm với mong muốn bớt nghèo. Năm 1986, Nhà nước “mở cửa” cho phép Đảng viên làm kinh tế. Được bạn bè cho lời khuyên, bác Thản xin thôi việc rồi ra ngoài lập công ty riêng có tên Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, nay là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, nhận thầu hàng loạt công trình lớn nhỏ tại địa phương, tỉnh lân cận, thậm chí đi xa đến các tỉnh khác và sang cả nước bạn Lào. Chính từ việc đi nhiều, đến các nơi để công tác và lưu trú tại nhiều phòng nghỉ - qua quan sát, ông chủ xí nghiệp xây dựng tư nhân khi ấy tự nhận thấy rằng, các chỗ ở chỉ cần đầu tư xây dựng một lần rồi cho khách thuê trong nhiều năm, như thế chắc chắn sẽ kiếm lời được. Trở về “căn cứ”, Bác manh nha ý tưởng xây dựng khách sạn, nhà nghỉ phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của không ít khách du lịch đến Điện Biên thời đó khi mà nơi đây tuyệt nhiên chưa có nơi ăn - chốn ở khang trang, chuẩn dịch vụ nào; thậm chí, ngay cả nhà vệ sinh công cộng cũng không.

Năm 1993, những viên gạch nóng hổi được đặt vuông vức trên nền đất tổ tại Điện Biên. Công trình khách sạn đầu tiên có tên Mường Thanh Điện Biên mini (nay là khách sạn Công Đoàn) hoàn tất 1 năm sau đó, đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Điện Biên Phủ, quy mô 30 phòng. Khi ấy, nườm nượp dòng người đổ về đây giành nhau để đặt phòng. Triển vọng phát triển của ngành trong tương lai là vô cùng lớn mạnh nếu biết chớp lấy cơ hội, đón đầu xu hướng. 

câu chuyện thương hiệu Mường Thanh

Nhưng chỉ sau ngày đón vị khách đầu vỏn vẹn 2 năm, tỉnh Lai Châu đề nghị nhượng lại khách sạn Điện Biên với điều kiện được đổi lấy một khu đất giá trị khác. Bác Thản đồng ý. Năm 1997, khách sạn Mường Thanh Điện Biên Phủ xuất hiện, quy mô lớn hơn, 70 phòng - chính thức đặt bút ở trang đầu tiên, bắt đầu viết nên hành trình tạo dựng và phát triển vững mạnh của đế chế Mường Thanh - trải dài muôn nơi trên dải đất hình chữ S, từ Tuyên Quang đến tận Cà Mau, phủ sóng 30/63 tỉnh thành rồi sang cả nước bạn Lào xa xôi với tổng cộng 54 cơ sở đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao tính đến thời điểm hiện tại. 

Hỏi về lý do lấy tên Mường Thanh đặt cho chuỗi hệ thống khách sạn, ông chủ tập đoàn chia sẻ: Mường Thanh theo tiếng Thái là Mường Then, Mường Trời, mang ý nghĩa “xứ trời”; mà với người Thái, “xứ trời” là mảnh đất vô cùng tốt đẹp, màu mỡ; là nơi đáng sống, đáng đến trong tâm thức mỗi người. Đấy cũng chính là khát vọng mà người Mường luôn nỗ lực gieo mầm để khi nhắc đến 2 chữ “Mường Thanh”, người người sẽ nhớ đến miền đất thanh thản của xứ trời Tây Bắc.


câu chuyện thương hiệu Mường Thanh

Nếu Mường Thanh của những ngày đầu chỉ rải rác tại vùng ven xa đô thị thì giờ đây, xét theo độ phủ sóng, đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp biểu tượng cánh chim đại bàng dang cánh giữa trời ở mọi vị trí đắc địa nhất Việt Nam. 

Đến nay, sau hơn 20 năm định hình và phát triển, Mường Thanh Hospitality tự hào là “hệ thống khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Dương” - quản lý điều hành gần 60 khách sạn, dự án khách sạn thành viên, quy mô hơn 11.000 phòng ở đủ các phân khúc 3-4-5 sao cao cấp đạt chuẩn quốc tế, chiếm 10% tổng lượng phòng lưu trú cả nước, phủ sóng khắp các tỉnh thành và vươn xa ra khỏi lãnh thổ, sang các nước Đông Nam Á - cùng thừa hưởng cái gốc gác nét đẹp văn hóa Thái với thổ cẩm, váy Thái, hoa ban phủ trắng sườn đồi và tình người nồng hậu của người dân Tây Bắc. Cứ thế, dù ở đâu, kinh doanh thế nào, sự trung thành và kiên định với lý tưởng gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc vẫn luôn hiện hữu, len lỏi ăn sâu vào tiềm thức người Mường. Đây chính là yếu tố riêng có, tạo nên sự khác biệt của Mường Thanh so với các thương hiệu khách sạn lớn khác đang ngày ngày chạy đua hội nhập Tây hóa.

Cứ nhìn thử sẽ thấy, từ khách sạn đầu tiên nép mình tại mảnh đất Điện Biên lịch sử, tập đoàn khách sạn Mường Thanh của hiện tại đã phát triển thành chuỗi, lớp lang nằm gọn trong khuôn khổ dải đất hình chữ S, đổi mới từng ngày với bộ nhận diện thương hiệu mới từ năm 2018 - được nâng cấp, khắc họa rồi định hình 4 phân khúc khách sạn rõ ràng, phục vụ chính xác đa dạng nhu cầu ăn - ngủ - nghỉ dưỡng của từng vị khách một, cùng đồng hành ở khắp nơi, trên mọi hành trình, tại mỗi giai đoạn của cuộc sống. 

câu chuyện thương hiệu Mường Thanh

+) Mường Thanh Luxury là phân khúc khách sạn 5 sao sang trọng cao cấp nhất của Tập đoàn, tọa lạc tại trung tâm các thành phố lớn, trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam - chọn kim cương và cảm hứng từ họa tiết lục năng trong hoa văn thổ cẩm để xây dựng nên họa tiết đồ họa đặc trưng, với 2 màu vàng - tím rất dễ nhận diện, mang đến sự tinh tế trong không gian, sang trọng của kiến trúc 

câu chuyện thương hiệu Mường Thanh

+) Mường Thanh Grand là thương hiệu khách sạn ở phân khúc 4 sao, xuất hiện ở các thành phố lớn, trung tâm thị xã đô thị để kết nối cuộc sống hiện đại, mang đến sự tiện nghi, chuẩn chỉnh ở mọi góc nhìn. Phân khúc này lấy ý tưởng từ tia chớp, kết hợp với họa tiết thổ cẩm cùng đồ họa zic-zắc mang ý nghĩa luôn hướng về phía trước, chọn màu xanh lam làm chủ đạo, kết hợp với màu vàng từ thương hiệu Mẹ mang đến nét mạnh mẽ nhưng đầy ấm áp. 

câu chuyện thương hiệu Mường Thanh

+) Mường Thanh Holiday thuộc phân khúc tiêu chuẩn 4 sao trở lên, nằm tại các địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng, nơi mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương cùng sự hòa quyện, gần gũi với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Lấy hình tròn làm đại diện cho phân khúc với màu xanh ngọc chủ đạo mang đến cảm giác thư thái, dễ chịu trong không khí trong lành, tinh khiết cho một kỳ nghỉ lý tưởng, đáng nhớ. 

câu chuyện thương hiệu Mường Thanh

+) Mường Thanh (Standard) bao gồm các khách sạn 3-4 sao, chủ yếu tại trung tâm thành phố, thị trấn với mức giá hợp lý cùng chất lượng dịch vụ đạt chuẩn trong không gian gần gũi, ấm cúng như là nhà. Đây chắc chắn sẽ là sự lựa chọn tối ưu của du khách cho mọi chuyến đi. Phân khúc này lấy hình ảnh cô gái đang múa được cách điệu theo họa tiết thổ cẩm làm biểu trưng ý nghĩa, khắc họa con người Mường Thanh ấm tình nồng hậu, tươi vui, cởi mở với lối sống dung dị, đầy yêu thương. 

câu chuyện thương hiệu Mường Thanh

Đi từ thiên nhiên núi cao hoang sơ - qua đồng bằng trù phú - đến miền biển trải dài - rồi tiếp nối những đô thị phồn hoa, thành phố mỹ lệ… đâu đâu cũng thấy cánh chim đại bàng Mường Thanh dang cánh tự do bay lượn trên nền trời cao.


câu chuyện thương hiệu Mường Thanh

Mường Thanh hiện song hành cùng “người anh em sinh đôi” là Doanh nghiệp xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, cũng của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản. Hai công ty này hoạt động nhịp nhàng, hỗ trợ rồi cùng nhau phát triển dưới sự điều phối và dẫn dắt của “Cha”, trong đó, Công ty Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm thiết kế - xây dựng - hoàn thiện công trình, sau đó, chuyển giao cho Mường Thanh khai thác - vận hành - quản lý. Chia sẻ về “triết lý” kinh doanh của mình, ông Thản đúc kết vỏn vẹn với nguyên tắc “3 nhanh”: “đầu tư nhanh - xây dựng nhanh - thanh khoản nhanh”, kinh doanh cần đón đầu, đi trước thì mới mong thắng, nhiều khi thắng lớn. Ngoài ra, ông cũng “không làm chung, kể cả với anh em ruột thịt” - “không vay vốn ngân hàng” - và tuyệt đối “không được để tiền chết”. 

Vậy vị đại gia điếu cày này lấy đâu ra vốn để cho xây dựng hàng loạt khách sạn quy mô mỗi năm?

Câu trả lời chính là Uy tín - bên cạnh vốn tự thân, xoay vòng. Từ chỗ uy tín thương hiệu, uy tín cá nhân rồi tìm đến các nguồn vốn khác, nhiều nhất là “nợ” các nhà cung cấp nguyên vật liệu. Bởi, nếu vay vốn ngân hàng lãi suất lớn, sản phẩm của ông lại theo hướng giá rẻ nhưng chất lượng cạnh tranh, như thế thì khó mà giảm được chi phí. Tuy nhiên, “để được thiếu nợ, mình nhất định phải đáng tin cậy và đủ uy tín thì người ta mới dám mạo hiểm cùng”. Quan điểm của ông Thản là mượn nhanh và cố gắng trả nhanh, trả đúng hẹn, gom được đủ tiền là trả ngay, không khất, không kì kèo. 

Ngoài ra, Bác cũng tuyệt nhiên không có ý định đưa Mường Thanh lên sàn chứng khoán, bởi nó ảo trong khi kinh doanh là thật, cái nào thực mới làm và làm thành công vì dễ quản lý.

câu chuyện thương hiệu Mường Thanh


câu chuyện thương hiệu Mường Thanh

Có dịp tìm hiểu về Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh mới thấy, cuộc sống đời thường của Bác xoay quanh những điều giản dị và gần gũi nhất. Đến mức, nếu những ai chưa biết mà vô tình gặp trên đường, đôi khi có người sẽ nghĩ ông chỉ là người nhà quê chân chất, thật thà và dễ mến, dễ gần không hơn không kém. Bởi, mọi thứ với đại gia điếu cày đều đơn giản đến ngược đời, ngay trong chính biệt danh cũng vậy. 

Với Bác Thản, con người là trung tâm, căn nguyên của mọi vấn đề và công việc, dù khó khăn và thách thức đến đâu. Hiểu nỗi lòng của nhân viên - những cá nhân Bác gọi là “đứa con không máu mủ ruột rà”, luôn đồng hành để đưa Mường Thanh phủ sóng và gây dựng thương hiệu như ngày hôm nay - Vì thế, Bác coi tất cả như gia đình, sâu sát quan tâm, sâu sắc đãi ngộ. 

Ít người biết rằng, Chủ tịch Lê Thanh Thản luôn ưu ái dành một khoản để tạo không gian sinh thái riêng tại mỗi khách sạn Mường Thanh, dùng trồng cây, chăn nuôi, tạo vườn rau sạch, không gian sống xanh. Đây chính là nơi Bác luôn thích và ra thăm đầu tiên mỗi khi “về nhà”. Chưa kể, nhân viên luôn đợi sẵn chỉ để ra vườn thu hoạch hoặc mang đặc sản vườn nhà tại đó - khéo léo cho vào cốp xe cho Bác. Như thể, thứ quà quê tặng người thân đi xa. Rồi cà muối chấm mắm, đậu phụ chấm mắm tôm, cơm canh đạm bạc, sau cùng là rít một hơi thuốc lào, nhấm nháp chén chè xanh… cuộc sống thường ngày của vị đại gia điếu cày này vô cùng dung dị, đậm chất thôn quê. Đến nỗi, dù đi xe triệu đô Rolls-Royce nhưng lúc nào cũng kè kè chiếc điếu cày trên tay; điện thoại thì dùng hãng Phillip bởi loa to, âm rõ, pin trâu, sóng khỏe. 

“Tôi mua Rolls-Royce đi là vì hệ số an toàn của nó cao, xe lại rộng rãi thoải mái. Còn hút thuốc lào là thói quen và sở thích từ lâu rồi, không bỏ được. Mà cũng chẳng phải bỏ để làm gì trong khi đã thử bỏ nhưng lại bị viêm họng. Có lần, đi nước ngoài, nhân viên an ninh bắt bỏ lại điếu cày, tôi không chịu. Thế là hai bên cãi nhau một hồi lâu, giải thích mãi rồi họ cũng hiểu và cho mang theo.” - bác Thản tâm sự.

Hiện tại, dù đã bước sang độ thất thập, ấy thế mà, người Cha già ấy vẫn luôn minh mẫn với trí nhớ tuyệt vời. Bất kể ai, dù ở vị trí nhân sự nào, không chỉ riêng quản lý cấp cao, mà ngay cả nhân viên, nhất là những bạn có hoàn cảnh đặc biệt, Bác đều có ấn tượng và để tâm đến, nhìn - nghe - và hiểu mong muốn của từng con người để sử dụng theo đúng thế mạnh của họ, tạo điều kiện để mỗi cá nhân đều yêu thích và hài lòng với công việc và sự lựa chọn của mình, gần gũi và thân thuộc với nhà Mường, đến nỗi, gắn bó và không muốn rời đi. Bởi văn hóa Mường Thanh coi nhau như một gia đình - xây dựng tập thể đoàn kết và vững mạnh. Đây chính là sự khác biệt rõ nét nhất giữa một Tập đoàn tư nhân thuần Việt so với các chuỗi hệ thống khách sạn quốc tế lớn khác, đang hoạt động tại Việt Nam. 

câu chuyện thương hiệu Mường Thanh


câu chuyện thương hiệu Mường Thanh

Ít ai biết rằng, sự ra đời Mường Thanh Luxury Hà Nam 5 sao cao cấp, quy mô 191 phòng nghỉ khang trang của hiện tại là niềm khát khao lớn của Bí thư tỉnh ủy Hà Nam - ông Mai Tiến Dũng (hiện là Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính Phủ) cách đây mới chỉ khoảng vài năm. Khi ấy, trăn trở phát triển kinh tế tỉnh nhà khiến ông nghĩ ngay đến việc cần phải xây dựng một khách sạn 5 sao làm nơi ăn chốn ở cho du - chính khách, nhà đầu tư đến địa phương. Tuy nhiên, vì Hà Nam quá gần Hà Nội nên không một tập đoàn khách sạn nào lúc đó quan tâm, tỉnh cũng chỉ có một số doanh nghiệp hoạt động nhỏ lẻ. 

“Tôi vô cùng trăn trở và đã quyết định gọi điện mời Lê Thanh Thản về tỉnh xây dựng một khách sạn khang trang. Bởi, chỉ có Tập đoàn Mường Thanh mới đủ lực để xây khi mà chi phí đầu tư khi ấy cần ít nhất 300 tỷ đồng. Lần đầu gọi điện, anh Thản đã cho người xuống xem. Thế nhưng, bẵng đi 3 tháng tiếp không thấy nói gì. Bỏ qua sự ngại ngùng, tôi quyết định gọi thêm lần nữa thì anh bảo Hà Nam sẽ làm nhưng hãy chờ một tí, tỉnh cứ chuẩn bị mặt bằng sạch và làm các thủ tục cấp phép trước đi bởi họ vào là xây luôn, xây liên tục trong vòng 10 tháng là xong 27 tầng.” 

Đúng thật, sau 10 tháng, Hà Nam xuất hiện khách sạn 5 sao cao cấp, quy mô, sang trọng lớn nhất tỉnh.

Thế mới thấy, đại gia điếu cày Lê Thanh Thản tuy là người làm kinh doanh nhưng vẫn luôn đặt cái tình vào trong từng quyết định. Tất nhiên, ở mỗi dự án, ông đều phải tính toán làm sao cho công suất sử dụng tốt nhất, lượng khách lưu trú cao nhất để lợi nhuận thu về nhiều nhất. Bên cạnh đó, Mường Thanh luôn mang theo cái tâm đẹp khi phát triển cùng các tỉnh nghèo, hỗ trợ đẩy mạnh kinh tế, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống đồng bào khó khăn. Bằng chứng là sau hơn 20 năm phát triển và lớn mạnh, với gần 60 khách sạn ra đời và định hình thương hiệu là hàng chục nghìn đầu việc với hơn 90% nhân sự là người địa phương, góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho cả những nơi/ vùng khó khăn, khốn khó. Theo đại diện tập đoàn, ít nhất 1 khách sạn mới có tên Mường Thanh được ra đời mỗi năm. Và điều đặc biệt, Nghệ An là nơi mọc lên nhiều khách sạn mang thương hiệu thuần Việt nhất (trên dưới 10 cái), len lỏi đến cả các huyện sâu xa như Mường Thanh Con Cuông, trong khi thông thường, ở mỗi tỉnh chỉ xây một. Ngoài ra, một chuyện thú vị nữa là, nếu để ý kỹ sẽ thấy, cứ có khách sạn Mường Thanh là có người Nghệ An tại đó. Cũng có thể nói vui rằng “Tiếng Nghệ An chắc là đặc sản của nhà Mường chúng tôi”. Bởi khi tuyển nhân viên, bác Thản luôn ưu tiên người Nghệ An trước, rồi mới đến dân các tỉnh khác. Đấy không phải kiểu phân biệt vùng miền. Chỉ đơn giản, Nghệ An là tất cả của ông, quê hương với những phận đời khắc khổ nhưng giàu nghị lực. Do đó, trách nhiệm của một người con xứ Nghệ như Bác là cố gắng tạo ra những “cần câu cơm” đủ dài và chắc để đồng bào có việc tốt để làm - tạo cơn mưa cho mọi người cùng hưởng. Điều này không chỉ đóng góp cho du lịch vùng, quê hương mà còn cho kinh tế đất nước, góp phần thay đổi bộ mặt đời sống vùng khó khăn, trước khi nghĩ đến lợi nhuận và bành trướng, phủ sóng thương hiệu. Phải chăng, chính lối tư duy phi lợi nhuận như thế là lý giải thuyết phục nhất cho việc dù báo lỗ nhưng Mường Thanh vẫn nỗ lực từng ngày để tạo thêm nhiều đôi cánh đại bàng thêm nữa, vừa để tạo dựng thương hiệu khách sạn Việt, vừa hiện thực hóa mong ước cùng dân thoát nghèo đầy nhân văn, xứng đáng là “Doanh nghiệp có nhiều đóng góp nhất cho ngành du lịch Việt Nam”.

Còn với nhân viên Nhà Mường, nụ cười hồn hậu cùng thái độ niềm nở, chân thành từ tâm là sợi dây kết nối chính người Mường với nhau và với cả du khách, khiến tất cả coi nhau như gia đình: thân thuộc, gần gũi, đầy tình yêu thương. Và rồi khi rời đi, ai ai cũng cứ mãi nhớ về hình ảnh đặc biệt với hoa ban, váy Thái hay rượu táo mèo, xôi nếp hương… cùng sự đón tiếp nồng nhiệt nhưng ấm tình người không nơi nào có được. Bởi, “suy cho cùng tiền bạc không phải là tất cả, cái sống còn là thu nhập cho 27.000 con người kia” (bao gồm tất cả nhân sự dưới quyền ông Thản), tâm có vui thì tinh thần mới phấn chấn, người có hạnh phúc thì mới lan tỏa hạnh phúc ấy đến khách hàng và những người xung quanh.

câu chuyện thương hiệu Mường Thanh


câu chuyện thương hiệu Mường Thanh

Nhắc đến Mường Thanh, có lẽ người đầu tiên được gọi tên là Chủ tịch Tập đoàn Lê Thanh Thản. Thế nhưng, ít người biết rằng, để có được chuỗi hệ thống khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Dương như ngày hôm nay, công lớn phải kể đến ái nữ gia tộc Họ Lê - CEO Mường Thanh Lê Thị Hoàng Yến với hàng loạt thành tựu của tập đoàn được gây dựng bởi Tài-Tâm-Đức mà theo Yến, cô được thừa hưởng mọi thứ từ Cha. Điển hình phải kể đến sự kiện thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh hồi tháng 10/2012, chính thức tách riêng và trực tiếp quản lý, điều phối mảng kinh doanh khách sạn, làm nền vững chắc tạo đà mở rộng liên tiếp thương hiệu Mường Thanh đến nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khắp cả nước, bao gồm cả những vùng kinh tế mới, kinh tế đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, cuối tháng 7/2016, chuỗi hệ thống khách sạn Việt chính thức đánh dấu mốc cho công cuộc “quốc tế tiến” khi lần đầu tiên mở cửa một khách sạn ở thị trường nước ngoài - khách sạn Mường Thanh Luxury Vientiane tiêu chuẩn 5 sao ngay tại thủ đô nước Lào.

Nói như vậy để thấy, thế hệ kế cận như Yến thực sự thành công khi tiếp nối tạo dựng và khẳng định thương hiệu tập đoàn. Nếu ông Thản, cha cô mất đến 6 năm để cho ra đời khách sạn thứ 2 - Mường Thanh Linh Đàm sau ngày mở cửa khách sạn đầu tiên năm 1997 - mất 13 năm để nâng số khách sạn Mường Thanh lên con số 10. Thì Lê Thị Hoàng Yến, với sức trẻ đầy nhiệt huyết cùng khát khao thể hiện, 6 năm - 40 khách sạn mới phủ rộng khắp Việt Nam là thành tựu thực sự nổi bật, hiện hữu rõ nét, khẳng định vai trò và tầm nhìn chiến lược, phát triển thương hiệu tập đoàn đảm bảo theo đúng nguyện vọng và định hướng ban đầu, đưa cánh chim Mường Thanh từ chỗ đi nước kiệu sang phi nước đại thần tốc. 

Ít ai biết rằng, với 7 năm du học ngành tài chính tiền tệ tại Anh, Lê Thị Hoàng Yến trở về nước và bắt đầu “học việc” tại Tập đoàn để trở thành cánh tay phải đắc lực của Chủ tịch, cũng chính là Cha mình, khẳng định năng lực từ vị trí cơ bản để rồi xứng đáng đảm nhận chức vụ cao nhất - Tổng Giám đốc tập đoàn Mường Thanh, quản lý và vận hành chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Khi ấy, cô chưa đầy 30 tuổi.

câu chuyện thương hiệu Mường Thanh

Hỏi về bí quyết phát triển kinh doanh và quản lý con người, nữ doanh nhân 8X cho biết Tập đoàn xây dựng một hệ thống quản lý theo mô hình dọc - chéo, trao quyền, trao trách nhiệm và tin tưởng từng cá nhân. Tức là, mỗi khách sạn sẽ có một bộ máy quản trị quản lý vận hành độc lập - trong khi tại văn phòng tập đoàn có Giám đốc từng bộ phận để giám sát quản lý chung đảm bảo toàn hệ thống phát triển theo tiêu chuẩn thống nhất. Dĩ nhiên, người đứng đầu phải luôn giám sát, kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng và thẩm định thường xuyên, đột xuất để xây dựng và sở hữu đội ngũ nhân lực chất lượng nhất, xứng đáng trở thành “Nhà điều hành chuỗi khách sạn xuất sắc nhất năm 2019”.

Ngoài ra, cùng chung lý tưởng với cha mình, nữ CEO Mường Thanh luôn trong tâm thế tiếp tục phát triển tập đoàn ngày càng hiện đại, hội nhập nhưng vẫn không làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, khẳng định chất lượng thương hiệu Mường Thanh thuần Việt, để trước là người Mường, sau nữa là người Việt Nam đi đâu cũng tự hào về nguồn cội và những thành tựu mà chính đồng bào mình nỗ lực hiện thực. 

Nhớ lại những ngày đầu đến vùng đất xa lạ, một cán bộ tỉnh ủy chép miệng bảo Cha: “Chú mày tên là Thản. Cái tên Lê Thanh Thản nghe thì nhàn nhưng sao lại phải vào chỗ khó nhọc này?”. Ấy vậy mà, từ chính vùng đất khó nhọc của miền núi cao Tây Bắc đó đã se duyên cho một “tổ ấm” lớn mạnh, đoàn kết nên vô cùng hạnh phúc với những đứa con mang tên Mường Thanh trải dọc khắp mọi miền đất nước, mang sứ mệnh khẳng định thương hiệu Việt, được quản lý và vận hành bởi chính người Việt - cạnh tranh tương xứng với hàng chục tập đoàn khách sạn quốc tế đang và sẽ khai phá vùng đất hứa Việt Nam. 

Thay vì bàng quang, sao không tự hào về điều đó? - Như cách mà người Mường đang rất mực tự hào về Nhà Mường của mình vậy.

Viết bài: Hồng Thy

Ảnh: Đức Cường

Hoteljob
06.01.2020

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI ĐỌC

BÌNH LUẬN BÀI ĐỌC