Nhân viên “nhảy việc” – câu chuyện đau đầu của nhà tuyển dụng

Chuyện nhân viên nhảy việc đã trở thành “chuyện thường ngày” trong các công ty, doanh nghiệp hiện nay. Nhà tuyển dụng có lý lẽ riêng của họ, nhân viên cũng có lý do riêng của mình. Vậy thì câu chuyện này nên được nhìn nhận như thế nào?

Lý lẽ của nhà tuyển dụng

Nhân sự là một nhân tố vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của một doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng luôn muốn hướng đến tìm được những ứng viên tốt nhất. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là tình trạng nhân viên nhảy việc khá phổ biến, đặc biệt là ở những ứng viên mới ra trường. Nhiều bạn thường rải hồ sơ khắp nơi, khi được gọi đi làm thì chỉ làm vài ngày rồi nhảy việc sang một công ty khác. Và cứ nhảy việc liên tục như vậy.

Nhân viên “nhảy việc” – câu chuyện đau đầu của nhà tuyển dụng

Không chỉ là sinh viên mới ra trường, những nhân viên có kinh nghiệm cũng thích nhảy việc. Khi doanh nghiệp đã bỏ thời gian, công sức để tuyển dụng, đào tạo; sau một thời gian nhân viên lại “dứt áo ra đi” vì tiếng gọi thăng chức, tăng lương. Trước thực trạng này, nhà tuyển dụng cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Bởi doanh nghiệp đâu thể nào cứ tăng lương mãi hay liên tục thăng thức cho nhân viên.

Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ biến động nhân sự hàng năm lên đến 30%. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Vẫn biết nếu được ký hợp đồng lao động thì nhân viên muốn nghỉ việc phải báo 30 – 45 ngày nhưng làm sao doanh nghiệp có thể nhanh chóng tìm được người thay thế phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công việc. Mỗi một nhân viên trong doanh nghiệp là một mắc xích quan trọng để “bộ máy” doanh nghiệp vận hành hiệu quả, nếu thiếu đi một nhân viên, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung của cả doanh nghiệp.

Chuyện nhân viên đi làm vài ngày, vài tuần, vài tháng rồi nhảy việc đã không còn là một chuyện hiếm gặp và chính điều này lại khiến nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi về tính chuyên nghiệp của ứng viên hiện nay. Nhiều nhà tuyển dụng đã trở nên thận trọng hơn trong việc tuyển dụng nhân viên. “Bạn đã rải hồ sơ bao nhiêu công ty? Những công ty nào đã mời phỏng vấn? Bạn có hài lòng với mức lương khởi điểm mà công ty chúng tôi trả cho bạn?...” – đó là những câu hỏi được nhiều nhà tuyển dụng dùng để thăm dò ứng viên có phải là một người thích nhảy việc.

Nhân viên “nhảy việc” – câu chuyện đau đầu của nhà tuyển dụng

Nhà tuyển dụng sẵn sàng chọn một ứng viên bình thường hơn là một ứng viên có năng lực nhưng lại thích nhảy việc. Bởi họ quan niệm những nhân viên nhảy việc liên tục là người có tư tưởng không ổn định, kiến thức chắp vá, kinh nghiệm tích lũy không hoàn chỉnh. Vì thế mà đôi khi chuyện nhảy việc lại là một “con dao hai lưỡi” đối với ứng viên. Có thể vì nhảy việc nhiều quá, ứng viên lại bị thất nghiệp.

Lý do của nhân viên

Đứng ở góc độ nhân viên là một người đi bán thời gian và sức lao động cho doanh nghiệp, họ sẽ chọn những doanh nghiệp trả giá cao hơn cùng những điều khoản có lợi cho họ. Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp cũng là một yếu tố khiến nhân viên quyết định rời đi hay ở lại. Nhiều nhân viên sẽ chấp nhận từ bỏ một công việc với mức lương 15 triệu đồng/ tháng vì làm việc trong một môi trường đầy nghi kỵ, áp lực để chọn một môi trường làm việc tốt hơn dù lương mỗi tháng chỉ còn 10 triệu đồng.

Với những sinh viên mới ra trường, chẳng có điều gì đảm bảo là họ sẽ được doanh nghiệp này chọn nên họ phải rải hồ sơ ở nhiều nơi để tự tạo cho mình nhiều cơ hội hơn. Nếu cảm thấy môi trường làm việc của công ty này không phù hợp, họ sẵn sàng “thử vận may” ở một công ty khác.

Nhân viên “nhảy việc” – câu chuyện đau đầu của nhà tuyển dụng

Nhân viên luôn mong muốn tìm được một môi trường làm việc tuyệt vời nhất với sếp tâm lý, chế độ đãi ngộ tốt, môi trường làm việc vui vẻ, thân thiện. Nếu như thấy lương thưởng thiếu công bằng, người làm ít hưởng nhiều, trong khi người làm nhiều hưởng ít; không có cơ hội thăng tiến; sếp bảo thủ, không tôn trọng nhân viên… thì nhân viên có quyền tìm kiếm một môi trường làm việc tốt hơn.

Câu chuyện nguyên nhân nhân viên “nhảy việc” không đơn thuần xuất phát từ phía nhân viên hay nhà tuyển dụng mà đến từ cả hai. Khi được làm việc trong một “ngôi nhà công việc” với chế độ đãi ngộ hấp dẫn (tất nhiên phải tương xứng với năng lực), văn hóa doanh nghiệp tốt thì nhân viên lấy cớ gì từ bỏ một công việc như vậy để thử vận may ở một môi trường khác? 

Hãy cho Hoteljob.vn biết suy nghĩ của bạn về vấn đề này như thế nào nhé!

Ms.Smile

Tags:
Nhân viên “nhảy việc” – câu chuyện đau đầu của nhà tuyển dụng
4.4 (764 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN