11 Phát minh pha chế cà phê “từ xưa đến nay” và những điều cần biết

Bạn là một Barista chuyên nghiệp hay đang tìm việc nhân viên pha cà phê? Vậy thì không thể bỏ qua bài viết tìm hiểu về các phát minh pha chế cà phê Hoteljob.vn chia sẻ sau đây. Hãy cùng đọc và "bỏ túi" cho mình những thông tin hữu ích nhé!

► Ibrik

phát minh pha chế cà phê

Ibrik là ấm pha cà phê truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ - xuất hiện năm 1640. Chất liệu chế tạo nên Ibrik thường là đồng đỏ hoặc đồng thau. Ấm có phần tay cầm khá dài, chạm trổ hoa văn tinh xảo bên ngoài và nhiều kích cỡ tương ứng với thể tích chứa nước: 8oz, 10oz, 12oz. Sử dụng ấm Ibrik được xem là phương pháp pha cà phê đầu tiên trên thế giới và vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay.

Quy trình pha cà phê bằng ấm Ibrik:

• Cho nước vào ấm Ibrik đun sôi (tỷ lệ 55ml nước cho 7g cà phê)

• Khi nước sôi - nhấc ra khỏi nguồn nhiệt, cho cà phê xay mịn nhất vào (mịn hơn cả cách pha Espresso), nếu uống đường thì cho vào ở công đoạn này - khuấy đều

• Đặt lên bếp đun với nhiệt độ khoảng 70 - 80 độ C, khi hỗn hợp cà phê sôi và tạo lớp foam bề mặt thì lấy ấm ra khỏi bếp

• Chờ khoảng 20 - 30 giây sau, đặt ấm vào bếp đun với lửa thật nhỏ, đến khi cà phê sôi thì lấy ra khỏi bếp. Thực hiện quy trình chờ và đun sôi lại thêm 1 lần nữa.

• Sau lần đun sôi thứ 3, đợi bã cà phê lắng xuống và rót ra tách phục vụ


► Bình Biggin và bộ lọc kim loại

phát minh pha chế cà phê

Vào khoảng thế kỷ 17, cà phê du nhập vào châu Âu khi du khách châu lục này mang nó về từ bán đảo Ả Rập. Cà phê rất được yêu thích và sau đó trở nên vô cùng phổ biến - các cửa hàng cà phê mọc lên khắp nơi. Thời này, người ta pha cà phê bằng cách cho hạt cà phê đã xay vào bình cà phê và rót nước sôi vào. Một số tài liệu ghi lại rằng, bộ lọc cà phê đầu tiên là chính là chiếc tất - tuy nhiên nhược điểm của bộ lọc bằng vải này là ít hiệu quả và tốn kém.

Năm 1780, Mr. Biggin đã sáng chế ra bình pha cà phê gồm 3 hoặc 4 phần - trong đó có bộ lọc thiếc (hoặc túi vải) nằm dưới nắp. Tên người phát minh chính là tên đặt cho dụng cụ pha chế này. Bình Biggin vẫn được sử dụng cho đến ngày nay nhưng được cải tiến hơn nhiều so với phiên bản ban đầu.

Trong thời gian bình Biggin ra đời, các bộ lọc kim loại và hệ thống lọc cải tiến cũng được giới thiệu. Một bộ lọc như vậy sẽ gồm dụng cụ lọc bằng kim loại (thiếc) với lỗ lọc giúp phân phối đều nước vào cà phê. Thiết kế này đã được cấp bằng sáng chế ở Pháp vào năm 1802. Bốn năm sau, 1 bằng sáng chế khác cấp cho dụng cụ nhỏ giọt lọc cà phê mà không cần đun sôi - mở đường cho việc ra đời của những chế độ lọc hiệu quả hơn về sau.


► Bình Syphon

phát minh pha chế cà phê

Bình Syphon xuất hiện từ đầu thế kỷ 19 tại Đức. Dù bằng sáng chế cho dụng cụ pha chế cà phê này cấp năm 1830 nhưng bình syphon thương mại đầu tiên được tung ra thị trường vào những năm 1840. Đó là thiết kế của Marie Fanny Amelne Massot. Xem thêm thông tin phương pháp pha chế cà phê bằng bình syphon: Tại đây. Hiện chỉ có các quán cà phê theo phong cách cổ điển vẫn sử dụng dụng cụ pha chế này.


► Bình lọc cà phê

phát minh pha chế cà phê

Thời kỳ đầu thế kỷ 19 cũng có 1 phát minh khác là bình lọc cà phê. Mặc dù nguồn gốc dụng cụ này vẫn còn gây nhiều ý kiến tranh cãi - nhưng nguyên mẫu bình lọc cà phê được ghi nhận tạo ra bởi nhà vật lý người Mỹ gốc Anh - Sir Benjamin Thompson. Còn bình lọc cà phê hiện đại của Mỹ là sáng chế được cấp bằng cho Hanson Goodrich - vào năm 1889.

Bình lọc hoạt động theo nguyên tắc sử dụng áp suất hơi tạo ra bởi nhiệt độ cao. Bên trong bình có 1 ống nối cà phê xay với nước. Áp suất hơi được tạo ra khi nước bên dưới sôi - nước dâng lên, thấm qua dụng cụ lọc và bột cà phê sẽ tạo ra vị cà phê. Sự xuất hiện của bình lọc giúp cho cà phê không còn lẫn vụn bột cà phê khi thưởng thức.


► Máy pha Espresso

phát minh pha chế cà phê

Phát minh đáng chú ý tiếp theo trong các dụng cụ pha chế cà phê là máy pha Espresso - xuất hiện năm 1884 tại Ý. Angelo Moriondo (Torino, Ý) là người sở hữu bằng sáng chế cho máy pha này. Máy pha Espresso ban đầu sử dụng nước và hơi nước điều áp để tạo ra tách cà phê tốc độ nhanh. Tuy nhiên, không giống như máy pha cà phê chúng ta quen thuộc ngày nay, thiết kế máy ban đầu đã pha chế ra một lượng lớn cà phê - thay vì một tách Espresso nhỏ cho 1 khách hàng.

Vài năm sau, Desiderio Pavoni và Luigi Bezzerra (Milan, Ý) đã cải tiến và thương mại hóa phát minh ban đầu của Moriondo. Điều đặc biệt là họ đã cho ra đời chiếc máy Espresso pha chế đến 1.000 tách cà phê mỗi giờ và đồng thời cũng có thể chỉ pha 1 tách riêng lẻ. Tuy nhiên máy Espresso này không cho ra vị cà phê thưởng thức ngày nay vì cơ chế hơi nước khiến hậu vị cà phê có vị đắng. 

Và Fellow Milanese - Achille Gaggia mới chính là “cha đẻ” của máy pha cà phê Espresso hiện đại. Máy sử dụng đòn bẩy, tăng áp lực nước từ 2 bar lên 8 - 10 bar để tạo ra một tách Espresso chuẩn vị. 


► Drip

phát minh pha chế cà phê

Drip - giấy lọc cà phê là phát minh của một nữ nội trợ người Đức vào năm 1908. Bạn hãy đọc bài viết này để tìm hiểu cụ thể hơn về lịch sử của giấy lọc cà phê. Ngày nay, 1 ấm nước nóng có vòi dài cong - nhỏ giúp kiểm soát lượng nước rót ra + giấy lọc + phễu hình nón lá + cân tiểu ly so sánh tỷ lệ cà phê và nước cùng 1 đồng hồ bấm giây canh thời gian pha chế chính là bộ dụng cụ đầy đủ thực hiện phương pháp drip coffee (pour-over).

Bài viết hữu ích: Bí quyết pha Drip coffee ngon đúng chuẩn không phải Barista nào cũng biết


► Bình pha French Press 

phát minh pha chế cà phê

Về tên gọi, thoạt nghe nhiều người cho rằng French Press có nguồn gốc từ Pháp. Tuy nhiên, cả người Pháp và Ý đều cho rằng phát minh này là của nước mình. Mẫu bình pha French Press đầu tiên được cấp bằng sáng chế cho 2 người Pháp là Mayer và Delforge. Nhưng một thiết kế khác của French Press - giống phiên bản sử dụng ngày nay do Giulio Moneta và Attilio Calimani (người Ý) sở hữu quyền tác giả vào năm 1928. Và bình pha mà chúng ta sử dụng bây giờ là thiết kế của Faliero Bondanini (Thụy Sĩ - Ý) được chứng nhận năm 1958.

Bình pha French Press hoạt động theo nguyên tắc rót nước nóng vào cà phê thô. Sau khi ngâm vài phút, 1 pít tông kim loại sẽ tách lượng cà phê thu được ra khỏi bã cà phê và sẵn sàng rót để phục vụ. Phương pháp pha bằng bình French Press vẫn còn phổ biến ngày nay vì sự đơn giản - giúp cho ra hương vị cà phê phong phú.


► Instant Coffee

phát minh pha chế cà phê

Instant Coffee - Pha chế cà phê hòa tan còn đơn giản hơn cả French Press vì không sử dụng bất kỳ dụng cụ nào. Về lịch sử của cà phê hòa tan cũng có nhiều giả thuyết khác nhau.

Vương quốc Anh vào thế kỷ 18 được xem là nơi bắt nguồn của Instant Coffee - một hợp chất cà phê pha với nước tạo ra hương vị cà phê. Tại Mỹ, cà phê hòa tan xuất hiện lần đầu trong cuộc nội chiến những năm 1850. Năm 1890, David Strang (người New Zealand) được cấp bằng sáng chế cho sản phẩm cà phê hòa tan. Sau đó, nhà hóa học Satori Kato (Chicago, Mỹ) đã tạo ra phiên bản Instant Coffee thành công - tương tự như trà hòa tan của mình. Năm 1910, George Constant Louis Washington đưa vào sản xuất cà phê hòa tan hàng loạt ở Hoa Kỳ. Do đặc tính tiện lợi, loại cà phê này dần trở nên vô cùng phổ biến sau đó. Đến khoảng thập niên 1960, các chuyên gia cà phê đã áp dụng phương pháp làm đông lạnh khô để duy trì hương vị phong phú của Instant Coffee.


► Ấm Moka

phát minh pha chế cà phê

Những năm 1930 - các công ty tại Turin, Milan, Pavia (Ý) đã nghiên cứu và cho ra đời các dụng cụ pha cà phê bằng hơi nước. Nhưng phiên bản ấm thành công nhất mang tên “Moka Express” - do Alfonso Bialetti đăng ký bản quyền năm 1933. Chính vì tính tiện dụng, ít chi phí và cho hương vị cà phê thơm ngon nên hầu như nhà người dân Ý nào cũng có 1 ấm pha cà phê Moka.

Ấm Moka gồm 3 phần gắn liền với nhau: bên dưới là bình nhỏ chứa nước (nồi hơi) - ở giữa là lọc bằng nhôm đồng thời là chỗ nén cà phê và trên cùng là nơi chứa thành phẩm, cả 3 phần của ấm được gắn với nhau bằng gioăng cao su. Quy trình pha cà phê bằng ấm Moka:

• Cho nước vừa đủ vào phần “nồi hơi” bên dưới, cho bột cà phê vào bộ lọc - vặn chặt nắp và đặt lên bếp đun

• Khi nước sôi sẽ khiến hơi nước bốc lên, thẩm thấu qua bột cà phê - được đẩy tiếp lên trên và đọng lại ở bình chứa phía trên. Chỉ khoảng 1 phút là cà phê pha xong, nóng hổi để sẵn sàng phục vụ


► Chemex

phát minh pha chế cà phê

Dụng cụ pha cà phê Chemex được phát minh vào năm 1941 bởi nhà hóa học người Mỹ - Peter Schlumbohm. Khi thiết kế Chemex, ông mong muốn tạo ra một dụng cụ pha hoàn hảo vừa đơn giản nhưng cũng phải đẹp. Là một nhà hóa học, Schlumbohm đã nghiên cứu - hiểu rõ bản chất quy trình chiết xuất hương vị và caffeine từ hạt cà phê. Điều đó giúp ông phát minh ra giấy lọc đôi Chemex để có được hương vị cà phê trích xuất hoàn hảo. Đối với phần bình pha, Schlumbohm lấy cảm hứng từ các dụng cụ phòng thí nghiệm - tạo ra thiết kế dạng đồng hồ cát. Quy trình pha cà phê bằng Chemex:

• Đặt giấy lọc vào bình Chemex

• Dùng nước ấm tráng qua bộ lọc và bình - đổ nước đi

• Cho cà phê xay vào giấy lọc - lấy nước sôi khỏi nguồn nhiệt, để khoảng 25 giây sau đó rót đều và từ từ một ít lượng nước lên bột cà phê, dùng thìa khuấy đều

• Tiếp tục châm thêm nước sôi cho đến khi thu được lượng cà phê mong muốn (đặt cân tiểu ly bên dưới)


► Aeropress

phát minh pha chế cà phê

Aeropress là dụng cụ pha chế cà phê được phát minh vào năm 2005 bởi Giáo sư Aerobie Alan Adler (người Mỹ). Khi nghe được lời than phiền của một người rằng các máy hiện có pha ra quá nhiều cà phê 1 lượt mà 1 người không thể uống hết - Alan Adler đã nảy ra ý tưởng sáng chế máy pha cà phê chỉ cho ra 1 cốc duy nhất. Sau nhiều thử nghiệm, Aeropress cũng ra đời và điểm mấu chốt trong cách pha cà phê bằng dụng cụ này là người pha chế phải dùng lực tay nén xuống để hương vị nhanh chóng ra khỏi bã cà phê. Quy trình pha chế cà phê bằng Aeropress:

• Cho bộ lọc và bột cà phê vào dụng cụ Aeropress

• Rót nước nóng vào và khuấy đều trong khoảng 10 giây

• Chèn ống nhựa “pít tông” vào và ấn xuống từ từ - áp suất không khí trong ống sẽ đẩy nước nhanh chóng thẩm thấu qua bột cà phê và nhỏ giọt xuống cốc bên dưới. Hương vị cà phê thành phẩm sẽ gần giống với Espresso.

Ms. Smile 

Bạn chưa xem: 10 Sự thật thú vị về cà phê có thể bạn chưa biết

11 Phát minh pha chế cà phê “từ xưa đến nay” và những điều cần biết
4.0 (660 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN