Du lịch Việt năm 2021: Nhìn lại 1 năm trầm

Những tưởng dịch tạm ổn và du lịch tạm sáng hồi đợt lễ 30/4-1/5 khi cả nước ghi nhận đón tận hàng triệu lượt khách nội có nhu cầu tham quan, du lịch… Nhưng không, một cơn “đại nạn” nữa ập đến khi Việt Nam dịch nặng, toàn ngành du lịch đóng băng hoàn toàn sau đó nhiều tháng. Doanh nghiệp du lịch chết yểu, nhân sự ngành mất việc, du lịch Việt trải qua thêm 1 năm trầm và lặng…

du lịch việt năm 2021: nhìn lại 1 năm trầm
Đoán xem du lịch Việt năm qua thăng - trầm thế nào?

 

Cùng Hoteljob.vn nhìn lại 1 năm qua, du lịch Việt đương đầu với làn sóng Covid thế nào nhé!

Mùa du lịch Tết đìu hiu, ảm đạm

Thay vì nhộn nhịp khách hành hương như mọi năm, Tết 2021, lượng người đến viếng chùa đầu năm giảm hẳn. Nếu năm 2020 có đến 12 triệu lượt khách nội địa và khoản 3 triệu lượt khách quốc tế thì năm nay, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, gần nhất là đợt bùng phát dịch thứ 3 tại Hải Dương hồi cuối tháng 1 đã làm số lượng du khách giảm mạnh. Trên cả nước, nhiều điểm du lịch lớn treo biển đóng cửa, dừng đón khách, những nơi còn lại có mở nhưng không tổ chức các lễ hội để hạn chế tập trung đông người.

Khách quốc tế không có, khách nội địa cũng lũ lượt không rủ mà đồng loạt yêu cầu hủy, hoãn tour. Nhiều điểm đến vốn hút khách tham quan nay cũng chung cảnh đìu hiu, ảm đạm. Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2021, lượng khách đến Hà Nội giảm 47,7%; đến TP.HCM giảm 69,2%; đến Đà Nẵng giảm 67,7%; đến Thừa Thiên - Huế giảm 73,3%... kéo theo doanh thu từ du lịch lữ hành giảm đến 62,1% so với cùng kỳ.

du lịch việt năm 2021: nhìn lại 1 năm trầm
Cảnh đối lập dễ nhận thấy của sự sụt giảm lượng khách năm 2021 so với năm 2020 và các năm trước nữa

Du lịch nội địa sôi động dịp lễ 30/4-1/5

Ngay khi đợt dịch thứ 3 được kiểm soát, du lịch nội ấm dần lên. Minh chứng rõ nét là trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đã có đến hàng triệu du khách book tour hay đặt phòng nghỉ, nơi ăn uống, mua vé vui chơi cho chuyến đi ngắn ngày. Và mặc dù tới ngày nghỉ lễ, số ca nhiễm có tăng trở lại nhưng nhiều điểm nóng du lịch thời điểm đó như Đà Lạt, Vũng Tàu… ghi nhận cảnh người đông đúc, chen nhau tham quan. Hầu hết các điểm đến nổi bật đều đón hàng chục, trăm nghìn lượt khách trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua. Cụ thể: Đà Lạt ước đón 145.500 lượt khách, Sầm Sơn đón 215.000 lượt, Nha Trang đón 125.000 lượt, Phú Quốc đón 91.000 lượt, Đà Nẵng đón 74.600 lượt, Vũng Tàu đón 70.000 lượt…

Du lịch hè “đóng băng”

Nhiều doanh nghiệp du lịch đặt kỳ vọng “lấy lại những gì đã mất” vào mùa du lịch hè sau tín hiệu khởi sắc về nhu cầu đi đây đó của du khách dịp lễ vừa qua. Thế nhưng, phũ phàng thay, ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4, số ca nhiễm tăng dựng đứng, gần như tất cả địa phương thông báo dừng hoạt động du lịch, thôi không đón khách, thậm chí áp dụng giãn cách xã hội để phòng dịch. Du lịch Việt chính thức bước vào giai đoạn “đóng băng” chưa biết ngày rã.

Nếu tháng 4, thống kê có khoảng 9 triệu lượt khách nội địa thì con số này giảm dần qua các tháng sau đó, còn 3,5 triệu lượt ở tháng 5; 1,5 triệu lượt ở tháng 6; vài trăm nghìn lượt mỗi tháng cho đợt cao điểm mùa du lịch hè các tháng 7,8,9 rồi về “mo” từ tháng 9 khi Cục Hàng không yêu cầu tạm dừng các đường bay nội địa. Thống kê chung cho 9 tháng đầu năm, lượng khách nội địa giảm 16% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 52% so với năm 2019; tổng doanh thu từ du lịch lữ hành đạt gần 137.000 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng buồn là, thống kê sơ bộ có hơn 30% doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh; khoảng 90% cơ sở lưu trú đóng cửa, còn lại hầu như chỉ mở để đón khách cách ly.

Mở cửa nhỏ giọt và thận trọng

Cuối tháng 9, đầu tháng 10, nhiều địa phương kiểm soát dịch tốt như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Lâm Đồng, TP.HCM… rục rịch mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh. Tour “bong bóng khép kín” được triển khai ở hầu hết các điểm đến, bắt đầu với khách nội tỉnh, sau mở rộng ra khách ngoại tỉnh, kết nối liên vùng để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tránh tập trung đông người và hạn chế tiếp xúc gần giữa những đoàn khách xa lạ. Tuy nhiên, hầu hết đều yêu cầu cả khách sử dụng dịch vụ và nhân viên phục vụ đều phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72h cùng nhiều điều kiện về vùng an toàn, địa điểm cách ly, chi phí “3 tại chỗ” cho nhân viên và xét nghiệm định kỳ… Điều này vô tình tạo khó khiến du lịch đôi chút bị “kiềm hãm”, lượng khách đến giảm, các doanh nghiệp cũng ngại mở cửa do lo sợ thu không đủ bù chi.

Giữa tháng 10, Bộ VH-TT&DL ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện “bình thường mới” trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; cho phép du lịch được hoạt động trở lại ở cả 4 cấp độ dịch nhưng theo quy mô và kèm điều kiện nhất định. Đặc biệt, chỉ khách du lịch đến vùng vùng cấp độ 3 và 4 hay có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid như ho, sốt, đau họng… thì mới cần phải xét nghiệm nCoV đã giúp ngành bước đầu nhận được tín hiệu khởi sắc. Dễ thấy là sau hơn 1 tháng áp dụng “bình thường mới”, tổng lượng khách nội địa tháng 11 đạt 2,5 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với tháng 10 và 9 lần so với tháng 9. Nhiều địa phương đón hàng chục- trăm nghìn lượt khách đến tham quan, như Lào Cai với 55.450 lượt, Khánh Hòa 28.500 lượt, Hà Nội 300.000 lượt…

Thí điểm đón khách quốc tế và kỳ vọng mở cửa du lịch hoàn toàn

Việt Nam quyết định thí điểm đón khách quốc tế đến (có hộ chiếu vaccine, cũng theo tour khép kín) vào tháng 11. Bắt đầu tại Phú Quốc, sau mở rộng ra các tỉnh du lịch hot và an toàn như Hạ Long, Hội An, Khánh Hòa, Đà Nẵng.

Ngày 17/11, chuyến bay của Vietnam Airlines đưa 29 hành khách Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Áo, CH Czech, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thụy Điển, Nauy, Australia… trở lại Việt Nam sau 18 tháng dài “cách ly” với du lịch thế giới. Tiếp đến là những chuyến bay đến Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Nam… Thống kê đến 6/12, lượng khách quốc tế đến vào khoảng 1.179 người.

Sang tháng 1/2022, Việt Nam bước qua giai đoạn 2 của chương trình thí điểm đón khách quốc tế. Nhiều chuyên gia kỳ vọng lượng khách đến sẽ tăng cao và đều đồng thời tình hình dịch luôn được kiểm soát để hướng đến giai đoạn 3, mở cửa hoàn toàn ngành du lịch, tất cả hoạt động trở lại trạng thái bình thường, trong “tình hình mới”.

​  Cảnh đối lập dễ nhận thấy của sự sụt giảm lượng khách năm 2021 so với năm 2020 và các năm trước nữa  ​
Những vị khách quốc tế đến Việt Nam đầu tiên sau mở cửa

 

Sau quá nhiều lần đóng rồi lại mở, mở xong phải đóng tiếp, du lịch Việt chập chững “tập đi” lại từ tháng 10 với khách nội và tháng 11 cho khách quốc tế, chính thức chuyển sang giai đoạn “bình thường mới” bằng cách sống chung với dịch. Hy vọng, nước đi này là đúng đắn và kịp thời, mang lại hiệu quả cao cùng nhiều tín hiệu khả quan để mở cửa hoàn toàn vào năm 2022. Cùng chúc cho Du lịch Việt năm mới, thắng lợi mới, đạp lên Covid để hồi sinh và phục hưng đúng như tiềm năng sẵn có…

Ms. Smile

(Tham khảo và biên tập từ VnExpress)​

Tags:
Du lịch Việt năm 2021: Nhìn lại 1 năm trầm
4.6 (456 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN