Ở giai đoạn hấp hối, du lịch Việt cần gì?

Gần nửa tỷ đồng tiền cọc trả cho resort để giữ chỗ cho kế hoạch bán tour mùa cao điểm hè năm nay của công ty có nguy cơ mất trắng khi mà cơn đại hạn mang tên “Covid” lần thứ 4 chắc sẽ là cú knock-out giết chết ngành du lịch. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mảng này điêu đứng đến phá sản hơn 1 năm qua.

ở giai đoạn hấp hối, du lịch Việt cần gì
Làm gì để "cứu" du lịch Việt vượt qua giai đoạn "hấp hối"?

Mùa hè này, toàn ngành du lịch Việt hấp hối

Vốn là mùa cao điểm giúp doanh nghiệp du lịch bội thu, nhưng… mùa hè này, mọi hoạt động ngưng trệ, thay vì sôi động lại ngủ đông.

Những tưởng “khách không mời” Covid chỉ ghé qua rồi đi ngay, xuất hiện rồi vội tắt như một cơn cúm mùa. Ấy vậy mà nó quầng đi quầng lại hàng chục tháng nay. Trải qua 4 đợt dịch lớn, ngành du lịch Việt gần như chết lâm sàng. Nhiều doanh nghiệp từ quy mô đến nhỏ lẻ đuối sức phải buông xuôi sau nhiều tháng gồng mình “sống tạm”. Họ nợ khoản vay ngân hàng, nợ phí mặt bằng, nợ tiền hàng nhập nguyên liệu, nợ chi phí điện-nước-vận hành, nợ lương nhân viên và nợ nhiều khoản phát sinh lớn nhỏ khác nữa.

Đáng nói, trong khi không ít cơ sở gieo hy vọng kiếm doanh thu từ đợt hè, vốn là mùa du lịch cao điểm thường niên của du lịch Việt, nhiều nơi dồn vốn cọc tiền phòng cho khách sạn, vé máy bay cho hãng hàng không, dịch vụ trên du thuyền và nhiều chiến lược khác để chuẩn bị “hàng” sẵn sàng phục vụ khách thì dịch bùng phát trở lại khiến cơ hội thu hồi vốn đến kiếm lời chưa biết khi nào đến, thậm chí có thể mất trắng vì có đối tác vỡ nợ đến phá sản.

“Tôi mới nhận được tin xấu, rằng resort 5 sao ở Hội An, đối tác chiến lược của công ty tôi, nơi nhận cọc giữ phòng cho kế hoạch bán tour cao điểm dịp hè năm nay, đang bị ngân hàng bắt nợ, có nguy cơ phá sản. Nghĩa là, gần nửa tỷ đồng đã trả cho họ có thể mất trắng. Rồi chưa kể cọc cho các hãng hàng không, du thuyền và nhiều điểm đối tác nhỏ lẻ khác. Từ lo ngại du lịch bị ảnh hưởng giai đoạn đầu hè đến lo sợ sẽ không có doanh thu cho cả dịp hè vốn là mùa cao điểm hàng năm.” - đại diện 1 công ty lữ hành ngậm ngùi nói.

ở giai đoạn hấp hối, du lịch Việt cần gì
Nhiều người ngại đi vì lo sợ mất an toàn

 

Việt Nam không đóng cửa du lịch. Ở những “vùng an toàn”, khách Việt vẫn có thể đi du lịch Việt, trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Thêm nữa, một số chỗ lưu trú được chọn làm nơi cách ly tập trung có trả phí, phần nào tạo doanh thu cho cơ sở. Tuy nhiên, rõ ràng trước mắt nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch vẫn là một bức tranh ảm đạm, thiếu sáng. Vì nhu cầu “muốn đi” và “muốn chi” của du khách chưa cao. Khách quốc tế cũng chưa quay trở lại. Đến nay, có đến 95% doanh nghiệp cùng ngành chấp nhận đóng cửa bởi hiệu ứng domino Covid. Số ít còn lại hoạt động cầm chừng thì phải cho khoảng 60% nhân sự thôi việc hoặc cắt giảm ngày công. Ngành du lịch vốn đã điêu đứng, nay chết dần chết mòn từng ngày.

ở giai đoạn hấp hối, du lịch Việt cần gì

“Liều thuốc” nào đưa ngành du lịch Việt “vượt cửa tử”?

Đông đảo doanh nghiệp du lịch vật vờ khi cơn bão Covid cứ tạm đi rồi lại đến, sắp lặn lại ngoi lên càn quét hàng loạt tỉnh thành vốn có thế mạnh du lịch khắp Việt Nam. Nhiều cảnh báo đưa ra, rằng du lịch Việt sẽ chết hẳn nếu Chính phủ không có giải pháp quyết liệt “cứu” nguy cho ngành - du lịch Việt cần ngay “liều thuốc vàng” để vượt qua giai đoạn hấp hối thay vì đợt chết hẳn mới tìm cách hồi sinh…

Nhưng làm gì?

Đại đa số tin rằng “hộ chiếu vaccine” sẽ là cứu cánh cần thiết và kịp thời, hướng đến mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng, để ngành du lịch sống chung với đại dịch. Khi đó, du lịch sẽ mở cửa, du khách sẽ thoải mái hơn trong việc đi lại và tham quan, dĩ nhiên, mức độ lây nhiễm đã giảm đi đáng kể.

ở giai đoạn hấp hối, du lịch Việt cần gì
Du lịch được kỳ vọng mở cửa nhờ áp dụng hộ chiếu vaccine vào đón khách quốc tế

 

Dễ thấy, Mỹ và các nước châu Âu hơn 1 năm qua lao đao vì Covid-19 nhưng đã dần mở cửa lại nhờ vaccine. Hy Lạp, Đan Mạch, Pháp đã triển khai Hộ chiếc vaccine. Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand cũng đang bắt đầu thử nghiệm, lên kế hoạch mở cửa đón khách. Bước đầu, tất cả đều cho thấy dấu hiệu khả quan.

Việt Nam thế nào?

Tin vui mới đây cho biết Việt Nam dự kiến áp dụng hộ chiếu vaccine để đón khách quốc tế. Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) là nơi được chọn để thí điểm. Cụ thể, khách ngoại quốc sở hữu hộ chiếu vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 sẽ được đáp chuyến bay đến Đảo Ngọc để tham quan và trải nghiệm dịch vụ.

Được biết, nỗ lực mở cửa du lịch từng bước được thực hiện theo mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, giúp du lịch có nguồn thu đồng thời tránh bị cho là tụt hậu so với các nước láng giềng trong nỗ lực tái phục hồi thị trường khách nước ngoài, nhất là với Thái Lan và Singapore (những nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong chiến lược đón dòng khách quốc tế đến Đông Nam Á).

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra: Phú Quốc sẽ song song mở cửa đón khách quốc tế và khách nội? / Thị trường khách nào sẽ được Việt Nam ưu tiên thí điểm đón khách? Du khách sẽ được tự do di chuyển trên toàn đảo hay chỉ một hoặc một số khu vực hạn chế? / Cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nào sẽ được đón khách quốc tế? / Quy trình phê duyệt, tiếp nhận và phục vụ khách ra sao?...

Để đảm bảo du lịch an toàn, Việt Nam có thể tham khảo và học tập cách làm của Thái Lan. Nước này tuyên bố sẽ đón khách đến Phuket từ một số thị trường Tây Âu và Bắc Âu, theo mô hình “Phuket Sandbox”. Theo đó, du khách sẽ không phải cách ly khi đến đảo nếu mang hộ chiếu vaccine và có xét nghiệm âm tính với Covid-19. Tuy nhiên, họ cần ở lại đây ít nhất 14 ngày trước khi tiếp tục đến những nơi khác ở Thái. Các khách sạn tại đó muốn đón khách quốc tế phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và yêu cầu về phòng chống dịch.

Tại Phuket, để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm từ du khách sang người địa phương và ngược lại, toàn bộ dân trên đảo được ưu tiên tiêm vaccine, đặc biệt là nhân sự ngành du lịch và dịch vụ liên quan, những ai tiếp xúc trực tiếp với khách. Hiện trên 70% dân cư ở đảo đã được tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng. Áp dụng cả hộ chiếu vaccine cho khách nội địa, khuyến khích và kích thích họ đi du lịch trong trạng thái yên tâm và an toàn; đồng thời khách đến Phuket bắt buộc phải mua gói bảo hiểm Covid-19.

ở giai đoạn hấp hối, du lịch Việt cần gì
Phú Quốc, Kiên Giang được chọn làm nơi thí điểm mở cửa du lịch (Ảnh minh họa)

 

Hiện, tỉnh Kiên Giang đang lên kế hoạch tiêm vaccine cho khoảng 170.000 dân trên đảo Phú Quốc. Dự kiến, nơi này bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế sở hữu hộ chiếu vaccine vào tháng 9 tới. Hy vọng, mọi thứ khả thi. Việt Nam sẽ dựa trên kết quả sau khi mở cửa Phú Quốc để “mời” khách quốc tế có hộ chiếu vaccine đến những nơi, vùng an toàn khác, từng bước "cứu sống" ngành du lịch.

Điểm đến đầu tiên ở Việt Nam sắp thí điểm "Hộ chiếu vaccine" - sẵn sàng đón khách quốc tế

(Theo N.T.Đ - VnExpress)

Tags:
Ở giai đoạn hấp hối, du lịch Việt cần gì?
4.1 (101 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN