“Nhảy việc” chuyên nghiệp là như thế nào?

Với bối cảnh thị trường lao động hiện nay, cầu cao - cung nhiều, “nhảy việc” được xem như là “chuyện thường ngày ở Huyện”. Nhảy việc khi cảm thấy không còn phù hợp hay muốn có mức lương cao hơn, cơ hội thăng tiến tốt hơn là điều nên làm – thế nhưng nhảy việc như thế nào cho chuyên nghiệp là việc ứng viên cần phải cân nhắc…

Nhảy việc chuyên nghiệp là như thế nào
“Nhảy việc” đã là chuyện thường ngày… (Ảnh nguồn Internet)

 

Không khó để bắt gặp trường hợp những bạn trẻ mới ra trường rải hồ sơ cho hàng chục – thậm chí hàng trăm công ty khác nhau với suy nghĩ “đậu thì làm thử rồi chọn”. Có bạn hôm nay tới nhận việc - thế nhưng, ngày mai lại không thấy đâu và cũng chẳng có một lời hồi âm.

Hay một nhân viên khác, sau quãng thời gian thử việc 1 tháng – được đưa vào hàng loạt group chat làm việc khác nhau, được đào tạo - hướng dẫn nhiều nghiệp vụ chuyên môn, bỗng nhiên ngày làm việc chính thức lại không thấy mặt. Khi được nhân sự gọi điện hỏi thì câu trả lời là “không phù hợp các kiểu”: “em cảm thấy không hợp với công việc”, “em tìm được việc khác phù hợp hơn”…

Nhảy việc chuyên nghiệp là như thế nào
Lý do nhân viên mới thường đưa ra khi nghỉ việc là “công việc không phù hợp” (Ảnh nguồn Internet)

 

Cũng có nhân viên đã làm việc lâu năm, khi mọi thứ vẫn đang rất vui vẻ, bình thường thì buổi sáng nọ gửi một email bàn giao công việc – cùng với đó là đơn xin nghỉ việc rồi xong. Chẳng một lời báo trước và cũng không có một cuộc bàn giao công việc trực tiếp nào diễn ra khiến nhiều phần việc dang dở bị đình trệ…

Hành động này khiến nhân viên đó để lại một ấn tượng không tốt trong mắt người ở lại. Và tất nhiên nếu trở thành người tham khảo cho nhân viên đó khi ứng tuyển vào một công ty khác, thật khó để đồng nghiệp hay sếp cũ nói “những lời có cánh” với thái độ nghỉ việc vô trách nhiệm như vậy.

Nhảy việc chuyên nghiệp là như thế nào
Thái độ nghỉ việc vô trách nhiệm sẽ để lại ấn tượng xấu với đồng nghiệp và sếp cũ (Ảnh nguồn Internet)

 

Vậy thì câu hỏi đặt ra là nhảy việc như thế nào là có trách nhiệm, lịch sự và thể hiện được sự chuyên nghiệp?

Nếu muốn nhảy việc – bạn đừng nên “chặt đứt” đường trở về của mình, bởi bạn luôn cần sự đánh giá tốt từ sếp và đồng nghiệp cũ.

Khi quyết định muốn nhảy việc thì phép lịch sự tối thiểu là cần phải viết đơn xin nghỉ việc và trình bày rõ lý do. Thời gian gửi đơn trước khi nghỉ việc bao nhiêu ngày sẽ tùy thuộc vào quy định theo hợp đồng làm việc. Trong quãng thời gian đó, phải thực hiện bàn giao tất cả công việc đang phụ trách lại cho đồng nghiệp hoặc quản lý… Ngoài ra thì việc viết thư cảm ơn sếp, chào đồng nghiệp khi nghỉ việc cũng là gợi ý hay để bạn tạo được ấn tượng tốt với người ở lại.

Nhảy việc chuyên nghiệp là như thế nào
Thư cảm ơn sếp, chào đồng nghiệp nên viết một cách chân thành (Ảnh nguồn Internet)

 

Theo quy tắc của Malcolm Gladwell: "Muốn trở thành chuyên gia của bất kì một lĩnh vực nào, thì cần phải có 10.000 giờ. Nếu một ngày làm việc tám tiếng, một tuần làm việc năm ngày, vậy thì thời gian bạn cần ít nhất là mười năm." Và cuộc sống cũng được ví như một nồi canh xương hầm – muốn ngọt nước thì cần bỏ thời gian để “ninh thật nhừ”.

Nói như vậy không có nghĩa là Hoteljob.vn khuyên bạn nên kiên trì một cách mù quáng, trói bạn lại một chỗ, không quan tâm đến cơ hội thăng tiến mà cần phải xác định rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp của mình và khi thực sự cần thiết phải nhảy việc – hãy thể hiện mình là một nhân viên - ứng viên chuyên nghiệp và có trách nhiệm.

Ms. Smile

Tags:
“Nhảy việc” chuyên nghiệp là như thế nào?
4.4 (954 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN