Chuyện Mất – Được khi theo nghề Khách sạn – Nhà hàng ứng viên cần biết

Bạn là học sinh lớp 12 đang đứng trước ngưỡng cửa lựa ngành – chọn nghề? Bạn thích ngành dịch vụ Khách sạn – Nhà hàng và muốn tìm hiểu về tính chất công việc của nghề này? Hãy cùng Hoteljob.vn tìm hiểu về “Chuyện Mất – Được khi theo nghề Khách sạn – Nhà hàng” để cân nhắc đưa ra quyết định đúng đắn cho bản thân bạn nhé.

Chuyện Mất – Được khi theo nghề Khách sạn – Nhà hàng ứng viên cần biết

Bạn muốn tìm hiểu về tính chất công việc của ngành Khách sạn – Nhà hàng? (Ảnh nguồn Internet)

► Những “cái mất” mang đặc thù của nghề dịch vụ

Những “cái mất” mà Hoteljob.vn đề cập trong bài viết này cũng chính là những khó khăn mà bất kỳ một ứng viên mới vào nghề nào cũng phải đối mặt. Nếu trở thành một nhân viên lễ tân, nhân viên buồng phòng hay nhân viên phục vụ nhà hàng... bạn sẽ phải chấp nhận:

- Làm ca kíp

Thông thường, nhân viên các bộ phận trực tiếp phục vụ khách trong khách sạn, nhà hàng sẽ phải làm việc theo ca – để đảm bảo đủ nhân sự phục vụ khách 24/7. Bạn có thể sẽ được phân công làm ca sáng (6h sáng đến 2h chiều) -  ca chiều (2h chiều đến 10h tối) hay với vị trí lễ tân còn có ca đêm (10h tối đến 6h sáng). Thậm chí một số đơn vị còn áp dụng chế độ làm việc theo ca gãy. Giờ giấc làm việc theo ca kíp như thế này có thể sẽ khiến lịch sinh hoạt hàng ngày của bạn bị xáo trộn. Tuy nhiên, khi quen với công việc, bạn sẽ thích ứng được và tự điều chỉnh bản thân cho phù hợp với lịch làm việc theo ca.

- Làm việc cả vào cuối tuần

Nếu làm việc trong các khách sạn – nhà hàng, cuối tuần là thời điểm lưu lượng khách sử dụng dịch vụ tăng cao nên bạn vẫn phải đi làm dù là thứ 7 hay chủ nhật. Theo chế độ làm việc, mỗi tuần bạn vẫn có 1 ngày nghỉ, tuy nhiên ngày nghỉ thường sẽ rơi vào những ngày trong tuần. Đặc thù này của nghề có thể sẽ khiến bạn không có nhiều cơ hội được gặp gỡ, đi chơi với bạn bè vào cuối tuần.

Chuyện Mất – Được khi theo nghề Khách sạn – Nhà hàng ứng viên cần biết

Nhân viên ngành Khách sạn – Nhà hàng vẫn phải làm việc vào cuối tuần (Ảnh nguồn Internet)

- “Không có Lễ - tết”

“Không có Lễ - tết” ở đây được hiểu chính là việc bạn vẫn phải đi làm vào những ngày lễ như: 30/4, 1/5, 2/9 hay Tết nguyên đán… Khi mới vào nghề, chuyện đi làm vào những ngày mà phần đông mọi người được đi chơi, quây quần bên gia đình đôi khi sẽ khiến bạn cảm thấy tủi thân. Tuy nhiên, bạn cũng được đền bù xứng đáng bằng việc được nghỉ bù, nhận lương gấp 2 – 3 ngày bình thường, có nhiều cơ hội nhận được tiền Tip từ khách hàng…

Bên cạnh những “cái mất” trên, ngành dịch vụ lâu nay vốn được ví như “làm dâu trăm họ” nên bạn cũng sẽ chịu khá nhiều áp lực từ công việc. Ví dụ với vị trí nhân viên lễ tân khách sạn, ngày đó có đến 100 phòng cần làm thủ tục check-out, khách thì xếp hàng dài đợi nhưng chỉ có 2 lễ tân, nên yêu cầu bạn vừa phải thực hiện nhanh chóng – chính xác các thao tác nghiệp vụ vừa phải cư xử khéo léo để khách hàng không phiền lòng, bức xúc. Nghề nào rồi cũng sẽ có những khó khăn nhất định, nhưng điều quan trọng là cách bạn đối mặt và thích ứng như thế nào để biến những điều đó trở thành “chuyện thường này ở Huyện”…

Tìm hiểu thêm: Chọn sai ngành nghề, hoang phí… “gần 1/3 quãng đời”

► Những “cái được” ít nghề nào có

Nghề dịch vụ Khách sạn – Nhà hàng không chỉ có những “cái mất” mà còn có cả những “cái được” ít nghề nào có.

- Cực kỳ nhiều cơ hội việc làm

Hiện nay, du lịch đang được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, do đó mà Khách sạn – Nhà hàng luôn nằm trong top những ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất. Chỉ cần gõ cụm từ “việc làm khách sạn nhà hàng” trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, chưa đầy 1 giây sau đã có hơn 176 triệu kết quả được trả về - chứng tỏ cơ hội việc làm của ngành này lớn đến mức nào. Tại các trung tâm du lịch như: Hạ Long, Sapa, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc… số lượng khách sạn – nhà hàng “mọc lên” ngày càng nhiều, thậm chí có những khách sạn hàng nghìn phòng đang được triển khai xây dựng nên nếu định hướng theo ngành này, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về cơ hội việc làm, không phải lo lắng về chuyện “chạy đôn chạy đáo” tìm việc như nhiều ngành nghề khác.

Chuyện Mất – Được khi theo nghề Khách sạn – Nhà hàng ứng viên cần biết

Ngành Khách sạn – Nhà hàng luôn nằm trong top những ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất hiện nay

- Cơ hội được tiếp xúc với mọi người trên khắp thế giới

Chẳng có ngành nào mà bạn lại có cơ hội được tiếp xúc với mọi người trên khắp thế giới như ngành Khách sạn – Nhà hàng. Qua đó, giúp bạn được kết giao thêm nhiều bạn mới, học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ từ văn hóa của các vị khách đa chủng tộc, đa ngôn ngữ... Nếu làm việc trong các khách sạn – resort cao cấp, bạn sẽ có cơ hội được gặp – tiếp xúc, nhiều khi còn được trò chuyện với những nhân vật nổi tiếng như chính trị gia, quan chức cấp cao, ca sĩ, diễn viên…

Chuyện Mất – Được khi theo nghề Khách sạn – Nhà hàng ứng viên cần biết

Ngành khách sạn còn đem đến cho bạn cơ hội được gặp những nhân vật nổi tiếng (Ảnh nguồn Internet)

- Là môi trường cực kỳ tốt để rèn luyện sự năng động

Chính việc tiếp xúc, trò chuyện, phục vụ hàng chục – hàng trăm lượt khách mỗi ngày nên ngành Khách sạn – Nhà hàng là môi trường cực kỳ tốt để bạn rèn luyện sự năng động. Nếu là người nhút nhát thì môi trường này sẽ giúp bạn trở nên hoạt bát hơn, hòa đồng hơn.

- Chế độ đãi ngộ xứng đáng - Nhiều cơ hội thăng tiến

Nhân viên ngành Khách sạn – Nhà hàng ngoài việc nhận lương cơ bản theo thỏa thuận, hàng tháng còn được nhận thêm tiền Service charge, tiền Tip trực tiếp từ khách hay với nhân viên lễ tân còn có hoa hồng bán dịch vụ. Nếu tính tổng thu nhập của một nhân viên lễ tân khách sạn 5 sao mùa cao điểm, số tiền nhận được có thể lên đến 8 con số.

Ngành khách sạn cũng là môi trường làm việc rất tốt và có rất nhiều cơ hội để thăng tiến. Nếu bạn có sự nhiệt huyết, yêu nghề - luôn làm tốt mọi công việc được giao – sẵn sàng học hỏi nâng cao kiến thức - kỹ năng, rồi cơ hội thăng tiến sẽ đến với bạn, từ Nhân viên -> Giám sát -> Trưởng bộ phận… Khi thăng tiến lên những vị trí quản lý thì dường như những khó khăn sẽ không còn nữa vì bạn sẽ được đi làm giờ hành chính, nghỉ cuối tuần, nghỉ Lễ Tết…

Đặc biệt, nếu bạn phục vụ tốt, gây ấn tượng với một vị khách đặc biệt nào đó, có thể bạn sẽ may mắn nhận được lời mời làm việc ở một vị trí tốt hơn, biết đâu đó là cơ hội để bạn “một bước được lên mây”.

Chuyện Mất – Được khi theo nghề Khách sạn – Nhà hàng ứng viên cần biết

Ngành Khách sạn – Nhà hàng còn đem đến cho bạn những cơ hội từ “trên trời rơi xuống”

(Ảnh nguồn Internet)

Với những thông tin mà Hoteljob.vn đã chia sẻ trên đây, rõ ràng cán cân “phần được” sẽ nặng hơn so với “phần mất”. Cho nên nếu yêu thích ngành dịch vụ Khách sạn – Nhà hàng, bạn hãy cứ đam mê theo đuổi và Hoteljob.vn sẽ đồng hành cùng bạn trên hành trình tìm việc và cập nhật nhiều thông tin – kiến thức chuyên ngành bổ ích…

Xem thêm: Cần điều kiện gì để được thăng tiến lên những vị trí Quản lý cấp cao trong ngành khách sạn?

Ms.Smile

Tags:
Chuyện Mất – Được khi theo nghề Khách sạn – Nhà hàng ứng viên cần biết
4.3 (473 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN