7 Suy nghĩ sai lầm về nghề Bartender

Bartender - Barista là một, nghề Bartender lương thấp, khó thăng tiến, học Bartender khó xin việc,… là những quan niệm không chính xác về nghề Bartender. Vậy vì sao nói đó là những suy nghĩ sai lầm? Tham khảo bài viết dưới đây của Hoteljob.vn để tự tìm ra câu trả lời hợp lý nhất!

7 suy nghĩ sai lầm về nghề bartender
Bạn có đang có những suy nghĩ sai lầm về nghề bartender?

Bartender là công việc hot nhất nhì trong khách sạn - nhà hàng

Không ngoa khi khẳng định Bartender là một trong những công việc hot nhất nhì trong môi trường dịch vụ khách sạn - nhà hàng hiện nay. Bằng chứng là trên website Hoteljob.vn, những tin tuyển Bartender vẫn dày và chiếm số lượng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tin đăng mỗi tháng. Công việc thú vị, luôn đòi hỏi sự nhạy bén và linh hoạt, sự khéo léo và óc sáng tạo cao; đặc biệt, cơ hội được gặp gỡ với nhiều người, thu nhập hấp dẫn, dễ thăng tiến là những điểm hút ứng viên lựa chọn theo nghiệp "cầm shaker và lắc"...

Tiềm năng là thế, tuy nhiên, công việc Bartender có nhiều nguy cơ mất an toàn. Có thể là gặp phải khách kiếm chuyện lúc say sỉn, làm phật ý kẻ buôn hàng cấm, thậm chí có người còn bị lôi kéo vào nhiều tệ nạn như ma túy, mại dâm, tự mình hủy hoại cả sự nghiệp và cuộc đời mình. Ngoài ra, vì một số suy nghĩ sai lầm, không đúng về nghề Bartender khiến nhận thức của không ít ứng viên bị chệch hướng, từ đó, đưa ra những quyết định thiếu chính xác trong việc chọn - theo đuổi - gắn bó với nghề hay không.

Suy nghĩ sai lầm về nghề Bartender

Dưới đây là 7 "gạch đầu dòng" đặc trưng trong số vô vàn những suy nghĩ sai lầm về nghề Bartender vẫn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người:

►Bartender - Barista là một

Như Hoteljob.vn đã trình bày ở bài viết “5 suy nghĩ sai lầm về nghề Barista”, Bartender và Barista mặc dù đều được gọi chung là nhân viên pha chế nhưng lại có đặc thù công việc hoàn toàn khác nhau. Nếu Bartender là nhân viên pha chế đồ uống có cồn (chủ yếu là cocktail) làm việc trong các quán bar hay quầy bar của khách sạn - nhà hàng; thì Barista lại là nhân viên phê chế cà phê (Cappuccino, Macchiato, Latte, Frappuccino,…) làm việc tại quầy pha chế trong các quán cà phê hay nhà hàng - khách sạn.

►Học Bartender khó xin việc

Chỉ tính riêng các tin tuyển dụng việc làm Khách sạn - Nhà hàng & Du lịch trên Hoteljob.vn, Bartender là một trong những công việc có nhu cầu tuyển dụng cao nhất khi có đến hàng trăm tin đăng tuyển tìm kiếm ứng viên mỗi ngày. Chỉ cần tốt nghiệp khóa đào tạo kỹ năng pha chế, biết pha chế một số loại thức uống có cồn cơ bản, có kỹ năng giao tiếp, nhất là giao tiếp tiếng Anh, có sức khỏe tốt, chịu được áp lực công việc… là bạn hoàn toàn có đủ tiêu chuẩn để ứng tuyển vào bất kỳ quán bar, nhà hàng, khách sạn nào có nhu cầu tuyển Bartender.

7 suy nghĩ sai lầm về nghề bartender
Bartender là một trong những công việc có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong lĩnh vực Nhà hàng - Khách sạn hiện nay

5 Kỹ năng Bartender chuyên nghiệp cần thành thạo​

►Nghề Bartender lương thấp

Cũng theo ghi nhận của Hoteljob.vn, mức lương của Bartender có kinh nghiệm, làm việc trong các nhà hàng - khách sạn hiện dao động trong khoảng từ 5 - 8 triệu đồng/ tháng tùy thuộc vào quy mô nơi làm việc, trình độ tay nghề, kỹ thuật chuyên môn, kinh nghiệm thực tế của mỗi ứng viên. Ngoài lương cơ bản, các Bartender còn được hưởng đầy đủ các chế độ đãi ngộ theo quy định, được nhận service charge hàng tháng, nhận tiền TIP - thưởng của khách. Như vậy, so với các bộ phận khác trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn, thu nhập của vị trí Bartender không hề thấp, nếu không nói là cao, thậm chí cao hơn.

►Nghề Bartender khó thăng tiến

Bất kỳ ngành nghề nào trong lĩnh vực Nhà hàng - Khách sạn cũng có lộ trình thăng tiến rõ ràng, nghề Bartender cũng vậy. Thông thường, những học viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm sẽ được bắt đầu với vị trí Phụ bar (trợ giúp các Bartender vệ sinh quầy bar, chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu pha chế, décor một vài thức uống cơ bản,…) để học hỏi kinh nghiệm, làm quen với điều kiện làm việc thực tế, chuẩn bị đảm nhiệm vai trò nhân viên pha chế chính.

7 suy nghĩ sai lầm về nghề bartender
Lộ trình thăng tiến nghề Bartender trong Khách sạn - Nhà hàng

 

Ngoài ra, để đảm nhận những vị trí công việc cao hơn như Bar trưởng, Giám sát thức uống, Quản lý thức uống, các Bartender phải không ngừng nỗ lực học hỏi, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, nâng cao trình độ tay nghề, tích lũy kinh nghiệm thực tế, có sự sáng tạo trong việc tạo ra các công thức pha chế mới… đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ở các vị trí cao hơn.

►Bartender phải trình diễn được các động tác pha chế đẹp mắt

Kỹ thuật biểu diễn là một trong những kỹ năng đỉnh cao mà bất kỳ Bartender nào cũng ao ước đạt được. Tuy nhiên, muốn có được điều này, bạn phải mất một thời gian dài để học hỏi và rèn luyện. Không phải tất cả các nhà tuyển dụng đều yêu cầu nhân viên Bartender thành thạo kỹ năng này. Việc trình diễn được các động tác pha chế đẹp mắt như múa shaker, quăng chai (Flair Bartending), tung hứng,… chỉ là một trong những kỹ năng cốt yếu giúp phân biệt tay nghề các Bartender. Do đó, đây là kỹ năng nên có chứ không quá bắt buộc; các Bartender vẫn có thể tìm được những cơ hội việc làm tốt với mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn dù không/ chưa có kỹ năng biểu diễn điêu luyện. Tuy nhiên, nếu muốn thăng tiến lên các vị trí cao hơn, hãy cố gắng sở hữu kỹ năng này.

►Con gái không nên học nghề Bartender

Không ít người quan niệm nghề Bartender chỉ dành cho nam giới vì tính chất công việc đòi hỏi sự dẻo dai, áp lực cao, luôn luôn làm ca, kể cả ca gãy,… Tuy nhiên, thực tế cho thấy nữ giới có rất nhiều điểm phù hợp với nghề. Bởi Bartender không chỉ yêu cầu có sức khỏe, kiến thức về nguyên liệu, công thức, phương pháp pha chế, kỹ năng pha chế, kỹ thuật biểu diễn mà còn cần niềm đam mê, sự tỉ mỉ, tinh tế, khéo léo trong cắt tỉa trang trí, giao tiếp ứng xử, có tinh thần ham học hỏi, khả năng sáng tạo,... Những kỹ năng này lại đặc biệt phù hợp với nữ giới. Ngoài ra, nhắc đến Bartender nữ, không một ai trong nghề không công nhận tài năng của Ivy Mix (một trong những nữ Bartender tên tuổi và có sức ảnh hưởng nhất tại Mỹ), Pamela Wiznitzer, Micaela Piccolo,… hay tại Việt Nam có Hoàng Thương Thương (cô Bartender xinh đẹp bỏ ngang công việc nhân viên văn phòng để tìm đến những ly cocktail, mocktail quyến rũ), Jennyfer Phạm,…

7 suy nghĩ sai lầm về nghề bartender
Không ít các nữ Bartender nổi tiếng có tên tuổi, có tay nghề cao và có tiếng nói trong nghề

►Nghề Bartender nhiều cám dỗ, dễ sa ngã

Đây là quan niệm không sai nhưng chưa thực sự đúng. Thực tế thì nghề Bartender rất nhiều cám dỗ, các nhân viên Bartender, nhất là nữ giới hàng ngày phải tiếp xúc và phục vụ rất nhiều thành phần khách hàng ở mọi tầng lớp (từ thượng lưu, doanh nhân đến công nhân, dân lao động, tệ nạn xã hội,…) với đủ các kiểu ăn chơi, giải trí từ lịch sự đến quậy phá, thậm chí mại dâm. Những điều này các Bartender đều dễ dàng bắt gặp và họ rất dễ bị lôi kéo bởi những hào nhoáng tiền tài. Tuy nhiên, không phải tất cả Bartender đều như vậy. Với những ai thực sự yêu nghề, coi trọng đạo đức nghề nghiệp, có ý chí kiên định, có lòng tự tôn,… họ sẽ hoàn toàn tránh được cám dỗ, biết cách giữ mình, hoàn thiện mình để tìm kiếm cơ hội thăng tiến cao hơn. Ngoài ra, cách tốt nhất để hạn chế cám dỗ là làm việc trong những đơn vị kinh doanh có uy tín với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Tham khảo chi tiết và tìm việc Bartender trên website Hoteljob.vn, bạn chắc chắn sẽ nhanh chóng có được công việc như ý muốn.

Với những thông tin mà Hoteljob.vn chia sẻ trên đây hy vọng sẽ giúp bạn loại bỏ những suy nghĩ sai lầm đang tồn tại về nghề Bartender, từ đó bước đầu định hình lại những quan điểm khách quan hơn về nghề nghiệp này, tạo động lực để theo đuổi nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm và đạt được mục tiêu thăng tiến trong tương lai.

5 “điều cấm kỵ” cần tránh khi làm nghề Bartender

Ms. Smile

Tags:
7 Suy nghĩ sai lầm về nghề Bartender
4.9 (339 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN