“10 ngày làm HK/Runner/Banquets, tôi cần 1 cái lưng khác” và 5 tips đánh bay cơn đau lưng do làm việc nặng

Đau lưng, đau vùng thắt lưng được nhiều Hoteliers than thở với nhau là “bệnh nghề nghiệp”. Bởi, đặc thù công việc phải đứng nhiều, bê vác đồ nặng hay cúi gập-xoay trở đột ngột khi làm việc khiến lưng đau. Phải chăng cứ làm khách sạn-nhà hàng là cái lưng sẽ đau? Hay do bản thân thiếu kỹ năng nên tự làm mình khổ? Bài viết này, Hoteljob.vn chia sẻ 5 tips hữu hiệu giúp đánh bay cơn đau lưng cho “kẻ kém may” do làm việc nặng.

tips đánh bay cơn đau lưng do làm việc nặng

Đặc thù công việc khiến cái lưng đau!

Anh em làm nghề khách sạn lâu năm chả lạ gì với triệu chứng đau thắt vùng lưng hay nhức mỏi vai gáy, rồi cử động khó khăn, tay chân mỏi nhừ… nếu ca trước đó phải lên giây cót dồn lực chạy việc cho kịp khách. Housekeeping, runner, waiter/waitress, banquets là những vị trí phải chịu đựng những “cơn đau thể xác” thể nặng này.

Tại sao?

Vì đặc thù công việc phải di chuyển nhiều, nhanh và liên tục nhiều giờ liền trong ca. Rồi bê vác, khuân vác vật nặng. Làm việc phải cúi xuống, đứng lên đột ngột hay với tay, rướn người lấy đồ trên cao, hoặc luồn lách các ngóc ngách để làm vệ sinh… Tất cả những cử động cơ thể đó để phục vụ cho công việc đều ít nhiều ảnh hưởng đến vận động của cơ, xương, khớp. Hậu quả là ngay lập tức, hoặc có thể về lâu về dài sẽ xuất hiện những cơn đau bất chợt hoặc dai dẳng vô cùng khó chịu.

Một Housekeeper đăng than thở trên Nghề Khách Sạn - Tâm Sự rằng: “10 ngày làm HK, tôi cần 1 cái lưng khác”. Kết quả, phía dưới bài viết, nhiều bình luận thực tế được chia sẻ:

- Hãy xác định sống chung với cái lưng bệnh tật đó những năm tháng làm nghề còn lại đi nhé!

- Qua nhà hàng làm runner đi sẽ cần thay luôn cái chân, cái tay mới nữa

- Mấy hôm nữa là đến khớp gối đấy!

- Qua banquets làm, mỗi ngày sẽ phải cần đến 2-3 cái lưng cơ…

Cùng với đó là khá nhiều biểu tượng cảm xúc “haha” được thả, kèm theo các comment biểu thị ý cười nắc nẻ (chắc nghĩ tội em nó còn mới tinh, chưa trải nghề nên vậy), số khác cảm thông, động viên và cũng mách nước vài tips thực tế được họ áp dụng khi phải làm việc nặng để giảm thiểu tối đa cơn đau hay tệ hơn là “tai nạn” không mong muốn.

Được biết, đau lưng do bề đồ nặng là một trong những hiện tượng khá phổ biến, có thể do chấn thương cơ học, xảy đến bất ngờ trong thời gian ngắn do thực hiện động tác đột ngột hay không đúng tư thế, mang vác đồ nặng quá sức; hoặc do bệnh lý có sẵn (như lệch đĩa đệm, thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa…) nhưng vẫn cố chấp bê đồ nặng khiến cơn đau hình thành và trầm trọng hơn.  

Bỏ qua yếu tố bệnh lý, tức biết rõ bản thân có bệnh, cần hạn chế bê vác đồ nặng nhưng vẫn cố; hầu hết các cơn đau lưng thể nặng của dân ngành đều đến từ nguyên do thường xuyên làm việc nặng, phải bê vác và thay đổi tư thế đột ngột.

Làm thế nào để giảm đau lưng do làm việc nặng?

Như một bình luận đã chia sẻ, còn làm nghề là còn phải sống chung với những cơn đau lưng, đau cơ, đau xương khớp hết những năm tháng còn lại. Nghĩa là, cơn đau lưng do làm việc nặng của dân ngành sẽ không thể nào biến mất hoàn toàn mà chỉ có thể tìm cách để làm giảm bớt. Hỏi ý kiến “chuyên gia” là những anh chị em có thâm niên nhiều năm trong nghề thì được chia sẻ một số tips hữu hiệu sau đây:

- Hễ đau thì cố gắng nghỉ ngơi thư giãn thôi

Tất nhiên, trong giờ làm việc thì không được phép bỏ việc đi nghỉ đâu nhé! Nếu có đau quá, đến nỗi không thể làm được việc thì báo với Tổ trưởng hay Giám sát gì đấy một tiếng, rồi xin phép được “trốn” vô một góc không ai nhìn thấy, không người qua lại để nghỉ tạm một lúc, cho các cơ, dây chằng và cột sống được “nghỉ” trước khi quay trở lại với công việc. Trường hợp không được tạo điều kiện hoặc đã nghỉ ngắn rồi mà cơn đau không thuyên giảm thì thôi, đừng cố, xin nghỉ hẳn ca làm mà về nhà nghỉ ngơi cho đàng hoàng. Còn mà tệ hơn thì bạn hiểu rồi đó, công việc và thu nhập quan trọng nhưng sức khỏe cũng quan trọng không kém, đôi khi tiền làm ra không đủ để mua thuốc trị bệnh là có thật.

Để giảm đau nhức, nếu được, nên nằm ngửa, thả lỏng người trên một mặt phẳng cứng thay vì dùng đệm mềm. Dùng một chiếc gối mỏng lót dưới vị trí cột sống cổ, một chiếc gối mềm khác kê dưới lưng, kheo, thi thoảng xoay nghiêng người nhẹ nhàng để cơ thể được thư giãn và phục hồi. Duy trì cách nghỉ ngơi này liên tục trong khoảng 2-3 ngày để cải thiện tình trạng đau lưng sau khi phải bê vác vật nặng, làm việc nặng quá sức.

- Chườm nóng hoặc chườm lạnh tại chỗ đau

Chườm nóng hoặc chườm lạnh được nhiều người thực hiện để giảm đau khi các mô hay cơ bị tổn thương. Cơn đau lưng do làm việc nặng có thể áp dụng chườm để làm giảm. Vậy chườm nóng hay chườm lạnh thì đúng? Câu trả lời là có thể thực hiện cả 2 cách, nhưng phải đúng thời điểm và đúng cách nhé!

Dùng một túi nước nóng ở mức nhiệt vừa phải, hoặc một chiếc khăn ấm chườm lên vùng bị đau, nhiệt độ cao hơn sẽ giúp các cơ được làm mềm ra, mạch máu được lưu thông, tuần hoàn tốt hơn, cơn đau từ đó mà sẽ từ từ thuyên giảm.

Lưu ý, biện pháp chườm nóng chỉ nên được thực hiện ngay trong vòng 24h đầu tính từ khi cơn đau lưng xuất hiện để đảm bảo hiệu quả. Còn nếu sau 24h thì cần tiến hành chườm lạnh bằng cách dùng khăn mềm, ủ bên trong gói đá lạnh rồi chườm lên chỗ đau để giảm đau và xoa dịu mạch máu.

- Xoa bóp cơ nhẹ nhàng

Massage cho cơ thể là biện pháp giảm đau hiệu quả và phổ biến nhất. Dùng tay day, xoa bóp nhẹ nhàng hai bên cột sống khoảng 30 phút để kích thích các huyệt đạo, giảm đáng kể cơn đau nhức do căng cơ hay co cứng xương khớp do lâu ngày không vận động mạnh.

Lưu ý động tác cần được thực hiện đúng cách, đúng kỹ thuật mới có thể đem lại hiệu quả cao. Bằng không sẽ có thể khiến tình trạng đau nhức bị nặng hơn, khiến cơ mệt, chân tay bủn rủn phản tác dụng.

tips đánh bay cơn đau lưng do làm việc nặng
Xoa bóp đúng cách giúp tuần hoàn máu, giảm đau lưng

- Dùng thuốc giảm đau

Nhiều người chọn cách này để giảm nhanh cơn đau và tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, dùng thuốc chỉ làm ức chế cơn đau và nó sẽ nhanh chóng xuất hiện lại, thậm chí ngày càng tệ hơn nếu vẫn tiếp tục phạm phải những tác nhân làm các cơ, xương, khớp vận động quá sức, khiến cơ thể bị phụ thuộc vào thuốc, chưa kể có thể gây nên các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy nên, dân ngành chỉ khuyến khích người mới dùng thuốc giảm đau khi các biện pháp trên không mang lại hiệu quả, hoặc chỉ dùng khi cần giảm đau gấp và tuyệt đối không được lạm dụng.

- Khám để được điều trị

Đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán bệnh và ra phát đồ điều trị, cho thuốc thích hợp để uống là biện pháp cuối cùng, nếu cơn đau lưng có dấu hiệu nặng và không thuyên giảm sau khi đã nghỉ ngơi, hay áp dụng những cách giảm đau vừa chia sẻ. Đau lưng không phải bệnh nặng nhưng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tình trạng sức khỏe về lâu dài. Vì vậy, không được chủ quan và tàn phá cơ thể.

Có thể phòng ngừa đau lưng khi làm việc nặng?

Một anh lớn trong nghề chia sẻ vừa đùa vừa thật: “Thật ra do không được đào tạo cẩn thận về các tư thế làm việc, nâng vác, di chuyển đồ đạc nên cái lưng nó mới phế như vậy đó!”

Ngẫm không sai.

Vậy nên, quan trọng nhất là ý thức tự bảo vệ sức khỏe thân thể của bản thân nhân viên đảm nhận công việc dễ bị đau lưng do làm việc nặng trước đã. Sau là chính sách đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ trong công việc của cấp quản lý, đảm bảo làm việc đúng và chuẩn, từ đó, hạn chế tối đa tư thế làm việc sai, nguyên nhân chính yếu gây đau lưng, đau cơ sau ca làm.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả như:

- Chỉ nên bê những đồ có trọng lượng phù hợp với khả năng và sức khỏe bản thân, nhờ sự giúp đỡ nếu cần

- Khi bê đồ nặng cần chọn đường đi đảm bảo bằng phẳng, rộng rãi, tránh đoạn đường gồ ghề hay leo cầu thang nguy hiểm

- Ôm sát đồ vào người khi bê, sử dụng cơ bắp, cử động nhịp nhàng chân, tay và đùi khi bê vật nặng

- Tư thế bê vác vật nặng đúng-chuẩn-an toàn: đứng ở vị trí sát vật/đồ cần nâng/bê, 2 đầu gối hạ thấp như kiểu đứng tấn, 2 chân dang rộng bằng vai, giữ cơ thể ở tư thế vững và thăng bằng. Phần lưng, hông và đầu gối hơi uốn nhẹ một chút để lấy đà. Thực hiện nâng/bê vật nặng một cách dứt khoác nhưng không đột ngột. Tuyệt đối không khom hay còng lưng rồi dùng sức của lưng để bê/nâng vật nặng lên. Đây là tư thế sai, dễ làm chấn thương cột sống do chịu áp lực lớn.

- Vật quá nặng, kích thước lớn hay có hình trụ dài thì không bê/nâng một mình mà cần có người hỗ trợ cùng

- Vật nặng hình tròn thì có thể di chuyển bằng cách lăn, thay vì cố bê/nâng lên.

- Quần áo mặc khi làm việc nên thoải mái, co giãn và thấm hút tốt, mang giày hoặc dép bệt, chống trơn trượt… để đảm bảo vận động linh hoạt, nhanh nhẹn và an toàn.

tips đánh bay cơn đau lưng do làm việc nặng
Tư thế bê/nâng đồ chuẩn giúp giảm thiểu chấn thương

Đau nhức cơ hay mỏi mệt sau ca làm là trạng thái thường gặp của nhiều người, nhất là các công việc vận động liên tục đến nặng. Housekeeping, runner hay banquets cần hết sức lưu ý tư thế làm việc để giảm thiểu nguy cơ gây đau, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc cũng như sức khỏe của bản thân.

​Ms. Smile

Tags: Tips
“10 ngày làm HK/Runner/Banquets, tôi cần 1 cái lưng khác” và 5 tips đánh bay cơn đau lưng do làm việc nặng
4.9 (869 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN