Từ mô hình “Biến rác thành tài nguyên” ở Hội An hướng đến phát động phong trào “Du lịch xanh”

Thực tế minh chứng muốn duy trì một nền du lịch bền vững - điều quan trọng là phải đề cao phát triển du lịch thân thiện với môi trường. Từ buổi hướng dẫn biến thực phẩm thừa thành nước rửa chén tại Hội An - Hoteljob.vn hướng đến phát động phong trào “Du lịch xanh” - du lịch không phát thải trong toàn cộng đồng ngành dịch vụ lưu trú, ẩm thực trên cả nước.

► Nhiều nhà hàng - khách sạn tại Hội An hào hứng học cách biến thực phẩm thừa thành nước rửa chén

Mới đây, nhân viên bếp và chủ của hơn 10 nhà hàng - khách sạn tại Hội An đã được tham gia một hoạt động hữu ích do Hoteljob.vn và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam bảo trợ. Đó là buổi hướng dẫn tái chế vỏ trái cây, lá cây khô, giấy, thức ăn thừa… thành nước rửa chén, nước xịt côn trùng và phân hữu cơ bón cho vườn rau. Và các loại rau củ quả thu hoạch từ vườn rau, trang trại sẽ được sử dụng làm nguyên liệu chế biến thành món ăn phục vụ khách.

 

Từ mô hình “Biến rác thành tài nguyên” ở Hội An hướng đến phát động phong trào “Du lịch xanh”

Buổi hướng dẫn diễn ra tại sân vườn resort Sea'lavie Boutique - khu làng chài Tân Thành, Hội An

 

Dưới sự hướng dẫn của một nhóm cộng đồng chuyên xử lý rác, các thành viên tham gia được học cách làm nước enzyme (nước lên men từ vỏ trái cây) và hai phương pháp tạo phân bón hữu cơ sinh học: compost - bokashi.

 

Từ mô hình “Biến rác thành tài nguyên” ở Hội An hướng đến phát động phong trào “Du lịch xanh”

 

 - Về phương pháp làm nước enzyme:

Từ mô hình “Biến rác thành tài nguyên” ở Hội An hướng đến phát động phong trào “Du lịch xanh”

 

 + Nguyên liệu và dụng cụ gồm có:

  • 10 lít nước (không có Clo)

  • 3 kg rác vỏ hoa quả (vỏ cam - chanh - bưởi - thanh long…: rửa sạch, bảo quản trong tủ lạnh khi chưa dùng đến để tránh bị phân hủy)

  • 0,3 kg đường nâu

  • Thùng nhựa có nắp đậy kín

 + Quy trình thực hiện:

  • Đổ nước vào thùng nhựa -> vỏ trái cây -> đường nâu -> khuấy đều và đậy kín nắp lại.

  • Trong tuần đầu bảo quản, 2 ngày mở nắp một lần để thoát khí

  • Sau khoảng 1 tháng, khi rác trong thùng chìm xuống, có thể lọc lấy nước trong thùng sử dụng - còn phần vỏ trái cây nên chôn xuống đất làm phân bón cho cây.

 + Công dụng của nước enzyme:

Với nước tẩy đa năng enzyme, có thể pha loãng sử dụng cho nhiều mục đích:

  • Rửa chén

  • Rửa rau quả

  • Xịt khử mùi

  • Xịt côn trùng

  • Lau sàn

  • Cọ nhà vệ sinh…


 - Về phương pháp làm phân bón hữu cơ sinh học Bokashi:

 

Từ mô hình “Biến rác thành tài nguyên” ở Hội An hướng đến phát động phong trào “Du lịch xanh”

 

 + Nguyên liệu và dụng cụ:

  • Mọi loại rác hữu cơ để ráo nước và cắt nhỏ (xương, thịt cá, rau củ quả dư thừa…)

  • Cám gạo Bokashi (chứa các vi sinh vật giúp lên men)

  • Thùng nhựa có nắp đậy và vòi rót

 + Quy trình thực hiện:

  • Cho vào thùng ủ lần lượt 5 cm rác -> 1 nắm cám Bokashi - khi thùng đầy rắc lớp cám dày - nén chặt và đậy kín.

  • Thời gian ủ là 2 tuần, trong điều kiện kín khí thay vì thối rữa rác sẽ lên men.

  • Sau thời gian ủ cần thiết, khoảng 2 - 3 ngày tháo nước rỉ ra từ rác trong thùng ủ một lần.

 + Công dụng

  • Nước tháo ra từ thùng ủ theo phương pháp Bokashi cần pha với nước theo tỷ lệ 1:100 - tưới  cho các loại cây trồng.

  • Phần rác rắn có thể dùng để ủ phân Compost hay làm phân trộn với đất trồng/ chôn gần cây trồng.


 - Về phương pháp làm phân bón hữu cơ sinh học Compost:

 

Từ mô hình “Biến rác thành tài nguyên” ở Hội An hướng đến phát động phong trào “Du lịch xanh”

 

 + Nguyên liệu và dụng cụ:

  • Rác tươi: Vỏ củ quả - phần bỏ đi của rau tươi, bã cà phê, cơm, vỏ trứng, rác lên men Bokashi…

  • Rác khô: lá khô, giấy viết không nilon, giấy bìa, rơm, trấu, xơ dừa…

  • Thùng nhựa

 + Quy trình thực hiện:

  • Cho vào thùng đựng lần lượt một lớp rác khô -> rác tươi -> rác khô -> rác tươi… xếp chồng lên nhau theo tỷ lệ 1 : 1

  • Bê thùng đặt ở góc vườn, lưu ý không nén rác - không đậy kín thủng ủ và thỉnh thoảng đảo đống ủ để cung cấp không khí

  • Về độ ẩm, cần giữ đống ủ không quá khô (dễ xuất hiện kiến) hay quá ướt (đống ủ bị hôi)

  • Khi 4 yếu tố tỷ lệ rác tươi, rác khô, không khí và độ ẩm được đảm bảo thì vi sinh vật (vi khuẩn và nấm) sẽ phát triển giúp phân hủy rác.

  • Hàng ngày có thể bổ sung rác tươi - rác khô lên trên và tưới nước tạo độ ẩm. Sau thời gian 3 - 6 tháng, nhiệt được sinh ra khiến rác xẹp xuống, khi đó nên lấy dần lớp phân ủ dưới cùng sử dụng.

 + Công dụng:

  • Rác phân hủy bằng phương pháp compost có thể được sử dụng làm phân bón sinh học cho rau màu, các loại hoa quả...

 

Khi được tận mắt xem chuyên gia hướng dẫn cách làm và thấy sản phẩm thực tế, các thành viên tham gia buổi chia sẻ đều cảm thấy rất thích thú. Không dừng lại ở đó, đại diện nhóm chuyên gia còn đến từng cơ sở hướng dẫn làm trực tiếp vì nguồn rác của mỗi nhà hàng - khách sạn là khác nhau để cùng nhau lan tỏa giá trị biến rác thành tài nguyên.

Đã áp dụng cách thức biến rác hữu cơ thành nước enzyme và phân sinh học từ 3 năm nay nhưng chị Nguyễn Thị Hà - chủ nhà hàng Vườn Tân Thành vẫn háo hức tham gia để “học hỏi thêm được điều gì đó”. Chị Hà cho biết nhờ buổi chia sẻ mà chị học được cách làm thế nào để nước enzyme có mùi thơm hơn mà không cần sử dụng hóa chất.



► Hoteljob.vn phát động phong trào “Du lịch xanh” - du lịch không phát thải

Buổi hướng dẫn “Biến rác thành tài nguyên” trên đây là hoạt động nằm trong chương trình “Doanh nghiệp cam kết giảm thiểu rác thải nhựa và rác thải nói chung, hướng tới Hội An - Điểm đến xanh 2021 - 2023”. Do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam là chủ trì kết hợp với EMIC Hospitality - Hoteljob.vn - Fanpage Nghề khách sạn là đơn vị thực hiện dưới sự bảo trợ truyền thông của thời báo Sài Gòn Times.

Trong giai đoạn I triển khai từ tháng 7/2020 đến tháng 3/2021, dự án đặt mục tiêu tổ chức những hoạt động hỗ trợ như: các buổi sinh hoạt - tập huấn về phân loại và cách xử lý rác thải tại nguồn… để giúp các nhà hàng - khách sạn thực hiện cam kết tiết giảm, tái sử dụng, tái chế rác thuận lợi và hiệu quả hơn. Và để định hướng công tác Quản lý rác thải bền vững hơn, dự án cũng thiết kế một khung “Mô hình hành động” gồm 8 giải pháp có tính hệ thống gồm: Tổ chức thực hiện; Từ chối; Tiết giảm; Tái sử dụng – Làm đầy bao bì; Thay thế; Phân loại để Tái chế; Truyền thông & Tham gia vào hoạt động mạng lưới; Tạo sản phẩm & Dịch vụ bền vững.

Đặc biệt, nhóm 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (nhà hàng, villa, resort…) tại khu vực biển Tân Thành, phường Cẩm An, Tp. Hội An đã cùng cam kết và đóng góp tài chính - phối hợp với đối tác Reform Plastic gây dựng mô hình Điểm tập kết rác nhựa giá trị thấp. Đây là mô hình đầu tiên tại Hội An có chức năng này. Mô hình này vừa nâng cao hiệu quả tái chế nhóm rác khó phân huỷ và gây ra nhiều hệ quả môi trường như túi nilon, hộp xốp… vừa giúp xây dựng thương hiệu “Doanh nghiệp không rác thải nhựa” cho các bên tham gia.

 

Từ mô hình “Biến rác thành tài nguyên” ở Hội An hướng đến phát động phong trào “Du lịch xanh”

Hoạt động giao thương tại chợ phiên làng chài Tân Thành (Hội An) luôn hạn chế tối đa sử dụng vật liệu nhựa - nilon thải ra môi trường

 

Trong giai đoạn tiếp theo từ sau tháng 3/2021 đến 2023, dự án sẽ tiếp tục triển khai những mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn I nhưng bị gián đoạn bởi dịch bệnh, thiên tai - đồng thời cùng các bên liên quan xây dựng nhiều hoạt động cụ thể và có hệ thống nhằm hướng tới mô hình “Hội An – Điểm đến Xanh” với đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Từ bước đà của dự án này, Hoteljob.vn chính thức phát động phong trào “Du lịch xanh” (Green Hospitality) - kêu gọi tất cả các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch trên cả nước cùng chung tay và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tiết giảm, tái chế rác thải phát sinh từ hoạt động phục vụ du khách. Như giải pháp biến rác hữu cơ thành nước rửa chén hay phân hữu cơ sinh học trên đây là một ví dụ điển hình.

Sắp tới, Hoteljob.vn sẽ kết hợp cùng Fanpage Nghề khách sạn tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn giải pháp tái chế rác thải thông qua hình thức livestream trực tuyến giúp đông đảo cộng đồng nhân sự ngành trên cả nước cùng học hỏi kinh nghiệm.

Những nhân sự ngành quan tâm và mong muốn góp sức vì “Một nền du lịch Việt Nam xanh - sạch” có thể tham gia Group Việt Nam Green Hospitality and Tourism để cùng Hoteljob.vn chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch thân thiện với môi trường.

....

Với những gì đã diễn ra trong năm 2020 - dịch bệnh kéo dài, thiên tai hoành hành liên tục - một lần nữa là tiếng còi báo động cho tất cả chúng ta cần phải yêu quý mẹ thiên nhiên, biết bảo vệ môi trường như là sự sống còn của ngành du lịch nước nhà ở thời hiện tại và cả trong tương lai. Tích tiểu thành đại, khi mỗi nhà hàng, khách sạn ưu tiên sử dụng những dụng cụ - chất liệu thân thiện với môi trường; tự giác phân loại rác thải tại nguồn; đưa vào áp dụng nhiều giải pháp tái chế rác thải có hiệu quả… sẽ dần dần tạo thành hiệu ứng domino lan truyền về ý thức phát triển du lịch bền vững cho cả khách du lịch và cộng đồng nhân sự ngành dịch vụ du lịch trên cả nước.

 

Ms. Smile

 

Giải pháp hay của Villa ở Hội An - Khuyến khích khách lưu trú cùng chung tay vào cuộc chiến chống rác thải nhựa

 

Từ mô hình “Biến rác thành tài nguyên” ở Hội An hướng đến phát động phong trào “Du lịch xanh”
4.0 (700 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN