Bật mí 6 kim chỉ nam giúp đầu bếp trẻ thành công trong nghề

Làm bếp không khó nhưng để làm lâu và tiến xa trong nghề thì không dễ. Muốn thành công, những đầu bếp trẻ cần nhiều hơn các thứ như bằng cấp, tiểu sử làm việc, thân thế hay mối quan hệ…

kim chỉ nam giúp đầu bếp trẻ thành công trong nghề

6 yếu tố tạo nên một đầu bếp thành công

Mỗi môi trường làm việc sẽ có những quy định và cách thức vận hành khác nhau. Khi đó, cần những cá thể theo từng kiểu riêng, đủ linh hoạt để hòa nhập nhanh và hoạt động năng suất. Nhưng dù có làm ở đâu thì sở hữu 6 yếu tố sau đây chắc chắc bạn luôn là người phù hợp:

+ Tốc độ làm việc

Tốc độ chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Làm bếp bắt buộc tác phong phải nhanh, tay chân phải phối hợp nhịp nhàng, di chuyển mau lẹ, thao tác khéo léo. Khi đã vào môi trường chuyên nghiệp, người đầu bếp luôn làm việc trong tình trạng đuổi nhau với thời gian để kịp ra món phục vụ khách. Chân tay lóng ngóng, xử lý thông tin chậm chạp, dễ tự ái… chắc chắn không phù hợp với môi trường bếp. Hoặc thật sự nhạy bén và lanh lợi, hoặc ý chí sắc đá, nghe được chửi, càng hối càng nhanh thì mới có thể làm lâu được với nghề.

+ Kỷ luật

Nhiều người ví môi trường bếp giống như quân đội, nơi kỷ luật được đặt lên hàng đầu. Bởi, mọi hoạt động diễn ra trong bếp đều phải đảm bảo chính xác, từ nề nếp cho đến cách giao tiếp trong công việc. Mọi bước đều phải đảm bảo nguyên tắc vệ sinh và an toàn, từ sơ chế cho đến chế biến, trang trí, ra món, cả khâu vệ sinh và dọn dẹp sau đó. Mọi món ăn đều phải được chuẩn bị đúng nguyên liệu, nêm nếm đúng liều lượng, mùi vị đúng chuẩn. Việc hôm nay chưa xong thì không được xin khất tới mai làm tiếp, đúng giờ đó mà chưa xong món của khách là ăn chửi, khách order 10 món thì phải hoàn thành và phục vụ cùng lúc 10 đĩa chứ không thể chỉ làm 8 rồi bảo khách share do 2 đĩa kia thiếu nguyên liệu hay nấu hỏng… Chưa kể, nói chuyện trong bếp phải to, rõ ràng, ngắn gọn nhưng đủ ý. Nơi này không có chỗ cho những câu chuyện phiếm hay tâm tình chuyện riêng trong giờ làm, nhất là giờ cao điểm.

+ Sức khỏe thể chất và tinh thần

Gần như công việc nào cũng cần sức khỏe. Bếp là công việc chân tay dài thời gian (10-12 tiếng), lại nặng nhọc, khối lượng việc cũng vô cùng nhiều nên càng cần sức khỏe thể chất ở mức tốt. Ngoài ra, tinh thần cũng cần vui vẻ, thoải mái, linh hoạt và đầy trách nhiệm để duy trì trạng thái làm việc tốt nhất, năng động và nhiệt tình nhất, hạn chế tối đa sai sót hay sự cố không mong muốn. Đã có nhiều cặp đôi chia tay nhau do một nửa sống với bếp và khách, đồng nghiệp còn nhiều hơn ở với mình. Một tuần chỉ nghỉ được 1 ngày, chỗ nào chế độ tốt hơn thì được 2 ngày, nơi khắc nghiệt có khi tháng được 1-2 ngày hoặc nợ ngày phép sang tháng khác. Lễ, Tết lại càng phải đi làm, đến khi được nghỉ thì “người thường” quay trở lại với guồng quay sinh hoạt cơ bản chung rồi còn đâu…

+ Nhập gia tùy tục

Một bếp trưởng từng chia sẻ: nhân viên tốt nhất trong một căn bếp không phải là người biết nhiều nhất, kỹ năng cao nhất, nấu ăn ngon nhất… mà là người làm việc đúng ý bếp trưởng nhất. Bởi ở bất kỳ đâu, bếp trưởng luôn là người đứng đầu, với vị thế và quyền hành cao nhất, có cách làm đúng nhất, nấu món ăn ngon nhất. Do đó, không cần biết trước đó bạn là ai, đã làm tới vị trí nào, kỹ năng thượng thừa ra sao, kinh nghiệm dày dặn thế nào nhưng nếu đồng ý vào làm căn bếp đó, chịu sự giám sát và quản lý của bếp trưởng kia thì nhất định phải làm theo vị sếp đó, bằng không thì bị đào thải ngay. Đừng khăng khăng tìm cách thể hiện, muốn làm sao thì làm; điều cần làm là phải nhập gia tùy tục, làm ở đâu phải theo cách ở đó, hòa nhập ngay vào văn hóa làm việc tại đó.

+ Biết người, biết ta

Ở đây có 2 vế rõ ràng. Đầu tiên là cần biết người khác thế nào, như: mình đang làm việc cho ai, người đó có kiến thức và kinh nghiệm ra sao, mình sẽ học hỏi được gì từ họ… Hãy tìm người giỏi hơn mình để làm việc và học hỏi thay vì đâm đầu vào nơi chẳng mang lại ích lợi gì. Người khôn sẽ đi theo người giỏi, khiêm nhường học tập, tiếp thu những thứ họ truyền để chính mình dần dần tốt lên. Đến lúc này mình lại cần biết ta: đang ở đâu, biết những gì, còn gì để học tại đó nữa không… Nếu thỏa mãn với vị trí cao nhất hiện tại thì dừng lại và gắn bó, bằng không hay không thể lên cao nữa, hãy tìm đến những “người thầy” ở bậc cao hơn để tiếp tục học tập và phát triển.

+ Kiên định với bản ngã đúng

Làm nghề cần học hỏi kéo dài. Phải luôn đặt bản thân ở bậc dưới, nhìn lên cao và học thêm những người ở trên, giỏi hơn mình. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là mình cứ học, học nữa, học mãi mà không tự tạo cho mình “thương hiệu riêng”. Rằng: mình là đầu bếp thế nào, chuyên mảng nào, phong cách của mình là gì, nấu món gì ngon nhất, muốn phục vụ khách ra sao… để xây dựng và kiên định với bản ngã đúng đó. Khi đó, mình có thể tự tin về năng lực và tay nghề của mình, có thể tự đứng vững trong nghề mà không cần nương nhờ hay che chở bởi bất kỳ “cây đa cây đề” nào cả.

kim chỉ nam giúp đầu bếp trẻ thành công trong nghề
Làm nghề bếp muốn giỏi phải học, học nữa, học mãi

Không có đầu bếp giỏi, chỉ có đầu bếp phù hợp

Chuyện một đầu bếp được đánh giá là giỏi ở khách sạn này nhưng khi nghỉ việc, đổi sang làm ở nhà hàng khác chưa chắc đã được coi là xuất sắc. Làm bếp không chỉ dừng lại ở năng lực cá nhân mà cần chú trọng hơn trong khâu làm việc nhóm, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc. Bởi, một tập thể không thật sự hiểu ý và tương trợ nhau thì thể nào cũng xuất hiện kẽ hở, tạo nên lỗi trong phục vụ khách hàng, để họ phàn nàn rồi dĩ nhiên, chuyện bị khiển trách chung chỉ là sớm muộn. Do đó, với nghề bếp, không có người giỏi nhất, chỉ có người phù hợp nhất. Đôi khi, chỉ cần hạ cái tôi và sự kiêu hãnh của bản thân xuống một chút, để lắng nghe góp ý và đánh giá từ người khác, sẽ giúp công việc được trơn tru và hiệu suất hơn.

​Ms. Smile

Tags: Tips
Bật mí 6 kim chỉ nam giúp đầu bếp trẻ thành công trong nghề
4.3 (823 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN