Sách hay nghề khách sạn: “Quản trị khách sạn – Biến đam mê thành dịch vụ hoàn hảo!”

 “Quản trị khách sạn – Biến đam mê thành dịch vụ hoàn hảo!” là 1 trong những cuốn sách hiếm hoi về về nghề khách sạn ở Việt Nam hiện nay. Cuốn sách là sự đúc kết 12 năm kinh nghiệm gắn bó với nghề khách sạn tại Việt Nam và Nhật Bản của tác giả Bùi Xuân Phong – hiện đang là Giám đốc khối Quản trị nội bộ của Imperial Group.

sách hay nghề khách sạn

Ảnh nguồn Internet

Bắt đầu gắn bó với nghề khách sạn từ công việc của một nhân viên mở cửa và xách hành lý cho khách tại khách sạn Hữu Nghị (Hải Phòng), dần dần thăng tiến với nghề, rồi 12 năm sau, Bùi Xuân Phong cho ra đời cuốn sách “Quản trị khách sạn – Biến đam mê thành dịch vụ hoàn hảo”. Cuốn sách không chỉ là những lý thuyết về nghề khách sạn mà còn là những câu chuyện trải nghiệm thực tế được “đong bằng chính mồ hôi và nước mắt” của tác giả.

Mua cuốn sách này ngay: TẠI ĐÂY 

Chia sẻ trong phần lời mở đầu, mục đích của Bùi Xuân Phong khi viết cuốn sách này là nhằm:

  • Định hướng nghề nghiệp và cổ vũ bạn trẻ dấn thân với nghề.
  • Bổ túc kiến thức nghiệp vụ cho các bạn đồng nghiệp chưa có điều kiện tiếp cận và học hỏi thực tế từ các chuyên gia.
  • Tham khảo cho nhà các quản lý trong việc xây dựng các quy định, quy trình trong hoạt động kinh doanh khách sạn.
  • Chỉ dẫn những cách thức đạt đỉnh cao chất lượng dịch vụ.
  • Khơi gợi những ý tưởng nhằm nâng cao hiệu quả lao động và cải thiện thu nhập cho người làm nghề.
  • Cố vấn những phương pháp tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa chi phí trong hoạt động kinh doanh khách sạn.

sách hay nghề khách sạn

Tác giả Bùi Xuân Phong

Vì những mục đích này mà tác giả sẽ dẫn người đọc đi qua từng trải nghiệm, khám phá từ việc giới thiệu các nghiệp vụ cơ bản của nhân viên lễ tân, buồng, bàn; những phát hiện tâm lý khách hàng đến từ những nền văn hóa khác nhau; chỉ dẫn – gợi mở các phương thức bán hàng, quản lý doanh thu… cho đến hướng dẫn lộ trình thăng tiến với nghề khách sạn.

Bên cạnh đó, Bùi Xuân Phong còn giới thiệu 454 hướng dẫn tác nghiệp tiêu chuẩn và một số kỹ thuật thực hành nghiệp vụ tiêu chuẩn quốc tế để các nhà quản lý có thể xem xét ứng dụng vào hoạt động thực tế của khách sạn mình.

Bạn muốn xem thêm: Mr.Smile – Từ một chàng trai hay cáu giận đến nhân viên lễ tân có nụ cười “chuẩn nghề khách sạn”

►​ ​Một số trích đoạn trong cuốn sách:

♦ Cho người đang chọn nghề

Nghề khách sạn là một nghề toàn cầu. Người làm nghề khách sạn là công dân toàn cầu. Nay đây mai đó, lên núi, xuống biển, lúc lênh đênh giữa đại dương, khi làm việc giữa nơi đô hội, những người làm nghề khách sạn có thể đến từ những nền văn hóa khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau nhưng tất cả đều chung một đam mê: Phục vụ con người…

⇒ Những câu hỏi xác định tiềm năng bản thân đối với nghề khách sạn:

1. Bạn có sức khỏe tốt không?
2. Bạn có thể đứng và làm việc trong 8 tiếng hoặc lâu hơn không?
3. Bạn có thể làm ca, thậm chí làm ca đêm không?
4. Bạn có ngại giao tiếp với người lạ không?
5. Bạn có hướng ngoại không?
6. Bạn có thích chăm sóc người khác không?
7. Bạn có thích học ngoại ngữ không?
8. Bạn có chú ý đến chi tiết không?
9. Bạn có mềm mỏng và linh hoạt không?
10. Bạn có sẵn sàng chịu trách nhiệm cùng đồng nghiệp dù bất kỳ chuyện gì xảy ra không?

Nếu câu trả lời là “Không” cho câu số 4 và “Có” cho phần còn lại – Xin chúc mừng và chào đón bạn đến với nghề khách sạn.

♦ Cho người đang làm nghề

Các bạn đã tốt nghiệp đại học ngành khách sạn có thể bắt đầu với vị trí quản trị viên tập sự để tiến lên các vị trí quản lý. Một số công việc có lộ trình công danh theo chiều dọc như làm bếp, kỹ thuật hoặc tài chính. Số còn lại thường đi theo chiều ngang để người làm nghề vừa trải nghiệm vừa khám phá bản thân và tiến lên. Bạn càng trải nghiệm nhiều vị trí bên dưới thì càng lên cao bạn càng thành công, bởi tiềm năng phát triển nghề khách sạn là kinh nghiệm kết hợp với đam mê.

♦ Cho nhà quản lý

Người bán hàng phải là người đầu tiên trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ thì mới hiểu và cảm giác được những điểm nhấn để khơi gợi đúng và trúng nhu cầu của khách hàng. Các khách sạn nên có chương trình trải nghiệm sản phẩm cho nhân viên bán hàng mới và chương trình kiểm định sản phẩm định kỳ cho các cấp quản lý bán hàng.

♦ Về công tác marketing

Ngày nay, sự bùng nổ và tốc độ lan truyền nhanh chóng những nhận xét và đánh giá của khách hàng trên mạng truyền thông xã hội hoặc trên các trang web trung gian đặt phòng làm chuyển biến sâu sắc cách tiếp thị của khách sạn, làm thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, quan hệ công chúng vẫn có thể thực hiện theo cách truyền thống, bằng cách kể những câu chuyện làm nổi bật đặc điểm riêng có của khách sạn và vùng đất nơi nó trú đóng khiến khách hàng tò mò, thích thú, khao khát khám phá, trải nghiệm và cuối cùng đặt phòng trực tiếp với khách sạn.

Bằng cách mời các chuyên gia hoặc các nhà báo chuyên ngành lữ hành trải nghiệm và viết bài, các khách sạn có thể truyền tải đến khách hàng của mình những thông điệp truyền thông chạm đến nhu cầu và kích thích khao khát trải nghiệm của khách hàng.

♦ Về chiến lược thu hút khách hàng

Không có một công thức hay tiêu chuẩn cho việc dịch chuyển chiến lược tập trung nâng cao doanh thu ẩm thực cho tất cả khách sạn bởi phụ thuộc vào đặc điểm địa bàn trú đóng, khách hàng mục tiêu, quy mô khách sạn… Tuy nhiên khi đã nhận thức được xu thế và tầm quan trọng của việc nâng cao tỷ trọng doanh thu ẩm thực trong tổng doanh thu khách sạn thì chúng ta có thể triển khai áp dụng triết lý kinh doanh, thiết kế, bán hàng và tiếp thị cũng như cách thức phục vụ như các nhà hàng trên phố.

Ở những khách sạn tại đô thị có mặt bằng thuận tiện nhưng không có thế mạnh hoặc không muốn tập trung nguồn lực vào dịch vụ ẩm thực thì có thể kết hợp với chủ đầu tư nhà hàng để đưa một mô hình kinh doanh nhà hàng vào khách sạn và cùng chia sẻ lợi nhuận. Bằng cách hợp tác này, các khách sạn sẽ không còn đau đầu với chi phí dịch vụ ẩm thực khi tỷ lệ lấp đầy phòng thấp hay không thu hút được khách địa phương tới thưởng thức ẩm thực. Nếu lựa chọn đúng đối tác với mô hình kinh doanh tốt, nhà hàng trong khách sạn có thể trở thành địa chỉ ưa thích về ẩm thực không chỉ đối với khách lưu trú mà cả dân cư địa phương và khách lưu trú tại các khách sạn khác. Khi đó, nhà hàng trong khách sạn của bạn không chỉ mang lại doanh thu và lợi nhuận mà còn có thể trở thành viên nam châm hút khách cho dịch vụ lưu trú.

Xem thêm: Từ phục vụ nhà hàng đến giám đốc F&B khách sạn 5 sao

Ms.Smile

Sách hay nghề khách sạn: “Quản trị khách sạn – Biến đam mê thành dịch vụ hoàn hảo!”
4.9 (969 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN