Nguồn nhân lực du lịch Việt hậu khủng hoảng: Nhìn nhận thực tế để có giải pháp triển vọng

Du lịch Việt từng được đánh giá giàu tiềm năng thu hút khách và đã từng bước cho thấy thế mạnh - điểm hấp dẫn của quốc gia khi liên tục lập nên những kỷ lục chưa từng có. Thế rồi Covid-19 xuất hiện và kéo dài dai dẳng khiến ngành “chết lâm sàng” suốt thời gian dài. Sau mở cửa, du lịch Việt đang từng bước “sống” lại để tiến đến thời kỳ phục hưng như trước. Nhưng, thực trạng nguồn nhân lực ngành bấy giờ tồn tại nhiều vấn đề cần nhìn nhận thực tế để có giải pháp triển vọng và phù hợp hơn.

chất lượng nguồn nhân lực du lịch việt hâu khủng hoảng

Từ cuộc đại khủng hoảng đến giai đoạn vực dậy của ngành du lịch

- Sau hai năm 2020, 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, phần lớn cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa, người lao động bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm, phải chuyển việc để đảm bảo mưu sinh khiến nguồn nhân lực du lịch từ khi mở cửa lại (tháng 3 năm 2022) đến nay (tháng 6 năm 2023) bị suy giảm cả số lượng và chất lượng.

- Chỉ tính riêng trong năm 2021, ngành Du lịch đã có 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, 35% doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép kinh doanh; 90% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa, công suất phòng trung bình năm của toàn bộ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt 5%; hàng triệu lao động du lịch bị mất việc làm.

- Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tính chung 6 tháng năm 2023 ước đạt 5.574.969 lượt khách, tăng 1.248,7% so với cùng kỳ năm 2022. Du lịch phục hồi, dần phát triển trở lại,…

- Theo nhận định của các thành viên của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) sớm nhất là trong năm 2024, lượng du khách quốc tế sẽ dần đạt được ở mức trước khi có dịch Covid-19 xảy ra. Điều này cho thấy ngành du lịch đang và sẽ thực sự phục hồi để kỳ vọng tiến bước lên thời kỳ hưng thịnh như tiềm năng vốn có. Tuy nhiên, song song với cơ hội thì cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc phục hồi nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng nhu cầu thực tế khi khách du lịch tăng trở lại.

- …

Đó là những số liệu thống kê “biết nói” cùng nhận định có căn cứ được các tổ chức du lịch uy tín tổng hợp và cung cấp trong buổi Hội thảo: “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới – Thách thức và triển vọng” nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo cơ quan, đơn vị chuyên ngành, chuyên gia, lãnh đạo các cơ sở kinh doanh, đào tạo du lịch và giới truyền thông, báo chí. Tại đây, rất nhiều vấn đề đã được đưa ra bàn luận và phân tích, trao đổi và thảo luận, góp ý, đề xuất phương án xử lý, chấn chỉnh, phát triển hướng đến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch nước nhà, bao gồm cả phục hồi và phát triển chất lượng nguồn nhân lực phục vụ của ngành trong bối cảnh mới của hiện tại và xa hơn đến năm 2030…

chất lượng nguồn nhân lực du lịch việt hâu khủng hoảng
Một lực lượng không nhỏ nhân sự ngành du lịch chuyên nghiệp đã rời đi, chuyển đổi ngành vì dịch bệnh

Thực trạng nguồn nhân lực du lịch Việt hiện tại thế nào? Có đáng lo?

Du lịch Việt từng “đóng băng” hoàn toàn để phòng dịch, “đình chỉ” cơ hội việc làm và “cướp đi” khoản thu nhập của gần như toàn bộ nhân sự nghề. Kết quả, để mưu sinh, đã có người chuyển đổi công việc và gắn bó hẳn, thôi không làm nghề nữa; người tìm việc làm tạm đợi ngành “sống” lại để quay trở lại… Chưa kể, khi ngành tái hoạt động, nhiều nhu cầu và thị hiếu của khách hàng đã thay đổi, tư duy làm nghề và phục vụ khách ít nhiều cũng bị ảnh hưởng; tay nghề và tính nhạy bén có khi sẽ bị mai mọt đôi chút… Cứ thế, khi ngành du lịch nói chung chính thức mở cửa, rất nhiều thách thức đã được đặt ra gây áp lực cho bộ máy quản lý. Rằng thực tế chất lượng nguồn nhân lực của du lịch Việt ở thời điểm “rã đông” ngành sau đại dịch cho đến hiện tại ra sao? – Tình hình nhân sự nghề của ngành hiện nay thế nào? Bao nhiêu người trẻ học việc, nhân viên mới hoàn toàn cần thời gian dài để đào tạo, bao nhiêu người có thâm niên quay trở lại để tiếp tục “chiến” với nghề? Ngành nói chung và các cơ sở kinh doanh nói riêng làm thế nào để giữ được chân lực lượng lao động chuyên nghiệp ở lại? Du lịch nói chung có còn đủ sức thu hút trở lại lực lượng lao động chuyên nghiệp đã bỏ ngành vì dịch bệnh và các lý do bất khả kháng khác?...

- Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 - 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, nhu cầu về lao động khối cơ sở lưu trú khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.

- Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam mỗi năm ngành cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn còn thấp, cụ thể năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 (một phần mười lăm) Singapore, 1/10 (một phần mười) Nhật Bản và 1/5 (một phần năm) Malaysia. Nhân lực ngành Du lịch còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức. Số lượng nhân lực còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ đầu đàn làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ, nhất là sau làn sóng di chuyển lao động du lịch sang các ngành khác do tác động của đại dịch Covid 19 vừa qua. Kiến thức hội nhập, ngoại ngữ, tin học; năng lực sáng tạo, lãnh đạo, quản lý, quản trị và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế chưa tương ứng với yêu cầu phát triển của Ngành. Một bộ phận nhỏ chưa tích cực tự học, còn ngại học, kết quả làm việc không cao. Nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu còn thiếu nhiều nhân lực. Nguồn nhân lực ngành Du lịch hiện đang cần bổ sung ở một số vị trí như cán bộ tham mưu quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, chuyên gia hoạch định chính sách, nghiên cứu chiến lược phát triển Ngành; đặc biệt thiếu chuyên gia đầu ngành giỏi kỹ thuật, nghiệp vụ du lịch. Trong bối cảnh chung hiện nay, thật sự là Việt Nam rất thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm trong ngành du lịch, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành du lịch trong nước.

chất lượng nguồn nhân lực du lịch việt hâu khủng hoảng
Đầu tư cho yếu tố con người là đầu tư quan trọng cần quan tâm

Du lịch vốn là ngành kinh tế được nhiều quốc gia chọn lựa để đầu tư phát triển. Du lịch Việt cũng đang từng bước đi đến định hướng này với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, một trong những yếu tố quan trọng và then chốt nhất, cần được quan tâm đầu tư hàng đầu chính là chất lượng nguồn nhân lực du lịch phục vụ khách.

Chi tiết hiện trạng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch Việt Nam thế nào – Triển vọng phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh mới ra sao – Đề xuất định hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam giai đoạn tới là gì?... Tất cả có trong tệp tài liệu cùng tên được đính kèm trong buổi hội thảo vừa kết thúc.

Mời bạn đọc xem chi tiết tài liệu Hội thảo: “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới – Thách thức và triển vọng”

(Nguồn: Hội thảo: "Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới:

Thách thức và Triển vọng)

 

Tags:
Nguồn nhân lực du lịch Việt hậu khủng hoảng: Nhìn nhận thực tế để có giải pháp triển vọng
4.2 (862 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN