7 bí kíp giải tỏa áp lực công việc đầu bếp

Ít ai biết để tạo ra những món ăn cầu kỳ, hấp dẫn, hương vị đặc biệt, độc đáo bất kỳ đầu bếp nào cũng phải đầu tư thời gian, công sức, tâm huyết vào khâu chuẩn bị nguyên liệu, cách chế biến, trang trí,.... Tuy nhiên, không những thế, họ còn phải đối diện với 7749 áp lực khác nhau trong khu vực nhà bếp, đặc biệt là ở các nhà hàng chuyên nghiệp. Vì thế, nếu bạn đã thấu hiểu những khó khăn của nghề đầu bếp, hãy cùng Hoteljob.vn tham khảo bí kíp để vượt qua áp lực trong công việc này nhé.

7 bí kíp giải tỏa áp lực công việc đầu bếp

Một số áp lực đầu bếp thường xuyên gặp phải

Xem qua những thước phim Masterchef, nhiều người lầm tưởng nghề bếp thảnh thơi, chỉ việc vào bếp nấu nướng. Tuy nhiên, thực tế, họ luôn phải đối diện với các áp lực không tên, tưởng chừng không thể tiếp tục gắn bó với nghề nữa, cụ thể như sau:

- Cường độ làm việc cao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe

Công việc nhiều, không được nghỉ ngơi đúng giờ, thường xuyên phải ăn uống vội vàng nên đầu bếp thường dễ bị đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt, họ còn phải liên tục đứng và cúi đầu cả ngày nên dễ bị đau vai gáy, cột sống, phù chân tay,... Thêm nữa trong lúc chế biến món ăn có thể bị dầu bắn, tổn thương da,...

- Làm việc trong điều kiện bí bách, đủ loại mùi vị, tạp âm khác nhau

Đầu bếp phải luôn tập trung cao độ làm việc trong khu vực bếp bí bách, đa dạng mùi vị, tạp âm khác nhau và liên tục bị dầu, đồ ăn bắn vào người, để đáp ứng lượng order món ăn lớn của nhà hàng.

- Xung đột với các bộ phận khác

Đầu bếp mâu thuẫn với bộ phận khác, cụ thể là phục vụ bàn thường xuyên xảy ra. Một số nhân viên phục vụ nhầm lẫn order khiến đầu bếp phải làm lại món khác, phục vụ không biết sắp xếp order làm quy trình chế biến bị rối loạn,...

- Không có thời gian dành cho bản thân, gia đình

Tính chất công việc buộc đầu bếp phải làm việc liên tục tăng ca nhiều ngày, nhất là trong dịp lễ tết nên họ ít có thời gian hẹn hò, gặp gỡ bạn bè, người yêu,... Nhưng dù buồn tủi, họ vẫn phải tiếp tục dành tất cả tâm huyết vào công việc, phục vụ khách hàng. Bởi lẽ chỉ cần một sai sót nhỏ trong khâu chế biến, đầu bếp có thể bị đuổi việc bất kỳ lúc nào.

Cách giải tỏa áp lực cho đầu bếp nhà hàng

Ai cũng biết làm bất kỳ công việc nào cũng phải đối diện với những áp lực không tên khác nhau. Tuy nhiên, để trụ vững với nghề, bắt buộc nhân sự phải tìm ra các phương pháp khác nhau để giải quyết căng thẳng và tiếp tục gắn bó với nghề. Một số cách giải tỏa áp lực cho đầu bếp nhà hàng Hoteljob.vn tổng hợp được dưới đây hy vọng sẽ giúp ích cho bạn vượt qua giai đoạn này và vững bước với nghề:

1. Xác định nguyên nhân

Việc đầu tiên để giải tỏa áp lực, đầu bếp nên xác định nguyên nhân gây ra căng thẳng công việc, có thể đến từ cường độ công việc cao, không gian bí bách hay không có thời gian dành cho gia đình,... Sau khi xác định cụ thể nguyên nhân, đầu bếp bắt đầu tìm cách giải quyết các vấn đề này. Nếu cường độ làm việc cao, bạn có thể đề xuất giảm tải bớt hoặc sắp xếp phân chia lại công việc với đồng nghiệp khác. Trường hợp không gian làm việc bí bách, đầu bếp có thể sắp xếp lại các dụng cụ chế biến gọn gàng, ngăn nắp hơn. Còn nếu không có thời gian dành cho gia đình, bạn nên dành những thời gian nghỉ phép để đi du lịch, cùng cả nhà đi ăn,...

2. Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học

Tuy rằng tính chất công việc phải làm việc liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng đầu bếp nên tranh thủ thời gian để ăn uống điều độ, tập thể dục, ngủ đúng giờ, góp phần giải tỏa áp lực căng thẳng và khiến đầu bếp hạnh phúc hơn khi làm việc.

3. Đặt giới hạn hoàn thành công việc

Nếu cứ làm việc liên tục với nỗi ám ảnh không bao giờ hoàn thành công việc, đầu bếp sẽ cảm thấy áp lực căng thẳng cao độ. Thay vì như thế, hãy thử đặt ra giới hạn công việc trong từng khoảng thời gian khác nhau. Sau đó, đầu bếp cố gắng nỗ lực đạt mục tiêu đã đề ra đó cho từng hạng mục công việc, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tất cả khối lượng công việc được giao.

4. Sắp xếp dụng cụ chế biến, nguyên liệu gọn gàng, ngăn nắp

Sắp xếp các vật dụng trong khu vực bếp gọn gàng, ngăn nắp được xem là một trong những yếu tố giúp giải tỏa áp lực, căng thẳng cho đầu bếp, nhất là khi phải đáp ứng lượng order lớn. Bên cạnh đó, đầu bếp nên sắp xếp các dụng cụ vào hộp chứa nhãn dán, vứt đi những nguyên liệu hết hạn, thực phẩm thừa, thay mới dụng cụ bếp, mang tạp dề để hạn chế bẩn quần áo,... để giúp tinh thần phấn khởi, tích cực hơn mỗi ngày.

7 bí kíp giải tỏa áp lực công việc đầu bếp

5. Làm việc thông minh và chăm chỉ

Bên cạnh sự chăm chỉ, nỗ lực hoàn thành công việc, đầu bếp nên học cách làm việc thông minh dựa trên quy trình tổ chức hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức bỏ ra. Cụ thể như sắp xếp dụng cụ đúng chỗ và dễ dàng lấy lại trong lần sau, chuẩn bị tất cả nguyên liệu cần nấu,... giúp các hoạt động chế biến diễn ra nhanh chóng, thuận tiện hơn, giảm bớt áp lực căng thẳng công việc quá tải.

6. Giao tiếp, trò chuyện với đồng nghiệp nhiều hơn

Tính chất công việc căng thẳng, áp lực nhiều phía, đầu bếp nên tìm cách giải tỏa bằng cách kết nối, trò chuyện với đồng nghiệp, hợp tác với mọi người để cùng hoàn thành công việc một cách tốt hơn. Đặc biệt, trong thời gian nghỉ giải lao, bạn có thể chia sẻ những bài học, kinh nghiệm, câu chuyện hài trong công việc để gia tăng năng lượng tích cực của cuộc sống.

7. Tự thưởng cho bản thân sau khi hoàn thành ca làm việc

Nhiều đầu bếp thường lựa chọn các chất kích thích để giải tỏa căng thẳng nhưng phương pháp này chỉ khiến cơ thể mệt mỏi hơn. Thay vào đó, hãy dành thời gian để tận hưởng những điều mình thích, theo đuổi sở thích cá nhân hay thư giãn đúng nghĩa để phục hồi năng lượng chuẩn bị cho ngày làm việc tiếp theo.

Trên đây là những cách giải tỏa căng thẳng cho đầu bếp Hoteljob.vn ghi nhận được, mong rằng sẽ giúp bạn vững bước kiên trì với nghề đến cùng, giữ vững niềm đam mê nấu nướng và sáng tạo nên các tác phẩm ẩm thực hấp dẫn, phục vụ thực khách.

Ms. Smile (Tổng hợp)

Tags:
7 bí kíp giải tỏa áp lực công việc đầu bếp
4.7 (007 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN