Kinh doanh bán phòng trên Airbnb: cân nhắc kỹ để không lợi bất cập hại

Airbnb được xếp vào danh sách những kênh OTA bán phòng hiệu quả nhất thế giới, và đang thực sự “bành trướng” tại thị trường Việt Nam. Nhiều chủ đầu tư khách sạn, homestay, nhà nghỉ hay cả căn hộ dịch vụ cũng ráo riết tạo tài khoản và đăng bán phòng trên Airbnb trước độ nóng cầu tăng đột biến ở hiện tại. Tuy nhiên, thực tế, không ít người trong số đó nhận ra tổng doanh thu 1 tháng không đủ để trả tiền lãi hoặc tiền thanh toán định kỳ…

kinh doanh bán phòng trên airbnb: cân nhắc kỹ để không lợi bất cập hại
Airbnb là một trong những kênh OTA bán phòng hiệu quả nhất hiện nay tại Việt Nam

Airbnb chiếm thị phần lớn trong ngành khách sạn và lưu trú

Hoteljob.vn đã từng có bài cảnh báo “Nguy cơ nhiều khách sạn tại Việt Nam sẽ mất khách vì Airbnb”, bởi một số lượng lớn khách du lịch hiện nay lựa chọn đặt phòng qua kênh OTA uy tín này.

Do đó, phải công nhận rằng mô hình dịch vụ Airbnb tuy khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng đang gây ra mối đe dọa rõ rệt cho ngành khách sạn truyền thống khi cung cấp nhiều lựa chọn thay thế cho khách du lịch, mang đến nhiều lựa chọn dịch vụ với giá rẻ, cơ chế thực hiện đơn giản, chính sách bảo hộ quyền lợi tốt, trở thành kênh OTA bán phòng hiệu quả và giàu tiềm năng phát triển nhất tại Việt Nam ở hiện tại. Bằng chứng là Airbnb bắt đầu xuất hiện tại nước ta từ năm 2015 với khoảng 1.000 phòng được cho thuê vào năm đó thì chỉ sau 2 năm (năm 2017), Airbnb đã tăng trưởng ấn tượng và cung cấp hơn 16.000 đơn vị lưu trú tính riêng ở thị trường Việt Nam (theo báo cáo khảo sát khách sạn năm 2017 của Grant Thornton); mạnh mẽ nhất ở các thành phố lớn là trọng điểm du lịch như Tp.HCM, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Sa Pa… và dự định tiếp tục “bành trướng” tại nhiều tỉnh thành có hoạt động du lịch sôi động khác. Dự báo trong thời gian tới, nhiều khách sạn của Việt Nam, phần lớn là phân khúc tầm trung, sẽ đối mặt với nguy cơ “mất khách” từ Airbnb.

Kinh doanh bán phòng trên Airbnb tại Việt Nam: thu cao nhưng không đủ chi

Chính tiềm năng kinh doanh hấp dẫn của mô hình lưu trú Airbnb đã thu hút nhiều nhà đầu tư “dấn thân” vào. Họ tận dụng mọi không gian trống cho dịch vụ “chia sẻ phòng” để thu lợi. Bởi Airbnb cung cấp đa dạng các loại hình không gian từ khách sạn, homestay, nhà nghỉ cho đến biệt thự, nhà phố, căn hộ hay bất cứ nơi nào có đủ chỗ cho một lượng khách nhất định, thậm chí lớn hơn so với phòng khách sạn thông thường. Được biết, đối tượng khách lựa chọn đặt phòng trên Airbnb nhiều nhất là thế hệ người trẻ Millennials, những khách du lịch linh hoạt và có nhu cầu tìm kiếm trải nghiệm cao, phân khúc khách hàng chính của nhiều ngành dịch vụ.

kinh doanh bán phòng trên airbnb: cân nhắc kỹ để không lợi bất cập hại
Mọi không gian trống có thể được tận dụng để đăng bán trên Airbnb và thu lời

 

Không thể phủ nhận rằng từ khi Airbnb “du nhập” vào Việt Nam, thị trường kinh doanh bán phòng trong nước trở nên sôi động và đầy cạnh tranh. Nhiều người tận dụng những căn phòng trống sẵn có, biệt thự thuê dài hạn, thậm chí mạnh tay mua, thuê lại những căn hộ, villas bỏ trống để cho thuê lại ngắn hạn, tức đăng ký bán phòng trên Airbnb với giá cao hơn. Kết quả, phòng tuy có bán được nhưng tổng kết lại, không ít trong số đó nhận ra rằng tổng doanh thu trong 1 tháng không đủ để trả tiền lãi hoặc tiền thanh toán định kỳ cũng như nhiều chi phí bổ sung, phát sinh khác. Như thế có phải là lợi bất cập hại không chứ?

Đầu tư Airbnb thế nào để thành công?

Thế nào là đầu tư Airbnb thành công? – câu trả lời đơn giản và chính xác nhất là nguồn thu phải lớn hơn chi, lớn hơn càng nhiều càng có lời. Để đạt được điều này, cách duy nhất là đăng bán được phòng nhiều nhất có thể. Muốn vậy, bạn lại phải trả lời tiếp câu hỏi “làm thế nào để thu hút khách đặt phòng trên Airbnb?” hay “làm thế nào để tối đa doanh thu từ Airbnb?”.

Ngoài ra, theo JLL (dịch vụ tư vấn BĐS thương mại toàn cầu), trước khi quyết định đầu tư vào Airbnb, các Host cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Một là, địa điểm phải thuận tiện, gần các điểm du lịch nổi tiếng hoặc gần sân bay, bến tàu xe, có hạ tầng giao thông tốt, đa dạng các tiện ích đi kèm xung quanh như cửa hàng tiện lợi, khu ẩm thực, khu vui chơi giải trí…
  • Hai là, quản lý chặt chẽ mọi khâu liên quan đến đăng bán và cung cấp thông tin phòng, phục vụ phòng. Trường hợp đó không phải là chuyên môn của chủ nhà, hãy nghĩ đến phương án thuê nhân viên quản lý có kinh nghiệm hoặc sử dụng dịch vụ co-host tiện ích của Airbnb để đảm bảo không xảy ra các vấn đề nghiêm trọng về an ninh, thiệt hại tài sản và danh tiếng của cả người cho thuê và người thuê.
  • Ba là, ưu tiên các yếu tố trải nghiệm cho khách thuê. Nếu Homestay thành công khi tận dụng chiến lược “trải nghiệm cùng người địa phương” và áp dụng “giá cả cạnh tranh” thì Airbnb cũng có thể tận dụng tương tự như thế. Trước khi đầu tư Airbnb, hãy nghĩ xem cơ sở của bạn sẽ mang lại điều gì, trải nghiệm gì tuyệt vời hơn những khách sạn truyền thống trong cùng mức giá, chẳng hạn: trải nghiệm thú vị với người dân địa phương, hiểu thêm về văn hóa, ăn thêm một món lạ, check-in với những kiểu trang trí độc nhất, thưởng thức ly cà phê phin ngay trong nhà bếp hay bất cứ điều gì khác làm bạn khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
  • Cuối cùng là, nắm rõ những thủ tục đăng ký kinh doanh cần thiết cho mô hình lưu trú Airbnb, đảm bảo hoạt động kinh doanh được thuận lợi, đúng pháp luật và lâu dài, hiệu quả.
kinh doanh bán phòng trên airbnb: cân nhắc kỹ để không lợi bất cập hại
Mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khách thuê là cách các Host thu hút nhiều khách khác

Airbnb thực sự là mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú hấp dẫn và đầy tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để kinh doanh thành công, các chủ đầu tư nên tính toán đủ các phương án, dự trù chiến lược phù hợp, mang đến nhiều ưu đãi và trải nghiệm hấp dẫn, thu hút khách thuê, tăng lượng phòng bán, tăng doanh thu và lợi nhuận để không rơi vào tình cảnh lợi bất cập hại không mong muốn…

​Ms. Smile

Tags: Airbnb
Kinh doanh bán phòng trên Airbnb: cân nhắc kỹ để không lợi bất cập hại
4.4 (054 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN