Những lưu ý an toàn nhân viên bếp cần biết khi sử dụng các thiết bị điện gia dụng

Trong gian bếp nhà hàng, khách sạn không thể thiếu các thiết bị điện gia dụng như là lò nướng, lò vi sóng, tủ đông, máy xay sinh tố… Tuy nhiên không phải nhân viên bếp nào cũng biết được những lưu ý an toàn khi sử dụng các thiết bị điện. Hoteljob.vn sẽ giúp bạn tìm hiểu và trang bị những kiến thức cần thiết về chủ đề này.

Những lưu ý an toàn nhân viên bếp cần biết khi sử dụng các thiết bị điện gia dụng

Bạn có nắm được những lưu ý an toàn khi sử dụng các thiết bị điện gia dụng? (Ảnh nguồn Internet)

► Lò vi sóng

- Lò vi sóng phải được đặt nơi khô ráo, tránh nước.

- Không để lò hoạt động khi không có thức ăn.

- Khi vận hành lò vi sóng, chú ý không để vật gì bị kẹt ngay cửa khiến hơi nóng thoát ra ngoài.

- Chỉ nên sử dụng nước hoặc các chất tẩy rửa tự nhiên để vệ sinh lò vi sóng, vì những chất tẩy rửa hóa học sẽ khiến lò bị ăn mòn, về lâu dài sẽ gây hỏng thiết bị.

- Chỉ sử dụng các vật đựng thức ăn bằng thủy tinh chịu nhiệt, sứ, sành… để đưa vào lò vi sóng. Không sử dụng các vật bằng kim loại hoặc nhựa đựng thức ăn để đưa vào lò vi sóng vì sẽ khiến thức ăn bị hấp thụ những chất không tốt từ những vật này, thậm chí gây cháy nổ lò vi sóng.

- Sau khi hâm nóng các loại chai lọ có miệng hẹp trong lò vi sóng, khi mở nắp, cần chú ý cẩn thận vì hơi nóng có thể bật ra gây bỏng mặt.

- Trong trường hợp sử dụng lò vi sóng để nướng thức ăn, trong quá trình nướng, không được mở cửa lò vì sẽ khiến dầu nóng bắn vào người. Bên cạnh đó, cũng không được chạm tay vào cửa kính lò vì nhiệt độ lò khi đó rất cao.

Những lưu ý an toàn nhân viên bếp cần biết khi sử dụng các thiết bị điện gia dụng

Chỉ sử dụng các vật đựng thức ăn bằng thủy tinh chịu nhiệt, sứ… để hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng

(Ảnh nguồn Internet)

► Lò nướng

- Không đặt lò nướng gần những vật dễ bắt lửa như rèm cửa, bếp ga… hay cạnh bồn rửa chén để tránh xảy ra các sự cố về điện hoặc hỏa hoạn.

- Cũng như lò vi sóng, chỉ nên đưa vào lò nướng những vật dụng bằng sành, gốm, sứ hay thủy tinh chịu nhiệt. Vì vật dụng bằng kim loại sẽ gây cháy nổ lò còn hộp nhựa hay bao nilon tạo ra những chất độc hại bám vào thức ăn.

- Trong quá trình nướng, không mở cửa ra xem hay chạm tay vào mặt kính của lò nướng.

- Sau khi quá trình nướng kết thúc, bạn nên ngắt nguồn điện, đợi vài phút để nhiệt độ trong lò giảm bớt rồi mới mở cửa lò nướng lấy thức ăn. Cần sử dụng bao tay dày hoặc kẹp gắp để kéo khay nướng ra ngoài để không bị bỏng.

Những lưu ý an toàn nhân viên bếp cần biết khi sử dụng các thiết bị điện gia dụng

Khi kéo khay nướng ra ngoài cần phải dùng đến bao tay hoặc kẹp gắp để không bị bỏng

(Ảnh nguồn Internet)

► Bếp từ

Một số khách sạn – nhà hàng hiện nay đang sử dụng bếp từ để chế biến các món ăn thay vì dùng bếp ga. Do đó, nếu nơi bạn làm việc sử dụng loại bếp này, bạn cần lưu ý:

- Không đặt bếp từ gần các thiết bị như: lò vi sóng, lò nướng hay điện thoại… vì từ trường bếp từ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết bị đó. Đảm bảo duy trì khoảng cách tối thiếu ít nhất là 1m.

- Sau khi vừa chế biến món ăn xong và tắt bếp, bề mặt bếp sẽ rất nóng và có khả năng gây bỏng rất cao, do đó bạn cần chú ý không được chạm tay vào. Chỉ thực hiện việc vệ sinh mặt bếp khi chữ H trên bảng thông báo đã tắt đi.

Tìm hiểu thêm: Điểm danh Bộ Dụng cụ làm việc không thể thiếu của một Đầu bếp chuyên nghiệp

► Tủ đông – tủ lạnh

- Không nên dùng chung ổ cắm tủ đông với các thiệt bị điện khác vì công suất hoạt động của tủ đông thường rất lớn, nếu dùng chung, dễ gây ra hiện tượng chập cháy.

- Không bảo quản thức ăn còn nóng trong tủ lạnh, vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thống làm mát, giảm tuổi thọ của tủ lạnh.

- Ít nhất 1 tháng 1 lần nên vệ sinh tủ lạnh để ngăn chặn nguy cơ sinh sôi, phát triển của vi khuẩn - bằng cách: rút nguồn điện, lấy tất cả thực phẩm ra ngoài; với ngăn đông thì mở cửa để nước đá tan chảy; sau 30 phút dùng khăn mềm lau khô các bề mặt bên trong tủ lạnh.

- Không xịt các loại hóa chất diệt côn trùng gần tủ đông, tủ lạnh vì hóa chất có thể phản ứng với tia lửa điện trong thiết bị gây cháy nổ nguy hiểm.

Những lưu ý an toàn nhân viên bếp cần biết khi sử dụng các thiết bị điện gia dụng

Mỗi tháng 1 lần, nhân viên bếp cần thực hiện vệ sinh tủ lạnh để ngăn chặn nguy cơ vi khuẩn có hại sinh sôi (Ảnh nguồn Internet)

► Máy xay sinh tố

Nhân viên bếp trong nhà hàng, khách sạn cũng thường sử dụng máy xay sinh tố để xay thực phẩm nấu súp, làm nước sốt… Khi sử dụng máy xay sinh tố, bạn cần lưu ý:

- Khi máy đang hoạt động, không cho tay hay các vật lạ vào cối để lấy thực phẩm; không mở nắp cối xay đột ngột, sẽ khiến nguyên liệu bị bắn hay tuôn trào ra ngoài.

- Khi cần lấy thực phẩm trong cối xay ra cần lưu ý tháo phích cắm điện trước.

- Không nên xay các loại chất lỏng còn nóng vì hơi nóng bốc lên sẽ đẩy áp suất tăng cao khiến nắp máy xay bật ra, thực phẩm bắn tung tóe.

- Với máy xay sinh tố cầm tay, không thực hiện thao tác xay khi súp, cháo đang sôi, vì nước nóng có khả năng sẽ bắn ra ngoài gây bỏng cho người sử dụng. Chỉ thực hiện việc xay khi đã tắt bếp và món ăn không ở trạng thái sôi.

- Sau khi sử dụng, bạn cần rút phích cắm, để máy nguội hẳn rồi mới bắt đầu tháo rời máy để thực hiện việc vệ sinh máy, tránh nguy cơ cháy chập điện gây nguy hiểm.

Những lưu ý an toàn nhân viên bếp cần biết khi sử dụng các thiết bị điện gia dụng

Không thực hiện thao tác xay cầm tay khi thực phẩm đang sôi (Ảnh nguồn Internet)

► Máy rửa – sấy bát đĩa

- Cần thực hiện việc gạn bỏ thức ăn còn sót lại trên bát đĩa trước khi xếp vào máy rửa, xếp riêng rẽ từng loại vật dụng: đĩa, bát, muỗng…

- Không xếp các vật dụng bằng nhựa xuống phía giá đỡ cuối vì máy có kết hợp tính năng sấy với nhiệt độ cao sẽ khiến vật nhựa dễ bị tan chảy.

- Chỉ cho vào máy lượng bát – đĩa như trong hướng dẫn sử dụng của từng dòng máy, nếu cho vào quá nhiều máy sẽ hoạt động không hiệu quả.

- Tùy thuộc vào từng loại bát đĩa và mức độ bẩn mà nhân viên bếp cần chọn chương trình rửa cho phù hợp.

- Không có các vật dụng bằng thép và bạc vào rửa chung vì hai chất liệu này khi tác dụng với nhau trong môi trường nước sẽ gây ra phản ứng ăn mòn.

- Với máy rửa – bát đĩa, không sử dụng các loại dung môi hóa học vì nó có khả năng gây nổ máy. Chỉ sử dụng các sản phẩm được dùng thiết kế chuyên dụng cho máy: muối, bột, chất tẩy rửa, chất làm bóng.

- Với những vật dụng bằng gỗ, gốm, gang, bát đĩa có hoạt tiết bằng tay không nên rửa bằng bằng máy.

- Với máy có kết hợp tính năng sấy, không nên mở cửa khi máy đang hoạt động vì hơi nóng sẽ phả vào người gây bỏng.

Những lưu ý an toàn nhân viên bếp cần biết khi sử dụng các thiết bị điện gia dụng

Bạn cần ghi nhớ các lưu ý an toàn khi sử dụng máy rửa – sấy bát đĩa (Ảnh nguồn Internet)

Xem thêm: 5 lưu ý an toàn khi làm việc nhân viên bếp Khách sạn – Nhà hàng cần biết

Ms. Smile

Tags:
Những lưu ý an toàn nhân viên bếp cần biết khi sử dụng các thiết bị điện gia dụng
4.1 (101 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN