Nhân viên khách sạn - du lịch tạm đổi nghề vì “đói ăn”...

Tháng 30 ngày nhưng chỉ có 5 công; có người còn phải nghỉ không lương dài hạn... là tình cảnh chung của đa phần nhân sự ngành khách sạn - du lịch hơn 1 tháng qua. Thu nhập đang ổn định đột nhiên khủng hoảng, đời sống vật chất lẫn tinh thần vì thế mà tụt dốc, nhiều người bế tắc chưa định hướng sẽ làm gì tiếp theo để Sống?

tạm đổi nghề vì "đói ăn"
Hiện nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng và số ít đơn vị khác đang khủng hoảng đến đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

 

Trong khi số ít khách sạn, nhà hàng hay công ty lữ hành vẫn duy trì kinh doanh vì có lượng khách ổn định thì đa phần, các cơ sở, doanh nghiệp khác dường như đang cố gắng cầm cự để tìm kiếm giải pháp thay thế khả thi hơn. Bởi việc phụ thuộc vào một số thị trường khách tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhiều năm gần đây giờ trở nên bất ổn vì dịch Covid-19. Lý do thì quá rõ ràng... Ms. Smile xin không bàn đến những được - mất giữa mùa dịch nữa (vì đã bàn luận rất nhiều rồi), bài viết này chỉ xin chia sẻ một ít nỗi niềm của dân ngành nói chung trước 2 ngã rẽ: nghỉ việc, bỏ nghề hay cầm cự, ráng chờ...?

2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại

“Tôi tạm đổi nghề rồi quay lại - Bạn tôi thì đổi hẳn...”

Ở thời điểm nhạy cảm này, dễ hiểu khi nhiều người có suy nghĩ nghỉ việc, bỏ nghề, đổi lĩnh vực. Bởi, thay vì hồ hởi nhận được 6, 7 triệu, thậm chí 10, 12 triệu như trước, nay người được vài trăm đến 1 triệu, kẻ tay trắng không lương... Rồi tiền đâu mua sữa, bỉm, đổi quần áo mới cho con; tiền đâu mua thêm cái váy, đôi giày, thỏi son hay tuýp kem dưỡng, ly trà sữa, gói bim bim... nhiều khi mì tôm ăn tạm cho hết tháng đợi có việc lại còn chả đủ. Vậy nên, “nếu tiếp tục bám trụ, e đói ăn, đói uống, đói cả vật chất lẫn tinh thần. Nghỉ việc chuyển sang khách sạn, nhà hàng, công ty khác ổn định hơn hoặc bỏ hẳn nhảy sang ngành nghề khác làm sẽ tốt hơn, ít nhất là trong giai đoạn hiện tại...” Nhiều người đã dự tính như thế vì họ thực sự hết cách rồi.

Nhưng có những cá nhân yêu nghề, yêu cả đồng nghiệp và môi trường làm việc hiện tại...

“Lương ít ỏi, thậm chí nghỉ không lương đúng là cực kỳ khó khăn và khủng khiếp. Nhưng nghỉ việc lúc này tự bản thân thấy không nên. Đây là thực trạng chung của ngành. Nhiều nơi cũng khủng hoảng chứ không riêng chỗ mình. Hơn nữa, tôi đã quen làm việc với Sếp A, anh chị em trong nhóm B, ở bộ phận C rồi. Mọi người đối xử với nhau như gia đình, vui khi khách khen, buồn khi phạm lỗi. Lúc nào cũng có nhau. Vậy nên, sẽ thật buồn và tự thấy có lỗi nếu dứt áo ra đi lúc này...” - chị Thy, nhân viên buồng phòng tại một khách sạn 5 sao ở Hà Nội chia sẻ. Theo chị, thay vì nghỉ việc để chuyển đến nơi khác vẫn đang kinh doanh ổn định, hoặc tình huống xấu hơn là đổi hẳn sang công việc khác như làm công nhân may, sản xuất, lắp ráp linh kiện, thậm chí phụ hồ đúng là sẽ lại có lương đầy đủ, có việc làm đều đặn nhưng bản thân nhiều người, như chị, không muốn như thế. “Vì đã quen tay quen chân, quen cả nếp làm việc lẫn sinh hoạt của nghề này mấy năm nay rồi. Vậy nên, tôi chấp nhận làm ít công hơn, nếu khách sạn khó khăn quá sẽ nghỉ không lương, cùng mọi người đợi đến khi tình hình kinh doanh khả quan hơn rồi trở lại.”

tạm đổi nghề vì "đói ăn"
Ở lại chờ việc thì không có lương mà đi thì không đành...

Vậy thì dân ngành khách sạn làm gì để đợi việc?

“Chúng tôi linh hoạt lắm, việc gì cũng làm được...” - là câu trả lời của nhiều dân ngành, những người có cùng suy nghĩ đợi việc, chờ nghề như chị Thy.

Anh C., một Hướng dẫn viên có tiếng tại Hà Nội mấy ngày nay chuyển sang làm MC cho các sự kiện, hội nghị, đám cưới tại địa phương. Vốn có tài ăn nói, cộng thêm lối hài hước và sự tự tin của công việc hướng dẫn, anh dễ dàng đảm nhận vai trò mới và kết thúc việc một cách suôn sẻ, gọn đẹp.

Chị H., hiện là Trưởng bộ phận lễ tân tại khách sạn X.N ở Đà Nẵng lại gia nhập vào đội ngũ chuyên viên đào tạo nghiệp vụ nghề cho nhân sự ngành, hàng tuần tổ chức những buổi tập huấn, training kiến thức lẫn kỹ năng cho nhân viên, học viên của khóa, chuẩn bị tốt nhất cho ngày quay trở lại làm việc chuyên nghiệp chuẩn nghề hơn.

Chị T., một Hướng dẫn viên quốc tế chuyên tour khách Trung đã quyết định dạy tiếng online. Chị mở các lớp học trực tuyến có trả phí trên skype, facebook, vừa dạy vừa truyền nghề cho đàn em. Công việc đều đặn và khá ổn định, phí thu về cũng không ít. Ngoài ra, chị còn nhận dịch tài liệu, soạn hợp đồng đa ngôn ngữ cho các tổ chức, đơn vị có nhu cầu theo hình thức CTV.

Anh K., giám sát nhà hàng tại một khách sạn ở Nha Trang chạy thêm grab hàng đêm hơn 2 tuần nay. Anh cho biết, ban ngày duy trì làm việc ở khách sạn, giám sát như nhân viên vì ít khách nên sắp xếp cho các nhân viên ở xa nghỉ phép về quê, tối thì đăng ký nhận chở khách để kiếm tiền. Công việc khá vất vả nhưng cố gắng, nếu không, với 4 triệu tiền lương vừa nhận được là không đủ trang trải.

Chị G., nhân viên buồng phòng khách sạn vui vẻ với việc cắm hoa giao cho khách tại shop mới mở của mình. Chị cho biết, vì đã được đào tạo việc tại khách sạn nên từ cuối tháng trước, chị đã tự đề xuất được nghỉ việc không lương, nhường suất làm cho các nhân viên khó khăn hơn, phần chị về mở shop hoa nhỏ trước nhà cũng có thêm thu nhập.

Bạn P., một nữ lễ tân xinh đẹp lại tự nhiên bén duyên với công việc làm mẫu ảnh cho shop thời trang gần nhà. P. chia sẻ, được anh chủ ngỏ ý đã lâu nhưng vì thời gian làm ca tại khách sạn không cố định nên chưa thể đồng ý. Nay khách vắng, nghỉ phép nhiều và vì thích nên P. đã tận dụng thời gian rảnh để làm thêm kiếm tiền...

tạm đổi nghề vì "đói ăn"
Rất nhiều việc làm tạm được Hotelier thử sức trong giai đoạn chờ ngành khách sạn - du lịch phục hồi

Nhân viên khách sạn nên làm gì khi bị cắt công mùa dịch?

Dù đang khó khăn và đôi lần bế tắc, nhưng nhiều nhân sự nghề đang cố gắng vượt khó cùng ngành khách sạn - du lịch. Bởi Chính phủ và cơ quan ban ngành địa phương hay đơn vị đang theo làm đang nỗ lực tìm giải pháp cứu nguy, lấy ngắn nuôi dài, thử nhiều sáng kiến và hướng đi mới, quyết cải thiện phục hồi tình hình kinh doanh, giúp ngành du lịch sớm trở lại phát triển mạnh mẽ ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.  

Đúng ra thì thời điểm này mỗi năm đang là mùa cao điểm du lịch. Chạy suốt ca không hết việc. Ấy thế mà năm nay lại khủng hoảng. Nhưng thay vì nghỉ việc, bỏ nghề, nhiều người vẫn quyết định cố đợi cùng nhau. Rồi mọi chuyện sẽ lại như cũ, ngành du lịch sẽ phục hồi nhanh thôi. Và chúng ta lại có việc nhiều để làm. Hoặc nếu nhất định phải ra đi vì “đói ăn” thì chắc cũng là tạm đổi nghề - Vì nếu yêu nghề đủ nhiều, rồi sẽ lại nhớ mà quay về... Không sao, nghề sẽ đợi và “tha thứ” cho bạn!

Ms. Smile

Nhân viên khách sạn - du lịch tạm đổi nghề vì “đói ăn”...
4.7 (027 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN