Nghề Bartender “trần trụi” thật nhưng… chất!

Dân trong ngành thì tự hào trong khi kẻ ngoại đạo lại nhếch môi, dè bỉu. Người lịch sự thì bóng gió, kẻ kém văn minh thì chỉ thẳng mặt chê khinh. Bởi, có không ít định kiến về nghề vẫn tồn tại…

nghề bartender "trần trụi" thật nhưng... chất
Mấy ai cool ngầu được như Bartender trong nghề dịch vụ - khách sạn?

Định kiến xưa cũ

Nhiều người quy chụp nghề Bartender xấu. Khi mà hình ảnh người pha chế luôn xuất hiện dưới quầy bar toàn rượu - rồi ánh đèn led chớp nháy - kiểu ăn mặc phóng khoáng, thoải mái của cô/ cậu làm nghề - cả môi trường tiếp xúc khách phức tạp, nhiều cám dỗ…

Đỉnh điểm phải nhắc đến những cái “dớp” khi làm nghề mà chính người trong cuộc, số ít cá nhân nghĩ cạn và thiếu mạnh mẽ đã bước chân vào con đường không lành mạnh, thậm chí tội lỗi, phi pháp. Buôn rượu lậu, chơi đồ cấm (thuốc lắc, ma túy…), câu dắt hay hành nghề mại dâm, cả gây gỗ đánh nhau với khách… Vậy nên, người ngoài vốn dĩ đã không mấy thiện cảm với nghề, nay lại càng hà khắt và quy chụp nhiều hơn.

Sự thật “trần trụi”

Có làm nghề mới biết, mọi lời dèm pha hay đặt điều hầu như vô căn cứ. Nếu có cũng chỉ đúng với số ít kẻ coi nghề là phụ và chọn hưởng lợi từ những phi vụ không chính đáng. Còn lại, nghề thật ra “trần trụi” và đáng yêu lắm:

- Nghề Bartender có từ lâu nhưng chính thức được công nhận vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Tại Việt Nam, nghề này mới chỉ phổ biến hơn 10 năm trở lại đây và thực sự phát triển mạnh mẽ trong 4,5 năm qua.

- “Bar” là quầy bar, “tender” có nghĩa là người canh giữ, trông coi. Một Bartender phải biết cân bằng giữa 2 điều đó. Chỉ pha nước ngon là chưa đủ, còn phải đảm bảo quầy bar luôn hoạt động trơn tru và hiệu quả, nhất là khi đông khách.

- Có nhiều cách để có thể bắt đầu với nghề Bartender. Bạn có thể chọn học nghề tại các trung tâm dạy nghề uy tín hay học tại chính bar sẽ làm việc trong vài tháng tới.

- Tìm việc Bartender đôi khi không cần kinh nghiệm. Bạn có thể được nhận vào làm khi chưa biết gì nhưng cần có tiếng Anh để giao tiếp, cả với đồng nghiệp, “thầy” và khách.

- Hầu hết Bartender chính chuyên, làm việc trong các quầy bar nhộn nhịp hay đêm làm, ngày ngủ. Bởi vậy, ai không biết chắc lại đồn làm nghề này nghề kia không chính đáng.

- Không phải Bartender nào cũng thành thạo mọi kỹ năng nghề. Những kỹ thuật pha chế khó hay kỹ thuật biểu diễn với bình lắc cần nhiều năm rèn luyện để thuần thục. Do đó, người hành nghề không bắt buộc phải trở nên cao siêu mà chỉ cần nắm kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ cơ bản. Tuy nhiên, thành công là khi xây dựng được thương hiệu cho chính mình. Tức là tạo dấu ấn riêng với thực khách để họ thích thú và lui tới thường xuyên, rồi yêu cầu được phục vụ bởi chính bạn. Muốn vậy, Bartender cần tìm tòi các cách để hương vị đồ uống của mình trở nên đặc biệt, không dễ tìm kiếm tại các quầy bar hay Bartender khác.

nghề bartender "trần trụi" thật nhưng... chất
Bartender lành nghề sẽ tạo được dấu ấn và thương hiệu riêng, gây ấn tượng bởi kỹ thuật biểu diễn điêu luyện

 

- Không có quy tắc tuyệt đối trong kỹ thuật pha chế rượu. Bartender phải là người nghệ sĩ sáng tạo, chọn lọc từ hàng trăm, nghìn nguyên liệu để cho ra ly cocktail có hương vị mới lạ - độc đáo - thích thú.

- Thực tế, công việc của Bartender không đơn giản chỉ pha nước. Họ còn là người bạn có thể lắng nghe, chia sẻ vui buồn cùng khách, đem lại sự hứng thú, bầu không khí náo nhiệt cho quầy bar. Một số khách quen đôi khi thích đến quán chỉ để được trò chuyện, tâm tình cùng “người bạn” này.

- Nghề này cần thêm trí nhớ tốt. Bartender nhất định phải nắm sở thích của khách quen và tính toán công thức chính xác đến từng gram bởi nó ảnh hưởng đến hương vị rượu, cảm nhận và sức khỏe của khách.

- Bartender đôi khi làm hơn 8 tiếng trong 1 ca, nhiều ngày làm ca đêm hay tăng ca liên tục. Tuy nhiên, bạn phải luôn giữ tinh thần thoải mái và tỉnh táo nhất có thể, tránh tình huống lơ là trong công việc dẫn đến pha chế sai liều lượng, làm sai món, nói chuyện cộc cằn với khách…

- Những Bartender dĩ nhiên phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng đồ uống của mình, thậm chí Bar trưởng phải bao quát hết chất lượng dịch vụ của quán. Ngoài ra, ai cứng nghề còn phải nhận đào tạo Bartender mới.

- Một Bartender đúng nghĩa phải biết làm tất cả mọi việc, từ thu mua nguyên liệu, làm vệ sinh hay sơ chế, đến kiểm kê, pha chế, cả tìm kiếm và chăm sóc khách hàng…

- Số lượng Bartender nữ ở Việt Nam không nhiều, có thể nói là chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Điều đó dễ hiểu bởi rất ít bạn nữ chịu được áp lực công việc hay những dè bỉu, định kiến xã hội, hoặc tính chất công việc phải làm đêm, ngủ ngày, nhất là phụ nữ sắp và đã có gia đình.

nghề bartender "trần trụi" thật nhưng... chất
Bartender nữ ít nhưng không phải không có

 

- Nhiều Bartender thường bắt đầu một ngày khi đã quá trưa. Họ lên lịch hẹn bạn bè ăn uống, tán gẫu hay làm những điều mình thích trong khoảng thời gian ban ngày, đêm đến là thời gian cho công việc.

- Thời điểm mới vào nghề, gia đình nhiều Bartender chắc ít nhiều cấm cản, rồi hàng xóm bàn tán cho rằng đi làm sao giống đi chơi, ăn mặc phóng khoáng, đua đòi xăm mình, tệ hại nhất là về muộn, say xỉn… Thật khó để giải thích cho người ngoài nghề khi họ không hiểu đam mê và tính chất công việc của mình. Dù rằng không phải Bartender nào cũng giống nhau.

- Nhiều người lầm tưởng công việc Bartender lương cao, thu nhập trên trời. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy. Lương khởi điểm cho Bartender mới rất thấp, chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng cho 8 tiếng làm việc mỗi ngày. Một số nơi có thể có các khoản tip, thưởng, service charge, trợ cấp… thì thu nhập sẽ cao hơn một chút.

- …

Ông tổ nghề Bartender hiện đại là ai?

Niềm tự hào trỗi dậy

Định kiến xã hội có thể rất lâu sau mới kết thúc hoặc có khi chẳng bao giờ nhưng đạo đức nghề cần nâng cao và duy trì để không bị tác động làm lung lay ý chí, sa ngã vào những cám dỗ, thị phi. Đừng xù lông lên với những áp đặt không đúng, hãy kiên trì chứng minh giá trị của bản thân với nghề và của nghề với xã hội. Bởi, công việc Bartender hoàn toàn có thể được xem như một nghề chính đáng để mưu sinh và phát triển, tạo thu nhập cho chính mình và góp thuế cho nhà nước. Hoạt động này cũng là cách để giao lưu văn hóa, giới thiệu nét đẹp và sự mến khách của người Việt với bạn bè quốc tế.

Bartender Việt hiện có rất nhiều người giỏi nghề. Họ thậm chí đã và đang khẳng định tay nghề của mình tại các cuộc thi quốc tế và được công nhận bằng các giải thưởng cao. Tiếc là Việt Nam hiện chưa tổ chức các cuộc thi chính chuyên để tôn vinh nghề này. Hy vọng trong tương lai sẽ có một chương trình quy mô và sôi nổi, như show rap đang làm vậy.

nghề bartender "trần trụi" thật nhưng... chất
Những thành tích được vinh danh trên đấu trường quốc tế

 

Ms. Smile

(Tham khảo và biên tập từ VnExpress)

Tags:
Nghề Bartender “trần trụi” thật nhưng… chất!
4.7 (557 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN