Buổi chia sẻ thú vị về “Văn hóa Nhật và lưu ý khi phục vụ khách Nhật”

Buổi chia sẻ trực tuyến về “Văn hóa Nhật và lưu ý khi phục vụ khách Nhật” do Hoteljob.vn tổ chức nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng nhân sự trong ngành và các bạn trẻ yêu thích tiếng Nhật. Cuộc trao đổi, chia sẻ của vị khách mời Phan Quế Lâm thu hút hàng ngàn lượt tiếp cận và xem video trên Fanpage Hoteljob.vn và Nghề khách sạn.

Vị khách mời Phan Quế Lâm hiện đang là sáng lập viên, Giám đốc Công ty TNHH Egao Việt Nam. Gần 10 năm làm việc với người Nhật trong cả môi trường đào tạo lẫn nhà hàng, khách sạn nên những thông tin chị Lâm chia sẻ về văn hóa Nhật và lưu ý khi phục vụ khách Nhật thực sự rất hữu ích với các bạn trẻ.

Phần đầu chương trình, chị chia sẻ về niềm yêu thích tiếng Nhật và cơ duyên đưa chị đến với môi trường nhà hàng – khách sạn. Chị đã từ bỏ công việc với mức lương 600 USD để được làm lễ tân khách sạn lương tháng chỉ có 2,5 triệu đồng. Dù chưa có kinh nghiệm gì nhưng với niềm đam mê, tinh thần ham học hỏi, chị đã đảm nhận nhiều vị trí cao hơn và làm quản lý cho chuỗi khách sạn Sakura chuyên phục vụ 90% khách Nhật.

Với kinh nghiệm có được, chị đã chia sẻ khá nhiều thông tin về văn hóa của người Nhật và cách ứng xử khi phục vụ khách Nhật như: cách chào hỏi, văn hóa xin lỗi – cảm ơn, giờ hẹn, tiền bo, tặng quà,…

Có khá nhiều câu hỏi đã được các bạn trẻ gửi đến cho khách mời và được chị Lâm giải đáp rất nhiệt tình.

Có bạn hỏi: “Khi phục vụ khách Nhật lỡ có sai sót thì làm sao làm dịu cơn nóng giận của người Nhật?”

Chị Lâm trả lời: "Để người Nhật nổi giận thì sai sót của nhân viên đó là khá lớn. Bởi người Nhật khá tế nhị, người ta không thường xuyên nổi nóng, cũng ít phàn nàn. Có khi nhân viên sai sót nhưng họ không nói và lặng lẽ rời khách sạn hoặc gửi thư phản hồi cho quản lý. Do đó mà khi khách Nhật nổi giận thì việc đầu tiên nhân viên cần làm là phải cúi đầu xin lỗi và mời khách sang một khu vực riêng để nói chuyện. Mời khách uống nước và lắng nghe khách lý do khiến khách nổi giận. Sau khi khách trình bày xong thì xin lỗi khách một lần nữa. Nếu sự việc quá tầm kiểm soát thì nhờ quản lý can thiệp. Thường thì khách sạn sẽ có những dịch vụ hỗ trợ, miễn phí dịch vụ gì đó để bù đắp lại những sai sót đó."

Bạn Trần Thùy hỏi: “Trình độ tiếng Nhật N mấy thì có thể xin việc vào khách sạn?”

Chị Lâm đã chia sẻ khá chân thành : “Nếu có thể giao tiếp tiếng Nhật được một chút, bạn cũng có thể  xin vào những vị trí ít phải giao tiếp tiếng Nhật, trong thời gian ấy bạn có thể học hỏi thêm trong môi trường thực tế. Với vị trí lễ tân khách sạn, khả năng của bạn ở N3 là có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Còn những vị trí như trợ lý phiên dịch thì yêu cầu trình độ trên N3.”

Hay với câu hỏi: “Người Nhật thường chi tiêu cho những dịch vụ nào?”, chị Lâm cũng chia sẻ kinh nghiệm mà chị nhận thấy được khi tiếp xúc với khách Nhật: “Người Nhật có một quy chuẩn chi tiêu rất là chi tiết, người Nhật chi tiêu nhiều cho dịch vụ ăn uống. Người Nhật thường gặp nhau trên bàn tiệc, bàn công việc cũng trên bàn tiệc. Những khách Nhật trẻ hiện nay thì cách chi tiêu của họ cũng thoáng hơn và cũng thoải mái hơn.”

Ảnh nguồn Internet

Buổi chia sẻ kéo dài 90 phút, với những gì vị khách mời đã truyền đạt thực sự là bài học quý cho cộng đồng nhân sự khách sạn thường xuyên làm việc với khách Nhật và cả bạn trẻ Việt yêu thích tiếng Nhật. Hiện video vẫn được lưu trên Hoteljob.vn và fanpage Nghề khách sạn, các bạn chưa xem hết video có thể vào trang xem lại. 

Với những thành công có được từ buổi tư vấn này sẽ là động lực để ban tổ chức tiếp tục tổ chức những buổi tư vấn bổ ích dành cho tất cả những ai có đam mê, mong muốn gắn bó với nghề khách sạn.

Hoteljob.vn 

Tags:
Buổi chia sẻ thú vị về “Văn hóa Nhật và lưu ý khi phục vụ khách Nhật”
4.7 (587 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN