8/3 - Cùng hiểu “nỗi khổ” của chị em theo nghề khách sạn - nhà hàng để mà thương và sẻ chia...

8/3 là ngày cả thế giới cùng tôn vinh phụ nữ  - giới vốn được mặc định là phái yếu trong xã hội. Nhìn ở khía cạnh nghề nghiệp, chị em theo nghề khách sạn – nhà hàng có những “nỗi khổ” riêng mà không phải anh em nào cũng hiểu. Hoteljob.vn sẽ cùng bạn tìm hiểu thử nhé!

8/3 - Cùng hiểu “nỗi khổ” của chị em theo nghề khách sạn - nhà hàng để mà thương và sẻ chia

Nhân viên nữ theo nghề khách sạn – nhà hàng gặp những khó khăn gì?

#Mang giày cao gót và đi lại nhiều

Trong nhiều khách sạn – nhà hàng, nhân viên nữ bắt buộc phải mang giày cao 3 – 5 phân khi làm việc. Vẫn biết mang giày cao gót vừa tôn dáng vẻ uyển chuyển của phụ nữ vừa giúp họ trông cao hơn nhưng hãy thử mang 8 – 9 tiếng một ngày và di chuyển liên tục – bạn sẽ hiểu được “nỗi khổ” ấy của chị em. Có những bạn lúc nào đi làm cũng kè kè theo băng urgon để dán chân đỡ bị đau và mong đến giờ nghỉ chỉ để được thả đôi giày – “giải phóng” đôi chân.

Về lâu dài, việc mang giày cao đi lại nhiều khiến phụ nữ đối mặt với những vấn đề sức khỏe như đau lưng, căng cơ gối, biến dạng ngón chân, ảnh hưởng đến nội tạng… Do vậy mà không phải chị em nào cũng vui khi mang đồng phục làm việc này.

8/3 - Cùng hiểu “nỗi khổ” của chị em theo nghề khách sạn - nhà hàng để mà thương và sẻ chia

Nhiều nhân viên nữ thường bị đau chân do mang giày cao

#Làm ca – về khuya và tiềm ẩn những rủi ro

Với đặc trưng nghề dịch vụ, nhân viên lễ tân - buồng phòng - phục vụ... thường phải làm việc theo ca: ngày ca sáng, bữa ca chiều và khi thì ca gãy. Làm ca sáng, nhân viên nữ sẽ được về lúc 2 – 3 giờ chiều, nhưng làm ca chiều thì phải đối mặt với cảnh “về khuya một mình”. Nhân viên nam thì không sao nhưng với nữ giới thì đó là cả một vấn đề - nhất là những bạn ở xa.

Từ 10 - 11 giờ đêm trở đi đường phố thường thưa người đi lại, tan làm thời điểm này – trên đường di chuyển về nhà, nhân viên nữ thường lo lắng sẽ gặp phải những rủi ro như cướp giật hay gặp “yêu râu xanh”, kẻ ngáo đá… Nên sẽ thật tốt biết mấy nếu các khách sạn – nhà hàng có phòng nghỉ dành riêng cho những chị em không thể về khuya một mình hay được các đồng nghiệp nam sẵn sàng đưa về.

#Có những ngày “Đến hẹn lại lên”

Đặc điểm giới tính khiến phụ nữ có những ngày “đến hẹn lại lên” hàng tháng. Vào những ngày này, tùy cơ địa từng người, chị em sẽ phải đối mặt với những triệu chứng như: đau lưng, đau bụng, đau tức ngực, buồn nôn… Và vì lượng serotonin – hormone điều chỉnh tâm trạng giảm nên phụ nữ thường hay rơi vào trạng thái căng thẳng, bức bối và dễ tức giận… Nhưng công việc thì vẫn phải hoàn thành, mỉm cười niềm nở đón khách và làm hài lòng những vị khách khó tính nhất.

Đặc biệt là công việc dọn phòng khách sạn vốn cần sức khỏe tốt – nhưng vào những ngày này, nhân viên nữ vẫn phải làm việc như bình thường và chịu đựng những cơn đau như một lẽ hiển nhiên.

8/3 - Cùng hiểu “nỗi khổ” của chị em theo nghề khách sạn - nhà hàng để mà thương và sẻ chia

Nhân viên nữ có “nỗi khổ” của những ngày “đến hẹn lại lên”

Do vậy, nhân viên nam trong các khách sạn – nhà hàng cần biết thông cảm, chia sẻ công việc với các đồng nghiệp, quản lý nữ của mình khi vài ngày trong tháng họ lại rơi vào trạng thái bất ổn hơn bình thường.

#Lập gia đình - có con nhỏ - việc nhà

Với những chị em theo nghề khách sạn – nhà hàng đã lập gia đình và sinh con - chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn sau thời gian 6 tháng nghỉ sinh - đi làm lại. “Thời gian đầu khi đi làm trở lại, mình loay hoay không biết nên xoay xở thế nào để cân bằng nhiệm vụ công việc lẫn cuộc sống gia đình. Vì tính chất công việc làm ca nên nhiều khi 1 giờ sáng mình mới về tới nhà, rồi 5h sáng phải có mặt ở khách sạn để phục vụ khách. Con còn nhỏ nhớ hơi mẹ nên khóc, đợi đến khi mình về mới chịu ngủ. Nhiều khi thương con đến ứa nước mắt…” - một nữ nhân viên phục vụ nhà hàng làm việc tại một khách sạn 5 sao tại Hà Nội cho biết.

Và chia sẻ đó cũng đủ khái quát nên một giai đoạn gian khó với chị em phụ nữ theo nghề khách sạn – nhà hàng. Vì thế, họ không chỉ cần một người chồng thấu hiểu - sẻ chia công việc nhà – chăm con mà còn muốn có những người đồng nghiệp không vướng bận gì sẵn sàng đổi ca làm việc với họ khi cần thiết.

.........

Không ai có thể phủ nhận đóng góp to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: vừa tham gia lao động xã hội – vừa hoàn thành thiên chức của một người mẹ, chăm lo cho gia đình. 365 ngày của một năm – phụ nữ luôn âm thầm hy sinh và chịu đựng, họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và quan tâm hơn nữa từ một nửa còn lại của thế giới.

Trong các khách sạn – nhà hàng, nếu có khoản tiền mừng lễ 8/3 cho chị em làm nghề thì thật vui – như một sự động viên cần có. Còn với những nhân viên nam - đừng chỉ dành tặng đồng nghiệp nữ những lời chúc hoa mỹ, mà hãy cụ thể hóa thành sự sẻ chia trong công việc, giúp đỡ họ những công việc nặng nhọc… không chỉ riêng trong ngày này.

Hôm nay là ngày 8/3, Hoteljob.vn xin mượn bài viết chủ đề này gửi đến tất cả chị em phụ nữ đang làm việc trong các khách sạn, resort, nhà hàng trên khắp Việt Nam lời chúc sức khỏe, bình an và may mắn!

8/3 - Cùng hiểu “nỗi khổ” của chị em theo nghề khách sạn - nhà hàng để mà thương và sẻ chia

Happy Women’s Day!

 

Ms. Smile

Tags:
8/3 - Cùng hiểu “nỗi khổ” của chị em theo nghề khách sạn - nhà hàng để mà thương và sẻ chia...
4.0 (400 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN