“Em nghĩ mình xứng đáng với mức lương bao nhiêu?” và câu trả lời có căn cứ hẳn hoi của dân sành nghề

Ai đi phỏng vấn cũng mong deal được mức lương cao. Tuy nhiên, con số bạn đưa ra cần hợp lý và tương xứng với giá trị bạn mang lại thì họa may đàm phán thành công. Vậy nên khi được hỏi “Mức lương mong muốn của em là bao nhiêu?”, “Sao em nghĩ mình xứng đáng với mức lương ấy?” thì thay vì phán bừa, hãy cho NTD thấy bạn là 1 ứng viên có tư duy và giá trị.

em nghĩ mình xứng đáng mức lương bao nhiêu và câu trả lời

Nếu được nhà tuyển dụng (NTD) hỏi như thế, bạn sẽ trả lời câu hỏi đó như thế nào?

=> Luyên tha luyên thuyên những hứa hẹn và kỳ vọng sẽ mang lại? - Cách này có vẻ hay nhưng ai chắc chắn đó sẽ là hiện thực trong tương lai khi phải mạo hiểm trả mức lương khủng cho ứng viên chưa thật sự nổi bật.

=> Ngượng ngùng cười trừ? - Như thế thì lại thiếu tự tin quá.

Vậy nên trả lời sao cho ngầu lại chắc thắng?

1, “Vẽ” ra bức tranh tổng quát về quỹ lương của một công việc

Hãy bắt đầu câu trả lời bằng cách phân tích quỹ lương của một công việc sẽ bao gồm những gì? Từ đó dùng làm cơ sở tính toán một con số cụ thể phù hợp, thậm chí tiềm năng.

Nhiều người đi phỏng vấn thường chỉ nhất nhất quan tâm đến 2 khoản, đó là: lương net và bảo hiểm. Có lẽ do có vô số anh chị đi trước đã truyền thụ và khuyến cáo về tầm quan trọng của hai thứ này. Lưu ý này không sai nhưng chưa đủ.

Để đánh giá một công việc được trả mức lương tốt, hãy chia lương thành 3 phần chính:

a, Phần cứng

Bao gồm: lương cứng + các khoản phụ cấp (như: ăn trưa, xăng xe, điện thoại, chuyên cần…) + bảo hiểm + thưởng ngày lễ Tết...

Đây đều là những khoản mà nếu không có gì đột xuất, bạn chắc chắn sẽ được nhận đầy đủ ở mỗi kỳ trả lương.

Lương cứng quan trọng vì được ghi rõ trong hợp đồng lao động, là thứ giấy trắng mực đen cần đến khi có tranh chấp. Chưa kể, thường thì khoản này sẽ phần nào quyết định mức phúc lợi liên quan.

Không ít công ty trả lương cứng thấp nhưng bù lại phụ cấp cao => tổng tiền bạn nhận hàng tháng không đổi. Vậy cũng được. Thế nhưng lương cứng cao vẫn tốt hơn về lâu dài. Tổng phần cứng cần đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu thường ngày/tuần/tháng cho nhân viên.

b, Phần mềm

Bao gồm: thưởng KPI + hoa hồng +  thưởng nóng + dịch vụ đi kèm như tập gym + quỹ công ty + team building + du lịch... Đây là phần nhân viên sẽ được nhận nếu đạt được điều kiện nhất định nào đó đã thỏa thuận (đạt KPI hàng tháng…).

Các công ty có xu hướng đặt phần này cực cao nhằm kích thích nhân sự cày cuốc. Số ít khác thì đặt như không đặt vì điều kiện cần hoàn thành luôn cao chót vót, chả bao giờ có người đạt. Công ty tốt sẽ là công ty có quy chế thưởng rõ ràng chứ không lập lờ hay đánh đố.

c, Phần chìm

Bao gồm: chi phí đi lại (không phụ cấp) + thời gian cần bỏ ra để giải quyết những công việc phát sinh có liên quan tới nhiệm vụ công việc nhưng không được tính lương, thưởng - ở một số công việc đặc thù...

Phần này thường ít ứng viên để ý và cũng khó để ý. Nhưng lại khá quan trọng.

Ví dụ: khi mọi phần khác được đưa ra từ 2 nơi đều tương đương nhau, với số ngày công là 24, giờ làm là 8h nhưng một khách sạn cách nhà 1h di chuyển, lương cứng 8 triệu thì số lương nhận được trên 1 đơn vị thời gian chắc chắn sẽ thấp hơn khách sạn khác chỉ cách nhà có 10p di chuyển, lương cứng 7 triệu.

Vì thời gian trung bình phải bỏ ra cho công việc lương 8 triệu là tới 9h/ ngày trong khi với lương 7 triệu chỉ nhỉnh hơn 8h 1 chút (8h10p).

=> So sánh mức lương giữa hai nơi ứng tuyển là phải so cả 3 phần, không phải chỉ chăm chăm vào một yếu tố nhỏ trong 1-2 phần.

>>Nắm được bức tranh tổng quát về quỹ lương công ty thì gọi là “biết người”.


2, Em nghĩ mình xứng đáng với mức lương bao nhiêu?

Cái này thường phụ thuộc vào vài yếu tố sau đây:

a, Đặc thù ngành nghề, công việc

Mỗi khối ngành hay vị trí công việc khác nhau sẽ có một mức lương nhất định tương xứng. Cùng có kinh nghiệm 5 năm trong ngành nhưng làm kỹ thuật khác làm lễ tân hay bếp.

b, Kỹ năng cơ sở/nền của ứng viên

Bao gồm: ngành nghề được đào tạo, các chứng chỉ liên quan (nếu có), ngoại ngữ...

Nếu tìm việc lễ tân, các mặt khác tương đương thì ứng viên giỏi ngoại ngữ sẽ có ưu thế hơn. Hay ứng tuyển trưởng bộ phận buồng, đều có thâm niên 3 năm làm nghề thì ứng viên tốt nghiệp quản trị khách sạn, biết 2,3 ngoại ngữ, có chứng chỉ nghiệp vụ buồng sẽ nổi bật hơn…

Kỹ năng cơ sở hay kỹ năng nền không cần sở hữu thật nhiều hay phải xịn xò, mà cần có mức độ phù hợp cực cao với công việc đang ứng tuyển. Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, bằng giỏi nhưng nếu đòi làm lễ tân khách sạn thì cũng chỉ nhận mức lương học việc thôi.

c, Kinh nghiệm làm việc thực tế

Cái này được tính bằng năm. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về mức lương của từng ngành, nghề liên quan với số năm kinh nghiệm tương ứng bằng cách dò hỏi bạn bè, người quen hoặc đăng lên các fanpage, group nghề nghiệp để hóng.

Cần tìm đến nguồn tham khảo uy tín. Đừng bao giờ nghe lời chém gió của thiên hạ kiểu “mình biết có người làm công việc đó và đượctrả tận bằng này, bằng này lương”. Một là độ tin cậy rất thấp, hai là nếu có thì chỉ vài trường hợp cá biệt và sẽ không đại diện được cho mặt bằng chung. Ngoài ra, cũng hãy tỉnh táo tìm hiểu mức lương trung bình thay vì mức trần hay sàn nữa nhé!

d, Khả năng làm việc thực tế

Kinh nghiệm 3 năm làm việc tại một môi trường chuyên nghiệp sẽ khác hẳn với cùng kinh nghiệm 3 năm, thậm chí những 5 năm làm toàn việc dễ dàng, nhàn tênh, không có nhiều cơ hội va chạm để học hỏi và hoàn thiện, dù vẫn làm đúng ngành.

HR chuyên nghiệp sẽ thường đưa ra một bài test cho các ứng viên, kèm theo những thang điểm nhất định để đánh giá trực quan. Không cần biết ứng viên A đi làm 1 năm hay 3 năm, bài test đạt mức điểm nào thì tức là trình độ và kỹ năng thực tế của ứng viên đó đang ở mức ấy.

Nếu không nhận được bài test nào, và bản thân bạn muốn tự đánh giá khả năng của bản thân - có thể thử tự áng chừng bằng cách hỏi han những anh em cùng ngành về công việc hàng ngày của họ rồi tự cân nhắc, đánh giá xem mình có làm được, thậm chí làm tốt những việc tương tự đó hay không.

=> Tự định giá bản thân là không dễ dàng. Nhưng vẫn phải làm cho thật đúng.

Lưu ý không được định giá mình đáng 10 triệu chỉ vì “thằng bạn em đi làm 3 năm, lương 10 triệu -em cũng đi làm được 3 năm nên em nghĩ mình phải được trả mức lương 10 triệu”. Biết đâu bạn đáng 11-12 triệu?

Nên nhớ là: làm gì cũng phải có căn cứ, nhất là khi trả lời cho câu hỏi “Tại sao em nghĩ mình xứng đáng với mức lương ấy?”.

>>Mục hai này tóm gọn bằng cụm “biết mình”.

em nghĩ mình xứng đáng mức lương bao nhiêu và câu trả lời
Định giá bản thân để đưa ra mức lương hợp lý, xứng đáng, có kỳ vọng...

3, Nên deal mức lương bao nhiêu?

Cân nhắc các yếu tố sau để đưa ra con số hợp lý và dễ thuyết phục:

a, Giá trị bản thân bạn

Cái này đã được cân đo chi tiết ở phần 2.

b, Mức độ tham vọng

Đây sẽ là phần lương cộng thêm, trả cho những thứ bạn tin rằng mình sẽ làm được trong tương lai gần cho công ty. Phần này chuẩn nhất sẽ được tính bằng khoảng 7% giá trị lương thực nhận của bản thân.

c, Khối lượng công việc thực tế

Cùng là một công việc như nhau, nhưng có thể khách sạn A cần ứng viên có trình độ cao trong khi khách sạn B lại chỉ cần người làm được một số công việc đơn giản. Khi đó, trình độ cao, kinh nghiệm nhiều lại thành thừa thãi nếu nơi đó không cần đến thế. Vì vậy, bạn sẽ không được tính lương cho phần thừa này.

Ví dụ: Khách sạn chỉ cần trình độ THPT mà bằng đại học ứng tuyển thì cũng sẽ không có mức lương đại học đâu. Ngược lại, cũng đừng vội mừng khi trung bình lương trả cho vị trí đó là 10 triệu nhưng khách sạn đưa ra mức 15 triệu, họ làm thế tức là họ sẽ có cách để bạn phải tạo ra thêm giá trị bù lại cho phần lương chênh lệch đó.

d, Độ cần của vị trí công việc

Nếu đang cần tuyển gấp thì nhiều khách sạn sẵn sàng trả mức lương hấp dẫn để tuyển được người nhanh. Bạn khi đó cũng sẽ có nhiều lợi thế “ép” lương hơn. Tuy nhiên, đừng tham lam mà ép quá tay nhé. Dễ bị phản tác dụng lắm đấy.

e, Lợi ích nhận về ngoài tiền bạc

Cái này có thể bao gồm: mối quan hệ + khả năng phát triển sự nghiệp + độ tử tế của đồng nghiệp + sự yêu thích với công việc + và vô số thứ khác.

Tiền bạc quan trọng, đi làm mà không quan trọng tiền thì ít ai sống được. Nhưng nó không phải là tất cả. Cuộc sống nếu chỉ có mỗi tiền thôi thì hơi bị tầm thường và nhàm chán.

>>Mục này gọi là “thức thời”. Nghĩa là biết tiến, biết lùi sao cho đúng mực, tuỳ hoàn cảnh.

----------------------

Bài này là cái nhìn cá nhân, được viết dưới góc độ của một người từng là ứng viên đi xin việc vô số lần, cũng đồng thời từng là NTD tuyển không dưới mười loại công việc, ngành nghề khác nhau nên có thể coi là một cái nhìn cá nhân có căn cứ, nhưng sẽ không đúng tuyệt đối mà chỉ mang giá trị tham khảo. Mong rằng sẽ giúp ích phần nào cho các bạn ứng viên trẻ, những ai đang ngộ nhận hay thiếu tự tin về giá trị bản thân.

Khi phỏng vấn, nếu NTD mà có hỏi câu hỏi trên, hoặc na ná vậy thì cứ lôi giấy bút ra mà gạch đầu dòng những căn cứ làm cơ sở tính lương cho họ thấy; rồi phán: “Em tính toán logic chứ có bịa bừa ra đâu”.

---------------------

Cre FB: Thanh Lương Trà.

 

Bạn nghĩ sao về cách phân tích và tính toán để ra mức lương chuẩn cho bản thân? Bạn có đang nỗ lực deal lương để có mức thu nhập tương xứng với giá trị mang lại? Chế độ đãi ngộ công ty hiện đem đến cho bạn có ok không?

Ms. Smile

(Tư liệu lấy từ fanpage Nghề Khách Sạn)

“Em nghĩ mình xứng đáng với mức lương bao nhiêu?” và câu trả lời có căn cứ hẳn hoi của dân sành nghề
4.5 (275 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN