Công nhân chuyển qua ngành khách sạn, du lịch: Liệu có khả thi?

Thị trường lao động - việc làm nước ta đang đứng trước biến động lớn. Trong khi doanh nghiệp khối ngành sản xuất đóng cửa, cắt giảm lao động hàng loạt. Các doanh nghiệp du lịch, khách sạn lại đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực phục vụ. 

Đưa công nhân sang làm khách sạn, du lịch: Liệu có khả thi?
Tọa đàm "Chuyển đổi việc làm 2023 - Cơ hội cho người lao động & doanh nghiệp”

Trước thực trạng này, ngày 16/6 vừa qua đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi việc làm 2023 - Cơ hội cho người lao động & doanh nghiệp”, dưới hình thức một buổi talkshow trực tuyến trên các nền tảng website, fanpage của Baodautu.vn; Vieclamnhamay.vn; Đời công nhân; Tổ chức Oxfam tại Việt Nam. 

Tại đây, các chuyên gia, đại diện đến từ tổ chức quốc tế, các trung tâm đào tạo, những người có chuyên môn đã có buổi thảo luận rất sôi nổi xoay quanh chủ đề chuyển đổi việc làm cho lao động là công nhân từ các nhà máy, khu công nghiệp sang lĩnh vực du lịch, khách sạn.

Thị trường lao động với những mảng sáng tối đan xen

Theo số liệu thống kê, trong vòng 5 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000 đơn vị, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số lao động bị mất việc lên tới gần 280.000 người, chiếm khoảng 55% tổng số lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp và lao động ở ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí.

Làn sóng sa thải người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất dự báo sẽ còn tiếp diễn đến cuối năm 2023. Trong khi đó, khối ngành dịch vụ, cụ thể là khách sạn, nhà hàng lại đang lại gặp cảnh khó tuyển người, bao gồm cả lao động cấp cao và lao động giản đơn. Nhiều ý kiến cho rằng du lịch nước ta chưa hoàn toàn hồi phục. Tuy nhiên, Việt Nam có một nền du lịch khá đa dạng với nhiều loại hình phong phú, mang những đặc trưng phù hợp với từng vùng miền, từng đối tượng khách khác nhau. Từ đó có sự bù đắp qua lại giữa vùng này vùng kia, mùa này mùa kia. Chính vì vậy mà nhu cầu tuyển dụng của ngành du lịch vẫn ổn định ở thời điểm này và dự tính sẽ còn tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

“Năm 2011 nước ta có 13.700 cơ sở lưu trú du lịch, với 256 nghìn buồng. Đến nay con số này đã lên đến 38 nghìn cơ sở lưu trú, hơn 700 nghìn buồng. Tăng 2,5 lần số cơ sở lưu trú và 3 lần sức chứa. Theo tính toán, tỉ lệ lao động/buồng để đáp ứng công suất 70% cần 0.5 - 0.6 lao động / buồng. Hiện tại chúng ta cần 480 nghìn lao động trong lĩnh vực du lịch. Dự báo đến 2025 cần 800 nghìn lao động và 2030 là 1 triệu lao động. Như vậy, ngành dịch vụ lưu trú mỗi năm cần bổ sung thêm 60 nghìn lao động.” Những số liệu do bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra đã cho chúng ta thấy phần nào bức tranh về nhân lực ngành khách sạn hiện tại cũng như trong tương lai. Đây cũng chính là cơ sở cho việc tính toán mức độ khả thi trong chuyển đổi lao động từ nhóm ngành sản xuất sang dịch vụ đang được quan tâm lúc này.

Ông Lê Quốc Việt, giám đốc điều hành, trang thông tin điện tử Hoteljob.vnVieclamnhamay.vn cũng cung cấp thêm những thông tin ghi nhận từ 2 website cho thấy cán cân cung - cầu đang mất cân đối nghiêm trọng. “Trong khi tại Hoteljob.vn - Chuyên trang việc làm ngành du lịch, khách sạn - Các doanh nghiệp ngành này đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm ứng viên. Thì ở Vieclamnhamay.vn - website tuyển dụng việc làm nhà máy, KCN - Nhu cầu đăng tuyển của các doanh nghiệp sản xuất từ cuối 2022 đến nay giảm sút đáng kể. Đồng thời lượng ứng viên tìm việc tăng gấp 3 lần so với trước đây“

Cũng theo một khảo sát do Vieclamnhamay.vn phối hợp cùng Oxfarm Việt Nam thực hiện gần đây. Trong số 1000 người tham gia, có đến 39,7% cho biết họ đang thất nghiệp hoặc tìm kiếm việc làm,  36,2% đang làm việc và muốn chuyển nghề. Và khi được hỏi “Bạn muốn làm công việc gì nếu chuyển đổi nghề?” Có đến 41,8% lựa chọn ngành khách sạn, du lịch; 25,4% tự kinh doanh. Đặc biệt có 62,1% muốn tham gia khóa đào tạo, dạy nghề về du lịch, khách sạn ngắn hạn . Trong đó 15,8 % người trả lời sẽ  tự chi trả học phí và 46,3% tham gia khóa học nếu được đài thọ.

Như vậy có thể thấy, ngay thời điểm này tất cả các yếu tố đều sẵn sàng cho việc chuyển đổi việc làm - Giải quyết thực trạng khó khăn của doanh nghiệp ở cả 2 nhóm ngành cũng như đưa lao động thất nghiệp bước qua thời điểm biến động này. Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia nhận định trong buổi tọa đàm, còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, đi sâu hơn nếu muốn công tác chuyển đổi việc làm diễn ra hiệu quả và bền vững.

Đưa công nhân sang làm khách sạn, du lịch: Liệu có khả thi?
77% số người khảo sát có nhu cầu hỗ trợ tìm việc và đào tạo chuyển nghề

Đào tạo kỹ năng đa ngành nên được chú trọng

Theo số liệu thống kê quý I năm 2023, lực lượng lao động trên 15 tuổi là 52,2 triệu lao động, tăng hơn 1 triệu so với năm 2022. Như vậy có thể tiềm năng lao động nước ta rất tốt. Tuy nhiên, một thực tế là lao động nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Được biết số lao động qua đào tạo của nước ta chỉ đạt 26,4%, tỉ lệ này rất thấp so với yêu cầu thực tiễn. 

Từ đây có thể thấy ưu tiên hàng đầu của chúng ta hiện nay chính là nâng cao kỹ năng cho người lao động đang tham gia làm việc bằng hình thức học tập suốt đời chứ không phải chỉ quan tâm đến bằng cấp trong một giai đoạn nhất định. Đồng thời, đảm bảo người lao động có một nhóm kỹ năng để có thể chuyển đổi lao động bất kể khi nào. Đây là một cách tiếp cận mới nhưng nếu được áp dụng tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chính doanh nghiệp và cả người lao động.

Nền tảng để NLĐ chuyển đổi sang ngành du lịch chính là thái độ

Nếu như hầu hết vấn đề được nhiều người nhắc đến hiện nay trong chuyển đổi lao động sản xuất sang dịch vụ nằm ở kiến thức, kỹ năng thì theo các chuyên gia nhận định, trình độ hay kỹ năng có thể được cải thiện qua việc đào tạo, trau dồi. Tuy nhiên, thái độ là yếu tố được cho là trở ngại trước mắt đối với lao động khi chuyển đổi từ khối ngành sản xuất sang dịch vụ.

Bởi du lịch, khách sạn là ngành đặc thù về thời gian, đối tượng phục vụ. Ngành dịch vụ với yêu cầu thời gian làm việc xuyên suốt cả những ngày cuối tuần, lễ tết. Hơn thế nữa đối tượng khách hàng của loại hình này thường rất đa dạng và phong phú về mọi tầng lớp, địa vị, văn hóa xã hội, quốc gia khác nhau. Đòi hỏi người lao động phải có khả năng giao tiếp, tính tình ôn hòa, chịu được áp lực cao. Chính vì vậy, nếu chuyển từ ngành sản xuất với những quy trình làm việc rập khuôn, đối tượng giao tiếp hạn chế sang ngành dịch vụ thì người lao động đầu tiên cần chuẩn bị sẵn tâm thế để có thể thích nghi với môi trường mới, khác biệt hoàn toàn về tính chất công việc. Tuy nhiên như ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, đã chia sẻ trong buổi tọa đàm “Lao động trong ngành sản xuất có khả năng chịu áp lực tốt và tính kỷ luật cao, đó là những ưu điểm cần thiết để làm việc trong ngành dịch vụ".

Để chuyển đổi lao động không chỉ là một giải pháp tạm thời

Có 3 vấn đề mà chúng ta cần quan tâm khi nhắc đến tính bền vững của công tác chuyển đổi lao động đó là: Cơ hội phát triển của NLĐ; Sự liên kết giữa cơ sở đào tạo cùng doanh nghiệp và cuối cùng là cầu nối thông tin giữa các bên. 

Cơ hội phát triển có nghĩa là khi người lao động nhìn thấy tiềm năng phát triển của mình trong nghề đó, bao gồm môi trường làm việc, mức lương, sự nhìn nhận của người quản lý,... .Tất cả đáp ứng sự hài lòng của họ thì chắc chắn họ sẽ gắn bó lâu dài chứ không chỉ dừng lại ở việc giải quyết tình trạng thất nghiệp trước mắt. Để làm được điều đó đòi hỏi doanh nghiệp, cụ thể là khách sạn cần phải xây dựng một môi trường làm việc tốt, mức lương phù hợp, để NLĐ nhìn thấy được tiềm năng phát triển bản thân khi chuyển qua một lĩnh vực mới. Đồng thời, cơ sở đào tạo cũng cần quan tâm đến đầu ra cho học viên khi tham gia học tập tại đơn vị mình. “Có việc làm và có tích lũy là 2 yếu tố quan trọng đánh giá thành công của một chương trình đào tạo. Bởi NLĐ muốn dịch chuyển sang bất kỳ ngành nghề nào cũng cần có tích lũy mới có thể tiếp tục học tập, phát triển bản thân” bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý chương trình cấp cao, tổ chức Oxfam tại Việt Nam nói.

Vấn đề thứ 2 trong việc đảm bảo tính bền vững của chuyển đổi nghề nằm ở sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, đại diện tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam ILO chia sẻ “Hiện nay các doanh nghiệp tham gia vào chương trình đào tạo nhưng chỉ ở mức 35 - 40%. Kỳ vọng của tôi là con số này sẽ đạt 70 -80% tiến trình của chương trình đào tạo. Bởi bản thân doanh nghiệp chính là nơi thực nghiệm của chương trình đào tạo. Sự tham gia xuyên suốt của doanh nghiệp ngay từ khâu đào tạo sẽ tạo nên một mắt xích quan trọng trong việc triển khai đào tạo đa ngành, đào tạo suốt đời”. 

Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tham vào chương trình đào tạo, các cơ sở đào tạo cũng nên đánh giá xem xét lại hiệu quả của các chiến lược đào tạo. “Cơ sở đào tạo cần có sự hợp tác linh hoạt với doanh nghiệp trên phương diện tiếp cận thị trường. Nắm bắt được thị trường cần gì? Doanh nghiệp cần gì? NLĐ cần kỹ năng nào?  Từ đó đưa ra phương thức, chương trình học hợp lý, bắt kịp xu hướng, nhu cầu của thị trường tại thời điểm hiện tại” . Nhận định được bà Nguyễn Thu Hương đưa ra trong buổi tọa đàm lần này.

Bên cạnh 2 yếu tố trên, một vấn đề được cho là bức thiết ngay lúc này chính là cầu nối thông tin tạo nên sự gắn kết giữa 3 bên: Đơn vị đào tạo, người lao động và doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, Vieclamnhamay.vn đang và sẽ đảm nhận tốt vai trò là yếu tố thứ 3 trong việc đảm bảo tính lâu dài của chuyển đổi nghề cho người lao động.

Với tầm nhìn thực tế và lợi thế khi sở hữu cả 2 website thuộc 2 lĩnh vực, giúp ông Lê Quốc Việt sớm nhìn thấy được biến động của thị trường việc làm, cũng từ đó đưa ra “Chương trình chuyển đổi nghề cho công nhân, LĐPT” - Một chương trình được nhận định là vô cùng thiết thực trong thời điểm này.

Đưa công nhân sang làm khách sạn, du lịch: Liệu có khả thi?
Chương tình chuyển đổi nghề là giải pháp thiết thực cho thị trường việc làm nhiều biến động

Theo đó, NLĐ mất việc, có nhu cầu chuyển đổi việc làm sang nhóm ngành du lịch khi liên hệ về với chương trình sẽ được hỗ trợ tìm việc làm phù hợp hoặc tư vấn tham gia khóa đào tạo ngắn hạn ngành khách sạn nếu có nhu cầu. 

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất khi chuẩn bị cắt giảm nhân sự, có thể liên hệ với hotline 091 949 0330 hoặc email info@hoteljob.vn / info@vieclamnhamay.vn  để được hỗ trợ các giải pháp trong việc giúp người lao động tìm kiếm việc làm ở một công ty khác hoặc chuyển hẳn sang lĩnh vực mới, cụ thể là ngành du lịch, khách sạn.

Như vậy có thể thấy rằng, chuyển đổi việc làm không chỉ là giải pháp thiết thực đưa công nhân vượt qua khó khăn khi mất việc làm mà còn là lời giải cho bài toán thiếu hụt nhân lực trầm trọng tại các khách sạn giai đoạn hiện nay và tương lai. Tuy nhiên, để chuyển đổi việc làm đi đúng hướng, trở thành một giải pháp lâu dài, bền vững cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa, cũng như tạo mối liên kết vững chắc giữa 4 yếu tố: Người lao động - Cơ sở đào tạo - Thông tin kết nối - Doanh nghiệp.

Ms. Smile

Tags:
Công nhân chuyển qua ngành khách sạn, du lịch: Liệu có khả thi?
4.2 (042 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN