18 Ngày nghẹt thở giải cứu đội bóng Lợn Hoang – Nhìn sang Thái, Việt Nam học được gì từ công tác cứu hộ?

7h tối ngày 10/7/2018, gần 70 triệu dân Thái Lan như vỡ òa cảm xúc khi tin tức giải cứu thành công 13 thành viên đội bóng Lợn Hoang được truyền đi. Thật khó để tìm được một từ ngữ diễn tả chính xác cảm xúc của người dân Thái lúc ấy, bởi đan xen giữa sự vui mừng, hơi thở phào nhẹ nhõm là sự tiếc thương một cựu lính đặc nhiệm hải quân Seal đã mãi mãi ra đi…

18 Ngày nghẹt thở giải cứu đội bóng Lợn Hoang – Nhìn sang Thái, Việt Nam học được gì từ công tác cứu hộ

Chân dung 13 thành viên đội bóng Lợn Hoang (Ảnh nguồn Internet)

► 18 ngày “chạy đua với nước và thời gian” – hoàn thành xuất sắc “Nhiệm vụ bất khả khi”

Khi dòng trạng thái “Tất cả đều an toàn” của lực lượng Seal thuộc Hải quân Thái Lan được đăng tải lên Facebook là khoảnh khắc được chờ đợi nhất kể từ khi đội bóng Lợn Hoang (Trong tiếng Thái là Moo Pa) mất tích trong quá trình thám hiểm hang động Tham Luang Nang Non hôm 23/06. Cả đất nước Thái dường như chẳng buồn cập nhật diễn biến các trận cầu World Cup hấp dẫn đang diễn ra tại Nga. Bản tin trang nhất các báo Thái ra buổi sáng, các trang tin tức online chủ yếu “dành đất” để đưa tin về diễn biến chiến dịch “chạy đua với nước và thời gian” ở Tham Luang.

Chiến dịch tìm kiếm, giải cứu tại Chiang Rai có sự tham gia của lực lượng đặc nhiệm Seal thuộc Hải quân Thái Lan; các nhóm chuyên gia đến từ Anh, Mỹ, Trung Quốc, Myanmar, Lào… cùng rất nhiều tình nguyện viên địa phương.

Sau 9 ngày nỗ lực tìm kiếm trong điều kiện thời tiết mưa gió khắc nghiệt, đêm ngày 2/7, 2 thợ lặn người Anh đã phát hiện được vị trí của đội bóng nhí và xác định 13 thành viên vẫn an toàn.

18 Ngày nghẹt thở giải cứu đội bóng Lợn Hoang – Nhìn sang Thái, Việt Nam học được gì từ công tác cứu hộ

Các cậu bé vui mừng khi được các thợ lặn tìm thấy (Ảnh nguồn Internet)

Xem thêm: XÚC ĐỘNG KHOẢNH KHẮC TÌM ĐƯỢC ĐỘI BÓNG NHÍ SAU 9 NGÀY KẸT TRONG HANG ĐỘNG HIỂM TRỞ

Trải qua niềm vui ban đầu ấy là lo lắng về phương án đưa 12 cậu bé và huấn luyện viên ra ngoài. Với tình hình thời tiết xấu ở vùng Đông Bắc Thái Lan những ngày qua, thậm chí khả năng đến tận hết tháng 10 mới đưa được đội bóng ra ngoài cũng đã được tính đến.

Sau 5 ngày bàn thảo, lên kế hoạch và chuẩn bị dưới sự chỉ huy của tỉnh trưởng Chiang Rai – ông Narongsak Osotthanakorn, nhờ lượng nước trong hang được bơm rút đi đáng kể, từ hôm 8/7, lực lượng cứu hộ gồm gần 140 thợ lặn Thái Lan và quốc tế đã bắt đầu chiến dịch đưa đội bóng nhí ra khỏi hang mà trực tiếp là 18 thợ lặn trong đội nòng cốt.

Quãng đường từ vị trí trú ẩn của 13 thầy trò ra đến cửa hang là gần 5km, trong đó 1/5 quãng đường là các khu vực chìm sâu trong nước lũ, buộc phải lặn qua. Đó là chưa kể đến những “nút thắt cổ chai” khiến những thợ lặn có nghề cũng phải dè chừng.

Theo mô tả của Bangkok Post, mỗi thành viên đội bóng được đưa ra ngoài với sự hỗ trợ của 2 thợ lặn chuyên nghiệp – lần theo hệ thống dây cáp dẫn đường được bố trí sẵn để không bị lạc trong dòng nước lũ. “Các cháu nhỏ được mang mặt nạ dưỡng khí trùm kín mặt và bình oxy được thợ lặn phía trước ôm dưới thân mình khi di chuyển. Một thợ lặn đi sau hỗ trợ.” Các thành viên còn lại của đội nòng cốt túc trực sẵn tại những đoạn có khả năng xảy ra rủi ro cao để nhanh chóng hỗ trợ bất kỳ lúc nào.

18 Ngày nghẹt thở giải cứu đội bóng Lợn Hoang – Nhìn sang Thái, Việt Nam học được gì từ công tác cứu hộ

Ảnh mô tả cách thức đưa các thành viên đội bóng nhí ra khỏi hang (Ảnh nguồn Internet)

Với phương án cứu hộ này, sau 3 ngày triển khai, chiều tối 10/7, 4 cậu bé cuối cùng và huấn luyện viên đã được đưa ra khỏi hang, sau đó 1 bác sĩ và 3 lính Seal là những người cuối cùng bước ra – đánh dấu sự thành công của một “nhiệm vụ bất khả thi”.

18 Ngày nghẹt thở giải cứu đội bóng Lợn Hoang – Nhìn sang Thái, Việt Nam học được gì từ công tác cứu hộ

Khuôn mặt không thể giấu được niềm vui của người thân của các cầu thủ nhí nghe tin con mình sắp được giải cứu (Ảnh nguồn Internet)

Kể từ khi nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej băng hà vào năm 2016, sự việc lần này một lần nữa lại khiến người dân “xứ sở chùa Vàng” hòa chung một nhịp đập. 18 ngày giải cứu đầy căng thẳng – nghẹt thở, khiến cả đất nước Thái Lan vốn bị chia rẽ vì những sóng gió chính trị liên tiếp trong nhiều năm qua được dịp hòa chung một ý nguyện - cùng hướng về Tham Luang – nơi có những cậu bé đang mong mỏi từng giây được nhìn thấy mặt trời, trở về trong vòng tay của gia đình, người thân.

► Niềm vui của cả dân tộc, đánh đổi bằng sinh mệnh của một “người anh hùng”

Việc giải cứu thành công đội bóng nhí không hoàn toàn là câu chuyện của niềm vui bởi đánh đổi điều đó, 1 cựu lính hải quân Seal đã mãi mãi ra đi.

Rạng sáng ngày 6/7, ban chỉ huy chiến dịch thông báo Saman Kunan – một cựu lính đặc nhiệm Seal đã thiệt mạng do thiếu oxy trên đường lặn trở ra, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đặt bình oxy tiếp tế cho công tác giải cứu sẽ được triển khai 2 ngày sau đó.

18 Ngày nghẹt thở giải cứu đội bóng Lợn Hoang – Nhìn sang Thái, Việt Nam học được gì từ công tác cứu hộ

13 thành viên đội bóng Lợn Hoang đã thoát chết kỳ diệu nhưng có 1 người mãi mãi không thể về với người thân (Ảnh nguồn Internet)

Được biết, cựu quân nhân 38 tuổi này rời lực lượng Seal vào năm 2006, sau đó làm nhân viên cứu hộ khẩn cấp tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok). Khi nghe tin đội bóng thiếu niên mất tích, anh đã tình nguyện đến Chiang Rai tham gia hỗ trợ chiến dịch giải cứu.

Rất nhiều người đã bày tỏ sự tiếc thương về sự ra đi của “người anh hùng” này: "Hãy yên nghĩ nhé Saman Kunan, người đã cố để cứu sống 13 sinh mạng khác. Thật buồn nhưng bạn là người hùng của Thái Lan và chúng tôi sẽ luôn nhớ về bạn", "Tôi thực sự không cầm được nước mắt khi nghe tin. Hãy đến một nơi bình yên hơn! Anh thực sự là người hùng với tất cả chúng tôi","Những gì anh định làm đã được hoàn thành. Cả thế giới tự hào về anh và sẽ không bao giờ quên mục đích và sự hy sinh của anh", "Xin cảm ơn, từ tận đáy lòng tôi"…

► Nhìn sang Thái, Việt Nam học được gì từ công tác cứu hộ?

Hành trình giải cứu thành công 13 thành viên đội bóng Lợn Hoang lần này là một sự kiện “vô tiền khoáng hậu”, cho thấy cách xử lý tình huống của chính phủ Thái Lan. Khi sự việc xảy ra, chính quyền Thái đã nhanh chóng nhờ đến sự hỗ trợ của  những thợ lặn hang động chuyên nghiệp hàng đầu thế giới. Và 2 thợ lặn người Anh chính là những người đầu tiên phát hiện ra vị trí của đội bóng và là thành viên trong đội thợ lặn nòng cốt đưa các thành viên ra khỏi hang.

Ban chỉ huy chiến dịch đã thực hiện việc điều phối công tác cứu hộ rất chặt chẽ và có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng. Trong khi hải quân đảm nhận nhiệm vụ lặn thì lính đặc công phụ trách hoạt động tìm kiếm lối vào hang động khác từ trên núi. Bên cạnh đó, hàng nghìn người dân cũng sẵn sàng hỗ trợ công tác cứu hộ, chăm lo hậu cần…

18 Ngày nghẹt thở giải cứu đội bóng Lợn Hoang – Nhìn sang Thái, Việt Nam học được gì từ công tác cứu hộ

Công tác chỉ huy chiến dịch được triển khai rất chặt chẽ (Ảnh nguồn Internet)

Tại Việt Nam, nhiều tour thám hiểm hang động như Sơn Đòong, Hang Va, Hang Tiên, Hang Én… cũng đang được khai thác. Qua sự việc ở Thái Lan lần này, có những bài học rõ ràng mà chúng ta có thể nhận thấy được:

  • Không tổ chức tour thám hiểm vào mùa mưa hay khi thời tiết xấu

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối thì điều quan trọng nhất là không tổ chức tour thám hiểm vào mùa mưa hay khi thời tiết xấu, có dấu hiệu sẽ xảy ra lũ lụt. Mùa mưa ở nước ta bắt đầu từ đầu tháng 9 đến giữa tháng tháng 11 hoặc đến tháng 1 năm sau với một số hang động. Trong khoảng thời gian này, các điểm du lịch có thể triển khai các khóa đào tạo công tác cứu hộ cho hướng dẫn viên, trợ lý an toàn và nhân viên khuân vác.

18 Ngày nghẹt thở giải cứu đội bóng Lợn Hoang – Nhìn sang Thái, Việt Nam học được gì từ công tác cứu hộ

Hang Sơn Đòong – hang động dài nhất thế giới thu hút rất nhiều khách du lịch mong muốn thám hiểm

(Ảnh nguồn Internet)

  • Chú trọng đào tạo công tác cứu hộ

Quá trình thám hiểm hang động luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho du khách cho nên các đơn vị tổ chức loại hình tour này cần phải chú trọng đào tạo các kỹ năng cứu hộ và y tế cho nhân viên trong những trường hợp điển hình. Các nhân viên tham gia dẫn đoàn thám hiểm cần phải được kiểm tra thường xuyên và nâng cao nghiệp vụ về kỹ năng an toàn.

  • Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn

Để đề phòng trường hợp các sự cố có thể xảy ra, nhân viên đoàn thám hiểm lẫn du khách cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định an toàn. Các trang thiết bị hỗ trợ cứu hộ hang động chuyên dụng cần phải được cất giữ, bố trí sẵn trên hành trình khai thác tour để có thể sử dụng khi cần thiết. Các đoàn dẫn tour thám hiểm cần được trang bị điện thoại vệ tinh để liên lạc với bên ngoài trong trường hợp khẩn cấp và thường xuyên giữ liên lạc với đội ngũ bác sĩ và bệnh viện trong khu vực để xử lý nhanh khi có bất kỳ sự cố nào.

Chưa có sự việc đáng tiếc đặc biệt nào xảy ra không có nghĩa là không bao giờ xảy đến, cho nên để chủ động xử lý khi có sự cố thì việc thành lập một đội cứu hộ ở Việt Nam là một ý tưởng hay. Và đội cứu hộ này sẽ sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ cơ quan, tổ chức nào khi cần, để không có bất kỳ một sự mất mát thương tâm nào xảy đến vì sự yếu kém – chậm chạp trong công tác cứu hộ, cứu nạn…

Ms. Smile

Tags:
18 Ngày nghẹt thở giải cứu đội bóng Lợn Hoang – Nhìn sang Thái, Việt Nam học được gì từ công tác cứu hộ?
4.0 (390 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN