Cựu Bí thư Nguyễn Sự hiến kế “để du lịch Hội An tốt hơn”

Mới đây, tại buổi tọa đàm với chủ đề “Làm thế nào để du lịch Hội An tốt hơn?” – các chuyên gia hiểu biết và yêu quý Hội An đã đưa ra những giải pháp cụ thể và sâu sát, góp phần giúp thành phố này phát triển du lịch bền vững mà vẫn giữ được nét đặt trưng riêng. Dưới đây là toàn văn phát biểu của cựu Bí thư thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự - một người vô cùng tâm huyết với du lịch Hội An tại buổi tọa đàm.

 

“Làm thế nào để du lịch Hội An tốt hơn?” là một câu hỏi ngắn thôi nhưng để trả lời được câu hỏi này còn rất nhiều vấn đề phải đặt ra, không chỉ trong khuôn khổ của một cuộc tọa đàm như hôm nay.

Đây cũng là câu hỏi mà không chỉ những người làm du lịch, chính quyền mà người dân Hội An, những người hưởng lợi trực tiếp – gián tiếp từ du lịch đều phải trả lời câu hỏi này bằng chính hành động của mình, bằng chính việc làm của mình.

Di sản kiến trúc của chúng ta được công nhận là di sản văn hóa thế giới - chắc chắn chúng ta phải giữ. Chúng ta giữ ở đây, thứ nhất giúp giải quyết bài toán giữ gìn của quá khứ, giữ gìn giá trị văn hóa của chính những người đi trước ở Hội An tạo ra. Thứ hai, chúng ta giữ tài nguyên văn hóa đồng thời là tài nguyên kinh tế vô cùng lớn của Hội An. Nếu chúng ta làm mất đi, làm biến dạng nó đi thì sẽ dẫn đến chúng ta mất đi các giá trị vật chất khác. Ở đâu tôi không biết, người ta sẵn sàng đánh đổi đi các giá trị văn hóa để lấy các giá trị vật chất. Riêng ở Hội An các giá trị nhân văn càng được tôn vinh bao nhiêu thì các giá trị vật chất mang lại lợi ích bấy nhiêu.

Hiện nay cần nhìn nhận rằng phố cổ chúng ta có biến dạng không? – Chúng ta đang bị biến dạng ở mức độ này, mức độ kia từ trong kiến trúc từng ngôi nhà, từng viên gạch lát, từng vỉa hè… Sự biến dạng này dần dần sẽ dẫn đến sự mất đi tài nguyên này. Đôi lúc cần phải có giải pháp cực đoan để chúng ta giữ lại, không phải cho chính quyền, không phải cho cá nhân người làm du lịch – mà chúng ta giữ những giá trị này là để cho cuộc sống của người dân. Tất nhiên những cái như công trình vệ sinh chúng ta phải hiện đại nó lên, nhưng về mặt kiến trúc – bài trí chúng ta phải giữ.

Nay sân trời cũng che lại, nó không còn là Hội An nữa. Cái sân trời bản thân nó là yếu tố phong thủy - lấy không khí, ánh nắng, gió cho một ngôi nhà hình ống như vậy. Đồng thời nó muốn nói lên người dân Hội An luôn luôn đối thoại với thiên nhiên và nương tựa vào tự nhiên, không bịt kín, không khép kín. Dân Hội An kín đáo nhưng không khép kín. Nếu giờ chúng ta che sân trời lại thì bản thân kiến trúc Hội An sẽ mất đi linh hồn của nó. Bây giờ chúng ta phải có những giải pháp, chủ trương cực đoan và quyết liệt. Người dân khu phố cổ cũng hiểu rằng giá trị khu phố cổ cũng là giá trị của chính họ, tài nguyên của chính họ, chính đáng làm giàu cho họ. Vấn đề tôi nói hôm nay làm cho du lịch tốt hơn là phải giữ tài nguyên du lịch.

Cựu Bí thư Nguyễn Sự hiến kế “để du lịch Hội An tốt hơn”

Sân trời trong kiến trúc nhà cổ Hội An

Tài nguyên thứ hai chúng ta cần phải gìn giữ đó là làng quê, sông nước, cảnh quan, môi trường, biển đảo và các làng nghề. Thực chất những làng nghề đó là gì, đó là những nghệ nhân, những hoa văn – họa tiết làm trên từng sản phẩm đi khắp nước, và chính họ là sứ giả đi giới thiệu – quảng bá hình ảnh văn hóa Hội An. Hôm nay có một nghề mới là nghề làm lồng đèn – lồng đèn là biểu tượng, biểu trưng cho cả du lịch Quảng Nam, không chỉ riêng là Hội An. Chúng ta cần phải giữ nó, bảo vệ nó.

Với làng rau Trà Quế 300 ha, sâu 1m2 – khi nước thủy triều lên, mà hệ thông thoát nước không thoát được thì bản thân chính nơi đó là “cái lu” để đựng nước, làm cho nhà cửa – đường phố không bị ngập. Nếu chúng ta lấp nó, nâng công trình đó lên, đến khi nước thoát ra đường cống mà bản thân khi mực nước thủy triều lên không có chỗ thoát – toàn bộ đường phố Hội An ngập hết. Cho nên tất cả những cái đó là giá trị, không chỉ là giá trị cho du lịch mà nó là giá trị sống. Cù Lao Chàm quá tải - rừng dừa Bảy Mẫu quá tải. Sự quá tải ở đâykhông phải là khách đông hoặc ít, mà sự quá tải ở đây sẽ làm vỡ đi không gian yên bình của nó. Những con chim cu, chim cò không còn ở đó nữa, cá không quẩy nữa bởi vì 1.000 cái thúng lắc ở dưới đó, người cũng sặc mùi bùn chết, huống chi cá. Tài nguyên chúng ta có là “Phước bất trùng lai” – 10 năm trước được Unesco công nhận Di sản văn hóa thế giới, 10 năm sau Unesco công nhận nó là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nó vừa có giá trị tài nguyên nhân văn vừa là giá trị tài nguyên thiên nhiên được thế giới công nhận, không nơi nào có cái diễm phúc như vậy ở Hội An. Như vậy thì chúng ta phải giữ.

Trong kiến trúc có một vấn đề nữa, con đường cũng là kiến trúc, nó tạo ra diện mạo của Hội An. Chúng ta đã cấm xe không vào, bây giờ chúng ta quá tải, với diện tích 0,5 km2 chứa 6,7 triệu lượt khách thì không có không khí để mà thở. 6 – 7 triệu lượt khách đến Hội An là để giãn nó ra, bây giờ chúng ta cứ áp lực mỗi năm bao nhiêu chục triệu lượt khách nhưng giá trị tăng thêm của bao nhiêu chục triệu lượt khách là cái gì? Cái bền vững là ở chỗ đó. 5 khách đến Hội An người ta tiêu 10 đồng, còn 20 chục ông khách đến Hội An tiêu 10 đồng thì nên chọn ông nào?

Du lịch Hội An, chúng ta cứ nói đến du lịch bền vững nhưng bền vững là hệ quả tất yếu, nó là kết quả cuối cùng. Và để cho nó bền vững du lịch phải có trách nhiệm. Anh không có hành động trách nhiệm đối với du lịch, đối với môi trường, đối với cảnh quan thì chắc chắn rằng sẽ không có được kết quả bền vững.

Đừng cứ hô miết - hôm trước anh Thủy làm cái “nhân tình thuần hậu” gửi cho Hội An, đó là hành động, chỉ cần mỗi người góp một chút như vậy thôi để quảng bá, nói về cái tốt - thì chính cái đó góp vào hành động có trách nhiệm để cho Hội An được tốt hơn. Cái cảnh chèo kéo, thế này thế kia, thì cái tính nhân tình thuần hậu - bây giờ nói dân Hội An không còn thuần hậu thì đúng hơn. Nhưng chúng ta thấy được rằng hiện nay có một bộ phận qua kinh doanh bắt đầu đã bị tha hóa, mà chính cái điều đó ở đâu thì chấp nhận được nhưng Hội An này không chấp nhận. Tôi lấy ví dụ quán cà phê vừa rồi nếu xảy ra ở Sài Gòn, Hà Nội – cái chuyện đó là chuyện nhỏ xíu nhưng mà nó xảy ra tại Hội An thì nó trở dậy sóng vì người ta yêu Hội An và muốn rằng Hội An phải tốt. Không có vết bụi, vết bẩn – nó như pha lê vậy nhưng trên đời này làm gì có pha lê, để giải quyết vấn đề đó chúng ta cần phải biết chấn chỉnh, chúng ta cần phải tự nhìn lại mình, soi lại mình, chúng ta không thể chủ quan. Nhiều doanh nghiệp, nhiều lời khen là điều đó tốt, vô cùng tốt. Tôi rất mừng khi bản thân người ta biết dân Hội An. Trên Google họ lấy cái biểu tượng chùa Cầu Hội An, trong đó có ánh trăng, hoa đăng thả dưới sông – người ta đang nói là không gian Hội An, con người Hội An yên bình như vậy, tĩnh lặng như vậy. Chứ không phải vinh danh chùa Cầu – chùa Cầu là một trong hàng ngàn di tích của Hội An. Không gian Hội An là vậy.

Ông Đoàn Ngọc Hải ra đây nhắn cho tôi cái tin, ổng quay toàn bộ cảnh: “Anh Sự ơi, dưới sông bây giờ ô nhiễm hết trơn” mà dòng sông nó phải thơ mộng, nó phải yên bình, chứ không phải nhốn nháo karaoke, loa kẹo kéo. Cái đó chúng ta giải quyết được không? Tại sao không được? Tôi nói thật cái đó không giải quyết được thì cái gì mới giải quyết được? Rất dễ! Chúng ta làm quyết liệt là được.

Đèn thì bữa ni, tôi cũng đi Hồng Kông rồi, đèn Hồng Kông cũng ít hơn đèn mình, đủ thứ màu sắc nhấp nha nhấp nháy mà nó chỉ lung linh khi bản thân nó vừa phải, đèn lồng cũng vừa phải. Bây giờ đèn lồng Hội An trở thành khẩu hiệu, dây giăng đầy, chưa kể hàng quán trang trí lung tung: một cái bảng để dọc theo, nhà thì để ngang để ngửa, xe cộ thì lung tung. Lâu nay dân mình làm tốt điều này. Chính tất cả những cái đó là môi trường để nó bền vững, là không gian văn hóa.

Vấn đề xe, xe 45 chỗ ngồi đút dô bãi đó, nó quay cái đầu là bí, là tắc rồi. Tôi đồng ý một điều nên mở đường Phan Chu Trinh ra, trở thành phố không có xe ô tô. Và chúng ta làm bãi xe xa ra, hiện nay chúng ta có xe điện làm trung chuyển. Thậm chí đến cái cuối cùng cấm xe 45 chỗ ngồi đi vào phố, dần dần người ta quen thôi. Chúng ta đi nước ngoài cũng thấy, xe chở khách đến đó, đỗ khách xuống rồi chạy đi, đến giờ gọi xe quay lại. 6 triệu khách cần bãi đỗ xe, vậy lên 30 triệu khách cần bãi đổ xe ở đâu? Còn bãi đổ xe ngầm đó là chuyện tương lai, phải tính toán lâu dài chứ đất hết rồi, chưa kể giữ xe tràn lan.

Vấn đề con người Hội An, nói tha hóa – đúng, tôi nói thật bây giờ nhìn lại lịch sử như thế này: Hội An từng là cảng thị, nơi đã từng giao lưu kinh tế, giao lưu văn hóa – nơi đây hệt như Hợp chủng quốc vậy, dân các nơi, khắp cả nước này, dân nước ngoài người Hoa - người Nhật - Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha - Hà Lan - Ấn Độ đã từng ở đây, sống ở đây, kinh doanh ở đây tạo ra một thứ văn hóa đó là văn hóa Hội An, rất là Hội An, sống hòa bình. Chứ đừng nói vì người ta vào đây ở người ta biến dạng, khi bản thân nội lực mạnh, sức đề kháng mạnh chính anh làm cho họ trở thành người Hội An thật sự, dù họ ở quê nào – đất lành chim đậu. Tất nhiên có bộ phận này bộ phận kia, nhưng nếu chúng ta xử lý nghiêm ông này thì bản thân họ thấy được chúng ta rất công bằng. Chính cái chúng ta xử lý không nghiêm một vài trường hợp dẫn đến cả thành phố không nghiêm, chưa kể xấu hay không xấu.

Những sản phẩm mà chúng ta dồn hết vào khu phố cổ, ban nãy có cái đề xuất ở làng rau Trà Quế nên có cái gì đó để kéo giãn khách ra, để có chỗ chơi. Làm sao đó để tạo ra những sản phẩm ngoài phố cổ - đó là điều những người làm du lịch phải suy nghĩ, không chỉ dồn vô chỗ nghỉ, làm nhà hàng ở phố cổ, mà cần tạo ra những sản phẩm mới ngoài phố cổ.

Bây giờ tôi kết thúc câu chuyện này bằng một việc: vừa rồi tôi đi xem show diễn của Hà Anh Tuấn, vì sao cả nước người ta dồn về mà Hội An – Đà Nẵng không mua được vé, vì tạo được sự khác biệt trong show diễn này. Show diễn Hà Anh Tuấn đã kể chuyện bằng âm nhạc, kể chuyện cuộc đời, cuộc tình của bản thân Hà Anh Tuấn bằng âm nhạc. Đó là sự khác biệt để người ta xem. Tại sao du lịch chúng ta không tạo ra sự khác biệt?

Việc thứ 2, nửa chừng thấy dân Hội An ngoài ni hát theo, Hà Anh Tuấn dừng lại để nghe dân ngoài này hát, dân mình ngồi ngoài cổng – hát nửa chừng xong ảnh hỏi khán giả có đồng ý mở cửa để cho dân người ta vào không? Rất lịch sự. Và khi khán giả đống ý một cái, Hà Anh Tuấn bảo mở cửa cho dân vào. Một thái độ vô cùng có văn hóa. Tôi chưa biết ảnh ở ngoài đời như thế nào nhưng thái độ ứng xử như vậy – để thắng trên mảnh đất của mình chúng ta phải tạo nên sự khác biệt, khác biệt không phải là sự khác lạ, khác lạ là không giống ai. Chính show diễn của Hà Anh Tuấn ở Hội An là một trong những bài học để chúng ta rút kinh nghiệm việc này. Và tôi đề nghị, học quản lý bờ biển đừng học đâu xa, ra Đà Nẵng học – học quản lý vỉa hè, ra Huế học. Huế bữa nay sạch - gọn - trật tự - ngăn nắp…

Xin cám ơn tất cả đã chú ý lắng nghe!"

Cựu Bí thư Nguyễn Sự hiến kế “để du lịch Hội An tốt hơn”

 

Đến Hội An du lịch mùa thu – đông, cớ sao không?

Ms. Smile ghi lại

Cựu Bí thư Nguyễn Sự hiến kế “để du lịch Hội An tốt hơn”
4.0 (650 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN