Tương lai nào dành cho dân ngành đã quá tuổi nghề?

“Hầu hết ks tuyển nhân viên trẻ & năng động. Bạn có bao giờ suy ngẫm tương lai của một hk, fo, reception, bellman, banquet, v.v… khi làm công cho người khác?” - Một thành viên đã đăng bài thắc mắc như thế trên fanpage Nghề Khách Sạn và nhận được rất nhiều tâm sự chân thật lẫn tiếng lòng chua chát của rất nhiều dân ngành, những thực tế rõ nhất với nhiều dự định cho tương lai sau ngày nghỉ làm nghề.

tương lai nào cho dân ngành đã quá tuổi nghề

Tuổi nghề của dân khách sạn là bao lâu?

Không có một con số hay cột mốc nào chính xác để bắt buộc hay quy định người nào đó thôi không được làm nghề khách sạn nữa. Ở những độ tuổi khác nhau, sở hữu những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng khác nhau sẽ có những công việc và vị trí phù hợp tương ứng để ứng tuyển và lao động, cống hiến. Do đó, sẽ thật khó để trả lời cho thắc mắc: “Tuổi nghề của dân khách sạn là bao lâu?”

Tuy nhiên, rõ ràng thì, thực trạng ưu tiên tuyển người trẻ đến trung niên trước 40 là thường gặp. Lý do được đưa ra chính là để đảm bảo sự năng động và nhanh nhẹn, nhiệt huyết và đam mê cống hiến cao, ít mối bận tâm hay dễ bị sao nhãng bởi yếu tố tình cảm, gia đình… Vì thế, bảo thâm niên làm nghề khách sạn là rất lâu, thậm chí đến tuổi hưu thì không có. Đặc biệt, các bộ phận tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp phục vụ khách hàng (như lễ tân, phục vụ, CSKH, bellman…) lại càng chỉ nhìn thấy nhân viên trẻ, đẹp. Còn những vị trí back office hay ít gặp khách hơn (như buồng phòng, bếp…) sẽ có thể có tuổi nghề dài hơn.

Lao động trung niên chật vật tìm việc khách sạn - du lịch

Một lượng rất lớn lao động bị mất việc làm đợt dịch Covid-19 đến nay vẫn chưa thể tìm lại việc làm khách sạn, phải ở nhà chăm cháu hay bán buôn tạo thu nhập đủ sống qua ngày; hoặc chán nản mà chuyển việc, đổi ngành sang một lĩnh vực khác rồi ổn định luôn với nghề mới. Nhiều người cho hay, vì tỷ lệ cạnh tranh tìm việc cực kỳ cao, do ai cũng cần việc làm sau dịch, trong khi hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn - du lịch còn loay hoay tìm cách vượt khủng hoảng nên chưa có ý định mở rộng hoạt động để tuyển dụng thêm…

Rồi vì họ già, đã quá tuổi nên thường xuyên bị đánh rớt.

Hiện tại, quá nửa nhân sự ngành tại các khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ nói chung đa số là người mới, tính từ thời điểm du lịch mở cửa trở lại. Đó có thể là sinh viên mới tốt nghiệp hay người lao động trái ngành muốn trải nghiệm làm nghề và được trao cơ hội. Còn lại, lượng nhân viên cũ đã bị phân tán đi nhiều nơi, có người quay trở lại rồi gắn bó tiếp, hoặc chán nản nên lại rời đi, người ổn định với công việc mới, ở ngành nghề mới…

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, du lịch đang có sự phục hồi khá tốt, để duy trì và tạo mới việc làm cùng nguồn thu nhập ổn dần lên cho nhiều người. Có chăng, lực lượng lao động có thể có thay đổi chút ít nhưng rồi cũng sẽ được đào tạo để đáp ứng được yêu cầu công việc và ngày càng chuẩn ngành hơn.

tương lai nào cho dân ngành đã quá tuổi nghề
Xin việc khách sạn - nhà hàng nay cạnh tranh cao

Tương lai nào dành cho dân ngành đã quá tuổi nghề?

Không nơi nào cho một nhân viên giỏi việc nghỉ khi họ vẫn hàng ngày hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dù số tuổi ngày một lớn. Cũng không ở đâu lạnh lùng đến mức tìm cách gây khó dễ cho cá nhân đã gắn bó với cơ sở hàng chục năm, trải qua bao khó khăn và khủng hoảng chỉ vì họ tuổi đã ngoài 40, nay sức khỏe giảm sút, sự tươi mới và trẻ trung không còn, hiệu suất công việc bị ảnh hưởng… Có chăng, là người lao động tự cảm thấy mình không còn phù hợp, hay bản thân không muốn ở lại để cống hiến tiếp… vì thế, họ chọn phương án rời đi. Hoặc giải pháp của cơ sở cho những trường hợp “khó” này chính là điều chuyển lao động, đưa họ sang làm những công việc khác phù hợp hơn, tất nhiên có trình bày vấn đề và nhận được sự đồng thuận từ nhân viên đó.

Tuy nhiên, đúng là những ai có chí tiến thủ và tự định hướng tương lai sự nghiệp từ trước nhưng hiện tại chưa đạt được thành tựu gì cụ thể mà tuổi nghề thì đã ngót nghét hàng 2 con số thì thật sự là đáng suy ngẫm, nhất là nam giới vốn nhiều hoài bão.

Vậy định hướng nghề nghiệp trong tương lai xa của dân ngành khi quá tuổi nghề (tuổi thật ngoài 50 hay làm nghề hơn 10 năm và có định hướng phát triển tiếp từ nền tảng làm nghề đó) là gì?

Phía dưới bài đăng của một thành viên trăn trở về tương lai sự nghiệp sau này trên Nghề Khách Sạn, rất nhiều bình luận chia sẻ cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề, sau đó là đưa ra định hướng rõ ràng. Một số comment nổi bật được Hoteljob.vn tổng hợp như sau:

- Trước đây hay hiện tại làm nghề gì thì sau này cứ vin vào đó mà phát triển tiếp. Chỉ khác một chút là thôi không làm công ăn lương nữa mà khởi nghiệp làm chủ. Chẳng hạn:

+ HK: mở kinh doanh giặt ủi đồ cao cấp, dịch vụ dọn dẹp theo giờ, vệ sinh dự án..

+ FO/Reception: kinh doanh Airbnb, homestay,…..

+ Bellman: kinh doanh dịch vụ xe đưa đón sân bay, xe đưa đón cty,…

+ Banquet: kinh doanh catering outside, f&b…

Tương lai như nào là do mình định hướng, và nâng cấp bản thân theo chuyên môn thôi, quan điểm riêng mình nhé. Hãy lạc quan chứ đừng bi quan.

- Làm lâu thì hướng đi thích hợp nhất là tự start-up kinh doanh chính ngành đó. Nhất định phải có định hướng rõ ràng và đúng. Nên nhớ, mấy ai sống bằng 1 nghề được đâu.

- Làm ngành này ở một số bộ phận mà không lên sếp thì tốt nhất nên nghỉ. Vì làm nhân viên đến lúc 30 tuổi đổ lên kiểu gì cũng có khả năng bị đào thải. Con trai thì ít bị đào thải hơn nữ, đặc biệt là những nhân viên nữ ở bộ phận FO hay F&B.

- Ngành nào chả vậy, cứ tà tà thì cũng bị đào thải, không sớm thì muộn

- …

Ý kiến, quan điểm của bạn thế nào về thắc mắc ở đầu bài? Bạn có đang tự định hướng tương lai nghề nghiệp cho bản thân trong thời gian tới? Đừng ngại chia sẻ hay tâm sự cùng Hoteljob.vn nhé!

​_Thy.

Tags:
Tương lai nào dành cho dân ngành đã quá tuổi nghề?
4.0 (140 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN