CUỘC GẶP GỠ TÌNH CỜ - CÂU CHUYỆN BUỒN CỦA MỘT HOUSEKEEPER

 

Năm đó tôi gặp chị một cách tình cờ. Người phụ nữ chỉ hơn tôi vỏn vẹn 5 tuổi, tay xách nách mang cô con gái nhỏ từ quê lên thành phố. Hôm đó, chị ngồi ngay lối đi vào nhà tôi, dưới dàn hoa giấy, trong một ngày mưa giăng kín phố phường. Chả hiểu vì gì mà tôi đã mang 2 mẹ con vào nhà, cho 2 mẹ con tắm rửa, ăn uống rồi cho con bé ngủ. Tôi ngồi nghe câu chuyện của chị.  

Một cô gái quê lấy chồng sớm, sinh con khi tuổi chỉ vừa tròn đôi mươi. Học vấn chỉ được đến lớp 10, kinh nghiệm làm việc thì hầu như không có. Lấy chồng xong thì ở nhà cơm nước giặt giũ. Năm sinh con bé, chị vừa tròn 20. 7 năm ở nhà chăm con, quanh đi quẩn lại cuộc sống của chị cứ thế. Hết chăm con lại chăm chồng, một người chồng chỉ đi làm, về nhà lại ra sức chì chiết chị. Phần gia đình chồng, vì chị không đẻ được con trai nên cũng vì thế mà xua đuổi chị.

Người phụ nữ đáng sợ nhất khi họ một mình vượt qua tất cả mọi cơn bão mà không cần ai giúp đỡ. Tôi rất ngưỡng mộ những người mẹ, người chị đã tần tảo, giỏi làm kinh tế, lại đảm việc nhà. Tôi, không biết may mắn hay bất hạnh khi mà việc nhà tôi hầu như rất tệ. Tôi chả biết nấu một nồi cháo cho đúng vị khi mình bị sốt. Cứ cuối tuần mẹ lại sang nhà tôi để tiếp thêm năng lượng cho tủ lạnh nhà tôi. Có lẽ vì mẹ cứ thế mà tôi vẫn mãi chả khá được dù đã được cấp phép ở riêng để “lớn” hơn.

Tôi để chị và con bé ở lại nhà tôi sau khi gọi cho mẹ hỏi ý kiến. Mẹ tôi, một người phụ nữ quá giàu tình thương đã yêu cầu tôi để hai mẹ con ở lại chỗ tôi ngay lập tức. Sau đó, mẹ tôi có qua nhà tôi. Nói chuyện với chị và dặn dò tôi vài điều.

Có một đêm, tôi đang ngồi làm việc thì nghe tiếng nấc nghẹn phát ra từ phòng ngủ. Tôi gập máy tính, tiến vào phòng thì thấy chị đang ôm con mà khóc. Tôi rất bối rối vì tôi chưa có con, chưa lập gia đình, không thể hiểu được tâm trạng của chị. Tôi tiến gần đến giường, khẽ lay vai chị rồi dìu chị ra phòng khách, tránh làm con bé tỉnh giấc.

Trong cơn nghẹn ngào, chị kể cho tôi về chị, về cuộc hôn nhân không tình yêu của chị, về hành trình 7 năm nuôi con không có hình bóng người cha. Tôi không thể tưởng tượng ra chị đã vượt qua mọi thứ như thế nào, nhưng chắc hẳn một điều là nó không hề dễ chịu một chút nào. Với cô gái chỉ vừa 20, vừa làm mẹ, vừa làm con, cáng đáng một gia đình không phải là chuyện dễ. Trong tiếng nấc đứt quãng của chị, tôi hỏi chị có định hướng gì cho tương lai chưa.

- Thế chị đã định làm gì chưa?

- Chị không có bằng cấp, học hết 12 là cưới chồng rồi ở nhà trồng lúa, nuôi vịt nuôi gà. Dọn  nhà đi ở đợ cho họ thì chị còn biết, chứ… Giọng chị nhỏ dần rồi im bặt.

Tôi động viên chị vì con bé, nhưng trong lòng cũng rất mông lung. Tự dưng lại ôm nợ vào người, mà cái nợ này cũng vì tôi ham chuyện bao đồng quá. Ngày hôm sau lên cơ quan, tôi lân la hỏi các chị đồng nghiệp có ai cần giúp việc không. Mà cũng xui cho tôi, các chị kinh tế cũng chỉ dư dả một tí, thuê giúp việc hầu như là không cần mà cũng không thể. Tôi lại ông mớ rắc rối đó lên mạng tìm xem có cơ may nào cho 2 mẹ con chị và cho tôi không. Cũng không tiếp. Tôi không dám nói cho mẹ nữa, mà cũng không có ai để than thở hay kể lể.

Hôm đó tôi lang thang đi về thì thấy có một tấm bảng tuyển nhân viên lau dọn của một khách sạn nhỏ. Tôi mừng như vớ được vàng thau trời ạ. Lưu vội số điện thoại lại, tôi dong xe đi mua ít đồ ăn và phi thẳng về nhà. Tôi kể với chị về tấm bảng đó, về chuyện có nơi muốn tuyển người lau dọn, không cần bằng cấp, chị có muốn đi làm không. Chị nắm tay tôi rất chặt, một lời cảm ơn dường như không đủ để diễn tả hết cảm xúc của chị. Chúng tôi đã cùng nhau làm cơm tối, tôi lắng nghe chị nói về ước mơ của chị, về tương lai tươi sáng của hai mẹ con. Tôi thật sự không rõ cảm xúc của tôi lúc đấy như nào nữa. Không chỉ đơn thuần là hạnh phúc, nó nhiều hơn, mạnh mẽ hơn cũng ấm áp hơn rất nhiều.

Hôm sau tôi nhờ mẹ qua trông con bé, tôi đưa chị đi làm một bộ hồ sơ để qua xin việc. Công việc không đòi hỏi chuyên môn nên chị được nhận vào làm việc ngay ngày hôm sau. Chúng tôi lại mở tiệc mừng chị có việc.

3 tháng sau thì con bé nhập học. Hôm nhập học, tôi cùng chị đưa con bé đến trường. Với một đứa chưa chồng như tôi, cảm xúc lúc đấy lạ lẫm mà cũng rất buồn cười. Rất lo cho con bé bị bạn bắt nạt, lo con bé trường mới bỡ ngỡ không quen ai mà bị cô lập. Cảm giác giống như một vị phụ huynh lần đầu đưa con đi học vậy đó.

Trong thời gian ở chung với nhau, tôi chứng kiến rất nhiều lần đầu tiên của chị. Lần đầu tiên được cầm một chiếc điện thoại, lần đầu tiên mua một chiếc xe máy dù là mua xe cũ của người ta, lần đầu tiên đưa con đi ăn KFC. Mỗi lần như thế, tôi thấy chị như trẻ thêm ra vài tuổi vậy.

Một thời gian sau đấy, chị qua nhà mẹ tôi. Mẹ có kể, chị qua để cảm ơn mẹ, đã đồng ý cho tôi cưu mang 2 mẹ con chị ấy. Chị cảm ơn trong thời gian qua mẹ tôi đã xem hai mẹ con như người thân trong nhà. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, chị thông báo đã tìm được chỗ ở khác, gần chỗ làm hơn, tiện cho con bé đi học hơn. Tôi cũng thấy mừng vì chị đã tự lập được. Đã không còn yếu đuối như lần đầu tôi gặp chị nữa. Nhưng tự dưng ở với nhau cũng hơn năm có chẵn, chị và bé con đi tôi thật có chút không quen. Chị gởi cho tôi một phong bì tiền, mong tôi nhận. Coi như là tiền thuê nhà, sinh hoạt các thứ. Tôi không nhận vì tôi biết, sắp tới còn nhiều thứ chị cần phải đối mặt, chị cần số tiền này hơn. Tôi bảo chị, bao giờ chị ổn định, khá giả, chị trả em. Bây giờ, chị cần số tiền này hơn em mà. Em còn có gia đình, chị chỉ có mỗi con bé. Giữ tiền này mà mua sữa với lo cho con bé.

7 năm qua, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau. Hầu như tôi chủ động liên hệ với chị. Chắc chị cũng không muốn làm phiền tới tôi nữa. Nhà tôi có đám cỗ, mẹ gọi chị vẫn đưa con bé qua. Chúng tôi vẫn cứ thế cho đến ngày hôm qua, chị qua nhà tôi. Lại một ngày mưa trắng trời, chị đứng ngay cổng nhà tôi giống như một ngày mưa của 7 năm trước. Tôi vội dừng xe, mở cửa rồi đưa chị vào nhà. Tôi ngồi bó gối nghe chị kể chuyện. Câu chuyện của 7 năm về trước, câu chuyện của 7 năm sau này.

Ngày đó chị cưới chồng vì bố mẹ chị muốn thế. Chị cưới mà không biết chồng chị là người như thế nào. Chỉ biết là ở làng bên, hơn chị 3 tuổi. Cưới về, chị ở nhà trồng rau nuôi vịt. Dọn dẹp cơm nước cho cả nhà xong lại quần quật làm việc nhà. Việc nhà chưa xong thì lợn kêu đói sau nhà. Cho lợn ăn xong thì ngồi thái rau cho vịt, rồi lùa vịt vào để vịt ăn. Chồng chị chỉ chơi bời, hết trai làng trên gái làng dưới, hôm nào cũng tụ tập nhau. Chị nói thì bị bảo là đàn bà biết gì mà nói. Nói nhiều quá thì bị chồng đánh. Mà bố mẹ chồng thấy thế lại bảo là do chị lắm chuyện, nói nhiều bị đánh là phải. Đến lúc chị sinh con bé, chồng chị bỏ đi biệt tăm. Bố mẹ chồng chăm chăm chì chiết chị không biết giữ chồng, nó mang con khác về cho đáng đời. Chị vẫn cắn răng chịu đựng. Vừa đau lòng, vừa xót con, chỉ biết chịu đựng. Đến khi bé 6 tuổi hơn, năm đó chồng chị mang bồ nhí về nhà. Con gái chị bị bồ của chồng đánh lúc chị ra đồng lùa vịt. Bố mẹ chồng không nói gì cả, chồng chị thì hùa theo. Chị ôm con thì cũng bị đánh. Tối hôm đó, chị gói gém tiền dành dụm được từ trước. Chuẩn bị mọi thứ rồi sáng hôm sau dắt con lên thành phố. Ngày hôm đó, đúng lúc đi ngang qua nhà em thì trời mưa to, chị đành ôm con đứng trú dưới tán cây hoa giấy. Không nghĩ, sẽ được em cưu mang, giúp đỡ chị và con. 7 năm qua, chị có đổi chỗ làm việc vài lần. Cũng vì muốn có lương cao hơn, lo cho con bé được đầy đủ hơn. Công việc từ nhân viên lau dọn vệ sinh cho đến bây giờ, chị làm buồng phòng ở một khách sạn khá lớn ở trung tâm. Thu nhập cao với một đứa không có kiến thức như chị là một điều trong mơ. Nhưng nhiêu đó vẫn chưa đủ với con gái chị em ạ. Con bé không thích có một người mẹ làm buồng phòng, nó bảo chị làm nó mất mặt với bạn bè. Bố mẹ người ta là ông này bà nọ, còn nó bố thì không có, còn mẹ thì làm lao công, dọn vệ sinh, không khác gì con ở đợ. Mỗi lần chị đến trường đón con bé, thì phải đứng cách cổng trường một đoạn xa. Con bé bảo, chị làm nó ngại với bạn. Ngày hôm nay, con bé xin tiền chị mua điện thoại mới. Mà nó chỉ mới học lớp 8, điện thoại để làm gì mới được. Chị hỏi thì nó bảo lớp con đứa nào cũng được sắm điện thoại riêng cả rồi. Chị cố gắng làm việc, đau ốm cũng không dám nghỉ. Gia đình chồng đòi cháu vì vợ mới của chồng chị không chịu sinh em bé. Áp lực công việc chưa đủ, áp lực từ con gái, từ nhà chồng, chị không biết phải làm sao.

Tôi lắng nghe câu chuyện của chị, lòng rối bời. Nếu tôi là chị, tôi phải gỡ rối như nào. Nếu tôi là chị, tôi phải bắt đầu từ đâu. Thật sự với một đứa chỉ vài mối tình vắt vai làm kinh nghiệm sống, tôi chỉ có thể động viên chị, vì con bé, vì tương lai mà ngày xưa chị đã kể cho tôi nghe. Tôi vào phòng ngủ mang ra một chiếc điện thoại SamSung nắp gập, món điện thoại tôi dùng năm lớp 10 đưa cho chị. Bảo chị mang về để con bé xài. Cũng chỉ nghe gọi thôi, nhưng dù sao vẫn có cái để 2 mẹ con liên lạc với nhau. Tôi tiễn chị về trong một trạng thái rối bời. Trách do tôi quá lo chuyện bao đồng, mỗi lần chị có chuyện là ngần đấy lần lòng tôi nặng trĩu.

Một tuần sau, tôi lúc đó đang trong phòng họp thì chị gọi đến. Linh cảm bảo tôi có chuyện gì không hay, nhưng tôi đành kệ, tan họp rồi tôi gọi lại chị sau. Mãi hơn 12h trưa cuộc họp mới tan, tôi uể oải đi về bàn làm việc, chưa kịp mở máy tính cá nhân thì điện thoại lại réo lên những hồi chuông vội vã. Lại là chị, tôi vừa nhấc máy thì đầu bên kia đã vang lên tiếng khóc ngắt quãng của chị.

- Em nghe này, có chuyện gì chị từ từ nói

Bên kia vẫn vang lên tiếng khóc nức nở của chị. Mãi một hồi sau tiếng khóc mới ngừng và chị bắt đầu nghẹn ngào

- Bé Thi đòi về với bố. Chị lỡ tay tát nó, nó bỏ nhà đi rồi em ơi.

- Chị bình tĩnh, chắc nó đi qua nhà bạn hay đâu đó thôi. Chị gọi vào điện thoại của nó xem như nào.

- Chị gọi nhưng nó không nghe máy.

- Từ từ, chắc nó đi đâu đấy cho khuây khỏa thôi. Tối nó lại về thôi. Chị đừng lo quá.

Tôi an ủi động viên chị một hồi rồi hứa với chị tan làm tôi sẽ qua chỗ chị xem như nào. Từ lúc nhận điện thoại của chị đến lúc tan làm, tôi thật sự chả có chút tập trung nào cả. Đầu cứ miên mang suy nghĩ về chị, về con bé, về cái sự tại sao tôi mãi lo chuyện bao đồng như vậy.

Tan làm tôi dong ngay xe qua nhà chị. Căn nhà cấp 4 sập xệ được chị thuê lại cách đây 3 năm. Tuy nói là nhà nhưng thực ra nó cũng chả lớn hơn phòng khách nhà tôi là bao. Nhìn ngoài có hơi tệ nhưng bên trong được chị chăm chút lau dọn nên khá ngăn nắp và sạch sẽ. Lúc tôi đi vào thì chị vẫn nằm trên sofa, tay nắm chặt điện thoại, còn mắt khép hờ có lẽ do chị đã quá mệt.

- Chị đã ăn uống gì chưa đấy? Tôi thả túi xách xuống rồi qua chỗ chị.

- Chị không buồn ăn gì đâu em ơi. Chị gọi mà nó không nghe máy. Nó muốn chị sống không bằng chết đây mà.

- Chị đừng bi quan như thế. Để em gọi cho nó thử. Rồi thử gọi giáo viên chủ nhiệm, hỏi con bé hay đi chơi với ai.

Tôi lấy điện thoại ra và gọi số bé Thi. Kết quả không khác gì mấy, chuông reo nhưng không nghe máy. Tôi đành lấy số điện thoại giáo viên chủ nhiệm của con bé để hỏi xem con bé hay đi chơi với bạn nào, rồi hỏi xin số điện thoại của phụ huynh em đó. Đang gọi thì con bé lững thững đi vào.

- Con đi đâu bây giờ mới về? Sao mẹ gọi con không nghe máy? Con có còn nhớ mẹ là mẹ của con không hả? Tôi cố níu chị lại khi chị cố nhảy bổ về phía con bé.

Nó im lặng, không buồn trả lời, cứ thế mà đi về phòng rồi đóng sầm cửa lại. Tôi cực kì khó chịu nhưng cũng không thể lên tiếng vì đó là chuyện riêng của mẹ con chị. Tôi chưa kịp đỡ chị nằm xuống thì chị đã vùng khỏi tay tôi, lao đến phòng ngủ mà đập cửa.

- Con ra đây nói chuyện với mẹ. Ai dạy con cái thái độ như vậy đấy hả? Con mở cửa ra nói chuyện với mẹ nhanh.

Cửa vẫn im lặng, căn nhà chỉ vang lên tiếng khóc nức nở của chị. Tôi đứng đó, cũng chỉ biết nhìn chị mà không thể giúp được gì.

Mãi một lúc sau, con bé mở cửa đi ra ngoài để tiếp chuyện mẹ nó. Tôi đứng đấy nghe nó nói từng câu như cứa vào lòng của người mẹ. Mang nặng đẻ đâu chỉ đổi lại là những lời oán trách.

- Con về nội với bố. Bà nói sẽ mua điện thoại xịn cho con, mua cho con xe để con đi học chứ không phải đi xe đạp hay đi con xe cùi của mẹ nữa. Về nội không ai biết mẹ con đi dọn dẹp phòng cho người ta, không ai cười con vì mẹ nữa.

Tôi không thể đứng ngoài câu chuyện nữa,

- Thi, con có thể muốn về với ông bà, với bố và mẹ mới. Nhưng con không được phép nói về mẹ con như thế. Mẹ con nuôi con từ lúc con còn bé cho đến bây giờ không phải là chuyện dễ dàng. Con đừng làm mẹ con buồn như thế. Con xin lỗi mẹ đi.

- Cô không phải là mẹ con, cô sống sung sướng từ bé cô không hiểu được nên cô không có quyền lên tiếng.

- Cô không phải là mẹ con nên cô không nói con sai hay đúng. Nhưng mẹ con đã vất vả như thế nào thì cô biết, mẹ con vất vả vì con ra sao thì cô chứng kiến được hết và con đang tự biến mình thành một đứa trẻ hư. Con đừng làm mẹ buồn nữa.

- Cô thì biết cái gì. Nếu không nhờ cô giúp thì mẹ con con đâu ở đây, mẹ con con ở nhà nội, với ông bà với bố chứ không phải con ở đây mang tiếng là thứ không có bố. Nhờ ơn cô nên mẹ con mới có việc làm, lau dọn cho người ta, để con được đám bạn trêu vì mẹ con làm buồng phòng.

Tôi như chết lặng vì câu nói của con bé. Tôi im lặng. Tôi còn không biết mình đã sai hay đúng. Tôi giúp chị là sai? Tôi tìm giúp chị một công việc chân chính, giúp chị ổn định về kinh tế, tôi lại sai sao? Miệng đời đàm tiếu liệu quan trọng đến thế sao? Công việc nào cũng được, miễn chân chính, không cướp của người khác là được mà? Khi không có tiền thì tại sao cứ phải quan tâm người ta nghĩ gì về mình cơ chứ? Công nhân viên chức cũng đi làm thuê cho người ta ngày 8 tiếng cuối tháng nhận lương, buồng phòng cũng ngày 8 tiếng cuối tháng nhận lương, tại sao lại chê cười mỗi buồng phòng. Ai cũng đi làm thuê hết cả mà?.....

 

Tôi biết giúp ngươì trong lúc hoạn nạn là không sai. Tôi cũng biết, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chuyện gia đình chị cũng không đến lượt tôi quản. Nhưng, cho tôi hỏi công việc tôi tìm giúp chị là sai hay sao? Với một phụ nữ không có trình độ, công việc như thế là thấp hèn hay gì? Tại sao số ít người vẫn nhìn nhận công việc đó là hèn mọn? Trong khi nó không hề có gì sai lầm cả? Không phạm pháp cũng không vi phạm thuần phong mĩ tục. Là nhận thức của các cháu chưa đủ sâu hay do người lớn dạy chưa đủ đúng?...

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Tags:
CUỘC GẶP GỠ TÌNH CỜ - CÂU CHUYỆN BUỒN CỦA MỘT HOUSEKEEPER
4.2 (712 đánh giá)
KIẾM TIẾN VỚI HOTELJOB.VN