Nguồn gốc sự tích “hạc trên lưng rùa” tại các ngôi chùa Việt Nam

Kiến trúc Phật giáo là một trong những điểm thu hút của nền du lịch Việt Nam. Rất nhiều ngôi chùa linh thiêng, lâu đời đã góp phần làm phong phú thêm các danh lam thắng cảnh ở nước ta.

Các du khách quốc tế khi tới thăm các ngôi chùa tại Việt Nam đều bị ấn tượng bởi chi tiết Rùa cõng hạc trên lưng và các lá cờ phướn dài tung bay trong gió. Vậy những hình ảnh này mang ý nghĩa gì? Ở bài viết này, Hoteljob.vn sẽ cung cấp một số lí giải để các bạn đọc có được cái nhìn đa chiều về những chi tiết kiến trúc Phật giáo đặc biệt này.

“Thương thay thân phận con rùa

Lên đền đội hạc xuống chùa đội bia…”

Đi tìm nguồn gốc sự tích “hạc trên lưng rùa” tại các ngôi chùa Việt Nam
Hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa

Mượn hình ảnh rùa và hạc trong những ngôi đền, chùa linh thiêng, nhân dân ta đã vận dụng để nói lên câu ca dao về những số phận đáng thương, tội nghiệp trong cuộc sống hàng ngày. Có rất nhiều các câu chuyện xung quanh lí giải hiện tượng này. Có ý kiến cho rằng, hạc là con vật của đạo giáo. Hình ảnh hạc chầu trên lưng rùa trong nhiều ngôi chùa, miếu..., hạc đứng trên lưng rùa biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm - dương. Hạc là con vật tượng trưng cho sự tinh tuý và thanh cao. Theo truyền thuyết rùa và hạc là đôi bạn rất thân nhau. Rùa tượng trưng cho con vật sống dưới nước, biết bò, hạc tượng trưng cho con vật sống trên cạn, biết bay. Khi trời làm mưa lũ, ngập úng cả một vùng rộng lớn, hạc không thể sống dưới nước nên rùa đã giúp hạc vượt vùng nước ngập úng đến nơi khô ráo. Ngược lại, khi trời hạn hán, rùa đã được hạc giúp đưa đến vùng có nước. Điều này nói lên lòng chung thuỷ và sự tương trợ giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn giữa những người bạn tốt.

Tuy nhiên, để lí giải cho câu chuyện rùa cõng hạc trên lưng và mối liên hệ với hình ảnh lá cờ phướn dài, nhân dân ta còn có một câu chuyện thú vị khác. Theo một chuyện đời xưa kể lại, lá Phướn ở chùa là hình ảnh con rắn bị trừng phạt. Nguyên trước kia, người nông phu có nuôi con rắn, hàng ngày anh chăm chỉ kiếm mồi để nuôi nó lớn. Rắn mỗi ngày mỗi lớn, nên việc kiếm ăn ngày một khó khăn. Một hôm, người nông phu nói với con rắn rằng, bữa hôm nay đói kém nên không thể kiếm ăn cho rắn được. Rắn nghe nói thế bèn nổi giận và trở mặt, phồng mang, trợn mắt đòi cắn chết anh nông phu . Anh nông phu buồn rầu và nghe nói "cứu vật, vật trả ơn" nhưng sao rắn mình nuôi nó, nó lại đòi ăn thịt mình. Và rồi anh nông phu nói với rắn, vậy mi cùng đi với ta đến gặp một loài vật khác hỏi xem nếu nó đồng ý mi ăn thịt ta, ta sẽ bằng lòng ngay . Rắn đồng ý và cả hai gặp con hạc. Anh nông phu kể lại tự sự, hạc nghe xong bèn nổi giận cho rắn là phường vong ân bội nghĩa, tội đáng chết. Nhưng rắn chưa chịu và đòi đi gặp con vật thứ hai. Và rồi cả hai lại gặp con rùa đang nằm bên lề đường. Rùa nghe rắn phân bua, bèn phán, vậy mi cắn người nông phu chết cho rồi. Tại sao hắn nuôi mi mà để cho mi đói . Anh nông phu đề nghị nên gặp thêm con vật thứ ba mới phân thắng bại vì vừa qua đã gặp hai con vật mà mỗi con lại có ý trái nhau . Rắn đồng ý và rồi trên đường lại gặp con quạ. Nghe xong cớ sự, quạ bèn nổi giận từ trên cành cao nhào xuống mổ con rắn chết ngay tức khắc. Nhưng hồn con rắn không vừa, bèn bay lơ lửng, vẩn vơ tìm Đức Như Lai để nhờ phân xử. Đức Phật nghe rõ đầu đuôi câu chuyện rồi phán rằng:" Hạc là loài có nghĩa, từ nay được đứng trên cao . Rùa ăn nói vô lý, từ nay cho nó bò dưới thấp. Rắn là loài vô ân nên bị quạ giết là đáng lắm. Nên quạ tha xác rắn lên ngọn cây cho muôn loài soi gương mà ăn ở cho có nhân đức, đừng vô ân phản phúc." Từ đó hạc đứng chầu trên cao. Rùa đội chân con hạc. Quạ đậu trên cột phướn và lá phướn treo trước chùa là hiện thân xác rắn đang phơi mình cho mọi người trông vào đó mà tự răn lấy mình vậy.

Đi tìm nguồn gốc sự tích “hạc trên lưng rùa” tại các ngôi chùa Việt Nam
Lá cớ phướn được cho là tượng trưng cho con rắn gây tội năm nào

Mỗi câu chuyện, mỗi hình tượng biểu trưng lại những nơi linh thiêng đều có ý nghĩa riêng biệt. Tuy rằng, có nhiều cách lí giải khác nhau nhưng đều tựu chung tại một điểm đó là hướng con người ta tới những điều thiện để cuộc sống tốt đẹp hơn. Hi vọng với bài viết này, các bạn sẽ có được những đáp án của riêng mình cho những hình ảnh lá cờ phướn và tượng hạc trên lưng rùa tại nơi đền, chùa tại Việt Nam.

Ms. Smile (sưu tầm)

 

Tags:
Nguồn gốc sự tích “hạc trên lưng rùa” tại các ngôi chùa Việt Nam
4.1 (581 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN