Ứng viên ngành Khách sạn - Nhà hàng làm gì khi đến phỏng vấn muộn giờ?

Dù đã chuẩn bị mọi thứ rất kỹ cho buổi phỏng vấn sáng nay nhưng bạn sẽ không thể nào lường trước được sự cố muộn giờ. Điều đó có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và nhà tuyển dụng sẽ không có thời gian để chờ đợi một ứng viên trong vô vọng. Do đó, để không tự đánh mất cơ hội, hãy áp dụng ngay một trong những cách cứu nguy mà Hoteljob.vn chia sẻ dưới đây

ứng viên ngành khách sạn - nhà hàng làm gì khi đến phỏng vấn muộn giờ
Bạn đã hoặc sẽ làm gì khi đến phỏng vấn muộn giờ?

Tại sao bạn đến phỏng vấn muộn giờ?

Sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra, cả chủ quan lẫn khách quan để biện giải cho trường hợp đến muộn buổi phỏng vấn. Những lý do đó có thể đúng (hoàn toàn/ một phần) hoặc không nhưng phải thật sự thuyết phục. Nhà tuyển dụng sẽ đủ tinh tường để nhận ra sự thành thật và thành khẩn trong thái độ và giọng nói của bạn. Đừng bao giờ lấy lý do là mình ngủ quên, đi giữa đường lại nhớ ra bị quên hồ sơ xin việc hay lạc đường… những điều đó vô tình tố cáo sự vô trách nhiệm hay hời hợt với công việc sắp dự tuyển.

Những lý do được nhiều ứng viên lựa chọn sử dụng và được đánh giá khá hiệu quả đó là:

  • Lý do khách quan: kẹt xe, tắt đường (trong giờ cao điểm hay khu vực dễ kẹt xe) – ngập lụt (vào mùa mưa) – xe hư, chết máy, té xe…
  • Lý do chủ quan: gặp vấn đề sức khỏe (như đau bụng, ngộ độc thức ăn, sốt, đau răng…) – gặp chuyện gia đình…

Hãy lựa chọn những lý do thật sự có lý, đủ sức thuyết phục nhà tuyển dụng thông cảm cho sự chậm trễ của bạn. Tuy nhiên, lý do đó phải thực sự phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của bạn. Bởi, trong bất kỳ tình huống nào, chỉ những ứng viên chuyên nghiệp và nghiêm túc với công việc sẽ ứng tuyển mới cố gắng tìm cách liên hệ giải thích với nhà tuyển dụng thay vì im lặng rồi biến mất.

ứng viên ngành khách sạn - nhà hàng làm gì khi đến phỏng vấn muộn giờ
Có rất nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan, khiến bạn đến muộn buổi phỏng vấn xin việc

Làm gì khi đến phỏng vấn muộn giờ?

Sẽ có 2 trường hợp xảy ra cho tình huống đến muộn phỏng vấn. Đó là:

►Chưa trễ nhưng chắc chắn sẽ trễ

Đó là trường hợp thời điểm hiện tại chưa đến giờ hẹn phỏng vấn nhưng bạn chắc chắc mình sẽ đến trễ, bởi đường còn quá xa hay xe hư không thể sửa kịp…

Lúc này, hãy ngay lập tức cầm điện thoại lên và gọi thông báo cho nhà tuyển dụng về việc mình sẽ đến muộn. Bạn có thể gọi đến số điện thoại liên lạc của công ty hoặc gọi trực tiếp số của người đã gọi bạn đến phỏng vấn. Nội dung cuộc gọi phải đảm bảo rằng người nghe biết được bạn tên gì, phỏng vấn cho vị trí nào và sẽ đến muộn so với thời gian phỏng vấn đã hẹn trong bao lâu (thời gian gần nhất có thể). Ngoài ra, không quên kèm theo lời xin lỗi chân thành vì đã đến muộn nhé! Nếu đưa ra được lý do thật sự thuyết phục, rằng bạn không thể không đến trễ thì hầu hết các nhà tuyển dụng đều sẽ xem xét bỏ qua và cho bạn một cơ hội nữa.

Bạn có thể nói như: “Chào anh/ chị. Em là Lê Kim Thành, có hẹn phỏng vấn vị trí Quản lý Nhà hàng lúc 10h sáng nay. Tuy nhiên, em xin phép sẽ đến trễ 30 phút vì xe đột nhiên chết máy do bị ngập ở Bình Thạnh ạ. Em thành thật xin lỗi và mong anh/ chị thông cảm vì sự cố bất khả kháng này. Em xin cảm ơn. Hẹn gặp anh/ chị trong 30 phút nữa ạ!” Hãy có trách nhiệm với lời hứa hẹn của mình về khoảng thời gian sẽ đến trễ. Đây là cơ hội cuối cùng mà nhà tuyển dụng dành cho bạn.

Khi đến buổi phỏng vấn, lời đầu tiên cần nói là xin lỗi một lần nữa với thái độ thành khẩn – thể hiện thật tốt trong suốt buổi phỏng vấn, phải làm sao để nhà tuyển dụng thấy được mong muốn của bạn là được làm việc tại Nhà hàng – và đừng quên kết thúc buổi phỏng vấn bằng câu nói “Cảm ơn anh/ chị đã thông cảm cho em” hoặc cẩn thận hơn, có thể viết một email xin lỗi vì lý do đến muộn để ghi lại điểm đã mất.

ứng viên ngành khách sạn - nhà hàng làm gì khi đến phỏng vấn muộn giờ
Thể hiện thật tốt trong buổi phỏng vấn sau thời gian đến trễ là cách xin lỗi chân thành nhất của ứng viên gửi đến nhà tuyển dụng

►Đã trễ và bị từ chối phỏng vấn

Bạn đến trễ, có thể trước đó bạn đã gọi để thông báo hoặc quên không gọi, nhưng tuyệt nhiên, nhà tuyển dụng vẫn một mực từ chối phỏng vấn bạn. Bạn nên làm gì lúc này?

Tình huống xảy ra với 2 ứng viên cùng đi trễ và có 2 cách ứng phó hoàn toàn trái ngược nhau. Xem thử nhé!

- Ứng viên 1 - Bỏ về và xin việc ở một nơi khác

Bạn nghĩ ứng viên này Sai ở đâu? Thái độ bỏ về và “coi như xong” của bạn thể hiện tinh thần vô trách nhiệm cùng tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp. Bạn dễ dàng từ bỏ khi gặp khó khăn, trắc trở mà không hề nỗ lực hết sức để tìm cách khắc phục. Bởi, nhà tuyển dụng đã không hề thấy bạn đề cập đến lý do cho việc đến trễ (dù hợp lý hay không) nhưng chính hành động bỏ cuộc, không làm gì để khắc phục “lỗi đến trễ” đó cũng đủ để bạn “out” ngay lập tức.

Hãy nghĩ theo hướng khác tích cực hơn.

Bạn có thể quay về vì không gặp được nhà tuyển dụng, nhưng về rồi không có nghĩa là “thôi, ta đi xin việc khác”. Hãy gửi một email xin lỗi kèm lý do chính đáng, đồng thời xin một cơ hội thứ 2 được có buổi phỏng vấn khác. Sử dụng từ ngữ phù hợp, câu từ thể hiện sự thành khẩn cùng tinh thần trách nhiệm cao. Biết đâu nhà tuyển dụng sẽ xem xét trường hợp của bạn và đồng ý; hoặc nếu không, bạn ít nhất cũng có cơ hội phỏng vấn cho những vị trí khác trong tương lai thay vì nằm trong blacklist của nhà hàng.

- Ứng viên 2 - Chờ… và chờ

Vì lý do bất khả kháng, bạn đến muộn và bị nhà tuyển dụng từ chối phỏng vấn. Hãy ngồi chờ cho đến khi nhà tuyển dụng phỏng vấn xong các ứng viên khác và bước ra, đây là cơ hội để bạn nói lời xin lỗi chân thành và xin cơ hội thứ 2 nếu có thể. Chính tinh thần trách nhiệm, sự kiên nhẫn và ý chí không từ bỏ sẽ giúp bạn gây ấn tượng và thuyết phục họ.

ứng viên ngành khách sạn - nhà hàng làm gì khi đến phỏng vấn muộn giờ
Hãy ngồi chờ cho đến khi nhà tuyển dụng phỏng vấn xong các ứng viên khác và bước ra để bạn được nói lời xin lỗi vì đến trễ

Trong mọi trường hợp, đừng bao giờ bỏ cuộc dù khó khăn. Mọi sự cố gắng nỗ lực của bạn sẽ được nhìn thấy và biết đâu, chính tinh thần trách nhiệm lại giúp bạn “lật ngược tình huống” và thuyết phục được nhà tuyển dụng cho mình cơ hội thứ 2 sau khi đến muộn phỏng vấn.

​Ms. Smile

Tags:
Ứng viên ngành Khách sạn - Nhà hàng làm gì khi đến phỏng vấn muộn giờ?
4.1 (441 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN