Những vấn đề quanh bài toán thay đổi phí bảo hiểm xã hội 1/2016

Những vấn đề quanh bài toán thay đổi phí bảo hiểm xã hội 1/2016

Bắt đầu từ đầu năm sau, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được thay đổi dựa trên quy định của Luật BHXH năm 2014. Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết tháng 12 năm 2017, phí  BHXH sẽ được xác định dựa trên thu nhập thực tế bao gồm lương và phụ cấp được quy định trên hợp đồng lao động. Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Về mức đóng, người lao động sẽ đóng 8% lương và doanh nghiệp đóng 18% còn lại, chiếm 26% lương hàng tháng. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2018, lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% đối với lao động nam là 35 năm, lao động nữ là 30 năm.

Để dễ hình dung, chúng ta có thể làm một phép tính như sau.

Tổng tiền đóng BH liên tục trong 30 năm đối với lao động nữ có mức lương 6 triệu đồng/ tháng.

Lương 6tr đóng 8% =480 ngàn/tháng x 30 năm x 12 tháng = 172,8 triệu đồng.

Số tiền lãnh khi về hưu ( tạm tính theo hiện hành 75%) trong 1 năm (trong trường hợp người lao động đóng đủ BHXH trong 30 năm liên tiếp, không nghỉ hưu sớm).

0.75x6tr = 4.5 tr/tháng => 1 năm lương hưu = 4,5 x 12 = 90 triệu đồng.

Mặc dù không thể phủ nhận những thay đổi tích cực với quy định đóng bảo hiểm xã hội mới như, bảo đảm quyền lợi của người lao động; số tiền lương hưu nhận đượng tăng tỉ lệ thuận với số tiền đóng và thời gian đóng. Tuy nhiên, tuổi hưu trung bình của người Việt thấp hơn nhiều so với thế giới (54,2 (55,6 với nam và 52,6 đối với nữ) so với mức dao động 60-62) mà quy định đóng liên tiếp trong 30 hay 35 năm sẽ khó lòng mà được đảm bảo.

Ngoài ra, thay đổi mới này cũng nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều từ chính người lao động và chủ doanh nghiệp.

Chị Hongnguyen84 cho biết: “Tôi thực sự không hài lòng khi tham gia BHXH vì quyền lợi được quá ít so với chi phí đóng, chưa kể Nam giới gần như không có quyền lợi gì. Khi ốm đau, tôi và các đồng nghiệp cũng tự đi khám và mua thuốc chứ trông chờ vào BHXH có quá nhiều thủ tục và xin giấy tờ khó, cũng khó trong thanh toán chế độ. Rủi ro trong cuộc sống thì quá nhiều mà BHXH thì chi trả thấp, nếu nói đến trường hợp xấu là tử tuất như 1 đồng nghiệp mà tôi đi viếng thì thủ tục lấy được 24 tháng lương tối thiểu là quá ít và quá lâu. Ngoài ra, bản thân tôi cũng có cách tích lũy của riêng mình và tự tìm đến các hình thức bảo hiểm về sau nên tôi không đồng tình tham gia nhiều tiền vào BHXH.”

Nhiều người cũng bày tỏ lo ngại việc tăng mức đóng BHXH sẽ khiến cho thu nhập của mình bị ảnh hưởng khi gánh nặng tiếp tục đè lên đôi vai vốn “trơn” của doanh nghiệp. Anh Nguyễn Việt chia sẻ: “Nếu doanh nghiệp đóng 18% thì chi phí đó sẽ cộng vào giá thành làm cho giá thành đội lên làm sao cạnh tranh. Như vậy 18% đó là của người lao động, doanh nghiệp nào cũng tính toán như vậy mặc dù không nói ra. Và cuối cùng người lao động sẽ lãnh hết.”

Người lao động hoài nghi, các doanh nghiệp cũng không khỏi có những lo lắng về chính sách bảo hiểm mới. Những công ty lớn, có tiềm lực kinh tế tốt sẽ không bị tác động nhiều nhưng những doanh nghiệp nhỏ với doanh thu thấp thì sẽ là bài toán khó, nếu như không giải quyết được dễ dẫn đến tình trạng “đứt gánh giữa đường” hay những chiêu trò trốn đóng bảo hiểm, chây ì hay thậm chí là giảm bớt nhân công để nhẹ gánh tiền bảo hiểm.

Không những thế, đặc thù kinh doanh mỗi ngành nghề lại có sự khác biệt, không giống nhau nên khó áp dụng chung một quy chuẩn. Những doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ như nhà hàng- khách sạn, du lịch cũng đang “khóc dở mếu dở” bởi quy định mới này. Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Hoteljob.vn –Website đăng tin tuyển dụng ngành nhà hàng –khách sạn, du lịch hàng đầu Việt Nam cho biết: “Công việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và dịch vụ khó có thể trụ vững tới tận 30, thậm chí 35 năm. Chính vì vậy, không những làm doanh nghiệp e dè mà chính người lao động cũng ngần ngại trong việc đóng BHXH cho bản thân mình”.

Ngoài ra, một lý do nữa khiến cho người lao động không mặn mà với các loại BHXH chính là thủ tục rắc rối và thái độ làm việc thiếu cởi mở, thân thiện của các cán bộ, nhân viên của cơ quan BHXH. Có lẽ, thay đổi nào cũng cần thời gian để thích ứng mới có thể đo lường được mức độ phù hợp và khả thi. Nhưng để có được sự đồng thuận của tất cả các bên có liên quan thì cần một sự nghiên cứu và suy xét thật kỹ lưỡng, đặc biệt là các chính sách có tác động lớn tới toàn xã hội như thế này.

​Hoteljob.vn

Tags:
Những vấn đề quanh bài toán thay đổi phí bảo hiểm xã hội 1/2016
4.6 (326 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN