“Cô đi làm chứ không phải để hầu hạ con. Xin lỗi cô…” và lời lẽ như thấu tâm can dân ngành :(

Thay vì giữ khuôn mặt bàng quang rồi buông câu khinh thường: “bao tiền thì đưa người ta, xin lỗi cái gì mà xin lỗi…” của người cha thì người mẹ đã kiên nhẫn diễn giải để đứa con thơ hiểu ra vấn đề rồi nhất quyết bắt đứa trẻ phải xin lỗi nhân viên phục vụ vì có hành động sai trái. Chưa kể, từng lời chị nói với con mình như nói hộ lòng kẻ “làm dâu trăm họ” như chúng tôi, để những tủi hổ và bức xúc bao lâu nay có dịp cuộn trào trong lòng rồi uất nghẹn đến rơi nước mắt vì được cảm thông.

phục vụ hay lao công cũng là nghề chân chính

 

Đó là tâm sự cùng câu chuyện nghề được một bạn nhân viên nhà hàng kể lại một cách chi tiết và lộ rõ sự thảnh thơi vì sau bao lần bị khách khinh khi, gọi “thằng này”, “con kia”, “không học lớn lên làm như cô đó”, “chỉ ai không tìm được việc mới phải làm như anh đấy”… thì nay, đã có một vị khách thật sự trân trọng nghề và những giá trị dịch vụ mà dân ngành mang lại.

Chi tiết bài chia sẻ của bạn được Ms. Smile chia sẻ lại sau đây:

Phục vụ hay lao công cũng là lao động chân chính!!!

"Đọc chuyện của mọi người nhiều rồi, hôm nay mới dám kể câu chuyện mà chính mình đã trải qua.

Bén duyên với ngành có lẽ muộn hơn nhiều bạn. Đúng hơn thì ngành là cánh cửa cuối cùng của mình. Học tài chính về quê không tìm được việc. Vật vờ mãi hơn năm thì muối mặt đi làm phục vụ. Cũng may quê mình du lịch lúc đó mới phát triển nên đứa có tí ngoại ngữ như mình được tuyển ngay. Cũng vất vả, cũng không thiếu cảnh khách ăn vạ không trả tiền. Anh em có ca khó nào hầu như mình gặp hết. Mình ở Tây Bắc, nên khách đa phần là Bắc. Ngay cả người bắc phục vụ người bắc còn khóc không ra tiếng huống gì các bạn trong trung với nam. câu chuyện làm mình mãi không quên được gắn liền với một người mẹ trẻ. Hôm đó nhà hàng vắng khách, cả nhà hàng cũng chỉ có vài bàn. Bàn của gia đình chị làm đám tụi mình khá ấn tượng vì chị hầu như rất yên lặng, còn chồng thì nói chuyện điện thoại rất ồn. Con trai thì bát nháo, hết vòi cái này đến cái khác, không được như ý lại hét lên. Chị nhìn tụi mình với ánh mắt xin lỗi rất đậm thành ý. Lúc mình đi ngang qua bàn chị để gởi bill cho bàn khác thì con trai chị hất bát soup nóng vào người mình. May có tạp dề nên mình cũng không sao. Chị vội lấy giấy lau cho mình. Con trai chị ngồi đó dửng dưng. Chồng chị thì vẫn nghe điện thoại. Chị bảo con trai xin lỗi mình. Thằng bé im thin thít. Thấy bố nó quay sang thì nó khóc ầm ĩ lên. Chồng chị thấy con khóc cũng quát to không kém “bao nhiêu tiền thì đưa người ta, xin lỗi cái gì mà xin lỗi. Rách việc”. Vâng, chính xác là thế đấy. Chị kéo tay thằng ôn con kia ra ngoài với tôi. Trước mặt tôi chị nói với nó “ cô đi làm chứ không phải để hầu hạ con. Con làm sai, con phải xin lỗi. Dù là vô ý nhưng con làm ảnh hưởng đến người khác thì đó là lỗi của con. Con nghĩ nếu cô không đi làm thì ai là người mang soup ngon cho con ăn, ai là người cẩn thận lau sạch bát đũa cho con dùng? Bố mẹ trả tiền để chúng ta được ăn ngon chứ tiền này không đủ để con hất soup vào người cô như thế. Cô đi làm cũng giống như bố mẹ đi làm. Có người hất soup vào bố mẹ như thế con có buồn không? Công việc nào cũng cao quý. Không phải vì bố mẹ làm nhiều tiền hơn mà có quyền khinh thường người khác”

Các bạn biết không, 24 tuổi và tôi đứng đó nước mắt chảy ngắn chảy dài. Không phải vì lời xin lỗi từ thằng bé. Là vì những lời của chị, sự ghi nhận từ chị. Chẳng cần lời lẽ hoa mĩ, là phục vụ hay lao công cũng là lao động chân chính. Có lẽ với nhiều người động lực đi làm mỗi ngày chính là tiền là tip. Nhưng từ sau ngày hôm ấy, sự công nhận và thấu hiểu từ khách hàng đã mang đến nguồn năng lượng tích cực cho tôi.

Hy vọng với chia sẻ này, các bạn sẽ có cái nhìn tích cực hơn về ngành và từng ngày hoàn thiện bản thân hơn để mang đến dịch vụ hoàn hảo nhất cho khách hàng."

---

(Chia sẻ từ member group Nghề Khách Sạn - Tâm sự)

phục vụ hay lao công cũng là nghề chân chính
Công việc nào cũng cần được tôn trọng và coi trọng!

Bao giờ mới hết kiểu gọi “thằng phục vụ”, “con thu ngân”???

Lời tâm sự trên được đăng trên Nghề khách sạn - Tâm sự, group dành riêng cho dân ngành giải bày “hỉ-nộ-ái-ố” khi làm nghề, và nhận được sự chia sẻ khá cao từ cộng đồng. Đa số chê trách thái độ bề trên của người cha và biểu dương cách ứng xử của người mẹ trong chuyện giáo dục con mình tôn trọng người phục vụ mình. Bên cạnh đó, không ít bình luận cũng chia sẻ thêm câu chuyện nghề và cảm xúc của họ khi làm nghề. Rằng “được mấy người như người mẹ ấy, chỉ thấy toàn khách kêu “thằng phục vụ này”, “con thu ngân kia” rồi kiếm chuyện, hà khắc và tỏ vẻ dửng dưng trước lời nói, thái độ, hành động không mấy tôn trọng nhân viên của chính họ lẫn thành viên cùng đoàn. Những vị khách đó hay nghĩ rằng, vì họ có tiền nên có quyền yêu cầu, đòi hỏi hay nói năng theo ý thích của họ. Vì họ bỏ tiền ra mua dịch vụ nên được mặc sức sai khiến, làm khó dễ nhân viên. Và vì tiền của họ chi để khách sạn, nhà hàng dùng trả lương cho nhân viên nên nơi đâu cũng cần đến họ…

Tư tưởng như thế này tồn tại trong tâm thức của rất nhiều khách hàng, những “thượng đế” nhìn thì cao sang, bề thế nhưng lời nói và hành động của họ lại thể hiện điều ngược lại. Đáng nói là, họ lại đang định gieo vào đầu những đứa trẻ thơ ngây “định kiến” ấy, dành riêng cho người làm dịch vụ. Đau…

Ms. Smile

Tags:
“Cô đi làm chứ không phải để hầu hạ con. Xin lỗi cô…” và lời lẽ như thấu tâm can dân ngành :(
4.1 (361 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN