“Bỏ phố về rừng” mở homestay, farmstay giờ tháo chạy

Nhiều nhà đầu tư chi tiền tỷ lên Đà Lạt mở homestay, farmstay kinh doanh dịch vụ lưu trú giờ rao sang nhượng mức thấp kịch sàn để tháo chạy khỏi thị trường vì không muốn chịu cảnh gồng lỗ thêm nữa…

"bỏ phố về rừng" mở homestay, farmstay giờ tháo chạy

Trào lưu “bỏ phố về rừng” mở homestay

Từ bỏ công việc nhiếp ảnh đang dần ổn định ở Sài Gòn, Tuấn Hoàng quyết định rút sạch số tiền tích góp lên Đà Lạt đầu tư homestay khi chỉ mới 26 tuổi. Chi phí ban đầu mất khoảng 800 triệu đồng dùng cải tạo 2 căn villa và thiết kế thêm dãy nhà, lều camping để đa dạng dịch vụ. Đấy là chưa kể hợp đồng thuê nhà trong vòng 5 năm, 30 triệu/tháng và phải đóng trước tiền cọc 6 tháng + tiền nhà 3 tháng khiến tổng số tiền bỏ ra đội lên hơn cả tỷ đồng.

Khi mới hoạt động, homestay đúng là thường xuyên kín khách thuê nên Hoàng cực kỳ tự tin sẽ thu hồi vốn nhanh, chừng dưới 1 năm. Ấy thế nhưng, những tháng sau đó ế. Tình trạng ảm đạm rõ rệt nhất là 3 tháng hè vừa qua, vốn là cao điểm du lịch của Đà Lạt, kỳ vọng khả năng vậy mà tỷ lệ lấp đầy lại liên tục dưới 50%, kể cả cuối tuần. Hiện tại, sau gần 2 năm kinh doanh, Hoàng thừa nhận chưa bỏ túi được đồng lãi nào vì tiền thuê nhà cùng chi phí vận hành quá cao đã bào mòn bằng hết lợi nhuận kiếm được.

“Vỡ mộng thật chứ. Ai nghĩ kinh doanh homestay ở Đà Lạt nay ế thảm ế thương. Phải sang nhượng thôi vì không thể gồng thêm lỗ…”, Hoàng nói.

Theo đó, tin rao sang nhượng xuất hiện từ tháng 7 nhưng suốt 3 tháng sau vẫn không khách nào quan tâm. Trước đó, có người đã ép giá xuống 150 triệu nhưng Hoàng không đồng ý. Nay thậm chí chấp nhận giảm tới mức chỉ bằng 1/8 giá vốn, chưa kể tiền cọc và tiền thuê nhà, nhưng vị khách từng hỏi đó cũng phản hồi không còn mặn mà nữa.

Chung cảnh không may như Hoàng, Nguyệt Anh cùng bạn hùn vốn đầu tư tận 2,5 tỷ đồng để mở farmstay rộng khoảng 1ha gần trung tâm Đà Lạt, gồm khu nông trai, vườn hoa, khu camping, café, khu vui chơi trẻ em… nhưng cũng ế. Được biết, hợp đồng thuê nhà còn tận 5 năm, giá thuê 20 triệu/tháng. Hiện tại đang rao sang nhượng giá 1,6 tỷ đồng nhưng rất ít người liên hệ hỏi thông tin. Cô cho biết mình và bạn đang tính giảm thêm 300 triệu nữa để nhanh chóng rời khỏi thị trường đầu tư kém tiềm năng này.

Gần 2 năm trước, làn sóng nhà đầu tư kéo lên Đà Lạt mở homestay, farmstay kinh doanh dịch vụ lưu trú và nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí diễn ra ồ ạt và sôi nổi, khiến tình trạng này thậm chí trở thành trào lưu “bỏ phố về rừng”. Thế nhưng, hiện tại, hầu hết trong số đó đã và đang vỡ mộng phải rao bán, sang nhượng “đứa con” vừa “chào đời” vì kinh doanh ẩm ương.

Thông tin từ một nhà đầu tư thâm niên gần 8 năm tại thị trường Lâm Đồng cho hay: tỷ lệ sang nhượng, dừng hoạt động homestay, farmstay tại một số khu vực xa trung tâm Đà Lạt lên đến 40% - còn khu vực trung tâm khoảng 20-30%. Nhìn chung, phần lớn nhóm nhà đầu tư này hiện đã giảm “kịch sàn” mức giá bán, thậm chí kèm thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn như: hỗ trợ tiền thuê nhà, miễn phí trang thiết bị, nội thất, tặng fanpage vận hành… nhưng vẫn trong cảnh chờ đợi mỏi mòn mà chẳng thấy ai.

Lý do cho làn sóng sang nhượng homestay, farmstay tại Đà Lạt

Hỏi về nguyên do dẫn đến làn sóng sang nhượng homestay, farmstay ồ ạt tại Đà Lạt, TGĐ một công ty BĐS có tiếng nhận định:

Phần lớn thông tin sang nhượng đến từ nhóm đầu tư không chuyên, vốn ít, tay ngang lập nghiệp. Họ là những người trẻ có hoài bão, nắm trong tay số vốn từ vài trăm triệu cho đến vài tỷ đồng nhưng nuôi mộng khởi nghiệp, chạy theo trào lưu mà lại không nghiên cứu kỹ thị trường cũng như tính toán dòng vốn.

Cung vượt xa cầu. Mô hình homestay hay farmstay tại Đà Lạt vốn đã phát triển 5 năm trở lại đây. Rất nhiều nhà đầu tư bước chân vào, lượng khách chọn book dịch vụ cũng khá cao và luôn lớn. Sau dịch bệnh, không ít người tiếp tục đổ xô về phát triển tiếp. Nguồn cung quá lớn dẫn đến khả năng cạnh tranh cao. Thống kê cho biết, hiện Đà Lạt có hơn 2.400 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, cung cấp hơn 31.000 phòng. Trong khi đó, nhu cầu trải nghiệm của khách luôn có giới hạn nhất định. Đặc biệt, sau sự cố sạt lở hồi tháng 7 vừa qua, lượng khách sụt giảm hẳn bởi tâm lý ái ngại và lo sợ mất an toàn, đồng thời tìm kiếm và chuyển hướng đến những địa điểm mới hấp dẫn hơn, điều kiện di chuyển cũng thuận lợi hơn.

Một nguyên do nữa đó là các cơ sở phục vụ lưu trú du lịch, vui chơi giải trí tại Đà Lạt hiện nay được cải tạo, thiết kế theo mô-tip chung, sao chép nhau thay vì đột phá và ấn tượng, độc quyền. Khách đến chỉ để tìm “điểm check-in một lần” và ít có ý định quay trở lại.

Thiếu cân đối dòng vốn cũng là một lý do khiến nhiều người vỡ mộng khi đầu tư kinh doanh homestay, farmstay. Bởi các khoản chi hiện nay như tiền thuê đất, thuê nhà, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý, quảng cáo khá cao; rồi phải trả tiền thuê, tiền cọc trước vài tháng mà doanh thu thu về từ đón khách lại chưa cân xứng nên gồng lỗ là chuyện sớm muộn.

"bỏ phố về rừng" mở homestay, farmstay giờ tháo chạy
Đà Lạt từng là "miền đất hứa" của nhiều nhà đầu tư homestay, farmstay khởi nghiệp
 

Chia sẻ từ chuyên gia: đầu tư homestay, farmstay muốn hiệu quả cần phải nghiên cứu kỹ thị trường, lên kế hoạch dài hạn, biết cách quản lý dòng tiền và cần có ý tưởng kinh doanh khác biệt, độc đáo. Tình trạng tháo chạy khỏi thị trường đầu tư homestay, farmstay tại Đà Lạt hiện nay chính là bài học thực tế để các nhà đầu tư, nhất là những người “trẻ” ít kinh nghiệm, thiếu cẩn trọng cẩn thận trước những trào lưu chớp nhoáng, kém tiềm năng.

​(Theo VnExpress)

Tags:
“Bỏ phố về rừng” mở homestay, farmstay giờ tháo chạy
4.4 (714 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN