Ngược đời cảnh nhân viên khách sạn có bằng ngoại ngữ nhưng gặp khách Tây lại bỏ chạy

Đó là thực trạng chung của không ít khách sạn, nhà hàng hiện nay về chất lượng nhân viên phục vụ. Dù đầu vào là những ứng viên có bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ (từ tiếng Anh, tiếng Trung hay tiếng Nhật, tiếng Hàn…), thế mà, cứ mỗi khi gặp khách Tây, những nhân viên này lại lật đật tìm cách chạy trốn… Tại sao lại như vậy?

 

ngược đời cảnh nhân viên khách sạn có bằng ngoại ngữ nhưng gặp khách tây lại bỏ chạy
Tồn tại không ít nhân viên khách sạn có bằng ngoại ngữ nhưng cứ hễ gặp khách Tây lại bỏ chạy

Nhân viên khách sạn có bằng ngoại ngữ nhưng “gặp khách Tây bỏ chạy hết”

Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, hợp tác du lịch giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ với các tỉnh An Giang, Bạc Liêu vừa tổ chức chiều qua (21/1/2019), nhiều quản lý, lãnh đạo các khách sạn lớn và khu du lịch tỏ ra lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực của ngành hiện không đáp ứng được yêu cầu trong nghề, nhất là khả năng ngoại ngữ yếu kém khi giao tiếp và phục vụ khách nước ngoài. Đến mức “nhiều nhân viên khách sạn có bằng ngoại ngữ hẳn hoi nhưng gặp khách Tây lại bỏ chạy hết, không biết xử lý thế nào” - theo ông Trần Ngọc Ngà, Phó Giám đốc Nhà hàng khách sạn Ninh Kiều Riverside. Qua đây, ông Ngà cũng bày tỏ mong muốn các trường quan tâm đào tạo thêm về trình độ ngoại ngữ cho sinh viên, để sinh viên sau tốt nghiệp có nền tảng cơ bản - “ít nhất có thể nghe-hiểu và giao tiếp được những câu đơn giản nhất khi hoạt động trong nghề; phần còn lại, chúng tôi sẽ đào tạo thêm”.

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch khác tại TP.Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Khu du lịch Xẻo Nhum cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Thanh Bửu, Giám đốc Khu du lịch cho hay “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi không phải là vốn mà là nhân sự. Hiện tại, mức lương của nhân viên tại đây vào khoảng 7 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, dù được trả lương cao nhưng chất lượng người làm lại không cao tương ứng. Tôi đề nghị các trường đào tạo cần mở các lớp ngắn hạn để đào tạo nhân viên, doanh nghiệp sẵn sàng chịu hoàn toàn chi phí này”.

Không chỉ riêng tại các tỉnh miền Tây, thực trạng nhân sự đầu vào có bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ, thậm chí nổi bật nhưng không áp dụng được trong thực tế công việc không phải là chuyện lạ. Rất nhiều nhân viên, dù được đánh giá cao trong buổi phỏng vấn về trình độ và nghiệp vụ nhưng sự thiếu tự tin trong giao tiếp, nhất là sử dụng ngoại ngữ trở thành rào cản cho sự phát triển sự nghiệp của họ. Vậy, doanh nghiệp cần làm gì để hạn chế hoặc khắc phục tình trạng này?

 

ngược đời cảnh nhân viên khách sạn có bằng ngoại ngữ nhưng gặp khách tây lại bỏ chạy
Yếu ngoại ngữ khiến nhân viên thiếu tự tin trong giao tiếp với khách hàng

Làm gì để cải thiện chất lượng ngoại ngữ cho nhân sự Nghề Khách sạn?

♦ Trách nhiệm của nhà trường

Mong muốn trên đây của lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch là hợp lý và hoàn toàn có cơ sở để tán thành. Thay vì chỉ đào tạo lý thuyết sáo rỗng, phía nhà trường nên tạo nhiều điều kiện để sinh viên được thực hành thực tế, từ chuyên môn nghiệp vụ đến trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp. Tạo ra các buổi sinh hoạt ngoại khóa, giao tiếp với người nước ngoài, xử lý tình huống thực tế, thực tập cuối khóa tại các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch có liên kết … để sinh viên bước đầu làm quen với môi trường làm việc, yêu cầu công việc cũng như rèn khả năng phát âm, diễn đạt câu, biểu cảm giọng nói… làm tiền đề cho sự hòa nhập vào môi trường thực trong tương lai.

♦ Trách nhiệm của doanh nghiệp là khách sạn, nhà hàng

  • Test trình độ ứng viên ngay tại buổi phỏng vấn: NTD có thể cho buổi phỏng vấn diễn ra dưới hình thức hỏi - đáp bằng ngoại ngữ tương ứng để kiểm tra trực tiếp trình độ ngoại ngữ của ứng viên. Từ câu hỏi đơn giản nhất đến câu hỏi chuyên môn, nếu ứng viên tỏ ra tự tin, giao tiếp tốt và trả lời ổn, đó chắc chắn là nhân viên tiềm năng và phù hợp.
  • Đào tạo lại theo hình thức nâng cao: với những nhà hàng, khách sạn thiếu nhân sự và cần gấp, việc tuyển ứng viên tiềm năng và đào tạo lại được áp dụng. Cung cấp tài liệu - chỉ định người hướng dẫn - test thực tế - sàng lọc trình độ nhân viên - mở lớp đào tạo ngắn hạn cho những ứng viên chưa đạt yêu cầu… là lộ trình đào tạo lại theo hình thức nâng cao được nhiều doanh nghiệp áp dụng để cải thiện khả năng ngoại ngữ cho nhân viên. Cần thiết nên đưa ngoại ngữ vào khung chương trình đào tạo song song với huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn cho nhân sự.

 

ngược đời cảnh nhân viên khách sạn có bằng ngoại ngữ nhưng gặp khách tây lại bỏ chạy
Test trình độ ngoại ngữ - mở lớp đào tạo trực tiếp cho nhân sự là giải pháp hiệu quả hiện nay

♦ Ý thức của ứng viên và nhân sự nghề

Mọi cố gắng sẽ chỉ có hiệu quả khi bản thân ứng viên nhận thức được sự quan trọng của ngoại ngữ trong Nghề Khách sạn. Nhân viên cần có nền tảng cơ bản, có quyết tâm và sự nỗ lực học hỏi - cộng với sự hỗ trợ từ nhà trường và doanh nghiệp thì mới đạt được hiệu quả, cải thiện trình độ và khả năng giao tiếp, đáp ứng tốt yêu cầu công việc là phục vụ khách.

 

Đặc thù Nghề Khách sạn vốn dĩ không cần quá đặt nặng vấn đề bằng cấp. Ứng viên chỉ cần có kiến thức và kỹ năng, biết chuyên môn và thạo nghiệp vụ - yêu nghề, có ý chí cầu tiến, ham học hỏi, có trách nhiệm, có đạo đức, giao tiếp cơ bản bằng ngoại ngữ… là đã có thể tự tin ứng tuyển và tự tìm cho mình một công việc phù hợp trong nghề.

​Ms. Smile

Tags:
Ngược đời cảnh nhân viên khách sạn có bằng ngoại ngữ nhưng gặp khách Tây lại bỏ chạy
4.9 (229 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN