MỤC LỤC
Một đầu bếp tại Đà Nẵng vừa bị cơ quan công an tạm giữ hình sự sau khi bị phát hiện mua tê tê Java để phục vụ món ăn trong quán nhậu. Vụ việc đang khiến cả cộng đồng dân mạng, nhất là người làm nghề dịch vụ khách sạn - nhà hàng quan tâm và đặt ra câu hỏi lớn: Đâu là ranh giới giữa nỗ lực phục vụ nhu cầu thực khách và vi phạm pháp luật?
Tê tê quý hiếm suýt trở thành món nhậu
Cụ thể, lực lượng chức năng TP. Đà Nẵng đã ra quyết định tạm giữ hình sự 3 đối tượng để điều tra về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã – trong đó có Nguyễn Văn Hoàng (32 tuổi, quê Quảng Ngãi) hiện là đầu bếp một nhà hàng tại phường Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Qua xác minh, Hoàng đã đặt mua tê tê Java – một trong những loài động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt – từ một cặp vợ chồng ở tỉnh Quảng Ngãi là Huỳnh Thị Thu Thủy (56 tuổi) và Trần Đức Ngữ (59 tuổi). Hai người này bị nghi là đầu mối chuyên cung cấp động vật hoang dã cho các nhà hàng.
Rất may, con tê tê đã được người dân phát hiện và giao nộp cho công an trước khi bị chế biến. Hiện "tang vật" đã được chuyển đến cơ sở bảo tồn Vinpearl River Safari Nam Hội An để cứu hộ, chăm sóc.

Hành vi nhỏ, hậu quả lớn
Điều đáng nói là hành vi đặt mua tê tê để chế biến món ăn không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn đe dọa trực tiếp đến sự nghiệp cá nhân và uy tín của cơ sở đang làm việc, của cả cộng đồng nhân sự ngành nói chung.
-
Theo luật hiện hành, tê tê Java thuộc nhóm IB – động vật quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt, mọi hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ đều có thể bị xử lý hình sự với mức phạt cao, thậm chí phạt tù.
-
Người vi phạm còn đối diện nguy cơ bị "tẩy chay" nghề nghiệp, mất việc, không còn cơ hội quay lại môi trường làm việc chuyên nghiệp hay thăng tiến.
-
Với cơ sở kinh doanh có liên quan, vụ việc không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu mà còn có thể kéo theo kiểm tra, xử phạt, đình chỉ hoạt động, làm giảm niềm tin của khách hàng, mất một lượng khách lớn.

Bài học dành cho nhân sự ngành Nhà hàng - Khách sạn
Qua sự việc nghiêm trọng trên, nhiều Hoteliers chắc đang "rén" ngang trước ý định trục lợi cá nhân hay kết bè phái hưởng lợi. Hậu quả nhận về khi bị phát giác chắc chắn sẽ không hề tốt đẹp gì. Vậy nên:
- Đừng đánh đổi sự nghiệp lấy lợi nhuận nhất thời
Việc phục vụ thực khách những món ăn hay dịch vụ "độc – lạ – quý" có thể mang lại lợi nhuận ngắn hạn, nhưng hậu quả lâu dài có thể khiến người làm nghề phải đánh đổi bằng cả sự nghiệp và danh tiếng.
- Không tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật
Dù với bất kỳ lý do nào, mua bán – vận chuyển – chế biến động vật hoang dã đều là vi phạm. Nhân sự ngành cần tuyệt đối tuân thủ quy định, đồng thời chủ động từ chối khi được yêu cầu hoặc gợi ý thực hiện hành vi sai trái.
- Chọn đúng giá trị để giữ vững nghề
Khách hàng hiện đại ngày càng ưu tiên ẩm thực xanh – sạch – bền vững, không phải những món “hiếm” bằng mọi giá. Việc theo đuổi tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp không chỉ bảo vệ môi trường mà còn khẳng định giá trị của người làm nghề chân chính.
Vụ việc đầu bếp tại Đà Nẵng bị bắt vì mua tê tê là một hồi chuông cảnh tỉnh nghiêm khắc. Làm trong ngành dịch vụ - nơi mỗi hành vi cá nhân có thể ảnh hưởng đến cả tập thể, chúng ta cần luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp, chấp hành nghiêm luật pháp, và quan trọng hơn, không bao giờ đánh mất bản thân chỉ vì một chút lợi lộc hay cám dỗ.
Hoteljob.vn kêu gọi cộng đồng nhân sự ngành hãy cùng nhau lan tỏa thông điệp: Nói không với động vật hoang dã – bảo vệ nghề nghiệp – bảo vệ môi trường sống!
Ms. Smile
Hãy để hoteljob.vn giúp bạn có được công việc tốt nhất!
- Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm
- Kết nối gần hơn với Nhà tuyển dụng
- Chia sẻ việc làm với người thân, bạn bè
Hãy để hoteljob.vn tìm nhân sự tốt nhất cho bạn!
- Hiệu quả (Effective): Tuyển đúng người - Tìm đúng việc
- Am hiểu (Acknowledge): Từng ứng viên và doanh nghiệp trong ngành nhà hàng - khách sạn
- Đồng hành (Together): Cùng sự phát triển của doanh nghiệp và sự nghiệp của ứng viên