2 phong cách thiết kế bếp nhà hàng đón đầu xu hướng

Bếp là không gian rất được chú trọng tại nhà hàng. Không chỉ là nơi chế biến những món ăn ngon, không gian bếp hiện nay còn được tận dụng để thu hút, kết nối khách hàng. Bài viết này, Hoteljob.vn xin giới thiệu 2 phong cách thiết kế bếp nhà hàng đón đầu xu hướng để bạn tham khảo!

thiết kế bếp nhà hàng

Ảnh nguồn Internet

Hiện nay, phần lớn nhà hàng tại Việt Nam vẫn thiết kế bếp theo phong cách truyền thống – phần không gian kín và tách biệt với khu vực khác. Điều này chưa hẳn đã hiệu quả! Một không gian bếp được thiết kế bắt mắt, có điểm nhấn kết nối cao với không gian khác và với khách hàng sẽ tạo nên sự thú vị riêng có cho sự thành công nhất định trong kinh doanh nhà hàng. Tùy theo quy mô, kích thước, đối tượng khách hàng mục tiêu và định hướng chiến lược kinh doanh của nhà hàng mà lựa chọn phong cách thiết kế bếp cho phù hợp.

Dưới đây là 2 phong cách thiết kế bếp nhà hàng được cho là tối ưu nhất, vừa tận dụng tối đa không gian hiện có, vừa góp phần tạo điểm nhấn để thu hút khách hàng, đón đầu xu hướng kinh doanh:

Không gian bếp mở

Là loại hình thiết kế bếp dạng mở đầu tiên và được ưa chuộng nhất tại Việt Nam tính đến hiện tại, không gian bếp mở là nơi mà các đầu bếp thực hiện chế biến món ăn ngay trước sự chứng kiến của khách hàng. Phong cách thiết kế bếp nhà hàng như thế này giúp tạo sự hứng thú và gây kích thích vị giác qua việc chờ đợi được thưởng thức món ăn sau khi được trực tiếp xem quá trình chế biến.

Thiết kế bếp nhà hàng theo dạng mở phù hợp với các món nướng, xào, rán; mà đỉnh cao là nghệ thuật trình diễn Teppanyaki của ẩm thực Nhật Bản.

thiết kế bếp nhà hàng

Ảnh nguồn Internet

Phong cách này phù hợp với hầu hết nhà hàng. Tuy nhiên, đặc biệt thích hợp với kiểu nhà hàng kích thước nhỏ, bởi nó sẽ làm thoáng và nổi bật phần nội thất vốn bị bó buộc trong bốn bức tường eo hẹp, đồng thời gây ấn tượng và tạo sự gần gũi với khách để họ không phải bận tâm hay khó chịu bởi không gian chật hẹp của nhà hàng; thay vào đó, họ chỉ để tâm vào việc theo dõi quá trình chế biến món ăn. Muốn làm được điều này, mẹo nhỏ dành cho bạn là nên làm nổi bật phần không gian bếp bằng những màu sơn đơn sắc, hạn chế các chi tiết cầu kì ở các không gian khác nhằm hướng sự tập trung vào khu bếp.

thiết kế bếp nhà hàng

Ảnh nguồn Internet

Lưu ý: tuy là không gian bếp mở nhưng không hẳn “mở hoàn toàn”. Bạn cần bố trí một gian bếp kín gần đó để sơ chế hoặc chế biến sẵn những món tốn nhiều thời gian như món hầm, ninh, nước sốt,…Đây là cách để giữ cho không gian bếp luôn vệ sinh, sạch sẽ, gọn gàng (điều bắt buộc phải có của một gian bếp mở), đồng thời giữ lại những bí quyết/ công thức nấu ăn của riêng nhà hàng bạn. Ngoài ra, bếp cũng cần trang bị các thiết bị hút mùi và thiết bị chế biến, đảm bảo không gian thoáng, món ăn chất lượng. 

Tham khảo thêm các tiêu chuẩn thiết kế bếp trong nhà hàng - khách sạn: Tại đây!

Phong cách bếp siêu thị

Đây là dạng thiết kế bếp theo kiểu trưng bày, tức là các nguyên liệu chế biến sẽ được bày sẵn tại các quầy để khách hàng có thể tự tay lựa chọn và yêu cầu đầu bếp chế biến theo ý mình mà không cần phải đụng tay đến.

Tuy khá mới mẻ, nhưng phong cách bếp siêu thị cũng đã manh nha xuất hiện tại các nhà hàng quy mô tại Việt Nam. Bởi, phong cách này chỉ dành cho những nhà hàng có không gian tương đối rộng, có thể dành một khoảng diện tích đáng kể cho việc trưng bày nguyên liệu.

Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá “tham lam” mở rộng diện tích “siêu thị” ra quá nhiều vì như thế là chỉ tự làm khó chính bạn và đầu bếp nhà hàng bạn mà thôi. Bởi, việc có quá nhiều nguyên liệu sẽ tạo cho khách hàng nhiều sự lựa chọn, đôi khi có những lựa chọn kết hợp nguyên liệu quá bất thường; từ đó, số lượng món ăn cũng vì thế mà nhân lên rất nhiều, gây khó khăn cho quá trình chế biến và phục vụ. Mẹo nhỏ cho bạn là cũng chừng đó nguyên liệu nhưng bạn nên làm đa dạng chúng bằng màu sắc. Ví dụ như ớt chuông có nhiều màu, xanh – vàng – đỏ, bạn chỉ cần bày đủ các màu đó ra các giỏ khác nhau, khách hàng khi lựa sẽ cảm thấy hoa mắt vì quá nhiều thứ để chọn.

thiết kế bếp nhà hàng

Ảnh nguồn Internet

Lưu ý: vì là khu vực trưng bày nguyên liệu sẵn có nên yêu cầu việc sắp xếp phải được tính toán một cách khoa học, tức phân chia không gian riêng và hợp lý cho từng nhóm nguyên liệu (như nguyên liệu khô, rau xanh, thịt cá, hải sản,…); đồng thời phải trang bị thiết bị bảo quản để giữ nguyên liệu luôn tươi ngon, vệ sinh.

Ms. Smile

Tags:
2 phong cách thiết kế bếp nhà hàng đón đầu xu hướng
4.4 (824 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN