4 việc cần làm trước khi vào ca làm việc của Housekeeping

Housekeeping được xem là vị trí có khối lượng công việc nhiều và nặng nhọc nhất khách sạn. Do đó, để đảm bảo chất lượng và hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ, buồng phòng cần chuẩn bị mọi thứ thật tốt trước khi vào ca. Chi tiết cần làm những gì? Lưu ý gì khi bàn giao ca? Nếu chưa có được nhiều thông tin hữu ích, cùng Hoteljob.vn tìm hiểu ngay nhé!

4 việc cần làm trước khi vào ca làm việc của housekeeping

Chuẩn bị tốt giúp công việc hoàn thành nhanh và chất lượng

Thay vì cập rập chạy tới chạy lui để bổ sung thêm đồ vải hay dụng cụ, máy móc làm việc vô cùng mất thời gian, Housekeeping nói chung, nhân viên dọn phòng nói riêng sẽ ngay lập tức bắt tay vào công việc vệ sinh phòng và dọn dẹp nhanh, sạch sẽ nếu khâu chuẩn bị trước khi bắt đầu ca làm việc được đảm bảo đúng và đủ mọi thứ.

Thử tưởng tượng buồng phòng đẩy xe lên đến tầng 18 để chuẩn bị làm phòng nhưng phát hiện giỏ đồ amenities đã bị bỏ xót lại dưới kho do lu bu tìm lọ hóa chất tẩy bồn cầu. Lúc này, nhân viên cần tính xem nên để xe đẩy ở đâu cho gọn và an toàn để chạy xuống lấy lên, rồi mới bắt đầu công việc bởi thiếu đồ dùng 1 lần thì sao mà hoàn thành nhiệm vụ dọn buồng được.

Housekeeping cần chuẩn bị những gì trước khi vào ca?

Buồng phòng và dịch vụ buồng mang lại 70% doanh thu chung cho khách sạn. Vì vậy, chất lượng buồng cần đảm bảo vệ sinh và sự tiện nghi, độ ngăn nắp… Nghĩa là, chất lượng công việc của nhân viên dọn phòng cần đạt chuẩn theo yêu cầu. Muốn thế, khâu chuẩn bị cần hết sức chú ý. Dưới đây là 4 việc cần làm trước khi vào ca làm việc của Housekeeping:

+ Tác phong nghề nghiệp chỉnh tề

Nghe có vẻ không liên quan nhưng rõ ràng, mọi nhân viên nghề dịch vụ đều được yêu cầu chỉnh chu về vẻ bề ngoài, chuyên nghiệp trong tác phong làm việc. Và dù nhân viên buồng phòng không thường xuyên tiếp xúc với khách như khối tiền sảnh nhưng vẫn phải đảm bảo “đẹp” trong tác phong nghề nghiệp. Cụ thể:

- Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về đồng phục và trang phục làm việc của khách sạn

- Tóc tai gọn gàng, áo quần phẳng phiu, cơ thể không có mùi lạ

- Nam tóc cắt ngắn, nữ tóc buộc gọn, trang điểm nhẹ

- Không đeo trang sức giá trị hay nổi bật, rườm rà, sắt nhọn

- Chỉnh trang trang phục chỉnh tề trước khi bắt đầu công việc

- Làm việc với thái độ nghiêm túc, thao tác linh hoạt và nhanh nhẹn, giao tiếp lịch sự và thân thiện với đồng nghiệp, khách (nếu gặp)

- …

+ Nhận nhiệm vụ sẽ làm trong ca

Khách sạn quy mô càng lớn thì số lượng phòng bẩn cần làm sạch càng nhiều. Tuy nhiên, housekeeping không phải làm hết tất cả các phòng mỗi ngày. Mỗi nhân viên cũng sẽ được phân chia số lượng phòng cần làm nhiều ít khác nhau ở mỗi ca. Do đó, nhận nhiệm vụ chi tiết công việc cần làm của ca đó một cách chính xác sẽ đảm bảo chất lượng và hiệu suất công việc hoàn thành. Không chỉ mỗi dọn phòng, Housekeeping có thể được phân công thêm một số công việc liên quan khác để hỗ trợ khách và đồng nghiệp.

+ Xác định thứ tự ưu tiên làm phòng

Khi nhận danh sách phòng cần làm sạch trong ca, Housekeeping cần phân loại để xác định thứ tự các phòng ưu tiên làm sạch và tiến hành công việc theo thứ tự đó, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ mà không nhận về bất kỳ lời phàn nàn nào từ khách, nhất là khách treo biển “Make up room” hay khách VIP…

+ Tính toán và nhận vật dụng cung cấp cho phòng

Căn cứ vào số lượng phòng cần làm sạch để tính toán và nhận đúng, đủ các vật dụng, đồ dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của khách trong thời gian lưu trú. Bao gồm:

- Đồ amenitis

- Máy sấy tóc

- Khăn các loại, áo choàng tắm

- Văn phòng phẩm, bút, giấy, phong bì

- Giấy vệ sinh, túi vệ sinh

- Danh mục và giỏ đựng đồ giặt là

- Danh bạ điện thoại khách sạn, bản đồ, HDSD TV, đồng hồ báo thức (nếu có)…

- Gạt tàn, hộp khăn giấy, các loại biển báo (DND, MUR…), sơ đồ thoát hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn hay báo động…

Dựa vào danh mục có sẵn để tiến hành chuẩn bị và kiểm tra lại một lần nữa, đảm bảo đúng loại và đủ số lượng

Sắp xếp đồ dùng, vật dụng lên xe đẩy hay giỏ làm phòng gọn gàng và khoa học

+ Chuẩn bị xe đẩy làm phòng

Bao gồm việc chuẩn bị các vật dụng, dụng cụ, thiết bị làm phòng. Cụ thể:

- Giỏ đựng hóa chất và hóa chất tẩy rửa chuyên dụng, dụng cụ vệ sinh tương ứng

- Máy hút bụi để làm sạch sàn, thảm và các bề mặt khác

- Chổi để quét, thu gom rác to trước khi dùng máy hút bụi hoặc cây lau

- Cây lau nhà

- Khăn lau các loại

- …

Đảm bảo mọi thứ được chuẩn bị đúng và đủ, được sắp xếp gọn gàng và khoa học trên xe đẩy.

4 việc cần làm trước khi vào ca làm việc của housekeeping
Housekeeping sẽ dọn phòng nhanh và sạch hơn nếu chuẩn bị mọi thứ thật tốt trước khi bắt đầu làm việc

Lưu ý gì khi bàn giao ca?

- Housekeeping cần đến nơi làm việc sớm ít nhất 10-15p so với giờ vào ca, nhận và thay đồng phục theo quy định của khách sạn. Trường hợp tự bảo quản đồng phục thì cần đảm bảo tuân thủ tác phong theo quy định.

- Tham gia họp ngắn đầu ca của bộ phận, lắng nghe tồn đọng cần rút kinh nghiệm của ca trước, nhận phân công công việc trong ca.

- Tiếp nhận và ghi nhớ, ghi chú tồn đọng liên quan chưa được xử lý của ca trước, nỗ lực khắc phục vấn đề hoặc không phạm sai sót tương tự.

Mọi nhiệm vụ đều được hoàn thành nhanh và hiệu quả nếu bước chuẩn bị đảm bảo đúng và đủ. Housekeeping cần nghiêm túc chuẩn bị mọi việc trước khi vào ca để đảm bảo nhiệm vụ làm phòng được hoàn thành đúng quy định, thậm chí vượt chỉ tiêu mong đợi, về thời gian và chất lượng.

​Ms. Smile

4 việc cần làm trước khi vào ca làm việc của Housekeeping
4.1 (101 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN