5 Tâm lý ăn buffet xấu xí của khách Việt khiến nhà hàng tổn thất

Ăn cho đáng đồng tiền bỏ ra - Mang về ăn dần để nhân viên đỡ công dọn... là những suy nghĩ không mấy đẹp đẽ thường xuất hiện của không ít thượng đế khi đi ăn buffet, nhất là khách Việt. Bởi, thay vì hòa nhập văn hóa Tây phương, nhiều người vô tình hay cố ý đã hòa tan luôn nó.

tâm lý ăn buffet xấu xí của khách việt khiến nhà hàng tổn thất
Từng có cảnh tượng hàng chục khách Việt xô lấn, chen đẩy để giành phần ăn Buffet cho mình

 

Hầu hết mọi khách sạn, nhà hàng đều tính toán kỹ lưỡng mọi chi phí để đảm bảo có lời trong kinh doanh loại hình buffet. Giả như khách sạn miễn phí buffet sáng cho khách lưu trú vì đã tính trong giá bán phòng - nhà hàng độc lập áp dụng vé ăn buffet chuẩn theo nguyên tắc bù trừ (người ăn ít sẽ bù lại phần ăn của khách ăn nhiều)... như thế, xác suất lỗ gần như rất thấp. Nhưng, trường hợp khách sạn - nhà hàng thường xuyên gặp phải những vị thượng đế mang tâm lý ăn buffet xấu xí sau đây thì có thể, việc kinh doanh sẽ thất bại nếu không có giải pháp xử lý, khắc phục hiệu quả.


Những tâm lý ăn buffet xấu xí của khách Việt

+ Ăn cho đáng đồng tiền bỏ ra

Rất nhiều người, đặc biệt là khách Việt luôn mang tư tưởng này mỗi khi đi ăn buffet - ăn ít hay ăn nhiều cũng chừng đó tiền. Do đó, họ lấy vô tội vạ mọi thứ được phục vụ, từ hải sản như tôm hùm, cua ghẹ, tôm, mực cho đến salad, mỳ ý, bánh mỳ, bánh bao và cả trái cây hay đồ uống. Bởi, những người này thà lấy về để dư cho “bỏ ghét” còn hơn để lại cho nhà hàng phục vụ tiếp, nhân viên dùng hay tận dụng cho các bữa sau... Việc trộn lẫn quá nhiều món trong cùng một đĩa, bao gồm cả món khô và món ướt vô hình chung khiến đĩa thức ăn “bầy nhầy” - khách không ăn được vì ghê mà nhà hàng cũng không thể tái sử dụng thật. Kết quả, khách thỏa mong muốn xấu xí, nhà hàng lại lãng phí cơ số thức ăn thừa.

+ Để dành bụng ăn buffet

Nhiều người khác nhịn hẳn buổi sáng để bụng rỗng đến ăn buffet trưa tại nhà hàng vì nghĩ rằng, bụng càng đói sẽ ăn càng nhiều, không uổng phí số tiền bỏ ra. Tuy nhiên, khi cơn đói vượt ngưỡng chịu đựng, dạ dày đã làm xong phần việc định kỳ hàng ngày của mình thì việc cung cấp một lượng lớn thức ăn vào cơ thể như thế rất dễ gây nên cảm giác trướng bụng, co bóp khó chịu nên thức ăn dù ngon đến mấy cũng chả sướng ích gì để ngồi lâu thưởng thức. Và dĩ nhiên, lượng lớn đồ được lấy đầy cả đĩa đó sẽ cứ để thừa lại rồi đổ bỏ.

tâm lý ăn buffet xấu xí của khách việt khiến nhà hàng tổn thất
Nhiều người Việt thường mang tư tưởng "bỏ 1 đồng - ăn 1 đống" khi đi ăn buffet

+ Mang về ăn dần để nhân viên đỡ công dọn

Đúng là nếu khách “tiếc” và mang số thức ăn dư trên đĩa mình về dùng tiếp có thể tránh lãng phí đồ ăn. Tuy nhiên, chỉ nên là thức ăn khô như các loại bánh và đảm bảo việc cất giữ, bảo quản đúng vệ sinh để tránh gây nên những hậu quả không mong muốn như ngộ độc. Thêm nữa, việc viện cớ mang về ăn dần để nhân viên đỡ công dọn trong trường hợp gói 2,3 túi lớn nào tôm hùm, cua ghẹ còn nguyên con hay sữa chua nguyên lốc, sữa đóng y hộp... thì hơi sai, thuộc về văn hóa và ý thức không cao của người ăn buffet.

+ Bàn ai người đó ngồi ăn

Nhiều người thích tự do, thoải mái khi đi ăn nhà hàng. Khách nào cũng muốn dành ra không gian riêng để vừa thưởng thức món ăn, vừa trò chuyện cùng người thân hay bạn bè. Nếu đó là không gian phục vụ alacarte thì đúng là như thế. Nhưng ăn buffet lại khác. Mọi không gian đều dùng chung và ghế ngồi cho từng bàn cũng vậy. Việc khách cứ một hai không đồng ý cho “người lạ” ngồi chung bàn, nhất là khách ngoại quốc sẽ khiến vị khách này khó chịu và không hài lòng về chất lượng dịch vụ của khách sạn/ nhà hàng, review không tốt, thậm chí không quay lại lần sau.

+ Cứ tưởng người kia đã thanh toán rồi

Đây là lời biện minh không có chút thuyết phục nào cho ý thức và tính trung thực của một bộ phận thực khách. Nhiều người lợi dụng lúc nhà hàng đông khách, đi theo nhóm nhiều người hay quản lý lỏng lẻo đã “trà trộn” vào đám đông và nghiễm nhiên ăn vô tội vạ bằng hết mọi món bày trên quầy. Nếu được hỏi sẽ tự động trả lời rằng “ơ, chị tưởng bạn chị thanh toán cả rồi” - “đợi tụi em lâu quá, chị đi về đây, đã bắt đầu ăn đâu mà tính với chả toán”.

tâm lý ăn buffet xấu xí của khách việt khiến nhà hàng tổn thất
Văn hóa ăn buffet chuẩn Tây phương rất đẹp, giúp khách trò chuyện và kết giao các mối quan hệ mới

Văn hóa ăn buffet đúng nghĩa là gì?

Rất nhiều người Việt thích ăn buffet vì nghĩ rằng với cùng một mức phí bỏ ra, họ được phép ăn vô tư thoải mái bất kể món gì họ thích, ăn tất tần tật mọi thứ trong nhà hàng. Do đó, ăn buffet thì họ chỉ có lời chứ không bao giờ lỗ, tức chi phí cho lượng thức ăn nạp vào cơ thể chắc chắn sẽ nhiều hơn số tiền đã bỏ ra mua dịch vụ. Nhiều khách sạn - nhà hàng đúng là có “lợi dụng” tâm lý này của khách hàng để kinh doanh và kiếm lời. Tuy nhiên, bên cạnh thỏa mãn mục đích chính đó, bản chất văn hóa ăn Buffet du nhập từ Tây phương lại mang ý nghĩa đẹp hơn rất nhiều.

Ăn buffet là:

+ Hình thức ăn cộng đồng, tức tạo điều kiện để những người cùng tham gia có thể trò chuyện, kết giao nhiều mối quan hệ mới

+ Hình thức tự phục vụ, tức người mua dịch vụ phải tự phục vụ gần như mọi nhu cầu ăn của mình, như thế sẽ giúp tiết kiệm số lượng nhân viên cho nhà hàng, giảm chi phí nhân lực và khối lượng công việc cho nhân viên

+ Cơ hội để thưởng thức và trải nghiệm hàng chục, thậm chí hàng trăm món ăn đặc biệt ngon. Chỉ cần một phần nhỏ vừa miệng là coi như đã nếm qua cái tinh túy nhất của món đó rồi, trong khi vẫn no bụng khi rời khỏi (vì ăn quá nhiều món)

+ Cơ hội thể hiện sự sành điệu và sang trọng của bản thân với người khác, thể hiện sự am hiểu văn hóa ăn buffet chuẩn như tay nào cầm dao cầm nĩa, ăn món khô hay món nước trước, ăn món khai vị hay món tráng miệng sau... cả cách trò chuyện và giao tiếp với những người cùng bàn (bạn bè, con cái hay thậm chí là người lạ)

tâm lý ăn buffet xấu xí của khách việt khiến nhà hàng tổn thất
Một vị khách lịch sự và văn minh sẽ chỉ lấy vừa đủ sức ăn của mình

Khách sạn - Nhà hàng làm gì để hạn chế sự “xấu xí” của khách ăn buffet?

Sẽ quá may mắn và nhẹ nhàng trong công việc nếu được phục vụ những vị khách lịch sự và văn minh, hiểu rõ văn hóa ăn buffet như thế nào là chuẩn chỉnh. Trường hợp ngược lại, để hạn chế những sự “xấu xí” không mong muốn kể trên, khách sạn - nhà hàng hãy:

- Bán và thu tiền vé ăn buffet tại quầy đặt ngay cửa ra vào - trước khi bắt đầu lượt phục vụ

- Áp dụng công nghệ vào quy trình quản lý khách dùng dịch vụ - kiểm tra và phát hiện ngay những đối tượng có hành vi gian dối. Chẳng hạn: một nhà hàng buffet quy mô đã sử dụng ký hiệu mặc định in lên cánh tay của khách đã mua vé thông qua tia laze trước khi họ bước vào khu vực dùng món - những khách ra ngoài và quay lại sẽ được kiểm tra ký hiệu này, nếu không có sẽ mời lại quầy mua vé hoặc mời ra khỏi nhà hàng nếu không hợp tác.

- Áp dụng hình thức phạt tiền thật cao nhưng hợp lý nếu lấy quá nhiều rồi để thừa thức ăn trên đĩa. Chỉ cần nhân viên thông tin cho khách được biết khi bán vé, đồng thời treo biển thông báo ở những nơi dễ nhìn thấy và nghiêm túc thực hiện, như thế, phần đông khách sẽ chỉ lấy vừa đủ ăn.

- Quản lý nghiêm ngặt để kịp thời phát hiện hành vi “xấu” của khách (lấy thức ăn bỏ túi mang về; không thanh toán...) để xử lý tại chỗ. Lưu ý phải tế nhị “giữ kẽ” cho khách, tránh để họ mất mặt bằng cách mời khách ra khu riêng để nói chuyện và giải quyết trong êm đẹp.  

Tuy nhiên, suy cho cùng, sẽ không có một giải pháp nào hữu hiệu hoàn toàn nếu ý thức và thái độ của người mua dịch vụ quá kém.

​Ms. Smile

Tags: Tips
5 Tâm lý ăn buffet xấu xí của khách Việt khiến nhà hàng tổn thất
4.4 (784 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN