Nói thật đi, Sếp trong bạn là Boss hay Leader?

Boss hay Leader nghe có vẻ là 1 mà nhỉ? Vậy 2 thuật ngữ định danh này có gì khác nhau? Dùng Boss hay Leader để phân biệt Sếp của bạn, của tôi xem thử nhé! Kha khá điều thú vị cần chia sẻ khi nói về “đại ca” của bộ phận đấy!

nói thật đi, sếp của bạn là boss hay leader

Tôi muốn kể bạn nghe một sự cố từng xảy ra lúc bản thân mới vào nghề, non kinh nghiệm.

Chuyện là hồi đó, lúc mới đi làm tôi được giao nhiệm vụ take care một bàn khách đoàn. Nhà hàng đang có chương trình khuyến mãi dịp lễ nên rất đông. Do bất cẩn, tôi đã ghi order sai. Mà xui cái đúng ngay bàn khách 20 người cùng gọi 1 món. Nghĩa là, sai là sai một loạt. Nhưng khổ nỗi khách không biết là có biết nhầm hay không mà ăn hết cả đĩa rồi mới gọi ra bảo hình như phục vụ sai món rồi và bắt nhà hàng xử lý, hoặc không trả tiền, hoặc bù lại món đúng. Kết quả nhà hàng không tính tiền món đó vào tổng bill của khách. Khỏi phải nói cũng thừa biết số tiền tương ứng của 20 đĩa “miễn phí” của khách rất nhiều, ước chừng gần bằng cả 1 tháng lương thời điểm đó.

Và khi ngồi trình bày với người Sếp của mình thì tôi cũng… ok, nhận trách nhiệm về bản thân mình: “Dạ, đây là lỗi của em. Nên nếu được thì em xin đền bù cho cái lỗi sai này!”

Nghe xong, Sếp trầm ngâm và tôi chưa hiểu trầm ngâm vì điều gì. Sau một hồi suy nghĩ thì Sếp bảo: “Chà… khó ghê á, khó ghê á T. Không chỉ là phạt hay không phạt. Tại sao em biết không? Tại vì anh nghĩ là với vai trò của mình thì anh có 2 trách nhiệm. Một là phải bảo vệ quyền lợi của nhà hàng. Hai là phải bảo vệ quyền lợi cho nhân viên của mình. Với sự cố này, lỗi sai này của em đúng là đang ảnh hưởng đến nhà hàng nhưng thật sự không đáng kể. Và nếu mà phạt hết cả 1 tháng lương của em thì tháng này em lấy gì sống. Haizz, cho nên thật sự rất là khó. Cho anh suy nghĩ đi. Có gì anh sẽ báo lại với em.”

Khoảng ngày hôm sau thì tôi nhận được đáp án: “Ok, sau khi tính toán đi tính toán lại thì sự cố này nhà hàng cũng sẽ chịu một phần, còn một phần còn lại sẽ trừ dần một ít tiền lương mỗi tháng của em.”

Như vậy, đây là phương án tối ưu nhất vừa để nhân viên phạm lỗi biết sai và chịu trách nhiệm với lỗi sai của mình; vừa hỗ trợ nhân viên giãn được số tiền đền bù, chia nhỏ ra để góp dần vào mỗi tháng thay vì trừ rẹt một lần nguyên tháng làm sai.

Sau lần đó, tôi làm việc cẩn thận và chi li hơn, để ý mọi thứ dù nhỏ liên quan đến nhiệm vụ công việc nhận được. Hơn tất cả, kể từ thời điểm ấy, tôi cũng đặc biệt tôn trọng người Sếp của mình.

Mãi sau này khi có dịp gặp lại người Sếp đó (vì tuổi trẻ mà, làm một thời gian sẽ chọn nhảy việc, tìm kiếm môi trường mới để thử sức) thì tôi mới hỏi: “Ủa tại sao anh lại làm vậy?”

Và câu trả lời tôi nhận lại là: “À thì ngày xưa, anh nghĩ một phần là do em làm sai, do sự bất cẩn của em; nhưng cũng một phần là do sự dẫn dắt và dặn dò, hướng dẫn cũng như giám sát của anh chưa kỹ nên anh nghĩ là mình phải có trách nhiệm. Nghĩa là, suy nghĩ, tính toán để tìm ra phương hướng xử lý sao cho phù hợp và thuận tình nhất.”

Kể từ đó, Sếp trở thành “Idol”, là “hình mẫu” để tôi vin vào đó mà nỗ lực làm việc, làm việc có trách nhiệm, biết suy xét trước sau, thiệt hại trước khi đưa ra mọi quyết định, dù nhỏ. Đây cũng là nền tảng để tôi áp dụng khi xử lý lỗi sai của nhân viên khi trở thành Sếp.

Thế mới thấy, tại sao nhiều nơi phân biệt giữa Boss với Leader. Boss là người chỉ làm việc dựa trên quyền lực. Còn Leader là người thực sự có được sự tôn trọng của cấp dưới, họ đi theo người cấp trên không chỉ bởi vì cái chức danh và nghĩa vụ phải như thế mà bởi vì họ thực sự phục người Sếp đó.

Vậy đối chiếu xem, Sếp trong bạn là Boss hay Leader?

​_Thy.

Tags:
Nói thật đi, Sếp trong bạn là Boss hay Leader?
4.6 (856 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN