Hành trình sự nghiệp của “ông Hoàng resort” phác họa nên InterContinental Đà Nẵng

Bill Bensley được tạp chí Time (Mỹ) gọi với biệt danh “ông vua của những khu nghỉ dưỡng dị biệt trên thế giới”. Có lẽ cũng chính bởi vì bút pháp dị biệt này mà kiến trúc sư Bill Bensley đã phác họa nên “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới” – InterContinental Danang Sun Peninsula Resort.

Hành trình sự nghiệp của “ông Hoàng resort” phác họa nên InterContinental Đà Nẵng

Ảnh nguồn Internet

Cậu bé làm vườn ở quận Cam

Ngay từ nhỏ, Bill Bensley đã là một cậu bé vô cùng đam mê với việc làm vườn. Sinh ra và lớn lên trong một trang trại nhỏ ở quận Cam (California, Mỹ) với đầy đủ các loại rau củ, cây ăn trái, tổ ong, gà vịt… Bill được bố mẹ dạy cho cách chăm sóc, bài trí một khu vườn. Thậm chí, cậu bé còn đi chăm vườn cho nhà hàng xóm.

Lớn lên và theo học chuyên ngành kiến trúc đô thị, khi đã cầm trong tay tấm bằng cử nhân của trường Đại học danh tiếng Harvard, Bill vẫn chưa xác định được mình “sẽ-phải-làm-những-gì”. Methar Lek Bunnag – cậu bạn học người Thái Lan của Bill hỏi: “Cậu định làm gì?”. Bill chỉ trả lời: “Mình chưa biết, phượt châu Âu một chuyến rồi tính sau.” Trong khi Bill chưa tính được gì thì Bunnag được mời đến giảng dạy tại đại học NUS – Singapore. Bunnag sau này đã trở thành kiến trúc sư huyền thoại của người Thái và là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp về sau của Bill Bensley.

Thế là Bill xách ba lô lên và một mình phượt châu Âu. Cậu tiêu hết số tiền tiết kiệm của mình và chỉ còn để dành đủ tiền để bay đến Malaysia. Đến đây, cậu lại bắt đầu một hành trình đi bụi khác. Bill vẽ chân dung để “kiếm cơm”. Rồi bằng cách nào đó, cậu cũng “lếch” được đến bậc thềm nhà Bunnag. Chính ở đây, Bill đã khởi đầu sự nghiệp trở thành một kiến trúc sư.

Sau vài năm làm thuê, Bill Bensley mở một công ty riêng vào năm 1989 ở Thái Lan và bắt đầu cuộc hành trình trở thành “người làm vườn” nổi tiếng nhất châu Á.

Sau hơn 10 năm làm việc tại châu Á, Bill đã thiết kế nên những khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất Thái Lan, Campuchia, Indonesia. Ở đỉnh cao của sự nghiệp, Bill Bensley là người có thể thoải mái “high-five” với nhà vua Malaysia, “lận lưng” những kiệt tác kiến trúc như Sheraton Grande, chuỗi Four Seassons, Marriott ở Thái Lan, Grand Hyatt ở Indonesia… Cũng chính tình yêu với khu vườn từ ngày còn bé, hơn 30 năm sau, ông đã dựng lên những khu resort có vườn cung cấp đủ rau sạch cho cả khách nghỉ đến nhân viên ở Shinta Mani Resort (Campuchia), Kittitian Hill Resort (St.Kitts & Nevis).

Hành trình sự nghiệp của “ông Hoàng resort” phác họa nên InterContinental Đà Nẵng

Ảnh nguồn Internet

Khởi đầu không thuận lợi ở Việt Nam

Trong hành trình trở thành một kiến trúc sư hàng đầu khu vực như thế, Bill đã có một khởi đầu không thuận lợi ở Việt Nam. Năm 2000, ông đặt bút vẽ nên khu resort Rusalka bên bờ vịnh Nha Trang. Thế nhưng, khi dự án đang triển khai xây dựng thì bất ngờ vào năm 2005, Chủ tịch HĐQT công ty RIT – Nguyễn Đức Chi bị bắt vị tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thế là tác phẩm đầu tiên của Bill tại Việt Nam bị thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động.

Về sau, khi tòa không đủ chứng cứ để buộc tội ông Nguyễn Đức Chi, dự án resort Rusalka được trả lại thì dù sao khởi đầu của “ông Hoàng resort” tại Việt Nam cũng trở thành một điều đáng quên. Cũng chính vì thế mà khi lần đầu tiên chủ đầu tư Sun Group tìm đến, Bill đã “1-2-3” từ chối thẳng thừng. Bill nói ông đang rất bận với nhiều dự án khác và nếu họ cần ông có thể giới thiệu một kiến trúc sư giỏi, còn nếu muốn, có thể trở lại nói chuyện vào năm sau. Có một sự thật mà sau này Bill mới chia sẻ: “Tôi nói như thế để họ về, đỡ tốn thời gian…”.

Được Bill giới thiệu một kiến trúc sư khác, nhưng khi nghe trình bày ý tưởng, những nhà lãnh đạo của Sun Group vẫn chưa ưng ý. Thế là họ trở về và kiên nhẫn chờ đến sang năm quay lại gặp Bill. Và sau đó là cả một quá trình nài nỉ “ông Hoàng resort”. Chủ đầu tư đã phải nhờ đến những mối quan hệ quen biết tác động đến Bill, thuyết phục rằng chỉ có ông mới thiết kế được công trình này. Cuối cùng, Bill mới chịu xuống nước một chút: “Tôi sẽ sang Việt Nam để xem địa điểm xây dựng, nếu thấy có tiềm năng thì sẽ xem xét”.

Vài tháng sau, Bill bay sang Đà Nẵng để xem xét địa điểm xây dựng. Khi đang đi thuyền qua bãi Bắc, người ta thấy ông rất hào hứng và tỏ vẻ gật gù. Khi vào đến bờ, ông chẳng nói chẳng rằng, cởi quần áo, nhảy xuống biển và bơi một mạch đến trạm kiểm lâm.

Bạn muốn tìm hiểu thêm: Hành trình chiếm lĩnh thị trường khách sạn Việt Nam của “nữ tướng” BRG Group

“Tôi không cần tiền, tôi cần nhà đẹp”

Bằng lòng với địa điểm xây dựng, Bill chính thức nhận lời thiết kế công trình thứ hai tại Việt Nam. Nhưng với phương châm “Mai mun mai tum” (Theo tiếng Thái là không vui thì không làm) ông ra điều kiện và nói trước với chủ đầu tư: vẽ cái gì thì phải làm y hệt như vậy, không được bỏ dở vì tốn kém và những cái ông muốn làm sẽ rất đắt. Chủ đầu tư sau này cho biết: “Hồi đó, thấy ông đồng ý là chúng tôi mừng rồi, tiền nong mọi thứ tính sau.”

Trước khi bắt tay vào thiết kế, Bill dành cả một năm trời lang thang khắp mọi miền của Việt Nam: Hà Nội, Tây Bắc, Huế… để hòa mình, cảm nhận và thẩm thấu văn hóa – kiến trúc của người Việt. Khi bản vẽ được hình thành, Bill mời nguyên một đoàn từ lãnh đạo cho đến công nhân trực tiếp thi công dự án InterContinental Đà Nẵng sang tham quan resort trên đảo Koh Samui (Thái Lan). Resort này có đến 8.000 cây dừa nhưng trong quá trình thi công, Bill không cho phép bất cứ cây dừa nào bị ảnh hưởng, ông tìm mọi cách để giữ nguyên hiện trạng từng cây, thay đổi thiết kế nhà để cây được mọc xuyên qua sàn gỗ, phòng khách, mái nhà… Mỗi cây bị ảnh hưởng, ông phạt chủ dự án 1.000 USD. Để làm được điều đó, việc thi công phần móng của toàn bộ dự án resort trên đảo Koh Samui đều được công nhân làm trực tiếp bằng tay.

Hành trình sự nghiệp của “ông Hoàng resort” phác họa nên InterContinental Đà Nẵng

Ảnh nguồn Internet

Cũng chính vị quan điểm bảo tồn ấy mà để xây dựng được căn nhà mẫu đầu tiên ở InterContinental Đà Nẵng, Bill đã yêu cầu nhà thầu phải đập đi xây lại đến mười mấy lần. Xót ruột, chủ đầu tư dọa không trả tiền thiết kế cho ông. Bill chỉ đáp lại: “Tôi không cần tiền, tôi chỉ cần nhà đẹp.”

Bạn có thể đánh giá những cầu thang vòng uốn lượn ở InterContinental Đà Nẵng là những nét kiến trúc độc đáo nhưng thực ra đó là cách Bill thiết kế để “lách” không phải chặt bỏ cây cối. Để làm vừa lòng ông, những công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam phải học lại cách làm gạch ốp tường với kích thước, hoa văn riêng biệt.

Và cuối cùng, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort cũng chính thức đi vào vận hành vào năm 2012 và liên tiếp được vinh danh là “Khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới.”

Tìm thấy miền đất hứa thứ hai

Sau tuyệt tác ở Đà Nẵng, Bill nhận lời thiết kế công trình thứ 3 JW Marriott Emerald Bay Phú Quốc – công trình vừa được vinh doanh là “Khu nghỉ dưỡng mới tốt nhất châu Á”. Cách đây 5 - 6 năm, khi lần đầu tiên đến với Phú Quốc, chính thiên nhiên tươi đẹp của hòn đảo này đã làm ông mê mẩn. Không chỉ xây dựng khu nghỉ dưỡng thông thường, Bill đã thổi vào công trình này câu chuyện về một ngôi trường đại học giả tưởng hơn 100 năm tuổi.

Ông gọi đó là Đại học Lamarck – đặt theo tên của một nhà sinh vật học người Pháp. Khu nghỉ dưỡng hiện lên với 18 phân khoa: khoa kiến trúc là một nhà hàng lộng gió nằm trên bãi biển, khoa Hóa học là một quầy bar – nơi pha chế những ly Cocktail đúng điệu hay trung tâm spa, thể dục chính là khoa Giáo dục thể chất…

Không dừng lại ở đó, vị kiến trúc sư tài hoa còn dẫn du khách đến với thế giới của những kệ sách lớn, thời khóa biểu, bảng tên khoa, huy hiệu, cúp… hay cả những chiếc gương nhuộm màu thời gian. Bill gọi ngôi trường Đại học giả tưởng ấy là “Vui và thách thức”.

Sau một khởi đầu không mấy suôn sẻ ở Việt Nam nhưng giờ đây khu resort Rusalka ở Nha Trang cũng đang được xây dựng lại và sắp đi vào vận hành, rồi tiếp đến là InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, JW Marriott Emerald Bay Phú Quốc, sau Thái Lan, Bill Bensley đã tìm thấy miền đất hứa thứ 2 cho mình - Việt Nam - nơi ông có thể thỏa thích thể hiện bút pháp “dị biệt” của mình.

Nguyên tắc “Mai mun mai tum” (Không vui, không làm) đã luôn đồng hành suốt sự nghiệp thiết kế của Bill Bensley. Cũng chính vì thế mà dù có những chủ đầu tư siêu giàu nhưng buộc ông làm theo ý của họ thì Bill chỉ nói: “Thôi chào nhé, tôi về đây, sáng tạo kiểu đó thì chẳng còn gì thú vị.”

Xem thêm: Câu chuyện “Nhân viên phục vụ - chiếc túi bẩn – cách hành xử của cô gái” và bài học về sự tha thứ

Ms.Smile

Hành trình sự nghiệp của “ông Hoàng resort” phác họa nên InterContinental Đà Nẵng
4.0 (290 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN