Ngành khách sạn - du lịch Việt đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng” chưa từng thấy

Từng tự hào và đặt nhiều kỳ vọng vì ngành du lịch Việt Nam liên tiếp xác nhận những kỷ lục mới về lượng khách, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ được vinh doanh ở các hạng mục thuộc Top uy tín trên toàn cầu… Ấy vậy mà, chỉ trong thời gian rất ngắn, liên tiếp các “tin dữ” được ghi nhận, ngành khách sạn - du lịch Việt thực sự đang lao đao vì dịch Covid-19.

ngành khách sạn - du lịch việt đang đối mặt với cuộc khủng hoảng từng thấy
Đóng cửa, ngưng hoạt động là giải pháp cuối cùng của các khách sạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Tình hình các khách sạn tại những trọng điểm du lịch thời nCoV

Dù một số khách sạn, resort cho biết vẫn đang kinh doanh khá ổn bởi lượng khách book dịch vụ đều, thế nhưng, phần “sáng” loe lói này dường như không đủ lớn để đẩy lùi khoảng tối “khổng lồ” đang ngày đêm “nuốt” dần những cơ sở khác. Cắt giảm ngày công, cho nghỉ không lương dài hạn, cắt giảm nhân sự, tạm đóng cửa, thông báo ngừng hoạt động, phá sản… là các hướng đi đau nhưng bắt buộc phải thực hiện của nhiều nơi trong tương lai, nếu tình hình dịch bệnh vẫn không được kiểm soát nhanh và kịp thời. Khi thu không đủ bù chi, kinh doanh không có khách nhưng vẫn phải “gánh” hàng trăm thứ chi phí mỗi ngày… có tiền túi cao bằng núi cũng lở nhanh mà cạn kiệt chỉ trong vài tháng.

Thử điểm nhanh một lượt tình hình các khách sạn tại những trọng điểm du lịch của Việt Nam từ ngày có dịch để thấy, “khủng hoảng” này là chưa từng thấy, thậm chí, không ai từng nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ này.

♦ Hà Nội – từ giảm 50-60% giá phòng để hoạt động cầm cự đến buộc đóng cửa vì không doanh thu

Tính đến ngày 2/3, gần 20.000 lượt khách quốc tế, hơn 19.000 lượt khách nội địa đã hủy tour đến Thủ đô vì lo sợ dịch bệnh Covid-19. Từ đó kéo theo gần 56.000 ngày phòng tại các cơ sở lưu trú bị hủy, số lượng khách đặt phòng hủy tương ứng gần 78.000 lượt. Đáng nói là, nếu tính riêng trong tháng 2, lượng khách Trung Quốc đến Hà Nội giảm 93,5% - Hàn Quốc giảm 51,4% - Singapore giảm 42,4% - nội địa giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Thiệt hại về doanh thu du lịch ước tính lên đến hàng tỷ đồng.

Nhiều khách sạn, chuỗi khách sạn lớn đã treo biển giảm giá phòng 50-60%, miễn phí dịch vụ, tặng ưu đãi… để hoạt động cầm chừng đợi qua dịch nhưng tình hình chung vẫn không mấy khả quan. Một số doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa một số cơ sở, cho nhân viên nghỉ không lương… vì không thể “cầm cự” tiếp nữa.

♦ Nha Trang, Khánh Hòa – có khách sạn đã lỗ 5 tỉ 1 tháng, công suất phòng chỉ đạt 5%

Nếu muốn biết dịch nCoV ảnh hưởng đến du lịch nghiêm trọng thế nào – hãy nhìn thiệt hại của ngành tại Nha Trang, Khánh Hòa. Bởi, với mức sụt giảm 50-60% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn có dịch, đông nhất là khách Trung Quốc, thì Khách Hòa là nơi chiếm tỷ lệ thu hút thị trường khách Trung lớn nhất cả nước với hơn 70% trong năm 2019. Thêm nữa, đây cũng là 1 trong 4 tỉnh thành ghi nhận có trường hợp dương tính với nCoV. Lượng khách vì thế lại càng sụt giảm đáng kể ngay sau đó.

Điển hình nhất là một khách sạn 5 sao tại đây vừa báo lỗ 5 tỉ đồng trong tháng dịch, công suất phòng dự kiến đạt mức 80-95% vào tháng 1 thì bị hủy còn 60%, trong tháng 2 có đến 85% số buồng trống, tháng 3 công suất chỉ ước đạt 5-10%; chưa kể các chi phí vận hành, bảo quản nguyên liệu, chi phí trả lương, đóng bảo hiểm cho nhân viên, các khoản vay ngân hàng, thuê mặt bằng… tổn thật là rất lớn và vô cùng nặng nề.

Tuy nhiên, cũng nên hy vọng ngành du lịch tại đây sẽ sớm phục hồi khi một lượng lớn khách Nga gần đây đã quay trở lại và đang có xu hướng tăng dần mỗi tháng, ước đạt gần 40.000 lượt

♦ Đà Lạt – có ngày không 1 khách ở, đang xin chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng

Dù chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh nào, tuy nhiên, ngành du lịch Đà Lạt cũng cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực của nCoV trong suốt 2 tháng qua. Thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có đến 28.000 đêm phòng bị hủy

Nhiều khách sạn cho biết, khi chưa có dịch, công suất phòng đạt khoảng 80%, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 20-30%, du khách vắng vẻ, tình hình kinh doanh vì thế mà ảm đạm, ế ẩm, thua lỗ rõ rệt. Thậm chí, nhiều cơ sở đã bị hủy dịch vụ gần như 100% lượng khách đặt phòng, buộc đóng cửa, ngưng hoạt động đợi qua mùa dịch rồi tính tiếp.

“Tôi thuê khách sạn 30 phòng tại đây để kinh doanh với giá 75 triệu đồng/ tháng. Nhưng hơn 1 tháng qua việc kinh doanh rất ế ẩm. Khách đặt phòng thì ít mà lại còn hủy phòng liên tục nên càng khó khăn hơn. Trước đây, phòng 1 giường có giá khoảng 250.000đ/ đêm nhưng nay giảm còn 180.000đ; phòng đôi 2 giường từ 750.000-800.000đ/ đêm thì phải hạ xuống 300.000-400.000đ. Tính ra, khách sạn đã phải giảm 30-50% giá phòng để thu hút khách. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy khả thi. Hiện nhiều người thuê lại khách sạn để kinh doanh như tôi đã phải xin chủ nhà giả tiền mặt bằng trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh.”

ngành khách sạn - du lịch việt đang đối mặt với cuộc khủng hoảng từng thấy
Lượng khách sụt giảm rõ rệt khiến mọi cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Việt Nam mất nguồn thu rất lớn

♦ Đà Nẵng – 23.000/ 35.000 lao động ngành dịch vụ du lịch mất việc

Ngỡ thành phố đáng sống nhất Việt Nam sẽ là một trong những điểm sáng hy vọng của du lịch Việt mùa dịch Covid-19. Ấy vậy mà, nơi đây lại đang gánh chịu những tổn thất gần như nặng nề nhất cả nước do sự sụt giảm ngay lập tức lượng du khách Trung, Hàn và các nước ASEAN. Thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng lượt khách đến trong Quý I/2020 chỉ ước đạt 1,3 triệu lượt, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái - thiệt hại về doanh thu riêng khối lưu trú, lữ hành, vận chuyển ước tính lên đến hơn 700 tỷ đồng.

“Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng và không thể kiểm soát, nhiều khách sạn có khả năng sẽ tạm ngưng hoạt động vì hiện giờ tất cả các nguồn khách đến Đà Nẵng đều tạm đóng cửa.” – nhận định của một Quản lý khách sạn.

Tham khảo chi tiết hơn tại bài viết:

Chỉ tính riêng Đà Nẵng, dịch Covid-19 đã làm cho hơn 23 nghìn lao động ngành du lịch, khách sạn phải nghỉ việc

♦ Hội An – sẽ khả quan hơn nếu phục hồi lại thị trường khách tiềm năng

Là điểm sáng nhỏ nhoi giữa mùa dịch, Hội An vẫn hàng ngày nỗ lực thu hút khách đến tham quan, du lịch với nhiều gói kích cầu hấp dẫn mang kỳ vọng khôi phục lại thị trường khách Âu tiềm năng, vốn tăng mạnh và ổn định trước khi tập trung khai thác số lượng lớn nhóm khách Trung, Hàn. Nhiều du khách châu Âu cho biết, họ vốn dĩ rất thích không khí yên tĩnh và trong lành trong khu phố cổ thay vì nhộn nhịp, tấp nập, đôi khi ồn ào vì quá nhiều khách du lịch châu Á chen lấn mỗi đêm. Vì thế, những ngày này, họ thích thú quay trở lại Hội An, thêm nữa là nhờ nhiều gói sản phẩm ưu đãi tuyệt vời.

Cập nhật từ Phòng Văn hóa Thông tin Tp.Hội An, hiện bình quân mỗi đêm nơi đây có trên 10.000 khách lưu trú, trong đó, hơn 90% là khách quốc tế, phần lớn là khách Âu; công suất phòng ước đạt gần 50%.

Các tập đoàn khách sạn lớn cũng không ngoài tầm ảnh hưởng

Những ngày qua, hàng loạt tập đoàn, chuỗi khách sạn thông báo tạm ngưng hoạt động nhiều cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống để duy tu - bảo dưỡng và một phần hạn chế tác động từ dịch nCoV. Đáng nói là:

-Vinpearl đóng cửa 7 khách sạn, trong đó: 2 khách sạn ở Nha Trang sẽ tạm ngưng hoạt động đến 31/3; 5 cơ sở tại Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc tạm đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

- Sun Group cũng thông báo đóng cửa công viên Châu Á - Sunworld Danang Wonders đến 30/4 để bảo trì, cải tạo cảnh quan. Doanh nghiệp hiện chỉ mở công viên Rồng - Dragon Parks tại Hạ Long vào cuối tuần để phục vụ nhu cầu (có thể có) của du khách. Các công viên, cáp treo đều đã đóng cửa bảo trì hoặc giảm giờ chạy.

Thống kê cho biết, lượng khách đến các khu vui chơi, giải trí của tập đoàn trong Quý I giảm ít nhất 75-80%. Nếu tính riêng trong tháng 2, lượng khách đến Sun World Fansipan Legend giảm 70%, Sun World Ba Na Hills giảm 65%, Sun World Halong Complex giảm 85%, Sun World Hon Thom Nature Park và Sun World Ba Den Mountain giảm 50-60%...

ngành khách sạn - du lịch việt đang đối mặt với cuộc khủng hoảng từng thấy


Vì đâu nên nỗi?

Sụt giảm lượng khách du lịch sử dụng các dịch vụ liên quan hiển nhiên sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các nhóm nghề trong ngành du lịch nói chung, từ hàng không, lữ hành đến khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, vui chơi giải trí… Nhiều cơ sở, đơn vị đồng ý bồi hoàn cho khách vì lý do hủy bất khả kháng càng gây thiệt hại nặng nề, lên đến hàng trăm tỷ đồng.

ngành khách sạn - du lịch việt đang đối mặt với cuộc khủng hoảng từng thấy

Dịch bệnh là yếu tố khách quan, dù không mong muốn nhưng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nên buộc phải chấp nhận và khắc phục. Trong đó, việc một lượng lớn khách quốc tế e ngại đi du lịch vì dịch bệnh lây lan bởi châu Á được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm nCoV cao hơn so với các điểm đến du lịch khác. Việt Nam lại càng phải hạn chế đến vì nằm rất gần Trung Quốc (đất nước bùng phát dịch). Đây là tác động đầu tiên. Đồng thời, nguồn cầu du lịch trong nước cũng lo sợ tương tự nên có xu hướng hạn chế đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, trạm xe buýt, ga tàu, điểm tham quan du lịch, khách sạn, nhà hàng, nơi vui chơi giải trí… Đó là tác động thứ hai.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tác động lớn nhất phải kể đến và được nhìn nhận để khắc phục chính là Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc, tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản thay vì phải đa dạng hơn. Dễ thấy khi từ lúc dịch bệnh bùng phát và lây lan, lượng khách quốc tế đến nước ta giảm mạnh, kéo theo các nguồn doanh thu của ngành du lịch nói riêng sụt giảm, kinh doanh khó khăn, ế ẩm. Bên cạnh đó, nhiều đối tác, khách đoàn, khách công tác cũng thông báo hoãn hoặc hủy bỏ các cuộc họp, hội nghị diễn ra tại những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM vì lo sợ lây nhiễm dịch bệnh, dẫn đến lượng khách doanh nghiệp và khách MICE cũng bị giảm đáng kể.

Ngoài ra, một số cá nhân cho nhận định rằng, một phần các chính sách hỗ trợ của chính phủ đối với các doanh nghiệp hoạt động du lịch khi có khủng hoảng ở giai đoạn hiện tại còn chậm trễ hoặc chưa thực sự phù hợp và kịp thời. Bên cạnh đó, một số đơn vị vừa và nhỏ thậm chí còn tự chấp nhận “số phận” khi cho biết họ “không có giải pháp gì để ứng phó với dịch bệnh”. Chính tư duy thụt lùi và năng lực quản lý yếu kém của một bộ phận cũng cho thấy sự bị động, đồng thời cảnh báo sớm cho nhiều khủng hoảng có thể xảy ra sau dịch…

Chưa kể, việc số lượng lớn nhân sự ngành mất việc thời gian dài có thể để lại hậu quả nghiêm trọng hơn cho nền kinh tế, an ninh chính trị, gây bất ổn xã hội vì tiềm ẩn nguy cơ trở thành các đối tượng trộm cắp, cướp giật, làm chuyện phi pháp vì đời sống khó khăn.

ngành khách sạn - du lịch việt đang đối mặt với cuộc khủng hoảng từng thấy
Các khách sạn đang hết lòng phục vụ những vị khách ít ỏi hiện lưu trú với 200% chất lượng chuẩn dịch vụ

Vậy cần làm gì để phục hồi du lịch?

Chính phủ và cơ quan ban ngành cùng toàn bộ đơn vị, doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong ngành những ngày qua đã đoàn kết cùng nhau tìm hướng đi khả quan “cứu nguy” cho du lịch Việt. Cụ thể:

♦ Chính phủ hỗ trợ bằng chính sách “riêng”

Giải pháp tức thời và tại chỗ lúc này là hỗ trợ các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành các gói vay vốn ưu đãi, hoãn trả lãi, thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá điện-nước…

Về mặt kích cầu để thu hút khách tham quan, du lịch, cần miễn visa với các thị trường khách tiềm năng; đẩy mạnh khai thác khách nội địa, đồng thời thu hút đa dạng các thị trường khách tiềm năng; tập trung kích cầu mạnh mẽ hơn về các trọng điểm du lịch phía Nam, nơi có khí hậu nóng ấm và sôi động hơn; đề nghị các công ty lữ hành – hàng không – vận tải – khách sạn – nhà hàng… đồng lòng liên kết để xây dựng và triển khai các gói sản phẩm trọn gói, khuyến mại hấp dẫn…

Ngoài ra, yêu cầu và hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp tay nghề, trình độ, nghiệp vụ; cải tạo cơ sở vật chất, hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ, “tận dụng tối đa thời gian “nghỉ” này để khắc phục những chỗ đang bị chê là thiếu sót” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.

♦ Doanh nghiệp tự “cứu” mình

Ngoài mong chờ những gói hỗ trợ, kích cầu du lịch từ Chính phủ và cơ quan ban ngành, nhiều doanh nghiệp cũng tự “cứu” mình bằng cách:

- Tái cơ cấu bộ máy nhân sự của doanh nghiệp, sắp xếp, bố trí lại công việc của tổ chức, cho một số vị trí nhân viên nghỉ luân phiên đến không lương có kỳ hạn

- Khảo sát thị trường để xây dựng các gói sản phẩm phù hợp với tâm lý và nhu cầu của du khách, nỗ lực tiếp thị, thu hút các thị trường thay thế Trung Quốc, ưu tiên khách châu Âu, Mỹ, Úc, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, MICE nội địa…

- Giảm giá phòng, tăng dịch vụ, tặng ưu đãi, voucher… tương ứng cho khách book phòng trong và sau dịch

- Liên kết với các doanh nghiệp lữ hành tại các khu vực du lịch tiềm năng khác để xây dựng và triển khai các tour mới, chia sẻ, giới thiệu nguồn khách cho nhau

- Nghiêm túc hợp tác với tổ chức y tế trong khai báo và phòng chống lây nhiễm dịch bệnh

ngành khách sạn - du lịch việt đang đối mặt với cuộc khủng hoảng từng thấy
Nếu chống dịch tốt, du lịch Việt dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng từ những tháng cuối năm 2020

2 Nửa tối - sáng ngành khách sạn Việt bối cảnh hiện tại

* Hiện, website việc làm khách sạn - nhà hàng & du lịch uy tín nhất Việt Nam - Hoteljob.vn cũng đang nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó mùa dịch khi cung cấp các nền tảng kết nối/ diễn đàn/ công cụ - hỗ trợ kích cầu, tăng cơ hội quảng bá sản phẩm dịch vụ và thương hiệu.

Tham khảo bài viết chi tiết:

Santa Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp kích cầu du lịch vượt khó mùa dịch Covid-19

Chưa đến mức kiệt quệ nhưng rõ ràng, những ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 đang đẩy ngành khách sạn - du lịch Việt đối mặt với “cuộc khủng hoảng” chưa từng thấy. Tuy nhiên, cũng không nên quá bi quan, vì ánh sáng chắc chắn rồi sẽ xuất hiện nơi cuối đường hầm. Ngành du lịch nói chung sẽ lại phát triển mạnh mẽ - nếu triển khai tốt các giải pháp hỗ trợ, kích cầu phù hợp…

Ms. Smile

(Tham khảo từ nhiều nguồn)

Ngành khách sạn - du lịch Việt đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng” chưa từng thấy
4.7 (307 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN