9 Bước Tối Ưu Để Quản Lý Nhà Hàng Ăn Uống Hiệu Quả

Quản lý nhà hàng ăn uống hiệu quả giúp phân định nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận, từng nhân viên nhằm mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất trong phục vụ khách hàng; góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu cho doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để quản lý nhà hàng ăn uống hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây của Hoteljob.vn nếu chưa có nhiều thông tin!

♦ Quy trình quản lý nhà hàng ăn uống hiệu quả

Quy định thời gian khởi động thiết bị điện

Một trong những bước tối ưu để quản lý nhà hàng ăn uống hiệu quả là xác định thời gian cụ thể để khởi động các thiết bị điện, nhiệt trong nhà hàng. Việc làm này giúp tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ trong quản lý doanh thu nội bộ. Các nhà quản lý chuyên nghiệp luôn thực hiện công việc quan trọng này đầu tiên vào mỗi sáng.

Lên danh sách các công việc cần làm

Danh sách các công việc cần làm – Checklist là “trợ thủ” đắc lực giúp các nhà Quản lý quản lý hiệu quả tình hình hoạt động của nhà hàng trong ngày/ tuần/ tháng, bao gồm cả quản lý kinh doanh và quản lý nhân sự. Hãy lập một Checklist chuẩn và bổ sung những nội dung phát sinh liên quan để đảm bảo không bỏ sót bất kì một nội dung công việc hay lưu ý nào cần giải quyết trong ca làm việc.

Tập hợp nhân viên vào đầu mỗi ca

Thống kê cho thấy, mọi nhà hàng, khách sạn quy mô, hoạt động hiệu quả đều có buổi họp nhỏ mỗi sáng với toàn thể các nhân viên để kịp thời cập nhật những thay đổi hay phát sinh, tồn đọng trong ca cũ, tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân viên, triển khai mục tiêu công việc trong ngày; đồng thời giải quyết một số sự cố nếu có. Thông thường, buổi họp sẽ kéo dài trong khoảng từ 10 – 20 phút.

Phân công công việc cụ thể cho từng bộ phận, nhân viên

Bên cạnh bảng Checklist tổng quát cho bản thân, các Quản lý cũng cần chuẩn bị một bảng danh sách các công việc phải làm cho từng bộ phận, từng nhân viên cụ thể và ấn định thời gian bắt đầu – kết thúc tương ứng. Tuy nhiên, hãy biết cân nhắc số lượng công việc với số nhân viên hiện có trong bộ phận, đồng thời tham khảo ý kiến của các Tổ trưởng, Trưởng bộ phận để có được một phân chia công việc chính xác, khách quan và hiệu quả.

Tìm hiểu thêm: 14 “Điểm chết trong kinh doanh nhà hàng”

Giám sát, kiểm tra, kiểm soát mọi vấn đề/ hoạt động trong ca làm việc

Tuy không trực tiếp tham gia vào công tác phục vụ khách hàng nhưng Quản lý cũng cần quan tâm sát sao đến mọi vấn đề/ hoạt động trong nhà hàng; kịp thời phát hiện và xử lý những sự cố phát sinh trong ca làm việc, không để ảnh hưởng đến khách hàng; đồng thời không làm mất đi hình ảnh thương hiệu của nhà hàng.

Quản lý nhân sự cũng cần phải đúng cách

Một trong những yếu tố quyết định thành công cho hoạt động kinh doanh nhà hàng là đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và “được việc”. Nhà hàng hoạt động hiệu quả là minh chứng cho cách quản lý nhân sự đúng đắn. Có 3 cách phổ biến để quản lý nhân sự, đó là: quản lý bằng kỷ luật (chế độ thưởng-phạt rõ ràng); quản lý theo tình cảm (tiếp nhận ý kiến của nhân viên để xem xét và tìm hướng đi thích hợp); khuyến khích nhân viên phát huy khả năng của bản thân. Tùy theo mục đích quản lý của người điều hành sẽ có cách quản lý phù hợp.

Vệ sinh cẩn thận trước khi đóng cửa

Hãy đảm bảo rằng tất cả mọi ngóc ngách trong nhà hàng, kể cả bên trong và phía trước đều đã được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ vào tối hôm trước bằng cách đi dạo một vòng toàn bộ khuôn viên nhà hàng và để ý quan sát mọi thứ. Quang cảnh mặt tiền của nhà hàng vào sáng hôm sau ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ bên trong của khách hàng về chất lượng vệ sinh cũng như quyết định đi vào bên trong nhà hàng hay quay lại nhà hàng vào lần tới.

Đừng quên kiểm tra lại lần cuối

Rà soát mọi thứ một lần nữa trước khi đóng ca là việc làm không bao giờ thừa. Hãy chắc chắn nhà hàng của bạn đã được dọn dẹp đâu vào đấy, sẵn sàng mở cửa phục vụ khách hàng vào sáng hôm sau.

Cuối cùng, hãy ghi chú những điều cần thiết

Đây không phải là công việc cuối cùng trong quy trình quản lý nhà hàng ăn uống, nó cần thực hiện xuyên suốt trong ca làm việc. Nếu bạn cảm thấy có điểm nào cần phải lưu ý sửa chữa hoặc giải quyết vào ngày hôm sau thì hãy ghi chú lại; điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho bảng Checklist công việc được đầy đủ, chính xác và thiết thực hơn.

Xem thêm: Đặc Trưng 7 Loại Nhà Hàng Ở Việt Nam

Ms. Smile

Ảnh nguồn Internet

Tags:
9 Bước Tối Ưu Để Quản Lý Nhà Hàng Ăn Uống Hiệu Quả
4.6 (786 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN