Nhân viên giám sát - Hướng xử lý cho tình trạng “Trên đe, dưới búa”

Nhân viên giám sát trong khách sạn – nhà hàng thường phải đối mặt với tình trạng “Trên đe, dưới búa”. Công việc chậm trễ, không hoàn thành – sếp khiển trách; mâu thuẫn nội bộ, quyền lợi người lao động không thỏa đáng – nhân viên khiếu nại, phàn nàn. Điều này khiến nhân viên giám sát luôn phải chịu áp lực từ cả hai phía. Hãy cùng Hoteljob.vn đi tìm hướng xử lý cho tình trạng “Trên đe, dưới búa” của nhân viên giám sát nhé.

Nhân viên giám sát - Hướng xử lý cho tình trạng “Trên đe, dưới búa”

Ảnh nguồn Internet

► Là một giám sát viên gương mẫu

Với vị trí là một nhân viên giám sát – bạn vẫn là một “sếp nhỏ” trong mắt các nhân viên dưới quyền, do đó bạn luôn cần phải thực hiện gương mẫu mọi quy định của khách sạn, nhà hàng: đi làm đúng giờ, ăn mặc đúng tác phong, phân chia công việc công tâm – hợp lý, không làm việc riêng trong giờ làm việc,…

Nếu một giám sát viên không gương mẫu thì tiếng nói của bạn sẽ chẳng có tí trọng lượng nào với nhân viên cấp dưới hay thậm chí là không được nhân viên tôn trọng. Từ đó cũng kéo theo công việc mà bạn chịu trách nhiệm quản lý sẽ ì ạch, không hiệu quả.

► Không lạm quyền

Bạn đừng nên vin vào hai chữ “quyền lực” mà sai vặt nhân viên những việc quá đáng như: rót nước, đi mua card điện thoại… hay dồn những công việc khó khăn cho những nhân viên làm việc tốt. Bởi khi nhân viên bị dồn ép quá mức, họ sẽ cảm thấy ức chế, từ đó dễ dẫn đến sự lơ là, không chuyên tâm vào công việc. Điều này sẽ kéo theo hiệu quả công việc không tốt, bạn sẽ bị sếp đánh giá, phê bình là thiếu năng lực quản lý.

Thậm chí, khi “vỡ bờ”, nhiều nhân viên còn hợp sức lại để “chơi xấu” bạn. Lúc đó chính nhân viên giám sát như bạn sẽ là người phải chịu hậu quả.

Bạn muốn tìm hiểu thêm: 4 tình huống phục vụ bàn trong nhà hàng thường gặp nhất và hướng xử lý cho bạn

► Biết cách dùng người

Ở vị trí của một giám sát viên, bạn sẽ phải đảm nhận vai trò kép là thực hiện công việc chuyên môn và công việc quản lý. Vai trò này đòi hỏi bạn phải có được sự linh hoạt, khéo léo trong cách dùng người. Mỗi nhân viên đều có những thế mạnh và hạn chế riêng, trách nhiệm của bạn là phải nắm được điều đó để tùy vào từng công việc mà sử dụng người một cách tối ưu nhất để nhân viên có cơ hội phát huy năng lực của mình.

► Sử dụng những kỹ năng mềm trong quản lý nhân viên

Trong việc quản lý công việc hàng ngày, nhân viên giám sát cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt, truyền đạt công việc rõ ràng, dễ hiểu. Khi nói với nhân viên nên nhẹ nhàng – dựa vào tâm lý của đối phương để nói nhưng phải thể hiện sự quyết đoán.

Khi xảy ra bất cứ một vấn đề gì, điều quan trọng mà nhân viên giám sát cần phải nhớ là không nhìn nhận cảm tính, nóng giận. Trong những tình huống như xảy ra sự cố, mâu thuẫn… bạn cần phải bình tĩnh lắng nghe từ nhiều phía, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Điều này sẽ giúp bạn nắm bắt tình hình một cách chính xác, từ đó đưa ra hình thức xử lý phù hợp và nhận đực sự đồng thuận cao từ nhân viên.

Ví dụ, khi hai nhân viên mâu thuẫn với nhau trong công việc, theo quan sát ban đầu thì nhân viên A là người phạm lỗi. Với vai trò là một nhân viên giám sát bạn cần tìm hiểu vấn đề từ cả hai nhân viên và những người chứng kiến để đưa ra những đánh giá chính xác nhất chứ không nên nhìn nhận phiến diện rồi phán xét ngay.

► Xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, hòa đồng

Mọi nhân viên đều mong muốn được làm việc trong một môi trường vui vẻ, mọi người luôn giúp đỡ nhau. Bạn cần phải biết động viên nhân viên, giúp đỡ nhân viên khi họ phạm lỗi, khuyến khích nhân viên hỗ trợ nhau trong công việc hay “biết cách bông đùa” đúng lúc khi căng thẳng… Một môi trường làm việc thân thiện, hòa đồng có tác dụng rất lớn trong việc gắn kết các thành viên với nhau, từ đó hiệu quả công việc cũng sẽ tốt hơn.

Xem thêm: Lễ tân nên xử lý phàn nàn của khách như thế nào?

Ms.Smile

Tags:
Nhân viên giám sát - Hướng xử lý cho tình trạng “Trên đe, dưới búa”
4.5 (975 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN