Thế nào là một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp?

Nhiều nhà tuyển dụng than rằng: ứng viên thời nay thế này - ứng viên thời nay thế khác nhưng chính bản thân nhân sự của một số khách sạn - nhà hàng cũng thể hiện tác phong thiếu chuyên nghiệp. Và điều này khiến không ít ứng viên bất bình…

Thế nào là một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp

Bạn đã từng gặp nhà tuyển dụng không chuyên nghiệp?

► Những biểu hiện của nhà tuyển dụng khiến ứng viên thất vọng

Mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng - ứng viên là việc cần người và người cần việc, cả hai bên đều cần nhau. Thế nhưng, trong khi luôn đòi hỏi ứng viên phải chuyên nghiệp thế này - thế nọ thì một số nhà tuyển dụng lại không thể hiện điều đó với ứng viên. Tiêu biểu như việc:

- Cung cấp thông tin đăng tuyển không rõ ràng: mô tả công việc chỉ ghi “công việc cụ thể trao đổi khi phỏng vấn”, không nói rõ về yêu cầu bằng cấp - kinh nghiệm như thế nào?...

- Không lọc CV ứng viên phù hợp yêu cầu mong muốn - mời hết đến phỏng vấn: rồi mở đầu buổi phỏng vấn bằng câu hỏi “Em chưa có kinh nghiệm lễ tân à?” - “Chị không tuyển người không có kinh nghiệm em ạ”, khiến đôi bên đều tốn thời gian vô ích

- Dời hẹn phỏng vấn 5 lần 7 lượt, trễ hẹn phỏng vấn - khiến ứng viên phải đợi hàng tiếng đồng hồ

- Thông tin tuyển dụng viết 1 đằng nhưng ứng viên đến nói 1 nẻo: đăng tin tuyển dụng lương cao - nhưng mức lương thực tế thấp hơn công bố

- Khả năng phát âm - giao tiếp tiếng Anh của người phỏng vấn chưa tốt nên đặt câu hỏi không rõ ràng khiến ứng viên không hiểu mình đang được hỏi điều gì

- Đặt những câu hỏi và bình luận “kém duyên”: “Em ở quê sao thi điểm IELTS cao vậy? Có mánh khóe gì không?"

- Nói xấu sau lưng ứng viên ở khoảng cách mà ứng viên ra về vẫn nghe được: kiểu như “Lại một hồ sơ vớ vẩn”

- Dù nói “Chúng tôi sẽ gọi lại cho bạn sau” - thế nhưng khi không nhận ứng viên vào làm vẫn không gửi thông báo kết quả...

Thế nào là một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp

Không ít khách sạn đăng tin tuyển dụng sơ sài như thế này


► Thế nào là một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp?

Chính sự thiếu trách nhiệm, hời hợt với công tác tuyển dụng sẽ khiến một số khách sạn mang tiếng xấu với ứng viên - khó có thể tuyển được những nhân viên chất lượng về đầu quân làm việc. Do đó, chính bản thân chuyên viên nhân sự của các khách sạn phải thể hiện mình là một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp - trách nhiệm:

- Đăng tin đầy đủ nội dung chi tiết nhất, gồm mô tả công việc, yêu cầu, chế độ đãi ngộ, thể hiện văn hóa doanh nghiệp trong gian tuyển dụng của mình - cho ứng viên thấy cơ hội được đào tạo, được thăng tiến, môi trường làm việc thân thiện, công bằng...

- Ẩn các tin tuyển dụng khi không còn nhu cầu tuyển

- Duyệt CV kỹ càng, chỉ mời phỏng vấn những ứng viên đáp ứng yêu cầu đề ra

- Hẹn phỏng vấn nghiêm túc, đúng giờ, tổ chức phỏng vấn chuyên nghiệp

- Chỉ nên đặt những câu hỏi phù hợp để kiểm tra năng lực - trình độ ứng viên, không nên hỏi vấn đề không liên quan

- Trả lời tất cả thắc mắc của ứng viên ứng tuyển một cách chân tình, cởi mở, thẳng thắn - Nếu ứng viên chưa đạt yêu cầu cũng cho họ biết

- Chỉ nhận xét ứng viên khi ứng viên đã thực sự ra về

- Đánh giá ứng viên dựa trên các tiêu chí rõ ràng trong công việc, không để bị ảnh hưởng bởi cảm xúc cá nhân

- Thông báo kết quả phỏng vấn cho dù đạt hay không…

Điều mà nhiều ứng viên luôn mong mỏi ở nhà tuyển dụng là nếu không nhận vào làm việc thì nên phản hồi sớm để ứng viên biết tìm cơ hội khác. Có ứng viên cho biết: “Mình đi phỏng vấn thường nói dạ Anh/ Chị có gì báo sớm kết quả để em chuẩn bị nha. Họ trả lời ok em - mai chị sẽ thông báo kết quả. Thế nhưng, 1 tuần sau vẫn chẳng thấy email/ tin nhắn kết quả nào”. Hay đưa ứng viên vào tình thế: “Không gọi tưởng rớt xin chỗ khác, chỗ khác nhận thì chỗ mình thích làm lại gọi thông báo đã đậu.”

Nhiều nhà tuyển dụng giải thích rằng không thông báo kết quả cho ứng viên vì đưa vào danh sách chờ (Waiting list). Vì thế mà dẫn đến trường hợp “Có chỗ tớ xin từ mùa đông năm ngoái đến mùa hè năm sau mới gọi đi làm”. Đồng ý là nhà tuyển dụng có quyền đưa ứng viên vào diện dự bị trong danh sách chờ - thế nhưng cũng nên phản hồi cho người tìm việc biết điều đó. 

Chẳng mất mát gì khi gửi một email với nội dung: “Chào bạn! Hiện tại chúng tôi đã chọn được ứng viên thích hợp nhất cho vị trí… Tuy nhiên, nhận thấy bạn cũng là một ứng viên tiềm năng nên sẽ đưa bạn vào danh sách chờ. Và mong rằng sẽ có cơ hội hợp tác với bạn trong tương lai”. Khi đã thông tin rõ, sau này ứng viên đang làm chỗ khác, nếu muốn liên hệ mời về làm việc - nhà tuyển dụng cũng dễ dàng mở lời hơn và không bị ứng viên trả lời “quật lại”: “Em có việc làm rồi. Em không nằm dài ở nhà để đợi nửa năm sau Anh/ Chị mới gọi mời làm việc đâu ạ”.

Thế nào là một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp

Nhà tuyển dụng nên thông báo càng sớm càng tốt cho ứng viên biết dù không trúng tuyển 


Mong rằng những lưu ý trên đây sẽ giúp các nhân viên nhân sự khách sạn - nhà hàng biết nên làm gì để trở thành một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp trong mắt ứng viên. Chỉ khi nhà tuyển dụng thật sự chuyên nghiệp thì mới nên đòi hỏi sự chuyên nghiệp nơi người tìm việc.

Ms. Smile

Tags: Tips
Thế nào là một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp?
4.6 (976 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN